Đọc TRĂNG NGHẸN Của Hoài Tường Phong

Ngày đăng: 10/03/2022 08:52:05 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Tôi không bàn về vấn đề cuộc thi thơ của Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 4 năm 2009 ấy, bởi mọi chuyện đã rơi vào quá khứ, cuộc thi nào cũng có nguyên tắc, những qui ước hữu hạn của nó và ban giám khảo là ai? và tôi không nói đến đúng sai nữa, riêng tôi thích bài thơ ấy nói lên chữ tình da diết của tác giả đầy đặn nhưng lực bất tòng tâm, ông viết mộc mạc mà chân thành với tấm lòng thao thức của ông với quê hương, thế là tôi viết nhận định trong không gian và nơi chốn của thi sĩ làm bài thơ ấy.

Có quay ngược lại xuất xứ và thời gian mới may ra cảm nhận được những ý nhi, tinh tế của cảm xúc trước không gian, nơi chốn và sự thao thức của tác giả với những con chữ “có linh hồn” của Hoài Tường Phong.

Mở đầu bài thơ khá lung khởi tác giả giới thiệu bối cảnh chào đời của mình như một thực thể của thân phận người trong miền quê nghèo, phải tản cư chạy giặc vì giặc giã dày xéo trên quê hương mình đồng hoang, nhà trống sao nghe như có sự đổ nát, hoang tàn.

Mẹ sinh tôi vào một đêm rằm mưa gió ngày xưa,

Lúc chào đời đã lỡ hẹn cùng vầng trăng viên mãn.

Vùng tản cư hồi nầy ruộng hoang nhà trống,

Rước được bà mụ vườn, ngoại cực trần thân.

Một đêm rằm mưa gió xưa thời chiến tranh tao loạn vầng trăng không sáng nổi bởi u ám gió mưa trong bối cảnh chào đời ấy. Vùng đồng bằng Cửu Long chằng chịt sông nước, mẹ ông chuyển dạ, ngoại bôn ba đi “rước bà mụ vườn ngoại cực trần thân” khổ sở biết chừng nào, khổ thơ ấy độc giả hãy tưởng tượng và liên tưởng thời bấy giờ cách đây trên 60 năm với miền Tây Nam bộ sự cực khổ ấy là dường nào và ông dùng chữ “trần thân” một phương ngữ khá đắc địa trong bối cảnh nầy.

Có rằm nào mà không tỏ vầng trăng, duy nhất chỉ có gió mưa nên mới lổi hẹn đầu đời lúc sinh ra với vầng trăng rằm tròn vành vạnh và điều ấy như báo trước một định mệnh thi ca không sáng sủa của ông chăng? ( Đạt giải nhưng cuối cùng trớt huơ)

Tôi lớn trong quê mùa như cây tạp vườn hoang,

Bảy tuổi biết leo lưng trâu, không từng ngồi xe đạp.

Không biết lời bải buôi để mua lòng người khác,

Nên thua thiệt cả đời vì không thể dối lừa ai.

Rồi người thơ lớn lên một cách tự nhiên “như cây tạp rừng hoang”, một người ở sông nước đồng bằng Cửu Long cứ thong thả mà lớn rồi biết cưỡi trâu khi lên bảy, không biết ngồi lên chiếc xe đạp, chắc là các bạn cũng hiểu thời ấy dễ gì có xe đạp, người trung lưu ở vùng giao thông bằng phương tiện đường bộ đã khó huống hồ là nhà nghèo ở vùng sông nước Cần Thơ.

Lời bải bôi (buôi) hay đãi bôi là lời không thật nói để vuốt đuôi nhau, lấy lòng nhau mang tính giả dối, điêu ngoa, nghĩa là ông thật thà chơn chất và một mạc nên thiệt thua cả đời. Tác giả viết thật thà từng chữ, từng câu nhưng đòi hỏi người đọc mang tính liên tưởng để thấy hết bối cảnh thật của thời thế lúc bấy giờ của lòng ông. Ôi chao, sao mà tình lai láng đến vậy, người đọc cảm xúc cao có thể rưng rưng lệ.

Ngơ ngác buổi ra thành, trước cuộc sống đua chen,

Mười năm sau chưa gội rửa cho mình thành dân chợ.

Lớp phèn hết bám chân, nhưng chất chân quê còn đó,

Tôi tranh thủ những tháng hè, thích về lại thăm quê.

Gia đình ông thấy không còn phù hợp với cuộc sống nông thôn nên chuyển ra thành mưu sinh để có cuộc sống khá giả hơn về vật chất chuyển đổi nơi sinh sống: – ra thành thị, song bản chất thiệt thà giữa những ồn ào thị phi ông cảm thấy lạc lõng, bơ vơ trước những đua chen lắm nỗi ngại ngần dù đã mười năm – mười năm là khoảng thời gian khá dài đối với đời con người có thể đổi thay để phù hợp với điều kiện thực tế của đời sống, nhưng với sự chơn chất hình như là bản chất nên ông chưa thể phù hợp cứ lần khân dù” lớp phèn đã hết bám chân” nhưng tâm thể lẫn tâm thức ông vẫn thôi thúc về thăm cái lũy làng cũ đã từng gắn bó với tuổi thơ trên lưng trâu ê a, nghêu ngao hát vì thế nên cứ thích về quê mỗi khi mùa bế giảng lại về – mùa hè lại đến, điều nầy có lẽ ai cũng hiểu trong giáo khoa thời của tác giả đi học của Xuân Tâm: “ Sung sướng quá giờ cuối cùng đã hết/ Đoàn trai non hớn hở rủ nhau về/ Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê/ Ôi, tất cả mùa xuân trong mùa hạ” và tôi nhắc thêm thời chiến tranh ấy ai lên thành học cũng chỉ ở trọ mà thôi trừ một số thật khá giả, giàu có mới mua được nhà nơi thị thành, chính vậy ngày nghỉ hè thiêng liêng với bọn học trò trọ học điều ấy thôi thúc tác giả về quê.

Tình tự của ông còn nhiều chúng ta hãy tiếp tục với những ngôn ngữ ông đã bày biện trên trang thơ.

Bè bạn theo đuôi trâu một thời, mơ ước nhìn tôi,

Tưởng tôi thoát kiếp ngài, nhởn nhơ hóa bướm.

Tôi nhìn vẻ hồn nhiên của đám bạn xưa thèm quá,

Cộng một chút phù hoa đâu thêm lớn tâm hồn.

Các bạn của ông một thời thấy thèm như trẻ con thèm quà tay mẹ ngày xưa, nhưng ngược lại với ông lại thèm một thời hồn nhiên trẻ nhỏ nhưng vui ơi là vui không phiền lụy tâm hồn điều ấy có nghĩa cảm xúc của ông đã là tố chất khi còn bé .

“Cộng một chút phù hoa đâu thêm lớn tâm hồn” tôi dừng lại khá lâu với câu thơ nầy để chiêm nghiệm điều ấy như một triết lý sống cho nhân gian và tôi đau đáu cũng như đồng cảm với ông trong phạm trù tâm lý. Sao mà thật thà trong ngôn ngữ đến nỗi ai cũng cảm nhận thật đầy trong tự tình thi ca qua xúc cảm của ông. Thâm tâm tôi câu thơ “Tôi nhìn vẻ hồn nhiên của đám bạn xưa thèm quá/ Cộng một chút phù hoa đâu thêm lớn tâm hồn” ông đã là thi sĩ

Thi ca đâu cần phải lên gân hay rắc rối ngữ ngôn cứ để ngôn ngữ bình yên trải lòng trên trang thơ và độc giả sẽ cảm nhận theo chiều của họ.

 

Mỗi lần về quê bè bạn cũ lại vắng hơn,

Gái mười bảy đã lấy chồng, trai hai mươi đòi vợ.

Cô bạn xưa nách con ngang nhà mua chịu rượu,

Đôi mắt ướt một thời bẻn lẻn ngó bàn chân.

Mỗi lần trở lại quê nhà ông lại càng buồn hơn bởi lứa tuổi của ông ngày một thưa dần, “ gái mười bảy đã theo chồng, trai hai mươi lấy vợ” những bè bạn lập gia đình ở tuổi còn quá trẻ đến nổi chưa biết tình yêu, không cảm thụ được nó nhưng ấy là tập tục của quê, chính điều nầy mà ông thao thức đưa ra một khuyến cáo để trình bày trước xã hội như vấn nạn cần phải ý thức và giải quyết may ra mới phát triển nhận thức của mỗi gia đình nhất là các em đang lứa tuổi thanh niên, chỉ một câu mang hình ảnh “cô bạn xưa nách con mua chịu rượu, đôi mắt ướt một thời bẻn lẻn ngó bàn chân” đủ nói lên sự khổ đau lẫn e thẹn dường nào của những người bạn trong tinh thần và vật chất mà bè bạn của ông phải chịu thiệt về phận người của miền quê hạn chế quá mức về trình độ cảm thụ đời sống đến nỗi gần như sự chấp nhận mang tính mặc định của vùng quê nghèo. Sao bùi ngùi quá, xót xa quá.

Xóm bên sông nhiều cô gái rời quê,

Về thăm nhà xênh xang lụa là hàng hiệu.

Vài căn nhà xây, đổi đời nhờ những đồng tiền báo hiếu,

Khởi sắc một vùng quê sao nghe có chút bùi ngùi.

Và tiếp với tình tự bố cục diễn giải khổ thơ trên ngôn ngữ cũng mộc mạc giản đơn nhưng phản ánh sự hiện thực xóm bên sông nhờ đi làm xa cực khổ, tích cóp dành dụm đem tiền về cho cha mẹ xây dựng lại căn nhà khang trang với đồng tiền báo hiếu chứ thực thể ở tại đó không làm gì ra tiền để đổi thay căn nhà cũ lụp xụp, bấy nhiêu thôi cũng đủ cho ta hiểu bức tranh nơi ấy thế nào, bùi ngùi thật phải không các bạn, mà hình như trên toàn lãnh thổ Việt Nam những tỉnh lẻ cũng thế.

Ông chỉ tả xóm bên sông của vùng quê nghèo nơi ấy nhưng đã chạm đến hàng triệu gia đình Việt Nam ở nông thôn cùng hoàn cảnh “đi làm thuê xa” nhờ sự liên tưởng thực trạng xã hội đương đại.

Đồng bằng quê hương tôi nhiều cái nhất ngậm ngùi:

Sản lượng lúa nhiều, vùng cá ba sa lớn nhất,

Đầu tư văn hóa thấp và khó nghèo cũng nhất,

Và cũng dẫn đầu, những cô gái lấy chồng xa.

Đồng bằng miền Tây Nam bộ là vùng hạ nguồn cùa con sông Mekong phát nguyên từ Tây Tạng dài khoảng 4350 km,đi qua 6 quốc gia trước khi đổ ra biển Đông, ngày xưa với điều kiện còn tự nhiên mùa lũ về là mang theo phù sa, chính vì thế mà sau lũ là cánh đồng màu mỡ, còn cá tôm thi bạt ngàn, nó nuôi sống khoảng 60 triệu dân dọc theo hai bên bờ.

Người nông dân ở đồng bằng Cửu Long chỉ cần gieo lúa là đến mùa thu hoạch, còn thủy sản ư? quăng mẻ lưới là có bữa ăn, bữa nhậu ngon lành, cũng chính thiên nhiên ưu đãi cái ăn cho nên người ta ít cho con đi học cùng tình trạng sông rạch chằng chịt cũng hạn chế đi lại.

Trước kia, vựa lúa trù phú nhất Việt Nam là đồng bằng Cửu Long và Cần Thơ lại là nơi sản lượng cao nhất, ca dao vùng đồng bằng có câu: ” Cần Thơ gạo trắng nước trong/ Ai đi đến đó lòng không muốn về” Thế mà tại sao vài mươi năm sau dân dã lại nghèo khó nhất? đây có lẽ là dấu hỏi lớn của cả Cần Thơ chứ chẳng riêng một vùng quê nghèo của ông, có lẽ do quản lý, quản trị yếu kém, đầu tư về mặt bằng học vấn cũng như văn hóa thấp nên sự thể xãy ra như khổ thơ trên, Tôi đọc thơ ông đã ngậm ngùi huống hồ chính ông ở nơi ấy chứng khiến từng giờ, từng ngày

Kể từ khi Trung Quốc xây đập lấy nước làm thủy điện, bắt đầu từ Mạn Loan ( Manwan – Trung Quốc) ở những năm 1993 và sau đó hàng loạt những con đập của Trung Quốc và các nước dọc theo Mekong đã làm dòng sông nghẽn mạch, thủy sinh tàn tệ những loài cá đặc biệt nước ngọt MeKong ngược dòng về nơi sinh sản lần làn bị tiệt chủng, môi trường tàn hại bởi người Trung Quốc đã dùng mìn hay thuốc nổ phá các tảng đá làm giảm tốc độ dòng chảy hòng tìm con đường sông từ Vân Nam đến Thái Lan với những con thuyền tải trọng 5, 700 tấn làm sao con dòng không bị tàn phá, chính vì vậy đồng bằng sông Cửu Long bị ngập mặn thê thảm, thiệt hại vô cùng to lớn, làm sao không ngậm ngùi, đau lòng được?!

Chặp tối buồn ra nhìn bến nước cô đơn,

Vầng trăng vừa lên đã bị mây mưa vần vũ.

Tôi chợt nhớ lần lỗi hẹn đầu đời, trăng cũ

Vầng trăng nghẹn hoài, chưa tỏa sáng một vùng quê.

Kết thúc bài thơ làm nghẹn lòng độc giả bởi cũng tình cờ lần về ấy nhớ về bến sông xưa cô đơn hồn lại trĩu nặng “vầng trăng bây giờ vừa lên cũng bị mây mưa vần vũ” chao ôi, sự lặp lại “vầng trăng nghẹn hoài, chưa tỏa sáng một vùng quê” sao nghe quá đỗi chua xót và ngậm ngùi.

Nếu như Nguyễn Bính mệnh danh là nhà thơ chân quê, thì tôi gọi Hoài Tường Phong là thi sĩ “quê mùa ngôn ngữ” và bài thơ Trăng Nghẹn đã làm thổn thức biết bao trái tim phải rưng rưng nếu có dịp đọc bài thơ nầy.

Với tôi, người làm thơ thành công là độc giả đọc xong bài thơ trái tim rung lên với cung bậc cảm xúc đầy chất tình có khi đến nao lòng hay rưng lệ.

NGÃ DU TỬ

———————————————————————————————-

 

TRĂNG NGHẸN

Mẹ sinh tôi vào một đêm rằm mưa gió ngày xưa,

Lúc chào đời đã lỡ hẹn cùng vầng trăng viên mãn.

Vùng tản cư hồi nầy ruộng hoang nhà trống,

Rước được bà mụ vườn, ngoại cực trần thân.

Tôi lớn trong quê mùa như cây tạp vườn hoang,

Bảy tuổi biết leo lưng trâu, không từng ngồi xe đạp.

Không biết lời bải buôi để mua lòng người khác,

Nên thua thiệt cả đời vì không thể dối lừa ai.

Ngơ ngác buổi ra thành, trước cuộc sống đua chen,

Mười năm sau chưa gội rửa cho mình thành dân chợ.

Lớp phèn hết bám chân, nhưng chất chân quê còn đó,

Tôi tranh thủ những tháng hè, thích về lại thăm quê.

Bè bạn theo đuôi trâu một thời, mơ ước nhìn tôi,

Tưởng tôi thoát kiếp ngài, nhởn nhơ hóa bướm.

Tôi nhìn vẻ hồn nhiên của đám bạn xưa thèm quá,

Cộng một chút phù hoa đâu thêm lớn tâm hồn.

Mỗi lần về quê bè bạn cũ lại vắng hơn,

Gái mười bảy đã lấy chồng, trai hai mươi đòi vợ.

Cô bạn xưa nách con ngang nhà mua chịu rượu,

Đôi mắt ướt một thời bẻn lẻn ngó bàn chân.

Xóm bên sông nhiều cô gái rời quê,

Về thăm nhà xênh xang lụa là hàng hiệu.

Vài căn nhà xây, đổi đời nhờ những đồng tiền báo hiếu,

Khởi sắc một vùng quê sao nghe có chút bùi ngùi.

Đồng bằng quê hương tôi nhiều cái nhất ngậm ngùi:

Sản lượng lúa nhiều, vùng cá ba sa lớn nhất,

Đầu tư văn hóa thấp và khó nghèo cũng nhất,

Và cũng dẫn đầu, những cô gái lấy chồng xa.

Chặp tối buồn ra nhìn bến nước cô đơn,

Vầng trăng vừa lên đã bị mây mưa vần vũ.

Tôi chợt nhớ lần lỗi hẹn đầu đời, trăng cũ

Vầng trăng nghẹn hoài, chưa tỏa sáng một vùng quê.

HOÀI TƯỜNG PHONG

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác