CƠ DUYÊN NÀO ĐƯA TRẦN THANH QUANG  ĐẾN VỚI THƠ?

Ngày đăng: 21/12/2021 10:25:04 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

 Vâng ! đó là ý của một phóng viên đã từng phỏng vấn Trần Thanh Quang trong buổi ra mắt tập thơ của anh: “Hoàn cảnh nào anh đến với Thơ và rồi làm Thơ?”. Và câu trả lời nghiêm túc và không thể dễ thương hơn: “ Không biết làm gì, tôi làm thơ!”

Thơ Trần Thanh Quang đẫm chất hào hoa, lãng mạn mang âm hưởng dư ba những biến động lịch sử của một thời đã tình cờ đi vào thơ anh theo cách không cố ý. Bởi vì thơ là tiếng lòng của riêng anh nhưng ai cùng cảnh ngộ, cũng có thể tìm thấy tiếng nói tri âm từ thơ anh. Vậy anh là ai? Chúng tôi xin giới thiệu vài nét về anh trước khi đi vào thế giới nội tâm của Trần Thanh Quang qua thơ.

Trần Thanh Quang trước hết là người con của Huế, hay nói cách khác Huế là quê nội của anh và anh được chào đời từ quê ngoại Quảng Trị. Như vậy phẩm chất kiên cường của con người nơi gió lào cát trắng và tính mộng mơ thi sĩ của vùng đất sông Hương núi Ngự đều góp phần hun đúc nên hồn thơ anh. Tuổi thơ anh đã trôi đi êm đềm từ Quảng Trị, Huế, Quãng Ngãi và kế tiếp là Sài Gòn cùng với con đường chinh phục chữ nghĩa. Anh cũng đã từng là sinh viên Văn Khoa trước khi đến với những bài học trên bầu trời quê hương và không phận quốc tế…để trở thành phi công phản lực. Chính vì vậy khi đến với thơ, anh có sẵn chất hào sảng, ngang tàng của lính cùng với chất lãng mạn ngọt ngào của dân Văn Khoa.

Năm 1995, anh xuất bản tập thơ đầu tay mang tên: TÌNH TA, được báo Tuổi Trẻ viết bài giới thiệu và được nhà thơ tên tuổi Đỗ Trung Quân vẽ tranh minh họa. Về tác phẩm in chung, Trần Thanh Quang đã góp mặt trong Tuyển tập 500 nhà thơ Huế, Thơ Tình Thế Giới Tuyển Chọn do Khai Trí lựa chọn và in ấn. Ngoài ra anh từng có thơ đăng trên các báo như: Văn Nghệ, Kiến Thức Ngày Nay, Mực Tím và nhiều tờ báo khác trong nước và Báo Trẻ ở hải ngoại.

Anh ồn ã với bạn bè nhưng luôn khép kín với thơ- anh từng nói: Tôi ghét và sợ sự ồn ào, huênh hoang nên chỉ chia sẻ với một số người làm thơ, bạn tri âm. Với anh, vậy là quá đủ! Anh cũng từng đi qua những thăng trầm, biến cố, hoàn cảnh riêng và cuộc đời đưa đẩy nay anh sống và làm việc tại Boston bang Massachusetts Hoa Kỳ.

Sống xa quê hương, viễn khách lại càng lắm nỗi niềm cần giải bày qua thơ. Quê nhà trong hành trang ký ức là những thi hứng, có dịp tuôn trào vào câu chữ khi trở về với hoài niệm một thời. Miền ký ức là những năm tháng thời trai trẻ, tuổi hoa niên và cả những giông bão cuộc đời đi vào thơ anh với nhiều man mác, buâng khuâng, những vui buồn và cả âm hưởng dư ba chấn động của thời cuộc phần nào thoáng hiện trong những vần thơ của anh.

“ Quán xưa ngập mộng chiêm bao/ Thương cơn mưa nhỏ lao xao hiên đời/Ngẫm mình như một cuộc chơi/ Đớn đau hạnh phúc khi vơi khi tràn” ( Quán xưa)

Thơ anh là sự kết hợp hài hòa giữa cảm hứng trữ tình và cảm hứng tự sự. Ở đó chứa những hình tượng thơ độc đáo, ngôn từ trong sáng, dễ hiểu. Đọc thơ anh, chúng tôi bị cuốn hút bởi những câu thơ hình thành từ cảm xúc rất đỗi chân thành như thế! Thử đến với những vần thơ lục bát thật mượt mà, nhẹ nhàng và lãng mạn để ta thấy cuộc đời qua nhãn quan của Trần Thanh Quang thật đẹp, thật nên thơ và ý vị biết nhường nào!

“Nếu là một chút hương bay /thì xin đọng mái tóc mây của người /Nếu là một chút nắng trời / thì xin rụng xuống mảnh đời của nhau (Vô đề)

Thơ Trần Thanh Quang giàu sắc thái biểu cảm, được diễn dạt phong phú với nhiều thể loại thơ trong đó chiếm phần lớn là thơ lục bát, thơ bát ngôn và thơ ngũ ngôn. Các thể loại này anh tỏ ra rất rành trong cách lập tứ, gieo vần, lựa chọn thi liệu, thi ảnh cho thơ thật ấn tượng và lôi cuốn người đọc. Đặc biệt những vần thơ tình đủ cung bậc, chứa đủ những nồng nàn, ngọt ngào và lãng mạn:

“Ta về ru mối tình sầu/trăm năm mái tóc bạc màu yêu em/ta về dỗ trái tim đêm /lời thơ ta ngỡ lời em dịu dàng”(Bài thơ không đề tựa)

Hạnh phúc và khổ đau, khắc khoải và ưu phiền trong nỗi buồn nhân thế được anh gửi gắm vào thơ với những vần thơ se sắt cõi lòng, thơ buồn mà đẹp đến nao lòng.

“ta là kẻ tha phương cuộc đời khốn khó/ áo sờn vai qua mấy chặng đời dài/chân lãng tử làm thơ nuôi cuộc sống/ nhận đói nghèo – ta sợ cả tình yêu”

Ai cũng biết cuộc đời không chỉ có ngọt ngào mà còn có cả những cay đắng oan khiên. Đó là điều khó tránh ở trần ai bể khổ, đặc biệt là lứa tuổi của anh vào đời trong giai đoạn lịch sử đầy biến cố. Rồi tha phương, vất vả mưu sinh qua hình tượng “áo sờn vai”, “chân lãng tử” nhưng vẫn “làm thơ- nuôi cuộc sống”. Đó là điều đáng quý. Đối với anh thơ là nơi ký thác nỗi niềm, vừa là cuộc sống tinh thần khi vấp ngã có thể “Vịn câu thơ mà đứng dậy” như lời cố nhà thơ Phùng Quán. Thơ là nơi an trú của tâm hồn để rồi có thể lưu lại những trang đời cho tri âm và hậu thế. “nhận đói nghèo – ta sợ cả tình yêu” có lẽ là cách nói dỗi hờn với cuộc đời một chút thôi! Ai biểu đời cho ta lắm ngọt ngào và cũng đầy đắng chát mà chi? Nhưng trong sâu thẳm hồn thơ thì phong cách hào sảng và lãng mạn của kẻ sĩ thời loạn vẫn là chất liệu bao trùm và xuyên suốt trong thơ Trần Thanh Quang.

“Em từ độ bỏ ta vời chốn mộng /Mùa Trinh Nguyên bạc tóc xám chân đời/thân ngựa chạy rạc rời bao con phố/vẫn mong nằm trong tay nhỏ buông lơi” ( Mùa trinh nguyên)

Là thân nam nhi, sinh ra trong một giai đoạn đất nước đầy biến động, mang tâm hồn thi sĩ nên anh ôm hết ngọt ngào và cay đắng, cả những ưu phiền khắc khoải gửi vào thơ.

“Ta thân ngựa một đời rong ruỗi phố/ móng khua vang đánh thức mấy con đường/ máu luân lạc trong trái tim loang lổ /cõi ta bà sao cứ mãi vấn vương”( Chân dung)

Đọc thơ Trần Thanh Quang chúng tôi không khỏi xót xa cho bi kịch của nhiều số phận trong thời ly loạn. kẻ sĩ cũng lỡ vận mất rồi! Chí nam nhi muốn được tung cánh bay cao với những ước mơ hoài bão nhưng không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Nhưng cuộc đời đôi khi trong cái rủi lại đi kèm cái may. Bàn tay anh chưa nhuốm màu chiến tranh, chưa đối diện với sinh tử, chết chóc của chiến tranh. Chưa bước vào cuộc chiến vì anh vẫn còn dang dở với những bài học mà lớp học là bầu trời, dụng cụ là máy bay. Người xưa từng nói: “Không thể lấy sự thành bại để luận anh hùng”. Dẫu cuộc đời nhiều khi không như ý nhưng chất ngang tàng hào sảng và lãng mạn thi nhân vẫn làm nên cốt cách tâm hồn anh.

Chúng ta hãy cùng hoài niệm về một thời hoa mộng của tuổi học trò thật đẹp qua những vần thơ mà anh đã đưa vào thi liệu, thi ảnh rất ấn tượng và sử dụng điệp từ, điệp ngữ rất thành công. Phải là tâm hồn yêu đời, yêu cuộc sống thiết tha, thi nhân mới có được những vần thơ xao động lòng người như thế!

“Tháng sáu về ta nhặt cành hoa phượng / thắm một trời nỗi nhớ bạn bè xa/ thắm một trời thương thầy cô độ lượng /bâng khuâng nào ai hái hộ dùm ta ( Tháng sáu)

Những thi liệu: tháng sáu, hoa phượng, mái tóc và kỷ niệm… thực ra không mới. Bởi vì nó đã có mặt trong thi ca từ nhiều thế kỷ trước. Nhưng qua bút pháp của Trần Thanh Quang vẫn tạo được những dấu ấn riêng. Những vần thơ đẹp, lãng mạn và lôi cuốn theo phong cách riêng của Trần Thanh Quang. Người đọc không khỏi bồi hồi xao xuyến về một thời thơ trẻ. Chúng ta tìm thấy bóng hình mình trong đó với những năm tháng học trò đầy ắp cả một trời kỷ niệm. Lứa tuổi hoa niên đầy nhiệt huyết, sôi nổi, ngây thơ và cũng lắm trò tinh nghịch. Vì vậy chúng ta không thể quên thầy cô đã từng rất độ lượng với tầng lớp thứ ba ở trong: “ Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”. Trần Thanh Quanh đã đưa người đọc trở về những ký ức ngọt ngào thời hoa mộng và lòng bỗng dâng lên niềm thương nhớ thầy cô hơn khi đọc thơ Trần Thanh Quang.

Đến với thơ anh, bài nào tôi cũng đọc nhiều lần, thật kỹ để lần theo cảm xúc, đi vào thế giới nội tâm của thi nhân để vui buồn cùng tác giả. Có những vần thơ với thi ý ngọt ngào, chất chứa nỗi niềm sâu lắng và thiết tha, tác giả cũng gửi gắm vào đó một chút triết luận nhẹ nhàng.

Ai đã từng đi qua những biến thiên dâu bể hẳn se lòng trước những dòng thơ buồn man mác của thi nhân. Vật đổi sao dời, mọi qui luật nghiệt ngã của cuộc đời đều có thể xảy ra. Thơ Trần Thanh Quang quả thật có sức ám gợi để neo lại trong lòng người đọc ấn tượng và biểu cảm, đẹp mà buồn! Vâng anh đã thành công khi tả cảnh ngụ tình, dùng ngoại cảnh để phô diễn tâm cảnh. Hướng người đọc đến với thế giới nội tâm của anh được giải bày trên mỗi ý thơ. Suy ngẫm và lắng động về chuyện, tình, chuyện đời…đọc lên nghe nao lòng vì nỗi niềm rất thật. Nhắc lại lần nữa lời anh từng nói: “Không biết làm gì, tôi làm thơ” là cách nói giản dị, nhưng cho thấy lẽ sống của anh từ cuộc sống tinh thần vô cùng phong phú. Thơ chính là cuộc sống của anh, là điểm tựa tinh thần là bến bờ an trú bình yên cho tâm hồn giữa thăng trầm dâu bể, anh và có lẽ nhiều người khác nữa đến với thơ để tìm lại sự cân bằng trong cuộc đời không ít chông chênh để vơi bớt nhọc nhằn của bộn bề cuộc sống.

Thơ anh chưa phải bài nào cũng hay, cũng lôi cuốn bạn đọc ngay từ câu chữ đầu tiên. Trong một đời thơ của bất kỳ một nhà thơ lớn nào mà neo lại trong lòng người đọc một số bài thơ hay, câu thơ hay để lại những ấn tượng khó phai trong lòng người đọc là đã quý rồi! Có những bài có thể chưa thực sự ấn tượng với người này nhưng lại hay với người khác. Miễn là người đọc tìm được tiếng nói tri âm. Soi vào đó thấy có bóng mình, cũng giống như cách tác giả đã nói hộ lòng người. Như vậy là tác giả ít nhiều đã thành công.

Và còn một điều nữa không thể không nói đến là tùy tâm trạng và cách thưởng lãm của người đọc với những sở thích và suy nghĩ khác nhau, sẽ cho thấy những cảm nhận cũng khác nhau.

Đọc thơ Trần Thanh Quang với tình yêu có thiết tha say đắm, có ngọt ngào lãng mạn nhưng cũng thấm đẫm những giọt buồn của một hồn thơ. Tiếng lòng của anh cũng là tâm sự của nhiều người có cùng cảnh ngộ để từ đó tìm thấy sự đồng cảm. Điều đọng lại trong thơ là mãnh lực của tình yêu là cứu cánh để con người tồn tại và đi tới.

Thơ Trần Thanh Quang có ngôn từ dung dị, trong sáng có những từ dùng rất chất. Anh vận dụng các biện pháp tu từ như: so sánh, ví von, ẩn dụ, hoán dụ, điệp từ, điệp ngữ, điệp cú, cảm thán…rồi cách chọn lọc thi liệu, thi ảnh có giá trị biểu đạt và kết hợp với nhạc tính một cách hài hòa. Bằng góc nhìn tinh tế, bút pháp đầy kinh nghiệm, Trần Thanh Quang đã đem đến cho người đọc những vần thơ rung động lòng người. Thơ trữ tình, hay trữ tình và tự sự đan xen đều có tính thẫm mỹ cao. Cho thấy Trần Thanh Quang đã lao động nghệ thuật một cách nghiêm túc để dâng đời những vần thơ đầy chất hào sảng, lãng mạn và chan chứa yêu thương.

Chúc cho anh có thật nhiều nhiều sức khỏe để tiếp tục sáng tác. Chúng ta có quyền hi vọng và chờ đợi những tác phẩm mới của Trần Thanh Quang có thể đáp ứng nhu cầu thưởng lãm ngày càng cao của bạn đọc yêu thơ.

Sài Gòn ngày 27/01/2021

Hoàng Thị Bích Hà

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác