ĐIỀU THÚ VỊ KHI ĐỌC BÀI CỦA GS NGUYỄN VĨNH THƯỢNG ĐĂNG TRÊN TRANG NHÀ

Ngày đăng: 13/11/2021 08:50:39 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Tôi ham tìm hiểu về Phật pháp và nhất là luôn cảm thấy lý thú khi đọc bất cứ một bài viết nào về vấn đề nầy cũng nhận ra mình chưa hiểu biết gì về pháp cả. Điều đó khiến tôi càng choáng ngợp khi tiếp xúc bài viết đầu tiên của thầy Nguyễn Vĩnh Thượng trên tongphuochiep-vinhlong.com, bài Duyên khởi hay Thập nhị nhân duyên, đăng ngày 31/12/2017.

Rồi sau đó tiếp tục được đọc một loạt các bài của thầy đăng rải rác qua các năm 2018, 2019, 2020…Toàn là những chuyên đề vừa căn bản vừa chuyên sâu, một kho tàng mà thầy đã kỳ công biên khảo.

Như trong bài “Đạo đức Phật giáo” đăng liền hai ngày 21&22/11/2019, thầy nhắc tới một bài kinh căn bản và 5 giới cấm của Phật tử tại gia:

“Chư ác mạc tác

Chúng thiện phụng hành

Tự tịnh kỳ ý

Thị chư Phật giáo.”

(Kinh Pháp Cú)

dịch:: Chớ làm các điều ác,/ Nguyện làm các việc lành,/Giữ tâm ý trong sạch,/ Đó là lời chư Phật dạy.

Người Phật tử bình thường có 5 giới hay 5 điều cấm, chỉ cần giữ năm giới thật cẩn trọng, tránh làm điều ác, nguyện làm điều thiện trong cuộc sống hằng ngày thì thân tâm sẽ được thanh tịnh.

Năm giới hay năm điều cấm là: 1.-Không sát sanh 2.-Không trộm cắp 3.- Không tà dâm 4.-Không được nói dối, nói xấu, chửi rủa, dùng lời hoa mỹ để mê hoặc người khác 5.-Không được uống rượu say sưa.”

(để dễ nhớ người ta thường nói là: dâm, sát, đạo, vọng..)

Rồi trong 2 bài chuyên khảo về vai trò của người phụ nữ (tu sĩ và cư sĩ) trong cộng đồng Phật giáo đăng ngày 9/3/2020, thầy cho chúng ta biết một khía cạnh rất hấp dẫn của Mật tông.

Trong khi toàn bộ các phân nhánh của Phật giáo từ Nguyên Thuỷ đến Phát Triển đều xem tính dục là một giới cấm thì Mật tông lại có một cách nhìn nhận riêng.

“Tantra (Mật tông), tiếng Sanskrit, có nghĩa là đan kết lẫn nhau. Mật tông tiến tới chỗ cho rằng những thiền giả thực hành sự đan kết thể xác và tinh thần với nhau trong khi làm tình để thống nhất đòi hỏi dục tính. Mật tông cho rằng hành giả không những không chống đối thể xác và những đòi hỏi của thể xác, nhưng còn đan kết những điều này để tiến tới con đường giác ngộ. Từ đó, Mật tông cho rằng sự liên hệ dục tính sẽ trở nên linh thiêng.

Ở đây, chúng tôi không đi sâu vào chi tiết của các hành vi dục tính của Mật giáo. Quý độc giả có thể tự tìm hiểu những bí mật của tình dục Mật giáo (the secrets of Tantric sex) qua nhiều sách vở khác nhau ở các Thư viện, hoặc ở các nhà sách, hoặc trên Internet hay Google.

Phái Mật giáo kết hợp với phái Sakta của Ấn độ giáo. Phái Sakta sùng bái nữ thần Durga, Mật giáo có nhiều nghi thức bí mật, có nhiều trò ma thuật, và có nhiều hình thức làm tình Mật giáo trong nghi quỷ (không hiểu chữ này ĐDT). Mật tông lấy chủ nghĩa khoái lạc, dục vọng tình dục làm lý tưởng.”

Tôi rất thích thú với thông tin nầy của thầy và định bụng có cơ hội sẽ quy y Mật tông thì liền sau đó thầy cảnh tỉnh:

“Cố Hoà Thượng TS Thích Thanh Kiểm, Cựu GS Phật học tại Phân Khoa Phật học và Triết học Đông phương, ĐH Vạn Hạnh, Saigon đã nhận định:

“…phái Kim Cương Thừa dần dần rơi vào vòng tà đạo, và cũng là nguyên nhân đọa lạc của Mật giáo”.

(Thích Thanh Kiểm, Lược sử Phật giáo Ấn độ, Saigon: Lê Thanh Thư Xả, 1963, tr. 232).

Đâm ra buồn mấy phút!……

Ở một đoạn khác, thầy cũng cho biết một công chúa đời nhà Đường là người có công du nhập Phật giáo vào Tây Tạng: “Văn Thành Công Chúa (623 – 680) thời Đường Thái Tông được Vua Đường gả cho vua Tây Tạng là Tuy Tán Cán Bố. Khi qua Tây Tạng, bà được Vua Đường cho đem theo bức tượng Phật Thích-ca Mâu-ni bằng vàng, 360 quyển Kinh điển Phật giáo và nhiều của cải quý giá, đây là của hồi môn của công chúa. Vua Tây Tạng đã cho xây ngôi chùa đầu tiên ở Tây Tạng là chùa Đại Chiêu để thờ tượng Phật bằng vàng này. Như vậy Công Chúa Văn Thành là một Nữ cư sĩ đã đem đạo Phật vào xứ Tây Tạng.”

Và bài kệ khai kinh mà chúng ta luôn tụng đọc trước khi vào nội dung chính của thời kinh là bài tán thán của Hoàng đế Võ Tắc Thiên khi đọc bản kinh Hoa Nghiêm, lần đầu tiên được dịch sang chữ Hán:

“Nữ Hoàng Đế Võ Tắc Thiên (624 – 705) lên ngôi lập nên nhà Chu, trị vì từ năm 690 đến năm 705,  truyền thống Khổng giáo không cho phép một phụ nữ được lên ngôi Hoàng Đế nên bà bị quần thần chống đối. Ngoài việc ổn định đất nước, phát triển kinh tế, xã hội; đặc biệt bà còn phát triển Phật giáo nhất là Mật tông. Hoàng Đế Võ Tắc Thiên đã cử đặc sứ sang Ấn độ thỉnh Kinh Hoa Nghiêm bằng tiếng Sanskrit, rồi thỉnh cầu Đại sư Siksananda sang Trung Hoa làm chủ trì việc dịch thuật.

GS Nguyễn Vĩnh Thượng và phu nhân

Bộ Kinh Hoa Nghiêm  Tàu dịch là Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh. Đây là bộ kinh dài nhất và rất cao siêu trong Đại Tạng Kinh của Phật giáo Phát triển/ Đại thừa.

Sau khi Kinh Hoa Nghiêm được dịch xong, Hoàng đế Võ Tắc Thiên đã đọc suốt toàn bộ Kinh, Vua đã hiểu ý nghĩa thâm sâu và vi diệu của Phật Pháp chứa đựng trong Kinh, nên Vua đã viết lời Khai Kinh Kệ  cho Kinh Hoa Nghiêm này. Từ đó các Đại sư đã dùng lời Khai Kinh Kệ này cho tất cả các Kinh điển Phật giáo ở Trung Hoa, sau này ở Việt Nam, trước khi bắt đầu đọc tụng bài Kinh.

  • Khai Kinh kệ

Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp,

Bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ.

Ngã kim kiến văn đắc thọ trì,

Nguyện giải Như Lai chân thực nghĩa.

Dịch thơ:

Lời Khai Kinh Kệ

Phật Pháp rộng sâu rất nhiệm mầu,

Trăm nghìn muôn kiếp khó tìm cầu.

Nay con nghe thấy chuyên trì tụng,

Nguyện tỏ Như Lai nghĩa nhiệm mầu.

(Hòa Thượng Thích Trí Tịnh dịch)

Không chỉ trên trang tongphuochiep, thầy còn cộng tác và đăng nhiều trên thuvienhoasen và quangduc, mà bài nào bài nấy đều là những công trình nghiên cứu chỉn chu, bác học.

Ví dụ như chúng ta ai cũng biết, thời Phật Thích Ca tại thế chưa có chữ viết. Cho tới kỳ kết tập kinh điển lần thứ 4, thế kỷ thứ 1 TCN, gần 500 năm sau khi Phật tịch diệt, tam tạng kinh điển mới được viết ra bằng chữ pali và sau cuộc đại phân nhánh, tam tạng pháp bảo mới được viết bằng chữ sanckrit. Đồng nghĩa là chữ pali có trước, chữ sanckrit có sau.

Nhưng không phải vậy. Trong bài “Ngôn ngữ đức Phật lịch sử khi thuyết pháp”, thầy cho biết Phật Thích Ca thuyết pháp bằng tiếng Maghadi và chữ pali có sau chữ sanckrit. Nhưng vì chữ pali gần gũi với tiếng maghadi và văn phạm dễ hơn sanckrit nên được các trưởng lão dùng để ghi chép kinh điển ở lần kết tập thứ 4….

Ngưỡng mộ thầy, tôi vào google tìm hiểu thì được biết những điểm chánh sau đây:

“Giáo Sư Nguyễn Vĩnh Thượng sanh năm 1944 tại quận Cao Lãnh, tỉnh Sadec.

-1956 – 1963: Học sinh trường Trung học Petrus Trương Vĩnh Ký, Saigon.

-1967: -Cử nhân Phật học, Phân khoa Phật học và Triết học Đông phương, Viện Đại học Vạn Hạnh, Saigon.

-Cử nhân Văn Khoa, Phân khoa Văn học và Khoa học nhân văn, Viện Đại học  Vạn Hạnh, Saigon.

-1969: Cử nhân giáo khoa Triết học Đông phương, Trường Đại học Văn khoa, Viện Đại học Saigon.

-1970: Cử nhân giáo khoa Triết học Tây phương, Trường Đại học Văn khoa, Viện Đại học Saigon..

-1969 – 30 tháng 4 năm 1975: Giáo sư triết học tại các trường Trung học Cần Đước, Petrus Ký, Hồ Ngọc Cẩn, Nguyễn An Ninh và trường Sư phạm Saigon.

-1971-  1972: Chuyên viên giáo dục tại Nha Kế hoạch và Pháp chế học vụ, Bộ Văn hoá Giáo dục và Thanh niên VNCH, Saigon.…..

-Tháng 9,1975 -1979: dạy toán học tại các trường Trung học Phổ thông cấp 3  Tây Sơn và Marie Curie.

*-*1980: định cư tại tỉnh Alberta, Canada.

-Từ cuối năm 2014 đến nay: đọc sách, viết văn và hưởng nhàn.

– Từ 2015, bắt đầu cộng tác với Trang Nhà Quảng Đức www.quangduc.com (Úc), Thư Viện Hoa Sen www.thuvienhoasen.org (Hoa Kỳ)…

Thật là một con người, một cuộc đời đáng được khâm phục và ghi chép lại.

Tháng 11/2021

Đào Dũng Tiến

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác