NGƯỜI ĐỔI TUỔI THANH XUÂN LO TƯƠNG LAI EM CHÁU (P.1)

Ngày đăng: 21/11/2021 11:10:43 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Vừa qua, chị hai của anh Trần Ngọc Em, CHS TPH đã từ trần. Trong nổi đau mất người thân mà không về quê đưa tiễn được, anh viết bài nầy để tiễn biệt chị Hai và cũng để nhớ lại một thời kỷ niệm của mấy anh chị em  và Chị Hai, cũng để tưởng niệm người chị tuyệt vời, trên cả tuyệt vời.

Ngay từ lúc mới trên mười tuổi đầu, chị đã cương quyết quyết định nghỉ học để ở nhà phụ giúp Ba Má nuôi nấng em út. Rồi sau đó, chị lại quyết định không lập gia đình, đánh đổi cả tuổi thanh xuân và cả một đời người vì tương lai xán lạn hơn của em, của cháu mình. Chị Hai ơi! Chị chưa bao giờ toàn tính bất cứ thứ gì cho riêng cuộc sống của chị, mà chị chỉ sống vì em vì cháu. Cha mẹ mình đã gánh tuổi thơ nghèo khổ cơ cực của em út như thế nào thì chị cũng gánh nặng chừng ấy trên đôi vai chị. Chị Hai ơi! Tất cả tụi em đều phải một đời mang nặng ân tình nầy của chị, thứ ân tình không bao giờ trả được, không thể làm gì để bù đắp được mà chỉ biết nói lên đây với tất cả sự biết ơn để tưởng niệm chị với tất cả niềm thương kính rằng: “Chúng em có một người chị rất tuyệt vời, trên cả tuyệt vời! Chị Hai ơi! Chị đã sống một đời thật đẹp và thật ý nghĩa vô cùng. Bây giờ chị đã vĩnh viễn đi xa. Gia đình tụi em ở phương xa: Ngọc-Em, Tương Thục, Thanh Phú, Thanh Mỹ và Thiện Phú xin cùng dược để tang cho chị với tất cả niềm thương kính. Xin chị hãy buông bỏ tất cả những ưu tư phiền não và những đám bụi mù của trần thế để thanh thản ra đi không vướng bận. Nguyện cầu hương linh Chi Hai sớm Vãng Sanh Cực Lạc.

Ai trong chúng ta cũng đều có ‘một thời kỷ niệm,’ vui có, buồn có, vui buồn lẫn lộn cũng có. Chắc có lẽ trong vũ trụ nầy chỉ có con người chúng ta làm sinh vật duy nhứt có được kỷ niệm để ôm ấp, để thân thương về một thời quá khứ nào đó. Chị Hai tôi và anh em chúng tôi cũng vậy, chúng tôi cũng có một thời kỷ niệm khó quên trong đời người. Chúng tôi sanh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, nghèo lắm, nghèo da diết, lại sanh ra trong thời cực điểm của chiến tranh Việt-Pháp, nên cuộc sống vốn dĩ đã vất vả cơ hàn lại thêm cơ hàn vất vả thêm.

Lúc chúng tôi chưa ra đời nghe nói có lúc Ba tôi mở được hãng đóng đàn guitar với thương hiệu Chánh Hoa, có thời được xuất sang Pháp. Hồi nầy nghe nói, tại Vĩnh Lòng Ba tôi cũng cất được rất nhiều nhà, ngay cả căn nhà của ông bà ngoại tôi cũng là của Ba tôi sang lại. Nhưng rồi vì phong cách phong lưu tài tử của Ba, lúc nào Ba chơi với bạn bè cũng hết lòng và luôn tin tưởng bạn nên sau đó ba bị bạn bè thâu tóm hết tiền bạc và phải đi đến chỗ sạt nghiệp. Lúc chị em tôi ra đời cũng là lúc Ba nghèo, có lúc Ba cũng cố gắng làm lại, nhưng không còn là thời của mình nữa, nên Ba hùn hạp tới đâu là thua lỗ tới đó.

Khi Ba Mẹ tôi dọn về Vĩnh Long vào cuối năm 1958, ngoài chị hai và tôi ra, anh em chúng tôi còn có Ngọc Minh, Ngọc Châu và Ngọc Sương. Khi đó, ông ngoại hỏi chị Hai có muốn về với Ba Má không? Chị Hai trả lời ông ngoại ngay: “Dạ, con phải về đặng giữ em với làm công chuyện phụ má chớ ông ngoại.” Ông ngoại liền xoay qua hỏi tôi, còn con thì sao? Tôi cũng trả lời ông ngoại giống như chị Hai: Con cũng về để giữ em và phụ làm công chuyện với chị Hai. Ông ngoại nói thêm, bộ bây hổng sợ thằng cha bây nó đánh bờm đầu sao? Chị Hai nói: “Con có làm gì đâu mà sợ hả ông ngoại?” Còn tôi thì nín thinh, nhưng trong lòng vẫn sợ bị đòn vì chưa biết đòn là cái gì, vì từ nhỏ đến năm chín tuổi ở với ông bà ngoại và mấy dì cậu có biết bị đòn là bị cái gì đâu!

Sau khi chị Hai và tôi về ở chung với Ba Má được vài tháng thì chị Hai quyết định nghỉ học luôn để ở nhà phụ với má buôn bán. Lúc đó chị đang là một học sinh giỏi của trường Nữ Tiểu Học Vĩnh Long, từ năm lớp năm (lớp 1 bây giờ) đến năm lớp nhì (lớp 4) năm nào chị cũng được lãnh phần thưởng. Vì thế mà sau khi chị xin phép nghỉ học, bà hiệu trưởng có vô tận nhà nói chuyện với Ba Má và bà xin được lo cho chị Hai đi học tiếp, nhưng chị Hai đã thưa với bà: “Thưa bà hiệu trưởng, chuyện nghỉ học là do con muốn nghỉ học để ở nhà phụ giúp má con buôn bán để có tiền nuôi dạy mấy đứa em. Tội nghiệp chị Hai, mới mười tuổi đầu mà phải bỏ học. Có lẽ vì chữ hiếu và cũng vì thương em út chính là nguồn động lực lớn giúp chị Hai lạc quan và vượt qua tất cả mọi khó khăn và thử thách. Dường như trong đời chị Hai, chị quên hẳn đi hạnh phúc riêng của chính mình để chỉ dồn hết nỗ lực lo cho em út và tương lai của chúng. Hạnh phúc của chị chính là thấy em út của chị luôn được hạnh phúc.

(còn nữa)

NGƯỜI LONG HỒ

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác