NAM VÔ TỬU NHƯ KỲ VÔ PHONG
Đàn ông không nốc rượu chẳng khác nào cờ không gió ủ rũ. Kém… khí phách nam nhi, kém đi thú vui. Cũng như cà phê, thuốc lá…, rượu mang lại niềm hứng khởi và những cảm giác phấn khích! Vì thế bao nhiêu thơ văn tuôn ra từ rượu, nhất là thi sĩ. Rượu là nguồn cảm hứng vô biên cho thi hứng. Bởi vậy nên mới có một Lý Bạch mất mạng vì trong cơn say đã nhảy xuống sông ôm lấy gương mặt Hằng Nga.
Tiến tửu quân mạc đình. Mang rượu lên, ngươi đừng ngưng. Kim cổ thánh hiển giai tịch mịch. Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh…”. Xưa nay thánh hiền ưa tịch mịch. Chỉ có ẩm giả lưu kỳ danh. Rượu không bao giờ nguôi thi hứng từ xưa đến nay. Mặt trời đỏ ngời ngời trong sóng vỗ. Hồn lao đao rượu bốc đỉnh non buồn. (Trần Tuấn Kiệt).
Rượu tạo nên những vần thơ như vậy trách chi các nhà thơ không hết lời ca tụng. Thế nhưng hiện nay người ta nốc rượu rất nhiều dù không có mục đích tìm hứng khởi cho một niềm sáng tạo nào. Và thành phần uống rượu cũng mở rộng đủ mọi thành phần, mọi nơi chốn, mọi lý do. Xếp lớn nhậu nhà hàng, bình dân nhậu vỉa hè; nhậu một mình hay nhậu theo nhóm; nhậu toàn đàn ông, toàn đàn bà hay vừa đàn ông vừa đàn bà… Để thể hiện sự bình đẳng giữa nam nữ thì không những đàn ông mà đàn bà cũng cạn ly không kém. Thành thử mấy năm gần đây xuất hiện một nghề mới là nghề đi “uống rượu”.
Nộp đơn xin việc chức trợ lý giám đốc nếu tửu lượng cao thì chắc chắn sẽ được cộng thêm điểm. Trong nhiều trường hợp đi nhậu với đối tác, người trợ lý sẽ uống đỡ cho giám đốc. Cô thư ký uống giỏi sẽ làm vui cho bàn tiệc rất nhiều mà lại đàng hoàng, không cần nhờ đến tiếp viên!
Một chị thợ uốn tóc có hoa tay nên cắt tóc cũng đẹp. Có điều cứ tối đến chị đi nhậu, khách đến thấy đóng cửa bỏ về, mai thiếu tiền chợ mặc kệ. Chỉ là thợ uốn tóc trong hẻm nên dĩ nhiên lợi tức không cao, chị chỉ có thể tụ tập bạn bè ở các con đường nhậu nhẹt nổi tiếng như Kha Vạng Cân, Lê văn Sĩ, Thanh Đa… san sát quán đông nghẹt khách.
Ở những khu nhậu bình dân, rượu tràn lan vì khiến người ta dễ say mà giá lại rẻ trong khi bia muốn ngà ngà cũng phải cả két. Có vô số rượu, muốn uống thứ nào có ngay thứ đó. Rượu ngâm thuốc Bắc, ngâm chuối hột, rượu rắn, rượu… Nhiều loại được đặt tên rõ ràng, mỹ danh nữa là đàng khác như rượu Càn Long, rượu Minh Mạng… Hai ông vua này được hân hạnh đặt tên cho loại rượu đã trở thành rất nổi tiếng chắc là do sự ham vui lừng danh của hai ông. Không biết nguồn gốc đầu tiên của rượu Càn Long và Minh Mạng gồm những thành phần nào nhưng bây giờ chẳng ai thắc mắc thành phần làm chi. Bởi vì mỗi bài thuốc ngâm rượu đều là bí mật làm ăn, đâu có ai dại gì công khai làm chi. Vả khi truy hỏi thì chủ quán sẽ trịnh trọng giới thiệu trong đó gồm có mật gấu, nhung hươu, cao khỉ, sâm Cao Ly… hạ thổ… trăm năm… khiến cả chủ lẫn khách đều phá ra cười tán thưởng vì câu trả lời quá hài hước.
Rượu Minh Mạng thang
Dĩ nhiên rượu ở quán cóc vỉa hè, quán hẻm nhỏ không dán nhãn, không biết xuất xứ… Bao giờ rượu cũng từ bình lớn chiết vào các chai xị nhỏ. Nói bình nghe cho có vẻ lịch sự, nghe chừng quảy bầu Lý Thiết Quài càn khôn túy lúy chứ thật ra đó là những can nhựa vừa chứa nhiều vừa dễ vận chuyển. Khách kêu tới đâu từng chai rượu được mang ra. Nâu đậm, nâu nhạt, hổ phách… trong suốt một màu ngả nghiêng trời đất.
Thật ra ở những nơi đó ẩm khách dư biết toàn rượu giả, mười chai giả chín. Giả có nghĩa chỉ là nước lã pha cồn thêm hương liệu, muốn mùi nào có mùi đó, muốn vị nào có vị đó. Muốn nồng, muốn cay, muốn dịu, muốn thơm… sao cũng sẵn. Khách biết nhưng vẫn uống do giá vừa túi tiền. Vài chục ngàn một xị tha hồ mà uống không còn biết đến trời trăng mây nuớc.
Dầu sao đó cũng là giá trung bình, ngoài ra nếu là khách quen thì sẽ được chủ quán biệt nhãn mang ra chai rượu “thật”, tức là rượu trắng ngâm trái nhàu chẳng hạn. Còn không cỡ công nhân, thợ hồ… thì giá còn thấp hơn nữa, có trời mới biết đó là loại nước gì.
Khách muốn rượu loại nào có ngay thứ đó. Rượu rắn có mãng xà cuốn mình ngủ giấc đại vương, tắc kè có ngay một chú nghiêm chỉnh, rượu hải mã có chàng cá ngựa cong đuôi duyên dáng… Trong bình rượu giơ lên mọi người xem, tất cả trình diễn tiết mục chào khách một cách rất chi chuyên nghiệp
Những ẩm khách sành sỏi ở Sài Gòn, Chợ Lớn và các nơi có dịp đến Hóc Môn ăn nem, thưởng thức rượu đế, không ai quên được hương vị đặc biệt của món ăn này; rượu nấu bằng gạo nếp, men ngọt, nước trong nên vị ngọt, mùi thơm, nhiều bọt. Không chỉ Hóc Môn mới nổi tiếng rượu nếp, rất nhiều địa danh khác sản xuất ra những thương hiệu lừng danh như rượu Bàu Đá ở Bình Định, rượu Làng Vân ở Bắc Ninh, rượu Gò Đen – Long An…
oOo
Ngày xưa theo nguyên tắc gạo nếp nấu chín ủ với men ruợu khoảng mười ngày mới cất thành rượu, còn bã biến ra hèm là phần quan trọng trong thức ăn cho bò sữa để sữa có mùi thơm. Những lúc khó khăn nấu rượu bằng gạo tẻ, khoai mì… Ngày nay hầu như không còn ai nấu rượu kiểu thủ công đó nữa. Cứ kỳ cà kỳ cạch nấu rượu đường hoàng theo kiểu cổ truyền thì đến đời nào mới khá. Thời buổi hiện đại, cứ nước lã pha cồn và thuốc khử mùi “Made in China” ra giá thành rẻ mạt uống mệt nghỉ.
Có những làng chuyên nấu rượu theo kiểu… tiểu thủ công nghiệp: Trung bình mỗi nhà chứa hai thùng phuy rượu theo cách thức pha chế đơn giản, chẳng hao tốn công sức bao nhiêu: Cứ một phuy cho chảy vào một vòi nuớc lã, nước lã chứ không phải nước nấu chín đâu nhé, pha với vòi kia cồn công nghiệp 95 độ là ra sản phẩm. Nghĩa là mỗi ngày một nhà xuất xuởng 440 lít rượu. Trừ tiền cồn và nước lã ra một lời một rưỡi. Đó là không kể một số ít nơi còn pha cả cồn khô vào rượu. Khách muốn rượu thế nào cứ cho biết, chủ rượu pha chế khéo lắm Thêm ít bột màu cho màu, chút hương liệu cho mùi, tí thuốc rầy cho nước trong leo lẻo…
Rượu bán rất chạy, làm ra tới đâu bán hết tới đó, người từ các nơi nườm nượp đến mua. Sau khi mang về, họ lại tiếp tục đong can bán tiếp hay vào chai, vào bình, dán nhãn… thành rượu tổ hợp, công ty ma thì ai mà biết. Kiểm tra chỉ hỏi thuế và giấy phép chứ chất lượng rượu như thế nào thì ngoài vòng kiểm soát. Cho nên mỗi năm có đến 1 tỉ lít bia, 350 triệu lít rượu tung ra thị trường và như vậy đệ tử Luu Linh đã dốc vào những trận “dzô” khoảng vài ngàn tỉ đồng.
Các quán nhậu bình dân cứ chường mặt ra đường khiến người ta lầm tưởng chỉ có bình dân ưa nhậu. Thực sự thống kê cho thấy “người có học vấn cao uống rượu chiếm tỷ lệ đến 77%”. Đúng thôi, dân cổ trắng kiếm được việc làm lương cao mới có thể nhậu thường xuyên được chứ cổ xanh kiếm cơm vất vả chưa xong, làm gì có khoản dư thừa nào dành cho rượu chè.
Cồn công nghiệp chứa nhiều tạp chất độc có thể gây tử vong tức thì cho người uống. Nhưng chính khách hàng có thể biến thành nạn nhân tức thì hiện tại hay tương lai cũng đâu có quan tâm đến chất lượng rượu như thế nào. Đa số chỉ chú ý đến giá cả có vừa túi tiền hay không mà thôi.
Có thời gian, dân nhậu chỉ uống đế lúc đế còn sản xuất bằng gạo, nếp, khoai mì… Rồi về sau nhà máy bia dựng lên hàng loạt: nào là Huế, Khánh Hòa, Daklak, Đà Nẵng, Tiền Giang… Rượu có giả thì bia cũng có giả. Bia do tổ hợp sản xuất, công thức thì… chịu thua chẳng ai biết. Loại bia hơi không đóng chai, đóng lon lúc trước bán nhiều ở các quán nhỏ, dân nhậu xách mua về từng can nhậu đã đời. Cũng giống như rượu giả, thứ “bia lên cơn” này, nói trại từ “bia lên men” làm người uống nhức đầu, dễ ói. Để phân minh rạch ròi bia thật và bia giả thì hãng bia nhà nước nhiều lần mở các cửa hàng “bia đối chứng”. Tức là vào đó, người ta sẽ được uống loại bia kiểu mẫu, có thể qua đó đối chứng, kiểm tra với các loại bia khác xem thứ nào… ngon hơn, đúng thực sự bia hơn.
Sang hơn thì uống rượu Tây đóng chai nhưng rượu Tây giá cao nên người ta còn làm giả ác liệt hơn nữa, nhất là các nhãn hiệu Hennessy, Chivas, Johnnie Walker. 60% rượu ngoại quốc trên thị trường là rượu giả. Ngày nào bà ve chai chẳng rao thu mua vỏ chai rượu cũ. Nhất là nhãn ngoại quốc, ve chai mua cũng có giá lắm. Người ta thu mua vỏ chai ở nhà hàng, vũ trường, còn dập nắp chai mới chỉ là chuyện nhỏ. Theo một cuộc khảo sát thì tỷ lệ cán bộ công chức uống chiếm tỷ lệ cũng khá cao. Còn lý do khác không hẳn vỉ ham nhậu nhẹt mà vì từ bàn tiệc, lúc mọi người trong phút chốc đều là anh em, chú cháu… cởi mở, thân mật, hợp đồng dễ ký kết, biên bản dễ thông qua… Công chức lấy giờ công đi ăn nhậu nhiều quá, nên nhiều nơi co cụm lại, không nhậu lê lết từ trưa đến chiều mà chỉ tạm ăn gian nửa tiếng nghĩa là nhậu tới 1giờ 30 trưa, xong vào phòng ngáy khò. Thành thử một tỉnh đặt ra quy tắc không được say xỉn trong giờ làm việc và coi đó cũng là một quy tắc trong việc đánh giá “văn minh đô thị”.
Ban ngày các lề đường đều quang đãng vì kẹt “văn minh đô thị”. Nhưng từ 6 giờ chiều trở đi, cảnh sát cũng hết giờ làm việc, thế là tận dụng lề đuờng của trường học, công sở, xí nghiệp… bàn ghế xếp dã chiến nhanh chóng bày ra, bếp ga, lò than, nồi niêu xoong chảo… Nhậu ven đuờng gió bụi, ngắm xe cộ giăng mắc, trăng thanh gió mát… hút khách rất nhiều vì rẻ hơn trong tiệm do không chịu thuế má nhiều.
Công nhân sau một ngày làm việc vất vả, nhậu cũng coi là một cách giải trí. Không nhậu thì biết làm gì bây giờ. Xem báo chỉ vài phút, coi tivi chỉ một tiếng, dán mắt vào màn hình điện thoại cũng chán, còn nhậu thì tiêu dao cả hai, ba tiếng đồng hồ giữa bầu không khí tưng bùng.
Hậu quả rượu thấy liền trước mắt: Bênh gan, thần kinh, ngộ độc… tai nạn giao thông thảm khốc, ẩu đả gây trọng thương, chết người… Người chết vì ruợu xảy ra dồn dập. Dầu sao sau đại họa Covid, nhậu nhẹt cũng có phần giảm, dân nhập cư chuyển về quê sống, nạn thất nghiệp gia tăng, đồng lương ít ỏi khó mà dốc vào ly rượu.
Dù sao, dân nhậu chuyên nghiệp vẫn còn không thể hết. Ai bệnh cứ bệnh, ai ngỏm cứ ngỏm. Mấy vụ đó là chuyện người ta chứ không phải chuyện… riêng mình. Cho nên cứ đến chiều tối thành phố đỏ đèn là quãng thời gian hoàng kim của nhậu nhẹt. Trên bàn rượu, bỗng nhiên tứ hải giai huynh đệ và qua chén rượu, quên hết việc đời. Cao Bá Quát đã nói. Tiêu khiển một vài chung lếu láo. Đoạn tống nhất sinh duy hữu tửu. Trầm tư bách kế bất như nhàn. Tiễn một đời người duy có rượu. Nghĩ suy trăm kế chẳng qua nhàn. Vài chung thôi thì vui…
Sài Gòn Cô Nương