Thật ra ngày nay rất ít thấy NGƯỜI GIÀ như ngày xưa, vì có nhiều người U80 vẫn tóc nhuộm đen mướt, hoặc nâu, vàng óng ánh , còn cắt uốn kiểu cọ theo thời trang. Mặt hoa, da phấn, áo đầm, mang giày cao gót… nhìn xa, qua hình… cứ như cô gái mười tám rứa thê! Hết đi du lịch chỗ này, nước nọ, thì vào nhà hàng, cà phê, họp bạn dzui dzẻ…mần răng ai dám gọi rằng GIÀ? So với Ông BÀNH TỔ vẫn còn là THANH NIÊN! He! He! He!
Còn tôi xin xung phong nhận danh NGƯỜI GIÀ trước, từ khi ông nha sĩ kêu tôi nhổ răng để gắn hàm răng giả hòng có nụ cười đẹp hơn! Tươi trẻ hơn!
Ui cha! Vừa trẻ, vừa đẹp hơn ai mà không ham? Nhưng phải nhổ nhiều răng như rứa, thì…phải để tôi suy nghĩ lại đã!
Tôi nhớ lại thím tôi vì nhổ răng mà tay chân lúc nào cũng run lẩy bẩy . Cô tôi còn tệ hơn! Cô tính nhổ hết răng để gắn nguyên hàm răng giả, nhưng nhổ xong thì Cô không còn tự đi được, phải có người dìu, người đỡ, nên răng giả cũng không gắn vào, giọng nói thều thào toàn hơi gió! Rất khó nghe!
Ngược lại, bà ngoại tôi lớn tuổi hơn Cô nhiều. Răng bà tự rụng sạch lúc tôi còn rất nhỏ. Vậy mà vẫn ăn uống bình thường. Rau, dưa … thích ăn cọng, giọng nói vẫn vang, khỏe, nhất là đi đứng vững chải đến mấy chục năm sau không cần chống gậy, cả trăm tuổi mới mất.
Cô tôi hồi trẻ bị suyễn. Tôi thường nghe Cô ho sù sụ, rồi Cô há miệng ra, cầm cái bình bóp bóp, đưa cái vòi vào họng…làm tôi rất sợ. Cô thường ở dưới phố, nhà bác sĩ để trị bệnh.
Năm tôi học lớp chín, tôi theo Cô lên ở Xóm Vạn Nguyệt Biều. Tôi đi đào củ rau má nấu nước Cô uống. Hái trái bò bò cho Cô ăn, tự nhiên Cô hết bệnh. Tôi cũng đem mấy chùm trái bò bò xuống phố đưa cho vợ bác sĩ ăn, không ngờ cũng hết suyễn luôn.
Từ đó Cô tôi ở luôn Xóm Vạn Nguyệt Biều chỉ ăn cơm gạo lứt. Suốt ngày ra vườn cắt lá, nhổ cỏ. Trời mưa thì ngồi đan áo len cho bà con, không hề đau ốm như ngày xưa, dù tóc bạc trắng như cước. Cô vẫn thường xuyên đi Huế với Sài Gòn thăm bà con, cho tới khi Cô nhổ hết răng mới không đi được nữa, đành ở Sài Gòn cho đến lúc mất, trong khi Cô chỉ ngoài bảy mươi tuổi. Cô vẫn không bệnh hoạn, không hề uống thuốc. Sáng uống bột ngũ cốc với mật ong. Trưa một chén cơm gạo lứt với canh rau. Tối một chén cơm gạo lứt với hột gà áp chảo ( để đêm khỏi thức đi tiểu ) Ngày cô đọc sách, viết nhật ký nên đầu óc rất minh mẫn.
Rồi một lần bị kéo đàm, thở không được mà mất rất nhanh, trong khi người cháu tính đi Vĩnh Long vô chào Cô, chưa ra khỏi cổng thì bị kêu giật lui vì Cô mất rồi! Thật là mau lẹ, khỏe thân xác lẫn người nhà. Tôi ước gì sau này tôi cũng được đi mau lẹ, nhẹ nhàng giống Cô.
Bây giờ tôi bắt đầu ăn gạo lứt, chắc là hơi muộn, nhưng có còn hơn không.
Ở Huế có gạo HẺO RẰN, màu đỏ, nấu cháo rất ngon, huống hồ gì gạo lứt! Cô tôi ngâm gạo một đêm, đổ nước gấp rưỡi nấu cơm thường, hôm sau nấu trong nồi gang, giống cái om đất là xong ngay. Hạt nở to, ăn rất ngọt!
Trong này không có gạo hẻo rằn, mà có GẠO LỨT TÍM THAN, do nghiên cứu lai tạo từ gạo nếp Cẩm của Bắc Giang với gạo thơm Sóc Trăng mà thành.
Tôi mua về nấu thử, đổ nước gấp hai nấu gạo thường, ngâm một đêm mới nấu. Ui chao ơi! Gạo cứng ngắt! Một chén cơm tôi ăn đến ba tiếng đồng hồ. Tôi bỏ cơm vô nồi đổ nước nấu lần hai mới ăn được. Nhưng rất dở, dính vào nhau như có nhựa. Gạo không nở. Gạo này giá 37 nghìn một ký! Mỗi bịch 2kg hết 74 nghìn, nên mặc dù rất thích màu tím than, và muốn ủng hộ lai tạo gạo thành công, tôi cũng đành bỏ thôi.
Mè đen 1kg 95 nghìn tôi bỏ lò 150 độ trong 7 phút, rồi cho vô cối xay tiêu quây tí xíu là xong ngay!
Tôi đi tìm GẠO HUYẾT RỒNG, đặc sản của miền Nam. Gạo này rất rẻ, chỉ 15 nghìn /1kg. 5 kg gạo huyết rồng giá bằng 2 kg gạo lứt tím than.
Tôi cũng nấu hai lần như nấu gạo lứt tím than, nhưng nở nhiều hơn, cơm xốp hơn, và ăn cũng ngon hơn
Với tôi, bữa ăn đơn giản, nhưng ngon miệng như ri là được rồi! Nhưng các con tôi chắc là đau lòng, sợ tôi không đủ dinh dưỡng, nên tôi đành phụ thêm vài món nhè nhẹ, tốt cho người già.
Đây là mâm cơm dành cho người già, chủ yếu là gạo lứt ( huyết rồng ) với muối mè đen. Cá ( hoặc thịt, hoặc trứng ). Cà chua chín đỏ mỗi bữa mỗi trái. Và canh mướp hương ( nhà trồng ), hoặc rau ( nhà trồng ) nấu với tôm bóc nõn. Rồi nước lá chè xanh kèm gừng tươi, hoặc nước nấm linh chi, nấm thượng hoàng, đông trùng hạ thảo.
Mỗi sáng nước cam, hoặc chanh pha với mật ong ngâm sâm Hàn Quốc của con trai đem về.
Tôi chỉ mong khỏe mạnh, để sau này nhẹ nhàng , mau lẹ đi theo Ông Bà, không hành xác đau ốm dây dưa, cũng như không phiền người thân vất vả chăm sóc. Rất vui phổ biến cho người thân.
Hóc Môn 26012023
Thân Thị Vân Hà
Post Views: 362