VÀI Ý KIẾN NHỎ VỀ PHÊ BÌNH THƠ

Ngày đăng: 10/04/2023 10:55:38 Chiều/ ý kiến phản hồi (1)
  1. HÃY ĐIỀM ĐẠM KHI KHEN CHÊ! 

Có một nhà thơ lâu năm, viết nhiều. Tôi tạm gọi là vậy chứ không dám gọi họ là nhà thơ “lớn” hay nhỏ. Điều đó cần thời gian sàng lọc và tùy thuộc vào độc giả. Nhà thơ nọ nói rằng: – Bây giờ nhà thơ nhiều quá! Ai cũng làm thơ được, ai cũng in thơ được.

Tôi nghĩ: Nếu được vậy là điều đáng mừng chứ đâu phải đáng lo mà thốt lên có vẻ đầy hoảng hốt vậy! Làm thơ được chứng tỏ trước hết là người biết chữ, là người có tâm hồn, có cảm xúc và dĩ nhiên ít nhiều có năng khiếu. Nhu cầu giải tỏa cảm xúc, nhu cầu giải bày là nhu cầu chính đáng. Thời 1945 có 95% dân số nước ta mù chữ. Bây giờ nhiều người biết chữ là dấu hiệu đáng mừng. Viết được là điều rất đáng khích lệ.

Còn diễn đàn thơ văn đâu phải là mâm cỗ mà sợ nhiều người qúa ăn hết phần của mình đi. Quan niệm “ít ngài dài đũa” không có trên văn đàn chữ nghĩa. Ai viết, cứ để họ viết, không ai có quyền cấm họ cả.

  1. ĐỪNG HIẾP ĐÁP CẢM XÚC

Như chúng ta đã biết, viết đôi khi chỉ là giải tỏa cảm xúc, viết vì đam mê, viết vì sự thôi thúc ở bên trong, chứ không phải viết để kiếm danh lại càng không phải viết để kiếm tiền, kiếm sống. Viết vì họ còn cảm thấy có trách nhiệm của người cầm bút đối với cuộc đời.

Khi cần phản ánh cuộc sống, lưu lại cảm xúc của họ và gửi gắm tư tưởng tình cảm đến với bạn đọc, hướng tới vẻ đẹp chân thiện mỹ. (Số sống được nhờ nghề viết rất ít, đếm trên đầu ngón tay). Thực tế cho thấy, nhất là thời buổi này (trừ những người làm báo trong biên chế) dù gì cũng là nghề của họ. Viết cũng giống như những ngành nghề được tuyển dụng đúng mục đích công việc. Và họ được trả lương. Nhưng cũng không phải thích gì viết nấy. Hiện nay, có một số người viết (nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình,…tự xưng hay bạn đọc, bạn viết mến mộ đặt cho). Nước sông không phạm nước giếng thì ai viết cứ viết. Mỗi người đều có một góc nhìn, chiều sâu trí tuệ, tư duy thẫm mỹ và cảm quan nghệ thuật khác nhau. Tất cả những đóng góp của họ cung cấp nhiều nội dung, nhiều thể loại, tạo nên sự phong phú đa dạng. Họ cống hiến cho bạn đọc một cách tự nguyện và hoàn toàn miễn phí trên fb hay trên các trang Web VHNT, baó điện tử,v..v.

Mỗi người một phong cách. Có người xoáy vào thời sự nóng hổi, có người luôn tả phong, hoa, tuyết, nguyệt (dạng ngâm ngợi này ngày càng ít đi vì bạn đọc không mấy mặn mà) có người chọn lối vào trữ tình, v.v. Người có vốn Hán Việt nhiều, hay dùng điển tích điển cố hướng đến sự hàn lâm. Loại này kén độc giả. Cũng có người ưa khác lạ, dùng từ đánh đố người đọc, ma mị, rất“cõi trên” đọc lên chẳng ai hiểu gì cả. Nhiều tác giả văn phong bình dị dễ đi vào lòng người. Với họ, càng hướng đến sự hiện đại bao nhiêu thì cần đơn giản bấy nhiêu. Họ sử dụng ngôn ngữ thông thường, đẫm hơi thở của cuộc sông, dung dị, dễ hiểu. đối tượng phục vụ của họ là đaị đa số công chúng. Đó là mục đích hướng đến của người viết. Khi đã chọn là viết cho ai, viết với mục đích gì!  Và tác giả nào càng được nhiều công chúng biết đến càng dễ đi đến thành công.

Tôi rất tâm đắc với câu thơ của nhà thơ, nhà giáo Mai văn Hoan, có thể xem đây như một tuyên ngôn của ông: “Cứ nói điều gan ruột Hay dở có thời gian”

Bởi vậy viết lách đôi khi như là một cái nợ trời đày, nghiệp đa mang. Ai cũng biết chốn này lắm chông gai, không nhàn nhã, ai dại gì mà đâm đầu vào nếu không bị “trời đày”.  Thi sĩ Nguyễn Bính cũng xem nghiệp làm thơ là trời bắt:

“Mình tôi giời bắt làm thi sĩ
Mẹ mất khi chưa kịp bạc đầu”  ( Hoa với rượu- Nguyễn Bính) 

Nữ thi sỹ Lệ Khánh cũng bảo: Làm thi sỹ là do “thượng đế đày”.

“Vì Thượng Đế đày tôi làm Thi-Sĩ
Nên tâm tình trào ngọn bút thành thơ
Dâng riêng anh anh nhận lấy, hững hờ
Tôi hổ thẹn bực mình đem đăng báo”   (Em là Gái trời bắt xấu- Lệ Khánh) 

Cũng nhờ“nợ trời đày”mà các thi nhân đã để lại cho đời những áng thơ tuyệt tác, mà lúc sinh thời chưa hẳn đã được hiểu đúng giá trị của những áng thơ hay, còn mãi với thời gian.

Trên fb, mỗi người có một trang cá nhân. có thể coi là “nhà” của họ. Ở đó họ chia sẻ tâm tư tình cảm, bộc lộ vui buồn và thể hiện cá tính. Bạn phây (fb friends) nếu hợp, thích thì đọc, không thích thì lướt qua. Nếu không hợp gu có thể rời đi. Bởi vì “bách nhân là bách tính”. Thích hay không còn phụ thuộc vào cảm quan, gu thẫm mỹ, tùy vào khả năng đọc hiểu văn bản. Khả năng cảm thụ thẫm thấu,…của mỗi người cũng khác nhau. Do đó có sự khen chê khác nhau. Bài viết (văn hay thơ) có thể hay với người này nhưng chưa hay với người khác tùy vào tâm trạng, hoàn cảnh nữa. Có thể hôm nay đọc chưa thấy hay, thời gian sau đọc lại kỹ hơn mới thấy thú vị. Có thể ở thời điểm hiện tại đọc rất thích nhưng bẵng đi một vài năm sau đọc lại thấy không hay nữa.

Dù thế nào đi nữa, mình thích hay không thì khi khen chê cần tế nhị. Nếu góp ý có tính xây dựng chứ đừng hiếp đáp cảm xúc của người ta. Có người đọc xong phang một câu:

Thơ không có vần điệu hoặc – Thơ không có chất thơ 

Tôi hỏi: Theo anh thơ cần phải có chất thơ là như thế nào?

Người đó trả lời: – Thơ là thơ thôi!

Cách trả lời như không trả lời. Rất chung chung vô thưởng, vô phạt. (người nghe có thể hồ nghi  bạn không đủ kiến thức,… để trả lời)

Khi góp ý không chỉ ra được cái hay, cái chưa hay cho người ta thì không có sức thuyết phục. Và khi góp ý, cần đúng lúc, đúng nơi. Có ý tôt, góp ý xây dựng thì người nghe sẽ tiếp thu, sẽ tôn trọng và cố gắng khắc phục. Còn phang kiểu ta đây giỏi hơn, cho bàn dân thiên hạ thấy thì chẳng khác nào tạt vào mặt họ gáo nước lạnh làm cụt hứng là hiếp đáp cảm xúc. Và nên tự hỏi lại mình có cái quyền ấy không? Mà chắc gì lời bạn nói đã đúng, người làm thơ đó chắc gì đã sai nên đừng chủ quan theo ý mình. Chuyện phán xét hay dở theo cảm tính cần phải khách quan, đừng mang tính chê bai dè bỉu xem như một thú “dìm hàng”, là một thói xấu nhằm hạ thấp người khác nhằm mục đích gì? Đè người khác xuống, mình có nổi lên được không?

  1. “TRƯỜNG VĂN TRẬN BÚT” LÀ CÓ THẬT

Vừa qua tôi có đọc một vài bài viết của các người viết với nhau (họ là nhà văn, nhà thơ viết lâu năm) thì buồn vô hạn. Người viết này chê người viết khác. Có người thấy đọc chưa xuôi tai, (ví dụ vậy)  nên phang thẳng quá, góp ý trực diện quá!  Sau khi nghe chê bạn mình nên người viết nọ đã ra tay “nghĩa hiệp” kiểu “giữa đường thấy việc bất bình chẳng tha” viết bài chửi lại thậm tệ với ngôn ngữ có những câu rất nặng nề (nếu không muốn nói nghe mùi chợ búa và có phần mất vệ sinh). ”. Có người bị chê cũng tức tối quá nhảy dựng lên viết bài chửi lại.

Kiến nghị: Đừng biến tranh luận thành tranh cãi, và cãi cùn. Nếu đủ sức hãy tranh luận văn minh, lịch sự và thuyết phục.

Có tác giả nọ sau khi viết được vài đầu sách, hay dở chưa bàn đến nhưng thấy giọng văn trẻ, trong sách có câu rằng nói rằng: Hiện nay có nhiều người tự viết, tự bỏ tiền ra in thơ, in sách kiểu “lấy sách đè người”, nào là lạm phát thơ,… (vận dụng thành ngữ “thấy thịt đè người để tăng tính hài hước). Tuy nhiên nói vậy cũng mang tính chủ quan của góc nhìn hạn hẹp. Có gì sai?

Tự viết, thì đúng rồi, không lẽ viết chung hay là viết phác thảo rồi mang đi nhờ đàn anh, tổ chức hội nhóm nào sửa cho. Còn tự in (tức là bỏ tiền túi ra để xin cấp phép xuất bản và in ấn) thì tốt mà! Có sao đâu để lưu lại những trang viết của họ, ít ra cũng không tốn tiền thuế của dân, không phải mở miệng đi xin kinh phí.

Mà đừng coi thường những người tự viết tự in nhé! Cũng có người bán được sách nhờ độc giả ủng hộ, bù lại được mà còn dư để tiếp tục nuôi dưỡng đam mê cho xuất bản những tác phẩm khác.

Gần đây, có người viết bài đăng trên diễn đàn báo chí rằng: “Muốn làm thơ, viết văn chí ít cũng nên gia nhập môt tổ chức, hội thơ văn uy tín nào đó. Vậy là một ý chủ quan nữa. Tôi không nghĩ vậy và cũng có nhiều người viết chân chính không nghĩ vậy. (Qua thăm dò ý kiến của nhiều người trong giới cầm bút). Bởi vì chiếc áo đâu có làm nên thầy tu. Không phải cứ có mặt trong hội này nhóm nọ là viết hay đâu. Đi chung với nhà thơ, để rồi bỗng chốc mình trở thành nhà thơ, sinh hoạt với nhà văn để mình trở thành nhà văn là điều không thể. Phải viết được thì mới vô hội, nhóm chứ không phải vô hội, nhóm rồi mới viết được. Ý kiến trên hơi bị ngươc rồi! Kể ra thì vô hội này, hội nọ, thêm bạn, thêm vui, cà phê giao lưu chém gió cũng ok (nếu có thời gian). Người viết đa số rất quý thời gian. Nhưng đâu dễ, tôi nghe kể có người xin 17 lần, nhưng anh bạn khác kể là ổng xin19 lần (tức là19 năm) mà không được! Thật là tha thiết quá đi! Nhưng có lẽ anh chưa đáp ứng tiêu chí của hội, nhóm chăng? Giấc mơ anh đành gửi lại trước cánh cửa đóng chặt. Khi về lại nơi chôn nhau cắt rốn để an hưởng tuổi già mới vô hội, vô hè khi tuổi xấp xỉ 80 ở tỉnh, khác với nơi thường trú.

Tóm lại muốn viết lách, phải có thật lực. Năng khiếu và rèn luyện. Dĩ nhiên môi trường sinh hoạt có đem đến cho người viết những thuận lợi nhất định nhưng thật lực là cơ bản, vẫn cứ phải dựa vào bản thân là chính. Trên thế giới, hay trong nước không có một trường lớp nào có thể dạy làm thơ hay viết văn để trở thành nhà văn lớn hay thơ lớn cả.

Thậm chí có những giải thường công bố xong thì hứng gạch đá không ít rồi đi vào quên lãng.

Chính vì vậy, thơ dở tự nó sẽ chết, mọi người yên tâm, đừng lo thơ nhiều. Cứ để họ giải bày cảm xúc. Đó là quyền của mỗi người không ai có thể cấm đoán hay mạt sát, dè bỉu. Độc giả cho thơ sống thì thơ sống, độc giả quay lưng thì thơ chết chứ không một tác giả nào có quyền ấy với đồng nghiệp mình cả.

Nhân đọc một vài bài viết trong thời gian gần đây của giới viết lách, tôi xin góp đôi lời thiển cận. Là góc nhìn của cá nhân tôi- một người viết (thích thì viết) không phải nhà văn, nhà thơ gì cả.

Sài Gòn, ngày 31/3/2023

Hoàng Thị Bích Hà

 

Có 1 bình luận về VÀI Ý KIẾN NHỎ VỀ PHÊ BÌNH THƠ

  1. Bacsi Suu nói:

    Bài viết hay quá!
    Các tiêu đề nêu lên như “Hãy điềm đạm khi khen chê”, “Đừng hiếp đáp cảm xúc”, và “Trường văn trận bút là có thật” thể hiện suy nghĩ của người viết, đều đúng với tình hình đang diễn ra trong “làng thơ”, không phải chỉ ngày nay, mà đã có từ lâu rồi khi “phong trào thơ” phát triển mạnh trên văn-thi đàn của chúng ta!
    Tuy nhiên, bộ môn nghệ thuật nào, dầu tiến triển tới đâu, cũng phải biết “lắng nghe” những lời phê bình nghệ thuật. Vì vậy, vẫn phải chấp nhận có “trường văn trận bút”, nhờ đó “nghệ thuật thơ” mới có nhiều điều kiện để phát triển tốt hơn, làng thơ mới có nhiều bài thơ hay hơn, và nhiều “nhà thơ” bớt ảo tưởng đi, dám “tự soi rọi mình” một cách đúng đắn hơn và chấp nhận “bị” người khác đánh giá! Do đó tôi nghĩ nên chấp nhận tranh luận và phê bình thơ. Tuy nhiên, cũng như “kiến nghị” của người viết: “Đừng biến tranh luận thành tranh cãi, và cãi cùn. Nếu đủ sức hãy tranh luận văn minh, lịch sự và thuyết phục”, người tham gia tranh luận và phê bình thơ phải có đủ trình độ và thể hiện được tư cách để thuyết phục người khác!
    Tôi nghĩ một trong những lý do khiến người mình chậm tiến bộ vì cứ ảo tưởng mình là “nhất” và không “ngửi” được giọng điệu người khác phê bình mình!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác