CHÙA PHI LAI ( NÚI VOI)

Ngày đăng: 19/03/2022 02:46:05 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Sắp tới ngày rằm tháng hai âm lịch, ngày Tổ Như Hiển Chí Thiền tịch diệt, cuộc xâm lược của Nga vào Ukraina vẫn đang diễn ra khốc liệt. Chắc chắn nhiều cơ sở tôn giáo của Ukraina đã bị tàn phá. Trong cảnh bom rơi đạn lạc đó, xin giới thiệu lại một ngôi chùa ở An Giang trải qua mấy mươi năm chiến tranh đã phải tan hoang đầu rơi máu chảy (đúng nghĩa đen) như thế nào?
…..

Gọi là chùa Phi Lai Núi Voi để phân biệt với chùa Phi Lai trong Ba Chúc. Chùa Phi Lai Ba Chúc là một ngôi chùa của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, còn Phi Lai Núi Voi hiện giờ thuộc Phật Giáo Việt Nam, tọa lạc xã Núi Voi, huyện Tịnh Biên, An Giang.

Chùa nằm ở chân một ngọn núi nhỏ tên là Kỳ Hương, xưa là một doi đất nhỏ gọi là doi Bà Khẹt, thuộc xã Tú Tề, quận Tri Tôn, tỉnh Châu Đốc.
Theo tự điển Phật Học của thuvienhoasen, chùa được xây dựng từ năm 1877. Nói thêm là thuvienhoasen nói trúng vị trí nhưng vẫn lộn với Phi Lai Ba Chúc (xem ảnh)

Ngày rằm tháng hai Kỷ Hợi 2019, là ngày Phật Thích Ca bát niết bàn cũng là ngày kỷ niệm lần thứ 86, tổ Như Hiển-Chí Thiền viên tịch (1861-1933), Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam long trọng tổ chức khánh thành giai đoạn 1, xây dựng Tổ đình Phi Lai.

Tổ Chí Thiền có khả năng về trụ trì chùa Phi Lai từ sau năm 1905. Vì 1904, tổ còn đi cứu trợ bão lụt năm Thìn ở Gò Công và sau đó về Quảng Nam chịu tang mẹ.
Khi đó chùa Phi Lai còn vách tranh mái lá và đã xây dựng được gần 30 năm.
Nhiều tài liệu Phật học của các thầy Đồng Bổn, Minh Ân, Viên Huệ.. đã ghi chép tương đối đầy đủ về hoạt động của tổ Chí Thiền ở chùa Phi Lai nhưng vắng lịch sử trước đó của chùa.

Ví dụ như tại sao tên chùa là Phi Lai? Và không có địa danh nào liên quan.
Theo cụ Trần Văn A, thường gọi là Út A, năm nay gần 90 tuổi, giải thích Phi Lai có nghĩa là bay tới, nơi đất lành chim bay về đậu. Điều nầy không hợp lắm với cấu trúc văn phạm của từ Hán Việt Phi Lai, nhưng tự hiệu của chùa (xem ảnh) cũng ghi như vậy và cũng chỉ có nghĩa là bay tới.
Cụ Út A là con của ông Trần Văn Bảy, chánh bái đình làng Tú Tề. Cũng là cháu nội của ông Trần Văn Mau, một trong những bậc tiên hiền có công kiến lập ngôi đình. Ông Trần Văn Mau, người gốc Đồng Tháp, theo đức Phật Thầy Tây An tu học và khai khẩn ruộng hoang. Như vậy ông Trần Văn Mau là huynh đệ đồng tu với đại đệ tử của Phật Thầy Tây An là Quản cơ Trần Văn Thành và đệ tử thứ hai, thường được gọi là ông Hai, Trần Văn Lảnh.
Theo ông Út A, chùa Phi Lai là một tự viện đặc biệt của Phật Thầy Tây An thường được gọi là Trại Ruộng, học Phật tu Nhân theo tôn chỉ của Phật Thầy. Trại lập ra được Phật Thầy giao cho nhị đại đệ tử là ông Hai Lảnh trông coi. Vợ ông Hai Lảnh là bà Hai Ngôn và con gái của hai người tên Nữ.
Lần đó người Miên Láng Cháy nổi dậy. Họ rất đông, bao vây chùa Phi Lai và giết hết người Việt. Họ trói ông Hai trên gò đá và dùng cây quéo chặt đầu nhưng cả 3 lần, đao phủ đều trợt ngã. Ông sãi cả người Miên lúc đó ra lệnh dừng lại và không cho chém nữa. Ổng nói đây là Phật Duồng ( chữ duồng là chữ người Miên khinh bỉ gọi người Việt ), rồi bắt đem về Gò Sặc trên Miên. Tại đó, trong tình cảnh bị giam, ông Hai tiếp tục lập chùa tu hành và được gọi là ông Hai Gò Sặc,
Phần bà Hai ở lại cùng cô con gái trên hoang tàn đổ nát của xóm làng, lo sợ giặc trở lại hãm hiếp, bà quyết định đốt chùa tự thiêu cùng con.
Đây là lần thứ nhất chùa bị đốt và có người chết theo. Chuyện xảy ra chắc vào lối 1890.

Thời gian đó khởi nghĩa Láng Linh thất bại, nghĩa sĩ phân tán khắp nơi. Thời gian qua đi thì lòng ái quốc và mến thương bổn đạo cũng hồi sinh. Họ âm thầm liên lạc nhau, quy tụ đồng dựng lại chùa Phi Lai tranh lá và thờ trần điều. Tuy nhiên, Bửu Sơn Kỳ Hương chống Pháp, chánh quyền đâu có làm ngơ cho họ hoạt động. Chùa dựng lên rồi bỏ hoang vắng đó.

Tôi đồ rằng khoảng 1905 thì tổ Chí Thiền xuất hiện. Các tài liệu của các thầy tôi đã dẫn ở trên đều nói: năm 1904, tổ đi cứu trợ bão lụt ở Gò Công xong thì về quê chịu tang mẹ cho tới kỳ chung thất, tổ mới trở lại Sài Gòn, bàn giao các ngôi chùa Giác Viên và Giác Sơn cho bổn đạo rồi cùng một thị giả thẳng đường lên núi Cấm.
Chuyện kể rằng trước khi tổ đến, các hương chức ở làng Tú Tề đã được sơn thần, có tài liệu nói là Phật Thầy, báo mộng sắp có bậc long tượng về ngang qua đây, hãy cố gắng thỉnh người về trụ trì chùa.
Tài liệu cũng nói, ông Năm Thanh là người đưa tổ Chí Thiền qua kênh Vĩnh Tế, về chùa Phi Lai lễ Phật. (Chú ý là lúc nầy chùa vẫn đang thờ trần điều chưa thờ Phật). Sau đó, tổ lên thẳng núi Cấm cất một chùa lá, tại chỗ bây giờ là chùa Vạn Linh tu hành.
Các ông hương chức nghe ông Năm Thanh kể lại mới biết người được báo mộng đã đến và đi rồi. Mới kéo nhau lên núi Cấm thỉnh tổ về chùa Phi Lai. Tổ hứa khả. Lúc nầy tổ đã về đây 3 tháng.
Có một chi tiết khiến tôi băn khoăn ở chỗ nầy là từ Sài Gòn về Tri Tôn, sao tổ phải qua kênh Vĩnh Tế?
Chỉ có một cách giải thích mà lịch sử không ghi nên không dám chắc là từ Sài Gòn, tổ đã không đi thẳng về miền Tây. Tổ đã qua Miên trước và nếu vậy thì tổ đã đi đến đâu và hành, tác gì thì không có ghi chép.

(còn tiếp)

ĐÀO DŨNG TIẾN

Chú thích hình ảnh:
1. Tự hiệu chùa Phi Lai.
2. Chùa Phi Lai 1975
3. Tổ đình Phi Lai mới.
4. Chùa Phi Lai mới giữ lại nét chùa cũ
5. Tổ Như Hiển-Chí Thiền
6. Tháp của Tổ
7. Ảnh cụ Trần Văn A

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác