DAKAO NHIỀU CƠ SỞ VĂN HÓA (Bài 3)

Ngày đăng: 4/04/2023 01:25:26 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Khu Đakao còn có nhiều cơ sở văn hóa quan trọng, Trước hết, đáng kể nhứt là Thảo Cầm Viên Saigon, tức Sở Thú. Tọa lạc trên một vùng đất rộng hàng chục mẫu, mặt tiền là đường Nguyễn Bĩnh Khiêm, một cạnh là đường Hồng Thập Tự, và mặt sau chạy dọc theo rạch Thị Nghè, Sở Thú là một trong những khu giải trí quan trọng của dân chúng Saigon, nhứt là vào ngày Chúa Nhựt. Sở Thú thời Pháp thuộc gọi là Jardin Botanique (nghĩa là vườn bách thảo), sang thời Cộng Hòa đổi ra tên Việt, gọi là Thảo Cầm Viên, nhưng đối với người dân Saigon thì truớc sau vẩn gọi là Sở Thú. Theo ý kiến riêng của tôi thì cả ba tên gọi nầy, hai tên chính thức, một tên nôm na, đều không diển tả được hết nội dung của khu vườn nầy. Tên Pháp thì hoàn toàn chỉ nói về cây cối là sai, vì trong vườn có nuôi rất nhiều loại thú khác nhau. Tên Việt chính thức cũng không hoàn toàn đúng vì chỉ nói đến cây cối và chim, bỏ ra ngoài các loài thú. Tên Việt nôm na thì chỉ nói tới thú, bỏ qua hết cây cối, bông hoa. Tuy nhiên phải công nhận một điều là tên Sở Thú có vẻ sát với thực tế nhứt, vì phần đông khách vào Sở Thú là để xem thú nhiều hơn là xem cây cối. Sau khi vào cổng chính, du khách sẽ thấy ngay trước mặt mình một con đường tráng nhựa rất rộng xe hơi có thể chạy được, chia làm hai đường, một đường để vào, một đường để ra, phần chính giữa còn khá rộng có những bồn hoa đủ màu. Ngay đầu con đường nầy, bên tay phải là Đền Thờ Quốc Tổ (đã kể ở trên), bên trái là Viện Bảo Tàng Saigon (sẽ nói đến sau). Con đường nầy chạy dài, thẳng tắp độ 200 mét thì hết, đụng vào con đường chạy dọc theo rạch Thị Nghè. Ngay tại ngả ba nầy là một sân khấu lộ thiên nhỏ, có tam cấp đi lên, hai bên viền lại bằng các giàn bông giấy đủ màu trắng, đỏ, và tím. Đây chính là nơi hòa nhạc công cộng vào các ngày lể hay Chúa Nhựt để giúp vui cho du khách. Ở vào khoảng giữa con đường lớn nầy có một ngả tư. Con đường cắt ngang, nếu ta rẽ về bên tay phải, sẽ dẩn ta vào khu trung tâm của Sở Thú, nơi có chuồng khỉ, hầm gấu, chuồng chim, két, và, đặc biệt nhất, là một hồ sen rất lớn, ở giữa có nhà thủy tạ hình bát giác có cầu gổ từ trong bờ đưa ra. Hồ sen nầy, từ thập niên 60 trở đi có nuôi nhiều cá chép Nhật Bản đủ màu rất đẹp. Rời khu vực hồ sen ta sẽ đến khu chuồng cọp, sư tử và dã nhân. Sau đó bọc vòng trở lại bờ sông thì có chuồng voi và nai. Từ bờ sông gần chuồng voi có một cây cầu lớn dẩn qua khu Thị Nghè. Chính trên cây cầu nầy đã xảy ra vụ tai nạn làm chết nhiều người trong thời gian Hội Chợ Thị Nghè trong thời Đệ Nhứt Cộng Hòa. Ngoài các loại thú, Thảo Cầm Viên cũng có trồng nhiều kỳ hoa dị thảo, và có cả một khu nhà kiếng cho các loại phong lan.

Đến Thảo Cầm Viên mà không vào viếng Viện Bảo Tàng sẽ là một điều đáng tiếc. Viện Bảo Tàng, như đã nói ở trên, nằm ngay bên phía tay trái khi bước vào cổng chính của Sở Thú. Thời Pháp thuộc Viện Bảo Tàng mang tên Pháp là Musée Blanchard de la Brosse. Trong thời Cộng Hòa, cố học giả Vương Hồng Sển đã làm Giám Đốc viện trong khoảng 10 năm. Tôi xin mạn phép mở một dấu ngoặc nhỏ ở đây để ghi lại đôi dòng kỹ niệm về vị thầy khả kính vừa khuất bóng. Năm thứ hai ở Đại Học Sư Phạm Saigon, niên khóa 1961-1962, anh chị em Ban Sử Địa chúng tôi được may mắn học môn sử Việt Nam với thầy Vương Hồng Sển. Ngoài việc dạy môn chính khóa nầy, thầy còn kể cho chúng tôi nghe những nghiên cứu của thầy về đồ sứ men lam Huế mà thầy là chuyên gia số một của thế giới. Tôi còn nhớ mãi hai câu thơ thầy đã ngâm cho chúng tôi nghe khi nói về chiếc dĩa Mai Hạc:

Nghêu ngao vui thú yên hà

Mai là bạn củ, Hạc là người quen”

Tôi xin được đóng dấu ngoặc lại ở đây. Xin mời độc giả trở lại Viện Bảo Tàng. Viện Bảo Tàng là một toà nhà lớn, dài, sơn trắng, xây trên nền cao. Bên trong chia làm nhiều phòng, mổi phòng dành riêng cho một giai đoạn lịch sử hay một nền văn minh, chủ yếu là các cổ vật của nước ta và các quốc gia trong vùng như Chiêm Thành, Phù Nam, Chân Lạp. Đáng chú ý nhứt có lẻ là phòng trưng bày các cổ vật của nền văn minh Óc Eo, đào được tại Long Xuyên trong thập niên 40, đặc biệt là hai đồng tiền cổ La Mã thời Hoàng Đế Marc Aurèle, chứng tỏ Vương Quốc Phù Nam xưa đã có những trao đổi hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp (qua các thương nhân Ả Rập ?) với Đế Quốc La Mã.

Một cơ sở văn hóa quan trọng khác, trong đầu thập niên 60, là Viện Khảo Cổ, cũng nằm ngay trên đường Nguyễn Bĩnh Khiêm, đối diện với Sở Thú (từ cuối thập niên 60 trở đi Viện Khảo Cổ mới dời về đường Gia Long, đối diện với Bộ Kinh Tế). Khi tôi học năm thứ nhứt tại Đại Học Sư Phạm Saigon, thầy dạy môn Phương Pháp Sử của chúng tôi là Giáo Sư Trương Bữu Lâm, lúc đó là Giám Đốc Viện Khảo Cổ. Trong năm học thầy Trương Bữu Lâm tổ chức cho anh chị em sinh viên chúng tôi vào viếng Viện để được nghe thuyết trình về công tác của Viện, và chính tại đây tôi đã được lần đầu tiên nhìn thấy tận mắt một chiếu chỉ của triều Lê Thánh Tôn, lồng kính treo trên tường trong phòng làm việc của thầy.

Ngoài các cơ sở văn hóa quan trọng vừa nêu trên, khu Đakao còn có khá nhiều rạp hát, cả cho bộ môn hát bội, cải lương và chiếu bóng. Về môn hát bội thì rạp hát chính là những ngôi đình mà tôi đã có kể qua ở phần trên. Về cải lương thì có rạp Thuận Thành ở đường Paul Bert (Trần Quang Khải, về sau bị phá đi để xây rạp chiếu bóng Văn Hoa) là nơi đóng quân của đoàn Phụng Hảo, và một rạp nữa trên cùng một đường mà tôi không còn nhớ tên và là nơi đóng quân của đoàn Bích Thuận. Về chiếu bóng thì có rạp ASAM và Casino Đakao cùng nằm trên đường Albert 1er (Đinh Tiên Hoàng), và rạp Nam Tân trên đường Dr. Angier (Nguyễn Bĩnh Khiêm). Sang thập niên 60 chỉ còn lại rạp Casino Đakao, sau năm 1975 đổi tên lại gọi là rạp Cầu Bông.

LÂM VĨNH THẾ

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác