Nghi lễ của ánh sáng hay Nghi lễ của Thi ca?

Ngày đăng: 27/07/2022 09:28:02 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Năm 2017, nhà xuất bản Hội nhà văn đã cấp GP xuất bản tập thơ “Nghi lễ của ánh sáng” của tác giả Lê Tuân. Chúng tôi (TMH) nhận được tập thơ này qua bưu điện, với mấy dòng thư của một người có tên là Trần Thi Tứ như sau: “Em xin gửi cho bác tập thơ này, là một tập thơ dở mà lại được giải thưởng của “Hội nhà văn”, nhờ bác đọc cho ý kiến. Em biết bác là nhà phê bình thơ uy tín nhất hiện nay. Bác từng phê bình hàng chục tập thơ dở được giải thưởng của Hội nhà văn như tập thơ dở của các ông bà Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Nguyễn Quang Thiều, Trần Quang Qúy, Mai Văn Phấn, Mã Giang Lân, Phan Huyền Thư… Vậy xin bác rủ lòng thương lớp trẻ chúng em mà viết bài phê phán tập thơ dở nhất nước là tập: “Nghi lễ của ánh sáng” của ông Lê Tuân này. Xin cám ơn bác”.

Đọc lá thư tố cáo thơ dở, xui mình viết bài “oánh”, tôi quả bực mình. Xưa nay, có ông bà nào cả gan xui tôi như vậy đâu? Vả, luật pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa thi ca (cường cuốc thơ – lời ông phó chủ tịch hội nhà văn quốc doanh Nguyễn Quang Thiều) xưa nay có ai dám ra lệnh cấm thơ dở bao giờ? Làm ra thơ dở là quyền thiêng liêng của dân một nước thơ. Chả vậy mà trong sách giáo khoa văn phổ thông và đại học, người ta toàn lấy thơ văn dở để giảng dạy đó sao?

Tuy vậy, để cho cơn bực mình hạ hỏa, tôi liền mở “Nghi lễ của ánh sáng” của thi sĩ Lê Tuân ra đọc. Mới đọc bài thứ nhất “Chỗ khuất”, chợt xúc động vì câu chữ thi ca, ngạc nhiên chưa:

một vì vua

một tôi bộc

cùng ẩn nấp một nơi sao chưa nhận ra nhau

 

một chỗ khuất

một vết thương

mang mũi tên đi đâu mà đầu đường cuối nẻo

 

chiếc xe song mã

một con ngựa kéo

mảng trời xiêu vẹo chưa thấy ai thay

 

lửa cháy muôn nơi

ngựa hí vang trời

ai tìm ai mà ngàn bể với non khơi. (trang 11)

Bài thơ như một bức tranh siêu thực của tâm trạng. Tưởng như các câu thơ là cơm nguội rã rời. Nhưng chúng, những câu thơ lại được dính nhau như kẹo kéo, thành xâu chuỗi trong mạch ngầm thi tứ theo truyền thống rất Á Đông: “thi tại ngôn ngoại”. Thơ mà nói toẹt ra là thơ hỏng. Nghệ thuật thi ca là nghệ thuật của khơi gợi, hàm xúc, dư ba, ám ảnh trong trường liên tưởng tâm hồn. Tôi yêu “mang mũi tên đi đâu mà đầu đường cuối nẻo”…“mảng trời xiêu vẹo chưa thấy ai thay”; yêu góc khuất tâm hồn thi sĩ Lê Tuân khơi gợi cho hồn tôi một điều gì xa thẳm mà tôi chưa gọi được tên.

Thực ra, hầu như chúng ta đã nhận ra con người tinh thần của chính mình và cả chân dung tinh thần của những người thân yêu bên mình được bao nhiêu phần trăm. Tất cả với ta, hầu như còn ở những góc khuất. Phật giáo gọi là tính không!

Nếu có thể đặt tên lại cho tập thơ này, tôi sẽ đặt là “Góc Khuất”. Mỗi chúng ta đều trọ trong một góc khuất của riêng mình và góc khuất của kẻ khác? Sở dĩ trái đất tròn là để cho mỗi người, mỗi dân tộc có một góc khuất để ẩn nấp, để chơi trò trốn tìm có tên là cuộc sống.

Viết loài thơ không vần, có vẻ dông dài, vớ vẩn, ông chẳng bà chuộc như kiểu bài “Góc khuất” này của Lê Tuân (có người lạm dụng từ ngữ gọi nó là thơ siêu thực) để người đọc cảm nhận và rung động được là điều cực khó, hầu như 100 người viết kiểu này đều cầm chắc thất bại. Chúng tôi đã viết nhiều bài phê phán trường thơ “tân con cóc” do thi sĩ cách tân Nguyễn Quang Thiều làm chủ soái.

Trước nhà thơ Trần Mai Ninh (1917-1947) rất nhiều người đã thử nghiệm làm thứ thơ tự do không vần, kể cả Nguyễn Đình Thi; nhưng loài thơ này chưa thành công, vì không có bài hay. Có thể nói, “Nhớ máu” và “Gió Tuy Hòa” là hai bài thơ tự do không vần rất hay của thi sĩ liệt sĩ Trần Mai Ninh, đã đặt dấu mốc cho thể thơ tự do không vần này ở Việt Nam.

Xin ăn ké “cái tôi đáng ghét” của mình vào đây một tí. Chúng tôi từ 40 năm trước đã viết hàng trăm bài thơ tự do không vần in báo, nhưng nó đều rơi vào trường phái “tiền tân con cóc” nghĩa là chết yểu. May thay, có một vài bài còn có thể tồn tại, ví như bài thơ “Hà Nội rét” của tôi vừa in trên FB:

HÀ NỘI RÉT (Thơ Trần Mạnh Hảo)

tôi bỏ tôi vào áo choàng đêm

đèn đường co ro ấm

nhát cọ sơn dầu gió bấc

quét ngang phố Phái mùa đông

Hà Nội trong túi áo Sông Hồng

một củ lạc rang bỏng rét

góc phố riu riu hò hẹn

ngọn lửa vừa đi vừa tắt

khuya ngọt và thơm

tay em rưng rức mưa phùn

ai cũng nhớ khói

Hà Nội nồng nàn run

em độc thân lá bàng

cháy đỏ mặt đường

đêm hết lòng củi lửa

rét bạc cả sương

tôi cho tôi vào hộp diêm Hà Nội…

Hà Nội, đêm 24 tháng 1 năm 2016

T.M.H.

Trở lại với tập thơ Lê Tuân. Xin trích cả bài thơ “Trong nhà hay ngoài ngõ”:

“TRONG NHÀ HAY NGOÀI NGÕ

“mưa

cánh hoa rơi

trong nhà hay ngoài ngõ

 

buồn

như biển rộng

bao giờ cánh cổng nhận ra tôi

 

nến

chẳng tự sáng

có cần không một bàn tay mớm lửa

 

trăng

bên kia núi

bên này chưa thấy đời vui

 

khuya

không còn ai

người hành khất gì mà ngồi lại mãi.” (trang 55)

Nhà thơ Lê Tuân

Thơ cốt gợi không khí bất chợt, thảng thốt, thăm thẳm, hụt hẫng của một tâm trạng bất an, của một con người u hoài tưởng như ấm ớ, ngớ ngẩn. Tôi yêu câu thơ rất tài năng của bài này: “Bao giờ cánh cổng nhận ra tôi”…

Tất cả các cánh cổng của đời hay cánh cổng của chính nhà mình đều “không nhận ra tôi”; tôi xa lạ với chính cánh cổng nhà mình. Phải chăng cánh cổng hồn tôi đã khép, không mở cho tôi vào chính lòng mình. Thơ Lê Tuân buồn lắm. Cánh cổng nhà anh cũng buồn lắm, cô đơn lắm. Một thế giới vô hồn giăng mắc các bài thơ đãng trí của một chàng Hamlet ngẩn ngơ trong một thế giới ngơ ngẩn: “tồn tại hay không tồn tại”?

Thơ anh chỉ gợi, chỉ he hé một tí tẹo thôi, nhưng là một tí tẹo ám ảnh, một tí tẹo ma mị vô ngôn, như khi anh “nến hóa thi ca” nơi câu thơ rất tài trong bài trên: “có cần không một bàn tay mớm lửa”. Hóa ra trong mắt Lê Tuân, ngọn nến còn sơ sinh đòi bú mớm, còn cần “mớm lửa”.

Thi sĩ, về bản chất cũng là một kẻ “mớm lửa” cho đời. Anh chỉ “mớm lửa” chữ nghĩa chứ đừng đốt lửa như đốt nhà, khiến các câu chữ vốn rón rén, rụt rè, se sẽ phải bỏ trang giấy như khói tháo chạy khỏi mái nhà thi tứ.

Kết thúc bài thơ, còn sót lại trước cửa nhà trang giấy một người hành khất ngồi mãi không chịu đi? Ông đến ăn mày thi ca hay ăn mày lòng nhân ái? Người hành khách (ăn mày) kia vẫn ngồi đợi trước cửa lòng ta ngay cả khi khuya khoắt. Vâng, Phật và Chúa sinh thời đều là những người hành khất ăn mày của bố thí. Có thể hai Ngài đến ăn mày nỗi cô đơn chăng? Nhà thơ có gì bố thí cho Phật, cho Chúa ngoài niềm bơ vơ kiếp người?

Thơ Lê Tuân mang hơi hám ba vị: Rabindranath Tagore Ấn Độ (1861-1941), Kahlil Gibran Liban (1883-1931) và Bùi Giáng Việt Nam (1926-1998). Nỗi khắc khoải về thượng đế, về cái vô hạn, cái chết, tình yêu và nỗi cô đơn ám ảnh các bài thơ Lê Tuân.

Ta tìm thấy hơi thơ Bùi Giáng trong lục bát phóng thể Lê Tuân trong bài: “Thênh thang” rất hay:

“đò nào chở nổi thênh thang

thiên hương

dạ mị

cuốn ngàn năm bay

người qua đây

nhé

đừng lay

ta đang thần thoại bên cây phong trần

 

hội tan chưa nhỉ

phù vân

ngồi thêm một chút tình nhân rồi về. (trang 54)

Nhà thơ nói về nhưng nào biết về đâu? Lục bát rớm hay mà trời mây rớm lệ. Khiến lòng ta cũng rơm rớm nỗi niềm.Thơ Lê Tuân có gì không? Không! Vậy mà đọc xong thấy có! Có gì? Có cái không thể vui, không thể ngủ, không thể còn như cũ nữa, không thể viết như cũ nữa, không thể cụ thể được nữa, phải mơ hồ thôi, phải xa vắng thôi, phải trống không thôi!

Trần Mạnh Hảo bèn tát nước theo mưa, học theo Lê Tuân ngẫu hứng than rằng:

Trống không ơi hỡi trống không /   Cho tôi xin chút mênh mông làm quà!

Xin trích một lục bát phóng thể Lê Tuân tuyệt hay có tên là: “OAN KHIÊN”:

“thôi

đừng buồn nhé

oan khiên

 

cây

trăm năm

chẳng thiên nhiên nữa là

 

đuổi ánh sáng ra khỏi nhà

đuổi nhau ra khỏi thiên hà

được không

đêm qua

sông chảy vào sông

tôi lơ ngơ chảy vào không có gì”

Giá bài thơ chỉ dừng lại ở đây thì tuyệt quá. Nhưng Lê Tuân còn tham, anh lại hạ một lục bát nữa:

“nửa xanh giờ đã ra đi

nữa tôi hái nhánh li bì tặng em”

Bạn ơi, khi câu thơ đạt đến chỗ tuyệt bút thì dừng lại ngay, không viết thêm nữa, viết nữa sẽ nhạt. Điều này tôi cũng để khuyên tôi.

Chao ôi con sông thơ Lê Tuân biết tìm biển không có gì mà đổ vào trang giấy: “tôi lơ ngơ chảy vào không có gì”… Hèn gì, có những đám đông thích hô khẩu hiệu: “không có gì quý…”, khiến cả tập thể hô vang “không có gì” ba lần vui quá. Hóa ra cái đích đến của thi ca cũng là đích đến của nhà Phật: trở về tính không!

Bài thơ “Đường về” dưới đây của Lê Tuân cớ sao cứ ám tôi mãi, hình như có hơi của K.Gibran, hay là đường về tính không của Phật. Thơ để hiểu là thơ chưa đích thực. Thơ như tình yêu để cảm rồi mới nhận được mơ hồ, nhận được bâng khuâng, ma ám:

“lập đền đài nơi hoang vắng

thờ phụng người

sau đó mang về nhà rồi mang đi đâu nữa

 

hằng mong được gặp

để làm gì

cầu xin ư

 

nếu đã hết lòng bằng ngôn từ rất riêng

mà chưa toại nguyện

thì cầu xin ai nữa

 

đường về

là đường nào

chẳng phải là đường đang đi đây sao.” (trang 44)

Thơ, rút cục, không có đường về ư? Về tim a? Về cõi ngất ngư a? Phật bảo ta: không cần đến đích. Mà thực ra đích là rỗng không, là vô cực, là hun hút. Sợ nhỉ! Đích của Niết Bàn hay thi ca là con đường đang đi đó bạn ơi. Chao ôi, cõi không, tính không kia mới quý hóa thực tại làm sao? Cứ tưởng chiêm bao lại hóa ra là cõi thực. Một thứ thơ vừa viết vừa nằm mơ như Lê Tuân mà đi tìm ý nghĩa: anh nói gì đấy, thì thơ ơi, ta chào mi, vì mi dung tục quá. A ha, thực tại mới chính là giấc mơ của thi ca, của tính không: càng tìm càng không thấy. Đừng tìm. Hãy cảm.

Xin đọc tiếp bài thơ: “CÒN CÓ ĐIỀU GÌ MUỐN THẤY” của Lê Tuân:

“đất

bay lên khỏi mặt nước

chỉ làm loang mơ ước tới tận bờ

hay còn điều gì muốn thấy

trời

lao mình xuống nước

chỉ hít thở tình yêu

hay còn điều gì muốn thấy

người

vẫn chưa nhớ ra

đã bay lên, lao xuống đến bao lần

và còn điều gì muốn thấy.” (trang 45)

Hình như tất cả mọi cái trên đời con người muốn thấy đều không thấy. Hình như không tìm có khi mới thấy. Cho nên Kinh Thánh bảo: “Phúc cho những kẻ chẳng xem thấy mà có lòng tin”. Thơ hình như cũng thế, đằng sau câu chữ, đằng sau trang giấy có cái mù mờ mới là thơ. Nhà thơ chẳng qua chỉ là cái cớ gọi thơ trong hồn ta xuất hiện mà thôi. Bài thơ trên hình như chỉ là sự gợi mở ta về trò chơi bịt mắt bắt dê của cái hữu hạn đi tìm cái vô cùng.

Trần Mạnh Hảo bèn ngẫu hứng theo thơ Lê Tuân mà lục một bát thơ vui:

Tìm em hữu hạn lục tung /Xem em giấu cái vô cùng ở đâu!

Cuối tập thơ, bài: “ĐỂ BÊN KIA TRỜI”, chừng như thi sĩ vẫn hẹn ta rằng có cái vô cùng đấy, hãy tin vào thi ca, trèo qua “bên kia trời” sẽ thấy tất cả cái ta muốn tìm:

“người đã đến /khi em còn chưa đến /và đã đi /khi trăng nhỏ vừa lên / vẫn còn một ít không tên / và còn nhiều nữa để bên kia trời.” (trang 74)

“Ở bên kia trời” là ở đâu? Chịu! Khổng tử bảo: “ngoài trời còn có trời”… Hình như “bên kia trời” bên kia thi ca là Thượng Đế, là thi ca, là sự bất tử của linh hồn mà loài người hi vọng?

Lê Tuân là một nhà “khêu gợi học”, cho người đọc đôi mắt trẻ thơ để tò mò, thóc mách, để suy tưởng và xúc cảm. Thơ anh chẳng có gì mà như có tất cả. Nhà thơ như đã chạm đến cái không của đời hay là cái không đáy, không chiều, không hiểu nổi của thời gian không gian thơ.

Giờ đã khuya lắm. Tôi còn thức với thơ Lê Tuân và viết mấy dòng về thơ anh, chợt gặp câu thơ trong bài “Trễ nải đời nhau” của anh: “đã gần hết đêm hồng/ Sao chưa tới mênh mông”

Chúng ta, loài thi sĩ nhỏ bé, sao ưa sưu tầm cái mênh mông đến thế? Tìm thấy cái mênh mông rồi thì sao? Thì tan biến như bọt biển. Càng nghĩ càng hãi. Xin trả món nộm mênh mông cho hư vô, lắng nghe thi sĩ cầu xin bằng một câu thơ rất hay:

“xin muôn nơi luôn về tới nhà mình” (Bên hồ dã du, trang 67)

Cái mênh mông chừng như chính là cái muôn nơi đó chăng? Hóa ra, muôn nơi, hay mênh mông cũng có mái nhà để về sao?

Muôn nơi ơi, thi ca ơi, về thôi, khuya lắm rồi, mênh mông cũng biết ngủ như ta đấy. Thơ Lê Tuân sao lại xúi ta mất ngủ. Ngại quá đi. Đọc thơ anh là mệt rồi, là cảm xúc, là xúc động nhưng rồi thì day dứt, lại nghĩ ngợi suy tư búa sua.

Ngoài kia, có bao thân xác no nê thỏa mãn đã ngủ say. Nhưng linh hồn họ đang có cơ chết đói. Cám ơn tập thơ “Nghi lễ của ánh sáng” của Lê Tuân đã cho tâm hồn đang đói khát của tôi một bữa tiệc, tí nữa thì chết vì bội thực.

Cuối bài thơ “Hàn Mặc tử” của mình, tôi đã viết:

“Nhà thơ vốc khoảng không

như vốc cát

ném lên mình cho trăng sáng vùi chôn

thơ có biến trăng suông thành cháo loãng

để thơ nuôi cơn chết đói linh hồn…” (Thơ T.M.H.)

Hi vọng, tôi sẽ còn tìm thấy giữa mênh mông thơ dở trên đời này một tập thơ khác hay như tập “Nghi lễ của ánh sáng” của Lê Tuân, để tâm hồn tôi không còn có cơ bị chết đói.,.

Trần Mạnh Hảo

Sài Gòn, ngày 10-1-2018

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác