LÊ HỮU MINH TOÁN vào thơ bằng lòng yêu mến và say đắm

Ngày đăng: 14/01/2023 11:29:40 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Chúng tôi tiếp cận với thơ Lê Hữu Minh Toán bắt đầu từ những bài thơ đăng trên các tạp chí Văn học nghệ thuật đến những bài thơ còn nóng hổi là những sáng tác mới nhất đăng trên trang fb và những bài thơ phổ nhạc. Đó là những bản nhạc có ca từ rất đẹp, giai điệu khi nhẹ nhàng, thanh thoát lúc lắng đọng thiết tha, lúc sôi nổi, hào sảng của một trái tim đa cảm, dạt dào sức sống, chan chứa tình người. Những bản nhạc được các nhạc sĩ đồng cảm phổ nhạc và được thể hiện qua những giọng ca rất ngọt ngào truyền cảm. Nhưng hồn cốt các nhạc phẩm này vẫn chính là lời thơ lay động lòng người. Có thể kể ra đây là những bản nhạc phổ từ thơ Lê Hữu Minh Toán: Phượng xưa (nhạc sĩ Linh Phương phổ nhạc, trình bày ca sĩ Thùy Hương). Đây là nhạc phẩm trữ tình rung động tâm hồn người thưởng thức, chạm đến trái tim của nhiều khán thính giả. Mới công chiếu trên youtube cách nay chưa lâu đã thu hút hơn 10 nghìn lượt xem ( tính đến 20/12/2022) .Và còn nhiều bài thơ khác nữa được Ng. Hải & Hà Lan Phương phổ nhạc và Trình bày như những bài sau đây: Xin tiếng cười nở nụ trăm năm,Thu Phai, Em cứ đi, Đừng quay về, Nỗi nhớ bàng hoàng, Dòng tương tư, Điệu Ru Tình Buồn, Mòn hơi, Lời cầu đêm Giáng Sinh,…

Vậy Lê Hữu Minh Toán (LHMT) là ai? Chúng tôi xin giới thiệu vài nét về tác giả. Anh sinh trưởng tại vùng ngoại ô êm đềm của tỉnh Thừa Thiên Huế. Lên Thành phố thi học với kết quả khá cao. Anh học Quốc Học niên khoá 1962- 1963, sau đó theo ông anh ruột vào Saigon học tiếp . Sau ngày đậu Tú Tài 2 thì anh Thi vào Cao Đẳng Sư Phạm Nông Lâm Súc (NLS) khoá 3 Saigon. Tốt nghiệp Cao Đẳng Sư phạm về dạy Trung học NLS Ninh Thuận sau đó chuyển về dạy NLS Khánh Hoà, Nha Trang . Hiện tại đinh cư tại Thành phố Houston, Hoa Kỳ. Chủ đề yêu thích là thơ nhạc trong các cuộc luận đàm cùng bạn bè là thơ nhạc xưa và nay.

Từ những bài thơ phổ nhạc hấp dẫn lôi cuốn, tôi tìm đến với thơ anh qua các tập thơ in chung, để tiếp tục khám phá một hồn thơ giàu cảm xúc, giàu chất trữ tình với thi ảnh bình dị mà rung động lòng người, được viết bằng một bút pháp lãng mạn. Phải nói rằng: anh đến với thơ bằng lòng yêu mến và tình đắm say.

Thơ anh là những dòng xúc cảm chân thành đầy tình người, tình đời. Thi nhân yêu đời, yêu cuộc sống, yêu quê hương với những vần thơ là nỗi niềm đau đáu của kẻ ly hương, luôn vọng tưởng quê nhà! Chúng ta hãy đến với chùm thơ quê hương đăng trên tạp chí Ngôn Ngữ số 23.

Trước tiên là bài thơ dành cho Huế nơi anh đã sinh trưởng và trải qua thời hoa mộng trên mái trường Quốc Học, với mối tình học trò trong trắng thơ ngây. Đó là những kỷ niệm đầu đời không dễ gì phai trong tâm trí. Mỗi khi lòng chợt nhớ về Huế Thương. Chỉ hai từ “ Quốc Học”,”Đồng Khánh” cũng đủ gợi nhớ quê hương, gọi hồn ta ngược thời gian trở về những năm tháng thời hoa mộng.

“Khi không ngồi nhớ về xứ Huế

Nhớ O Đồng Khánh lúc tan trường 

Bên ni Quốc Học theo o mãi 

O nghiêng vành nón 

thấy mà…

thương.” (Nhớ Huê)

Tuổi học trò rồi cũng dần qua, để tiếp tục truyền tải những kiến thức đã được các thế hệ thầy cô giáo bồi đắp cho anh. Anh chọn vào sư phạm với ước mơ gieo chữ cho các thế hệ tiếp theo. Sau khi tốt nghiệp anh được phân công vào giảng dạy lần lượt ở một số địa phương. Những nơi nào thầy giáo Lê Hữu Minh Toán đến công tác đều để lại dấu ấn trong thơ anh. Nhớ về Nha Trang với phong cảnh hữu tình, đẹp như tranh vẽ. LHMT thể hiện bằng những dòng thơ lục bát mượt mà, dễ đi vào lòng người. Hình tượng thơ, ngôn ngữ thơ có màu sắc đẹp: đó là màu xanh muôn thuở của biển, màu trắng của cát và màu vàng của nắng Nha Trang. Sóng biển vỗ những giai điệu dương cầm, hòa quyện với làn mây trôi nhè nhẹ như sợi tơ trời. Anh điểm thêm vài nét chấm phá có chiếc thuyền, có bóng dáng giai nhân. Phong cảnh hữu tình gợi mở hồn thơ. Rồi anh nhắc đến thắng cảnh Hòn Chồng, phải chăng anh muốn gửi gắm giấc mơ hạnh phúc bên giai nhân. Tạo nên những vần thơ rất ngọt ngào lãng mạn. Đặc biệt thi nhân dùng thủ pháp nhân hóa cho hình tượng gió : “theo chân gió chạy” một cảm nhận tinh tế, một sự sáng tạo thi ảnh có giá trị biểu đạt cao.

“Biển xanh cát trắng nắng vàng/ Sóng ngày vỗ nhịp điệu đàn khơi vơi/Vương vương sợi mỏng tơ trời /Thuyền ai đứng đó gọi mời giai nhân /Nghe chừng hồn đã lâng lâng /Theo chân gió chạy bâng khuâng nụ hồng/  Ta ôm thơ vãi Hòn Chồng / Chợt nghe xao xuyến/ chợt buồn / lên /cao…”(Với biển Nha Trang)

“Ta ôm thơ vãi Hòn Chồng /Chợt nghe xao xuyến chợt buồn lên cao… “là một câu thơ hay có nhiều thi vị. Thơ là trừu tượng được tác giả đã cụ thể hóa khi đặt bên cạnh các động từ “ôm” “rải” lên Hòn Chồng- một thắng cảnh đẹp. Một cách dễ tiếp cận và cũng đầy dí dỏm. Thi nhân kết hợp kể và tả, tự sự với trữ tình. Kết hợp giữa bút pháp hiện thực với bút pháp lãng mạn. Tạo nên những câu thơ tả cảnh đẹp. Thể hiện một cách sinh động và gửi gắm cả tình yêu quê hương trong đó.

Sau bao nhiêu năm xa quê, nay có dịp trở lại quê hương Việt Nam, anh đi đến một vài nơi để kiếm tìm kỷ niệm. Cảnh cũ người đâu. Mọi cảnh vật thân quen, qua thời gian đã ít nhiều thay đổi. Anh bâng khuâng, không khỏi lạ lẫm trước nhiều biến đổi nên chợt cảm thấy mình lòng bùi ngùi như khách lạ:

“Lang thang trên bến Ninh Kiều/ Một mình với rượu với chiều nắng say/ Đèn đêm vàng vọt trên tay / Ơi! Ta lữ khách /đêm này /trọ /đâu …? (Chiều Cần Thơ)

Đến với mảnh đất cực nam của tổ quốc để tìm thăm một người bạn thơ vừa mới rời cõi tạm. Cảnh còn người mất, càng làm cho hồn thơ buồn man mác.

“Phố buồn hiu hắt tàn khuya /Cà Mau cuối Việt vọng về cõi xa/Trôi về đâu đốm nguyệt già/ Chợt cơn gió lạ/ lướt qua /ngậm /ngùi …! ( Đêm cà Mau)

Đó là những câu thơ đẹp mà buồn, se sắt lòng người. Câu cảm thán rung ngân làm cho nỗi ngậm ngùi của thi nhân lan sang cả bạn đọc không khỏi lắng lòng ưu tư cùng tác giả.

Thế giới chưa hẳn chỉ niềm vui mà vẫn còn đâu đó những bất công. Bởi hòa bình, bác ái chưa đến với mọi nhà, mọi người trên trái đất này. Ở đâu đó vẫn còn tiếng súng, vẫn thiếu manh áo, chén cơm, …Với tha nhân anh cầu mong Chúa ban phước lành, cầu mong cuộc đời chỉ có mỗi yêu thương:

“Đêm xưa Chúa ra đời /Rét run trong Máng cỏ /Nghìn sao chiếu mọi nơi/Sáng ngời ơn cứu độ / Giờ đây bên hang lừa /Con cầu Chúa hài nhi / Soi lòng người rộng mở/ Yêu thương lấp hận thù ..!

(Lời cầu đêm giáng sinh)

Anh cũng gửi vào thơ những chiêm nghiệm về nhân tình thế thái. Bởi cuộc đời không tránh khỏi những lọc lừa gian dối, đãi bôi. Cho nên đôi khi cần phải có thái độ điềm tĩnh trước trò đời đen bạc, gian dối lọc lừa. Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa anh với tấc lòng của một người nhập thế tích cực, anh vẫn ao ước thế giới hòa bình, nhà nhà hạnh phúc. Lời thơ trở nên thống thiết cầu khẩn: xin cuộc đời này chỉ có niềm vui, chỉ có nụ cười được gửi gắm thông điệp qua bài thơ: “Xin tiếng cười nở nụ trăm năm”

“Buồn vẫn thế /mà vui vẫn thế /Pha nước mắt sơn phết môi cười/Đêm trầm uất côn trùng kể lể / Chuyện nhân tình đen trắng đãi bôi./   (Xin tiếng cười nở nụ trăm năm)

Anh dành những câu thơ rất đỗi chân thành để viết về thầy cô giáo chân chính .Trong đó có những người đã từng dạy dỗ anh, gieo ước mơ cho anh để anh kế nghiệp thầy bằng cả tấm lòng trân trọng, quý mến. Thật xúc động với tất cả tấm lòng biết ơn những người chuyên chở tri thức đến với từng thế hệ học trò.

“Trái tim người rộng mở /Êm đềm những dòng sông /Ngọt ngào dòng sữa mẹ /Ươm tuổi hồng măng non” ( Vòng nguyệt quế

Tình cảm dành cho quê hương, từ cảnh vật đến con người, từ hoài niệm đến hiện tại. Hình bóng quê hương đồng hiện trong không gian- thời gian-trong tâm tưởng thi nhân. Với tình yêu quê hương thì sâu nặng. Với tình yêu đôi lứa thì thiết tha, say đắm, nồng nàn. Dẫu đôi khi cũng thoáng chút ngậm ngùi vì cách trở chia xa. Tất cả đều bắt nguồn từ cảm xúc chân thành được thể hiện qua ngôn ngữ hình tượng thơ giàu chất trữ tình và lãng mạn. Bấy nhiêu đó đủ tạo nên cốt cách thi sĩ một hồn thơ nồng nàn say đắm Lê Hữu Minh Toán .

Tuy nhiên thơ anh có những bài đọc lên đã thấy hay nhưng cũng có những bài phải đọc thật chậm, thật kỹ mới tìm được tiếng nói tri âm, đồng cảm sẻ chia. Vì vậy cảm và luận về thơ có thể mỗi người mỗi khác, tùy theo cảm quan nghệ thuật, tâm trạng, thời điểm, cảnh ngộ và tư duy thẫm mỹ riêng của người đọc. Tất cả mời bạn đọc đến với thơ Lê Hữu Minh Toán để có những cảm nhận của riêng mình.

Sài Gòn, ngày 09/01/2023

          Hoàng Thị Bích Hà

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác