YÊN DẠ THẢO CÓ GÌ KHÁC ?

Ngày đăng: 25/11/2021 09:14:06 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Một con người như bao người, cũng có cuộc sống gia đình, làm việc, các sinh hoạt bình thường khác và đơn giản trong sở thich cùng với đam mê…Yên Dạ Thảo không thuộc dạng sôi nổi hình thức đến nội tâm. Có lẽ vậy, khi đã qua thời trẻ trung, vui tính, háo hức như những cánh áo trắng, tóc ngang lưng một thời. Chị có khuynh hướng nghiêng về đam mê nấu nướng, thích nghệ thuật, yêu thơ văn và “xả trét” bằng… làm thơ.

Điểm số chung rất đời thường của ít nhiều trong số đông; khi người ta bước vào thế giới thơ văn, ai cũng muốn mình nổi trội, ngang tầm với những tài năng đã thành danh, hay ít ra cũng được bạn bè gần gũi tôn vinh, khen ngợi thì Yên Dạ Thảo làm thơ chỉ để rủ rỉ với riêng mình và vui khi được người thân quen quan tâm chia sẻ.

Với thời gian trèm trẹm mười năm không dài cũng không quá ngắn với một người bắt đầu bước vào lĩnh vực thơ ca. Yên Dạ Thảo đã từng vật lộn với con chữ; lập ngôn, thuật ngữ, kể cả chính tả thường dùng, cô phải bỏ nhiều công sức để tìm hiểu thêm. Vì cuộc sống xa quê hơn nửa phần đời hiện hữu, từ chữ nghĩa đến bản gốc tiếng mẹ đẻ trong veo suốt chương trình bậc phổ thông, hầu như chị đã gởi lại thầy cô, nơi chôn nhau cắt rún bên bờ Cửu Long trên quê hương mình.

Yên Dạ Thảo có đặc điểm không làm dáng, dễ gần, có tấm lòng rộng mở, chị không tham gia từ thiện vu vơ mà quan tâm ưu tiên thiết thực đến người thân, người cô đơn khó khăn thực tế vô điều kiện.

Thí dụ: một nét nhân bản mà Yên Dạ Thảo có được đã thể hiện đối với người bạn thơ quá cố Đỗ Hữu Tài lúc còn tại thế, nằm liệt cả người trên giường bịnh được cơ quan từ thiện nơi anh đến,chăm sóc. Mặc dù Đỗ Hữu Tài ở một nước cách Canada chị sinh sống hàng vạn dặm xa vời, chị vẫn thường giao lưu qua mạng trực tiếp để an ủi, làm điểm tựa cảm xúc cho Đỗ Hữu Tài làm thơ (có người đỡ dậy, để anh cắn que gõ máy tính) bởi anh chỉ cử động được từ vai cổ lên đầu. Yên Dạ Thảo cũng thực hiện trang Blog cho Đỗ Hữu Tài lưu thơ. Ngoài ra, chị cũng giúp thiết kế một số trang Blog cho các bạn thân khác như nhà thơ nghệ sĩ Hương Chiều, nhà thơ Phạm Minh Giang…

Tôi trở thành một trong số bạn thân quen với Yên Dạ Thảo sau nầy cũng nhờ cơ duyên ban đầu khá hiếm hoi, bởi chúng tôi chưa từng biết nhau bao giờ với kẻ chân trời người góc biển.

Chuyện là, một hôm tôi lên Sài Gòn nghỉ tại nhà đứa con trai ở Q8. TP.HCM, Lương Minh được tin chạy sang chơi, nhân tiện tôi tặng Lương Minh tập thơ Bến mới xb sau tập Lá nắng, thế rồi Lương Minh hẹn tôi ra toà soạn báo Tài chính Thị Trường, ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q3 nơi Lương Minh làm việc, tại đây cũng là lần đầu tiên tôi được quen nhà thơ Phạm Đức Mạnh. Lương Minh lôi tôi ra quán cà phê lề đường tặng báo, sau lúc giải khát, anh đề nghị cho đăng bài thơ “Tháng giêng” có bốn câu, trong tập Bến vào trang Web Tống Phước Hiệp-71, do anh quản trang, sau nầy là TPH-VL, một bài thơ nhỏ với lời thơ nhè nhẹ:

Em về tắm bến sông thơ

Bóng nhan sắc đẵm trăng giờ Nguyên tiêu

Đừng đem xuân bỏ xuống chiều

Vỡ hương, gió nhặt về trêu đầu giường.

Không biết “trúng khía” nào mà ở Canada, Khúc Giang, cô em gái song sinh với Yên Dạ Thảo, thường gọi là “Song Mai” vì hai chị em cùng tên Mai, chị Như Mai (YDT), em Xuân Mai (Khúc Giang) đọc được, cô em khoe với chị: “bài thơ 4 câu, thích quá, không biết tác giả là ai?” Rồi chị em tìm hiểu cũng biết người chỉ qua trang TPH.-VL

 

 

Một lần khá lâu sau, tôi đọc được bài thơ “Cà phê đắng” với 3 khổ thơ tám chữ của YDT cũng trên trang nầy, tôi có ấn tượng với bút danh Yên Dạ Thảo hơn là bài thơ, mặc dù tứ thơ chất chứa nhiều cảm xúc (buồn) nhưng, dụng ngôn, thi pháp chưa phải là “hàng hiệu” đáng chú ý.

Cà phê đắng tựa tình đời cay đắng

Thêm tí đường lừa vị giác bờ môi

Thiếu cà phê tim cảm chút bồi hồi

Hương vị ngọt, đắng lòng mà muốn thử!

 

Em đã khóc vì nhân tình thế sự

Trắng thay đen như giọt đắng cà phê

………………….. (Trích, Cà phê đắng – YDT)

Sau thời gian không lâu, khi đã trở thành bạn thân thiết, trao đổi góp ý thật lòng, không còn rào đón, dè chừng sợ mất lòng nhau, tôi thật sự ngạc nhiên thấy thơ Yên Dạ Thảo vượt bậc không ngờ, tứ thơ mới, sâu lắng, có nhiều tầng cảm xúc, ngôn ngữ chắt lọc, đặt từ đúng chỗ, khiến những bài thơ của chị sau nầy thanh thoát hơn, nên không lạ gì thơ Yên Dạ Thảo có được nhiều nhạc sĩ trong và ngoài nước phổ nhạc. Không có thì giờ lựa chọn, tôi chộp đại một bài “Thu vàng trên lối thơ” trên Blog-YDT, trích một đoạn:

Anh có nghe trong đêm

Tiếng thời gian lặng chìm

Chiếc lá rơi rất khẽ

Tiếng tơ lòng trong em…

Hai chị em cũng có năng khiếu thiết kế link, youtube cho thơ, nhạc.

Được biết có nhiều bạn thân khuyên Yên Dạ Thảo nên tuyển chọn số thơ đưa đi in, ít nhất cũng được ba tập, nếu ngại… “làm nổi” phát hành, cũng để lưu niệm cho vui. Chị cười, cho rằng sở thích làm thơ của mình chỉ đơn giản giải toả nhất thời nỗi buồn tâm hồn, hòa vui với cuộc sống, chứ chưa bao giờ nghĩ đến chen lấn vào địa hạt văn chương, quan trọng là khi tìm ý đẹp cho thơ, cũng là đang gạt bỏ dần ý xấu còn vương vất trong tâm mình, làm được việc gì vui cho người khác thì mình cũng có phần vui trong đó. Cũng như lần về quê thăm thân nhân, theo đoàn cùng với chị em trong gia đình đến thăm nhà Phong Tâm thấy bài vở bản thảo bộn bề dễ bị thất lạc, khi trở về nhà chị đã thực hiện Blog “Trang Thơ Phong Tâm” gởi tặng để lưu giữ thơ, lại còn bảo là trả nợ, nợ gì? Yên Dạ Thảo khiêm tốn: Nợ chỉnh sửa, góp ý từng bài khi chị nhờ đến, nên thơ chị có tiến bộ hơn nhiều. Yên Dạ Thảo quên rằng tôi còn nợ chị gấp bội phần. Bài vở đánh ra, sắp xếp hệ thống, trình bày theo ý tôi cho tập thơ “Đơn giản như dòng sông trôi” thì công lớn ấy tôi đã trả được bao nhiêu.

24.11.2021

Phong Tâm

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác