ĐaKao – VÙNG ĐẤT LÂU ĐỜI CỦA SÀI GÒN (Bài 1)

Ngày đăng: 4/04/2023 12:11:10 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Vùng Đakao thuộc Quận 1của thủ đô Sài Gòn. Trong thời Pháp thuộc, vùng nầy có tên là Đất Hộ. Tuy hiện nay chưa có những tài liệu nghiên cứu nghiêm chỉnh và có hệ thống về lịch sử của vùng đất nầy khiến ta không rõ về nguồn gốc của địa danh nhưng có thể khẳng định đây là một trong những vùng đất được khai thác từ lâu đời nhất của Saigon, có lẻ đã trên một trăm năm.

Một bằng chứng cụ thể là Chùa Ngọc Hoàng, ở đường Phạm Đăng Hưng, theo sách “Saigon Năm Xưa” của cố học giả Vương Hồng Sển, nguyên Giám Đốc Viện Bảo Tàng Saigon, đã được xây cất từ năm 1905. Điều nầy có thể giải thích phần nào do vị trí nằm sát Rạch Thị Nghè, một nhánh của Sông Saigon, một trục giao thông quan trọng, nhất là trong giai đoạn mới bắt đầu khai thác của thực dân Pháp. Với vị thế là một vùng đất xưa, Đakao đã có đời sống văn hóa khá đậm nét về nhiều mặt. Điều đặc biệt cần lưu ý là khu Đakao, so với phần lớn những khu vực khác trong thành phố Saigon, có mật độ rất cao về cơ sở văn hóa.

Các Cơ Sở Giáo Dục

Trước hết xin nói về các cơ sở của Bộ Giáo Dục. Hầu hết các bộ phận đầu não đều tọa lạc trong khu Đakao. Trụ sở của Bộ Giáo Dục, với các bộ phận trực thuộc như Nha Du Học, Nha Kế Hoạch, đều nằm tại khu vực ngả tư Lê Thánh Tôn và Hai Bà Trưng. Hai bộ phận khác cũng rất quan trọng là Tổng Nha Trung, Tiểu Học và Bình Dân Giáo Dục, và Nha Khảo Thí đều tọa lạc tại đường Nguyễn Bĩnh Khiêm, đối diện với Sở Thú. Nha Kỹ Thuật và Mỹ Thuật Học Vụ thì được đặt tại đường Mạc Đĩnh Chi, đối diện với Nha Khí Tượng. Ty Tiểu Học Saigon thì nằm trong khuôn viên của Trường Nữ Tiểu Học Đakao, trên đường Phan Đình Phùng, đối diện với Phòng Thí Nghiệm Vi Trùng Học. Về các trường đại học, sau cuộc đão chánh 1-11-1963, thành Cộng Hòa, nơi đồn trú của Lữ Đoàn Phòng Vệ Phủ Tổng Thống, đã được biến thành trụ sở của hai trường Văn Khoa và Dược Khoa. Về sau Trường Nông Lâm Súc cũng được đưa về đây luôn. Hai Trường Luật Khoa, nằm trên đường Duy Tân, và Kiến Trúc, nằm gần ngả tư Duy Tân và Phan Đình Phùng, cũng như trụ sở của Viện Đại Học Saigon, nằm ngay tại Công Trường Chiến Sĩ (bây giờ dân chúng Saigon thường gọi là Hồ Con Rùa), bên cạnh trường Luật Khoa, cũng có thể xem là thuộc khu Đakao. Về các trường trung học công lập, thì phải kể ngay đến trường nam Võ Trường Toản, và trường nữ Trưng Vương, nằm ngay bên cạnh Tổng Nha Trung, Tiểu Học và Bình Dân Giáo Dục. Trong thời Pháp thuộc, tại địa điểm nầy là Ecole Normale (Trường Sư Phạm) đào tạo giáo viên tiểu học cho cả Nam Kỳ. Cả hai trường Võ Trường Toản và Trưng Vương đều là trường trung học đệ nhị cấp (bây giờ là trường phổ thông cấp ba), dạy đến lớp đệ nhứt, tức là lớp đi thi bằng cấp Tú Tài II. Ngoài ra, tại đường Hồng Thập Tự, ngó ngay ra ngả ba với đường Phùng Khắc Khoan, từ thập niên 60 trở đi, ta còn thấy có trường Trung Học Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ. Trường nầy chỉ là trường trung học đệ nhất cấp mà thôi. Về các trường trung học tư thục, thì khu Đakao tập trung phần lớn các trường nổi tiếng của Saigon. Vào đầu thập niên 50, khi chương trình Pháp vẩn còn được giảng dạy song song với chương trình Việt, thì phải kể đến hai trường quan trọng là trường Vương Gia Cần, nằm trong một biệt thự có lầu ở đường Phan Thanh Giản, đối diện với ngả ba Phan Kế Bính, và trường Les Lauriers, ở đường Mạc Đĩnh Chi, giữa ngả ba Phan Thanh Giản và ngả tư Tự Đức, sau dời về đường Đinh Công Tráng, gần ngả ba Lý Trần Quán, và đổi tên là trường Tân Thịnh. Các trường dạy chuyên về chương trình Việt thì quan trọng nhứt phải kể đến trường Huỳnh Khương Ninh, nằm trên đường D’Ariès, gần đầu ngả ba với đường Paulin Vial. Trường nầy có từ rất lâu đời, gồm một dãy nhà hai tầng khang trang, dạy cả tiểu học và trung học, điều hành bởi một ban giám đốc và giảng huấn có khả năng, tận tâm và yêu nghề, và đặc biệt là có tinh thần yêu nước cao. Chính vì thế, trong thời Pháp thuộc, trường nầy đã là mục tiêu theo dõi thường xuyên của mật thám Pháp. Kế đến là các trường Huỳnh Thị Ngà, ở đường Trần Nhật Duật, và trường Việt Nam Học Đường, ở cuối đường Đặng Tất. Sau thập niên 60, thì có thêm hai trường là trường Văn Hiến, ở đường Trần Quang Khải, gần rạp chớp bóng Văn Hoa, và trường Tân Thanh, ở đường Trần Quý Khoách, sau lưng trường Việt Nam Học Đường. Một trường trung học tư thục nữa ở Đakao là trường Đông Tây Học Đường, nằm ở đường Hai Bà Trưng, đối diện với ngả ba đường Tự Đức. Trường nầy chỉ sống được mấy năm vì ít học sinh và vì kết quả giáo dục tương đối kém nên không cạnh tranh nổi với các trường tư thục khác trong vùng. Ngoài ra cũng phải kể đến trường chuyên dạy Anh ngữ đầu tiên của Saigon là Trường Anh ngữ Trần Gia Độ, nằm trên đường Phạm Đăng Hưng, gần chùa Ngọc Hoàng (về sau là địa điểm của Vỏ đường Nhu đạo của Thượng Tọa Thích Tâm Giác). Tất cả các trường trung học tư thục nầy, dù nhiều dù ít, đều đã có những đóng góp quan trọng vào việc giáo dục thanh thiếu niên ở cấp trung học trong một thời gian dài, nhất là trong thập niên 50 (trước 1954) vì lúc đó tại Saigon chỉ có một trường trung học công lập duy nhất là Lycée Pétrus Trương Vĩnh Ký ở mải tận trong khu Nancy, gần Chợ Lớn. Tất cả học sinh Saigon, sau khi thi đậu bằng Tiểu Học, đều phải trải qua kỳ thi tuyển vào trường Pétrus Ký. Năm 1953 khi tôi tham dự kỳ thi tuyển nầy, trường Pétrus Ký chỉ lấy vào 550 học sinh cho 10 lớp Đệ Thất. Những học sinh rớt kỳ thi tuyển nầy không còn cách nào khác hơn là phải theo học tại các trường trung học tư thục. Về các trường tiểu học công lập, khu Đakao có hai trường, trường nam nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng, giữa hai đường Tự Đức và Nguyễn Thành Ý, và trường nữ, nằm trên đường Phan Đình Phùng, cùng một địa điểm với Ty Tiểu Học Saigon. Tôi theo học trường nam suốt bậc tiểu học, cho đến khi thi đậu vào trường Trung Học Pétrus Trương Vĩnh Ký, nên đã có rất nhiều kỹ niệm với ngôi trường nầy. Tôi xin mở dấu ngoặc ở đây để nói thêm vài điều về giáo dục tiểu học và ngôi trường nầy. Chương trình giáo dục tiểu học lúc đó đã được chuyển ngữ, dùng tiếng Việt giảng dạy, nhưng vẩn còn phải học môn Pháp văn. Tên gọi của các cấp lớp đều dùng cả hai ngôn ngữ: Lớp Năm (nôm na gọi là Lớp Chót) – Cours Enfantin, Lớp Tư – Cours Préparatoire, Lớp Ba – Cours Élementaire, Lớp Nhì – Cours Moyen, Lớp Nhứt – Cours Supérieur, và Lớp Tiếp Liên – Cours Certifié. Về thi cử, hết Lớp Ba thì phải qua một kỳ thi lấy văn bằng Sơ Đẳng Tiểu Học, đậu thì mới được lên Lớp Nhì. Hết Lớp Nhứt thì phải đi thi lấy văn bằng Tiểu Học. Đậu bằng Tiểu Học rồi thì mới được làm đơn xin dự kỳ thi tuyển vào Lớp Đệ Thất của trường Trung Học Pétrus Ký. Những người thi rớt kỳ thi tuyển nầy, muốn năm sau thi lại, thì xin vào học Lớp Tiếp Liên. Trong thời gian tôi theo học, trường nam Tiểu Học Đakao có 2 lớp cho mổi cấp, trừ cấp Tiếp Liên chỉ có một lớp thôi. Xin đóng dấu ngoặc lại ở đây. Về các trường tiểu học tư thục, khu Đakao có rất nhiều cơ sở như thế nhưng tôi không còn nhớ được hết, nên chỉ xin kể ra đây những trường tôi còn nhớ được. Trường đầu tiên tôi muốn nói đến là trường Quốc Học, không phải vì nó là trường lớn nhứt hay quan trọng nhứt mà chỉ vì đó là ngôi trường tôi theo học đầu tiên trong đời. Đó là cuối năm 1947, tôi mới được 6 tuổi, mẹ tôi đóng tiền cho tôi vào học Lớp Chót tại trường nầy để chuẩn bị cho tôi năm sau sẽ xin vào trường Tiểu Học Đakao. Ngôi trường nầy nằm ở đường Legrand de la Liraye (sau gọi là đường Phan Thanh Giản), gần ngả tư với đường Albert 1er (Đinh Tiên Hoàng), ngay đằng sau tiệm hủ tiếu của người Hoa ở ngả tư nầy. Trường nầy chỉ là mt căn phố và có 3 lớp mà thôi, mt Lớp Chót, mt Lớp Tư và mt Lớp Ba. Tôi theo học tại trường nầy độ 5 hay 6 tháng gì đó mà thôi, đủ để biết đọc, biết viết, và thuộc cữu chương. Sau trường nầy thì phải kể đến các trường nằm trên đường Paul Bert (Trần Quang Khải) mà tôi chỉ còn nhớ tên được một trường mà thôi, đó là trường Lễ Văn (chắc là đặt tên theo câu Tiên Học Lễ, Hậu Học Văn). Từ cuối thập niên 50 trở đi, mới thấy xuất hiện các trường Mẫu Giáo, và khu Đakao cũng có hai cơ sở lớn và nổi tiếng, đó là Trường Michelet, sau đổi tên là Rạng Đông, ở đường Hiền Vương, gần ngả ba Lý Trần Quán, và Trường Mạnh Mẫu, nằm trong đường Lý Trần Quán.

LÂM VĨNH THÊ

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác