CÁC CƠ SỞ TÔN GIÁO VÙNG DAKAO (Bài 2)

Ngày đăng: 4/04/2023 12:50:54 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Song song với cơ sở giáo dục như vừa kể qua ở trên, các cơ sở tôn giáo trong vùng mới chính thật là nét văn hóa đặc thù của khu Đakao. Trước hết xin nói về các ngôi đình. Tôi tin rằng trong toàn thành phố Saigon không có khu vực nào có nhiều đình như khu Đakao và tập trung trong một diện tích nhỏ hẹp như vậy. Nội trên đường Trần Quang Khải thôi đã có đến 4 ngôi đình. Ở khoảng đầu đường, đi vào từ ngả tư với đường Đinh Tiên Hoàng, bên phải có một ngôi đình mà tôi không còn nhớ tên, ngôi đình nầy bề ngoài trông như một căn phố, không có sân; cách đó chừng mười lăm mét, bên tay trái là ngôi đình lớn nhứt trong toàn khu Đakao, đó là đình Nam Chơn.

Đình nầy có sân rất rộng, có cả một cây đa cổ thụ ngay ở trước, phía bên trong vách tường bằng gạch ở mặt tiền. Chính dưới bóng mát của cây đa nầy là các bàn hớt tóc mà tôi đã nhiều lần đến hớt tóc lúc còn nhỏ. Vào bên trong, toà nhà của đình với điện thờ nằm bên tay trái, phần còn lại là một khoảng sân đất rất rộng, đây là nơi dựng rạp khi cúng kỳ yên. Rạp được dựng lên bằng vải và được sử dụng cho hai việc: ban ngày là nơi để cho khách đến cúng đình ngồi nghỉ uống nước, ghi sổ cúng tiền, và chờ đợi đến phiên mình vào lể khi bên trong điện đã quá chật, ban đêm trở thành rạp hát trình diển các vở tuồng hát bội. Sau đình Nam Chơn, ra đến gần ngả ba với đường Nguyễn Phi Khanh, bên tay phải lại có một ngôi đình nhỏ nữa, tôi cũng không nhớ tên ngôi đình nầy, chỉ nhớ ngôi đình nằm bên cạnh một con hẽm nhỏ, và là nơi đóng đô thường trực của một đoàn hát bội nhỏ. Qua khỏi ngả ba Nguyễn Phi Khanh, tại ngay ngả ba với đường Bà Lê Chân, là đình Phú Hòa, với cửa vào quay ra đường Bà Lê Chân, chính tại đây có quán cà phê của nghệ sĩ cải lương lừng danh Bảy Nhiêu.

\  Đình Phú Hòa thường được các đoàn cải lương lớn dùng làm nơi tập tuồng mới.

Trên đường Nguyễn Phi Khanh, ngay ngả ba với đường Huyền Quan, gần ra tới ngả ba với đường Trần Quang Khải, cũng có một ngôi đình lớn là đình Sơn Trà. Đình nầy chỉ nhỏ hơn đình Nam Chơn thôi, phía trước và dọc theo cạnh đường Huyền Quan là hàng rào cây sống. Trước mặt tiền của điện thờ cũng là một sân đất lớn và, cũng như đình Nam Chơn, đây là nơi dựng rạp trong các dịp cúng kỳ yên. Chính tại ngôi đình nầy tôi đã được mẹ tôi cho đi theo để coi những vở tuồng hát bội nổi tiếng của thời đó như tuồng San Hậu, Huê Dung Đạo, Thần Nữ Dưng Ngủ Linh Kỳ, Trãm Trịnh Ân…, với các cô đào hát bội một thời vang bóng như Cô Năm Đồ, Cô Cao Long Ngà … Tôi còn nhớ mãi cái không khí ngột ngạt của các đêm hát bội tại đây. Rạp bằng vải bố, che không cao lắm, bên trong rạp rất chật, và nóng bức. Sân khấu bằng gổ cũng không cao lắm, và gần như lúc nào cách bài trí cũng giống nhau, dầu là cảnh nhà dân, nhà quan, hay cung vua, cũng chỉ thấy có một cái bàn với hai cái ghế để ở hai bên, cả bàn và ghế đều có tấm phủ mầu sắc đẹp. Ngay đưới sân khấu, chỉ có hai hay ba hàng đầu là để ghế, các hàng còn lại toàn là băng gổ. Ngay trước cái ghế ở chính giữa hàng ghế đầu có để một cái trống lớn, và người ngồi ở cái ghế đó thỉnh thoảng cầm cây chầu đánh vào trống mấy cái thùng thùng. Về sau lớn lên tôi mới biết đó là một vị chức sắc trong đình có nhiệm vụ “cầm chầu” để làm cái việc đánh giá cách trình diển của các nghệ sĩ trên sân khấu. Thỉnh thoảng người đi xem cũng tham gia vào việc tán thưởng các nghệ sĩ bằng tiền, họ kẹp tiền vào các cây quạt xếp bằng giấy và liệng quạt lên sân khấu. Đoàn hát luôn luôn có người phụ trách đi lượm các cây quạt, gở tiền ra và mang quạt không trả lại cho khán giả.Trên đường Nguyễn Bĩnh Khiêm, ngay ngả tư với đường Tự Đức, là đình Tân An, cũng là nơi đóng quân của một đoàn cải lương nhỏ. Tôi không có kỹ niệm gì về ngôi đình nầy. Ngoài ra khu Dakao còn cái đình nhỏ nữa. Đình nầy nằm trong một con hẽm trổ ra gần nơi đường Đinh Tiên Hoàng gặp đường Hiền Vương. Con hẽm nầy ăn thông ra đến đường Huỳnh Khương Ninh. Tôi không còn nhớ tên ngôi đình nầy.Như thế là trong một khu vực với diện tích chưa tới một cây số vuông, ta có tất cả 7 ngôi đình. Nếu tính theo đường chim bay, hai ngôi đình lớn nhứt trong khu Đakao, đình Nam Chơn và đình Sơn Trà, cách nhau chưa tới hai trăm mét. Hồi còn nhỏ tôi hoàn toàn không nghĩ gì về mật độ tập trung nầy của các ngôi đình trong vùng. Về sau lớn lên, nhất là tôi lại học về ngành sử, nét văn hóa đặc thù nầy làm tôi thấy thắc mắc nhiều. Vì thông thường mổi làng chỉ có một ngôi đình mà thôi, làm nơi thờ thành hoàng bổn cảnh . Làng ở trong Nam lại thông thường có diện tích rất lớn. Thật khó tin là khu vực nhỏ bé nầy của Đakao, nơi quy tụ bảy ngôi đình nầy, ngày xưa là địa hạt của bảy cái làng. Nhưng nếu không phải như vậy thì tại sao lại có tới bảy cái đình. Tôi đã có dự định làm một cuộc nghiên cứu về các ngôi đình nầy để tìm câu trả lời nhưng chưa bao giờ làm được vì nhiều lý do ngoài ý muốn. Cho đến một hôm vào khoảng cuối năm 1974, rất tình cờ, thắc mắc nầy của tôi đã được giải đáp một phần nào. Hôm đó tôi đi họp ủy ban tại trụ sở của Hội Đồng Văn Hóa Giáo Dục (HĐVHGD) ở đường Trần Quý Khoách mà tôi là một thành viên. Trong khi chờ họp, tôi ngồi trò chuyện với cụ Đổ Văn Rở, Thứ Trưởng Bộ Văn Hoá Giáo Dục Đặc Trách Văn Hóa, Phó Chủ Tịch Văn Hóa của HĐVHGD (ở nhiệm kỳ 2 nầy của HĐVHGD, 1974-1977, Chủ Tịch HĐVHGD là Phó Tổng Thống Trần Văn Hương, Phó Chủ Tịch Giáo Dục của Hội Đồng là Giáo Sư Trần Văn Tấn, Khoa Trưởng Đại Học Sư Phạm Saigon). Tôi không còn nhớ chúng tôi đã khởi đầu câu chuyện như thế nào nhưng sau một hồi thì câu chuyện xoay quanh các ngôi đình của vùng Đakao. Tôi chợt nhớ lại thắc mắc của mình nên đem vấn đề ra hỏi cụ Rở. Không suy nghĩ gì cả, cụ nói ngay ý nghĩ của cụ ra cho tôi nghe, và tôi nhận thấy cụ rất có lý, và đây có thể là mấu chốt của vấn đề. Theo cụ Rở, những người đã dựng lên các ngôi đình nầy là những di dân thuộc các làng chài lưới đánh cá từ miền nam Trung phần vào. Tiếng địa phương gọi các làng chài nầy là các Vạn. Vào đây rồi, khi đã ổn định thì họ lập đình để tiếp tục thờ cúng các vị thành hoàng của họ. Mổi Vạn đều có thành hoàng riêng nên bắt buc họ phải lập đình riêng. Đó là lý do tại sao có quá nhiều đình trong môt phạm vi nhỏ hẹp như thế. Cụ Rở đưa ra bằng chứng là ngay tại vùng Đakao nầy có một xóm gọi là Xóm Vạn Chài. Xóm nầy nằm sát bờ Rạch Thị Nghè, ngay phía sau khu vực trường Văn Hiến và rạp chớp bóng Văn Hoa ở đường Trần Quang Khải sau nầy, gần như đối diện với đình Nam Chơn, và cũng không cách đình Sơn Trà bao xa. Cho tới thập niên 50, lúc tôi còn nhỏ, xóm nầy vẩn còn mang tên là Xóm Vạn Chài. Lý luận và bằng chứng cụ Rở đưa ra khá vững, tôi nghĩ là bước kế tiếp cần thực hiện là nghiên cứu các thần sắc (nếu còn) thờ trong các ngôi đình nầy, chắc chắn ta sẽ tìm được gốc tích của những người đầu tiên đã lập ra các ngôi đình nầy. Trong thâm tâm tôi tin rằng thuyết của cụ Rở là đúng. Sau các ngôi đình, các cơ sở tôn giáo quan trọng khác của khu Đakao là chùa Cô Hồn ở đường Trần Quang Khải, chùa Ngọc Hoàng ở đường Phạm Đăng Hưng và Đền thờ Đức Trần Hưng Đạo ở đường Hiền Vương. Trong ba cơ sở nầy, chùa Ngọc Hoàng là cổ nhứt. Ngay trong thập niên 50 lúc tôi còn nhỏ thì chùa nầy đã có được nữa thế kỹ rồi. Chùa Ngọc Hoàng có cơ sở khá lớn, cổng gạch, sân rộng và dài, lối đi lát gạch, bên trong sân có nhiều cây cối. Vào hết phần sân ngoài rồi là lan can bằng gạch rồi đến phần sân trong hoàn toàn lát gạch, có nhiều cây kiểng, và đặc biệt ở góc bên tay phải có một hồ nhỏ nuôi rùa và cua đinh, mặt hồ hoàn toàn phủ rong xanh, vách và thành hồ bằng đá cũng đầy rong rêu, trông rất cổ kính. Trước khi vào bên trong chùa, hai bên cửa có hai tượng Ông Thiện và Ông Ác to gần bằng người thật, đứng cầm gươm, màu sắc rực rỡ. Bên trong chùa lúc nào cũng âm u và khói nhang nghi ngút, thú thật tôi chỉ dám đứng ở ngoài cửa nhìn vào mà thôi, chưa bao giờ tôi dám bước vào bên trong. Tôi chỉ thích đứng chồm mình vào thành cái hồ ngoài sân để nhìn các chú rùa lâu lâu trồi lên mặt nước để thở. Chùa Cô Hồn, cách không xa đình Phú Hòa, tuy gọi là chùa nhưng xem có vẻ giống cái đình nhiều hơn, không biết cất từ năm nào, có cổng gạch và sân gạch, về sau dường như có cho thuê phần sân để làm garage sửa xe hơi. Chùa Cô Hồn thì tôi cũng có khá nhiều kỹ niệm. Đó là nơi hàng năm vào dịp Rằm Tháng Bảy bọn con nít tụi tôi kéo tới xem cúng cô hồn, xem tượng Ông Tiêu làm bằng hoa lá, với cái lưởi le dài ra, đỏ lòm trông đễ sợ, và cũng để chờ tiết mục hấp dẫn nhứt sau khi chùa cúng xong: đó là màn màn nhào vô giựt bánh trái, giựt tiền trong chùa liệng ra sân (gọi là thí cô hồn). Bánh trái thì đủ loại, nào chuối, nào khoai, nào đậu phộng nấu, nào bánh cúng, bánh cấp, bánh in, bánh ít. Còn tiền thì chỉ là bạc cắt, một cắt, hai cắt mà thôi. Đền thờ Đức Thánh Trần là mới nhứt trong ba cơ sở tôn giáo nầy. Đền được cất lên sau năm 1954, bên ngoài đường Hiền Vương nhìn vào tưởng như chỉ là một căn phố với cổng sắt cao. Sau khi vào cổng rồi là một lối đi lát gạch, bề ngang chỉ rộng độ ba mét, dài độ hơn mười mét. Cuối lối đi nầy khách viếng thăm đền sẽ ngạc nhiên vô cùng khi đối diện với một sân gạch rất rộng nằm xéo qua phía bên tay phải, sân nầy hình chữ nhựt, mổi cạnh dài có đến trên hai mươi mét. Cuối sân đó là điện thờ, nền lát gạch bông luôn luôn sạch bóng và sơn son thếp vàng rực rỡ. Hàng năm đến ngày húy của Đức Thánh thì đồng bào đến lể đông vô cùng, bên trong khói nhang nghi ngút và chiêng trống đánh vang rền. Khu Đakao còn một cơ sở tôn giáo nữa, tuy nhỏ nhưng mang nhiều nét độc đáo. Đó là Miểu Nổi. Đây là tên của người địa phương đặt cho cơ sở tôn giáo nầy, tên chính thức của nó là gì thì tôi không biết vì chưa bao giờ nghe nói đến. Đặt tên như thế vì đây là một cái miểu cất trên một cái cù lao nhỏ trên rạch Thị Nghè (rạch Thị Nghè là tên gọi trên bản đồ, người địa phương thì gọi là sông Cầu Bông). Có thể đến Miểu Nổi bằng hai cách, hoặc theo một con hẽm nhỏ ở đường Trần Quang Khải, đi xuyên qua hết khu xóm Vạn Chài, ra tới tận bờ sông rồi dùng đò qua miểu, hoặc đi xuyên qua trại cưa Trần Pháp, ở dưới dốc Cầu Bông, về phía bên Bà Chiểu, độ hơn 100 mét, ra bờ sông rồi cũng dùng đò qua miểu. Miểu là nơi thờ một vị Thánh Mẫu, dân trong vùng thường chỉ gọi là Bà, nên cũng có khi người ta gọi cơ sở tôn giáo nầy là Miểu Bà. Dân chúng trong vùng tin là Bà rất linh thiêng, cầu xin gì cũng được, nên suốt năm lúc nào cũng có đông người đến cúng vái, và vì thế Miểu Nổi lúc nào cũng ở trong tình trạng được chăm sóc, sơn phết tươi tốt. Về phần đạo Thiên Chúa, ngoài hai ngôi thánh đường lớn, tuy không xa khu Đakao, nhưng khó có thể gọi là thuộc khu Đakao, Nhà Thờ Đức Bà Saigon (về sau được Toà Thánh La Mã nâng cấp lên hàng Vương Cung Thánh Đường), và Nhà Thờ Tân Định, còn phải kể đến các cơ sở đào tạo tu sĩ nằm trong khu Đakao. Đó là Đại Chũng Viện Saigon và nhà Dòng Tu Kín, cả hai cơ sở nầy đều nằm trên đường Cường Để.

Ngoài những cơ sở tôn giáo thuần túy như vừa trình bày ở trên, khu Đakao còn có Đền thờ Quốc Tổ trong Thảo Cầm Viên (người Saigon thường gọi là Sở Thú). Sau khi vào cổng chính của Thảo Cầm Viên, nhìn sang phía tay phải ta thấy ngay đền thờ Quốc Tổ. Ngôi đền nầy có kiến trúc rất độc đáo, vuông vức, mổi cạnh khoảng 10 mét, dựng trên một mô đất cao, với mái cong, lợp ngói âm dương rất đẹp. Mổi phía đều có bậc thềm đá dẩn lên đền, hai bên thềm có lan can hình rồng đúc xi măng và sơn phết rất đẹp. Ngay trước mặt chính của đền là sân lát gạch, ỡ giữa có một bia đá. Nhìn từ phía chính diện vào trong đền, bên tay phải, các đền chừng 5 mét có một tượng voi bằng đồng đen, theo bảng đề bên cạnh thì tượng voi nầy là do Vua Cao Miên tặng vào dịp khánh thành Sở Thú. Chung quanh đền, bốn phía đều có cửa bằng gổ quý. Đền chỉ mở cửa cho khách viếng vào ngày Chúa Nhựt thôi. Bên trong đền là điện thờ sắp xếp như trong các ngôi đình, chia làm ba gian, với các giá dựng binh khí bằng đồng bóng loáng. Hàng năm cứ đến ngày Giổ Tổ Hùng Vương đều có tổ chức lể rất long trọng tại đây.

LÂM VĨNH THẾ

Hình ảnh trong bài lấy từ Net

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác