NỤ HÔN VÀ NHỮNG CÁI ÔM

Ngày đăng: 23/04/2023 04:20:41 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Thế giới mênh mông những điều kỳ thú, một số thuộc nền văn hóa, số khác là sự tiến bộ của khoa học, hoặc cơ bản nó có sẵn từ triệu năm hình thành. Dân gian ta có câu “đi một ngày đàng học một sàng khôn”, đôi khi không hẳn khôn ra, nhưng có thể thấy nhiều điều mới lạ. Một sự đúc kết tuyệt vời từ những đôi hia vạn dặm, những đôi mắt thấu cảm thân phận con người, cả chìm đắm vào vẻ đẹp huyền ảo của thiên nhiên.

Tôi may mắn được xỏ chân vào đôi hia đó vài lần. Tôi mài cho những chuyến đi phượt vào đời sống con người nhiều hơn là dạo cảnh xem hoa. Nên bài viết này đơn thuần chỉ nói về ngôn ngữ yêu thương. Một chút sẻ chia từ những nụ hôn, cái ôm xã giao đến xiết chặt. Dấu chỉ đó chắc chắn không thường ở Châu Á, nhất là Hong Kong, nơi con người luôn giấu nhẹm cảm xúc, gồng gánh những mặc định lễ giáo đến đóng khung bung xõa tình người. Thứ có nhiều nhất trong cơ thể chúng ta là những nơ ron thần kinh giao cảm, chúng đã không được giải phóng một cách tích cực như nó nên thế.

Tác Giả Lệ Hồng

Thế nên, vượt nửa vòng trái đất đến trời Âu để biết sự giao thoa có ý nghĩa thế nào trong từng cái ôm kỳ diệu.

Đến Châu Âu là đến với sự hào phóng về chạm thuần khiết giữa hai con người. Dù thân thiết hay xa lạ, khi gặp nhau họ đều trao cho đối phương ba cái hôn áp má. Đặc biệt với người lớn tuổi hơn, thì luôn được khuyến mãi thêm cái ôm mến thương kèm tiếng cười sảng khoái.

Tôi không giải mã về văn hóa ôm hôn đó, tôi chỉ theo dấu hiệu cảm xúc của bản thân qua những người bạn mình từng quen, và tình cờ gặp trên đường. Đôi lần xã giao tìm hiểu lịch sử địa lý, cả khi được mời vào nhà họ ngồi nghỉ khi cơn mưa bất chợt. Và rồi cảm ơn chào nhau ra về lại được tặng những cái ôm trìu mến.

Tôi không nhớ mình đã ôm hôn bao nhiêu người và ngược lại. Mỗi nơi mỗi nước tôi đến có bản sắc văn hóa khác nhau, nên phần cảm xúc từ môi trường sống hoàn cảnh đó cũng lắm vui buồn.

Ví như ở Thụy Sĩ, người già cô đơn rất nhiều, tỷ lệ ly hôn cực cao. Có thể vì đãi ngộ bảo hiểm xã hội, y tế ở mức cao nhất thế giới nên người ta không ngại chia tay nhau khi chẳng còn nồng ấm. Có lẽ họ không ngại chết đói khi phải sống một mình, nhà nước lo, chỉ ngại chết buồn không ai lo. Đặc biệt phụ nữ luôn là số đông người đệ đơn lên tòa, giải phóng sự ràng buộc. Và đàn ông là số nhiều để lại thư tuyệt mệnh vì quá cô đơn.

Họ cần lắm những cái ôm!

Có lần chúng tôi đến thăm một người bạn, ông sống trên đồi, nơi vùng đất mênh mông đẹp vô cùng. Trên là núi băng tuyết, dưới hồ nước trong xanh, thế nhưng nó vẫn không lấy bớt đi nỗi buồn quạnh quẽ, một mình!

Sau khi tất cả chúng tôi làm thủ tục mến thương ríu rít ôm nhau, ông bảo cho cụng môi một cái lấy hên, chiều nay ông sẽ mua vé số. Ở đó vé không xổ như ở nước ta, nó định kỳ và chỉ một người trúng. Ok! Tôi cười bảo nhớ chia nha you, thế là hai tên cụng cốp. Lát sau, ông ngoắc anh tôi, bạn của ông, bảo cụng lấy hên đúp, anh cũng ghé môi cụng luôn. Tôi nhìn ánh mắt ông rợp ngời niềm vui, có vẻ quanh ông có hơi người, có tiếng nói cười, và ông chỉ muốn được ôm hôn, mặc kệ đó là ai.

Giao tiếp này không phải va chạm nhục dục! Nó như liệu pháp hơi ấm sẻ chia, ta không mất gì khi thấy họ hạnh phúc. Tại sao không khi ai đó cần được ôm hôn vô tư, một trạng thái vỗ về nhẹ bẫng.

Ở Ý hoặc Tây Ban Nha thì có vẻ ngược lại, văn hóa ba thế hệ sống chung rất mạnh mẽ, người già ở đây không cô đơn. Họ ôm hôn nhau vì niềm vui đón khách nhiệt tình, buồn vui đều thể hiện sự thấu hiểu lên những cái chạm đầy tình người.

Lý trí điều khiển mặt cảm xúc hay trái tim? Chỉ có mỗi người chúng ta quyết định dùng bộ máy nào để thể hiện. Không có tốt hơn hay xấu hơn, chỉ có được nhiều hay ít. Trái tim ta sẽ ấm nóng khi trao cho ai đó chút tình yêu, luồng máu được vận hành chảy tràn từ não xuống khắp cơ thể, chỉ làm cho trái tim ta hoạt động tốt hơn thôi.

Tôi nghĩ thế và không ngại trao yêu thương qua những vùng miền mình đến, con người mình gặp.

Lệ Hồng

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác