NHỮNG MẢNH ĐỜI KHỐN KHÓ THỜI ĐẠI DỊCH

Ngày đăng: 13/07/2021 06:16:09 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Đã hai tháng nay, tính từ 1/5/2021, Sài Gòn chẳng may nhiễm trận dịch thế kỷ nhất là nhiễm phải chủng mới nên tốc độ lây lan càng nguy hiểm hơn. Đặc biệt từ 31/5/2021 đến nay, hàng ngày trôi qua, nhìn con số thống kê mỗi ngày thì lòng người dân trong và ngoài nước có lẽ cũng quặn thắt lòng khi có người thân đang sống giữa tâm dịch. Chấp hành chỉ thị 15 giãn cách toàn thành phố, và chỉ thị 16 đối với một số nơi như quận Gò Vấp và phườngThạnh Lộc quận 12. Người dân chấp hành ở nhà, chỉ đi ra đường khi thật sự cần thiết như mua thuốc men, nhu yếu phẩm. Thành phố vốn sầm uất nhộn nhịp năng đông là thế nay trở nên vắng vẻ đìu hiu đến nao lòng. Nhà nhà đóng cửa, đường phố quạnh vắng rộng rãi khác thường.

Những tưởng sau 30 ngày tình hình khả quan hơn nhưng con số lây lan chưa dừng lại. Hàng ngày số ca nhiễm vẫn cao nên trên cơ sở vẫn giãn cách xã hội như đã nói ở trên, để hạn chế tối đa nguy cơ lây lan dịch bênh chỉ thị 10 của thành phố tính từ 0 giờ ngày 29/6 là không tụ tập quá 3 người, dừng chợ, dừng vận chuyển công cộng. Và giờ đây Sài Gòn đang tiếp tục chấp hành đợt giãn cách mới tính từ ngày 9/7 đến 24/7/2021. Đời sống của những người lao động kiếm ăn qua ngày lại càng khốn đốn hơn.

Sáng nay, tôi trở dậy xuống khu chợ gần nhà mong kiếm chút thực phẩm, rau quả gì không sau 1 tháng cứ 10 ngày đi chợ 1 lần và dùng đồ ăn trong tủ lạnh. Thì tuyệt nhiên, khu chợ vắng hoe. Những quầy hàng bình thường rất tấp nập nhộn nhịp nay vắng như chùa bà đanh. Các kiot đóng kín cửa, các cây dù lưu động dùng cho những hộ buôn bán bên các hiên nhà cũng dẹp gọn. Tịnh không có một bóng người, không có căn hàng nào còn sót lại, người mua chỉ còn cách ra siêu thị khai báo y tế và xếp hàng giữ khoảng cách theo chỉ dẫn.

Hàng ngày, công an khu vực và dân phòng đi kiểm tra xem tình hình an ninh và giãn cách như thế nào để nhắc nhở người dân. Có khi dùng xe có bắc loa đi từng dãy nhà góc phố để tuyên truyền cho người dân phòng chống dịch. Quả là trận dịch, mọi người đều khổ. Đặc biệt các BS và nhân viên ý tế trên tuyến đầu chống dịch, làm việc để dành lại sự sống cho người dân trong môi trường lây nhiễm cao, hết sức vất vả.

Những người lao đông, công nhân trong cách khu công nghiệp, là sinh viên trọ học xa nhà, là những người buôn thúng bán bưng từ những miền quê khác về TP kiếm kế mưu sinh. Thuê trọ chen chúc trong những căn hộ nhỏ nhưng chứa đến vài hộ. Nhưng tiền thuê không hề nhỏ cũng phải từ 5-10 triệu cho mỗi căn. Đi ngang một chỗ ngồi của một bán bán rau cũ quả quen thuộc hàng ngày, nay không thấy bóng chị đâu, lòng tôi dâng lên một nỗi buồn khó tả về mảnh đời này. Số là chị quê ở Cần Thơ, phiêu bạt về đây cùng với cả gia đình làm nghề buôn bán nhỏ. Lúc đầu chỉ là một rổ cà rốt và và một rổ khoai tây. Nhờ tính tình hiền lành, buôn bán dễ thương nên sau một thời gian ngắn căn hàng của chị mở rộng với đủ thứ rau củ quả tươi ngon, phong phú và lượng khách đến với chị rất đông. Chị bán không xuể, phải thêm người phụ bán. Cứ mỗi ngày, tôi thường đi chợ sớm vào lúc 6h lúc này ít khách mà hàng lại tương ngon dễ chọn. Chị tâm sự, là đi bán về là vào công ty làm tạp vụ nữa.

Gánh nặng nuôi con chỉ một mình chị gánh vác. Con cái chị nay có người đã lập gia đình nhưng để tiết kiệm chỗ trọ nên đều thuê chung 1 phòng trọ để ở. Cậu con trai út của chị nay đã học xong đại học, chưa có việc làm hàng ngày ra bán phụ mẹ, nuôi ý định học tiếp. Nay không buôn bán được và với chừng đó miệng ăn, tiền phòng trọ nữa, thật buồn cho những mảnh đời, trong nạn dịch lại càng khốn khó hơn!

Tối qua, anh VBT một người anh trong xóm, từ Huế đi kinh tế mới ở Gia Lai sau 1975. Anh điện hỏi thăm tình hình dịch bệnh rồi anh kể cho tôi nghe: “Ở chỗ anh nhà nào nhà nấy, bây chừ cũng nan giải lắm. Bơ chín rụng đầy vườn, đi phải tránh chứ không đạp té. Chỉ còn biết lượm cho bò ăn chứ bây giờ bơ trên cây bán 1 kg chỉ 2000 đ mà không ai mua vì xe không chạy về Sài Gòn được. Trong lúc ở Sài Gòn mỗi kg bơ có giá từ 35.000d- 40 000 đ. Anh nói mọi năm xe lưu thông có bán được giá mỗi kg 7000-8000 đ.

Tôi hỏi:- Bây giờ anh chị làm gì?

Anh bảo:- Giờ chăn nuôi bò, nuôi heo.

Nhưng anh nói nuôi heo cho ăn thức ăn công nghiệp thì 3 tháng là bán được nhưng anh thấy nuôi kiểu này ăn độc hại và cảm thấy lương tâm không cho phép nên anh nuôi bằng rau cám thức ăn tự nhiên nhưng thời gian lâu hơn có khi từ 6 tháng- 1 năm mới có thể đạt 60-70kg.

Tôi nói: -Vậy anh chăn nuôi kiểu đó, người ta dùng sẽ thấy chất lượng và uy tín sẽ có mối đặt hàng quen.

Anh buồn rầu trả lời:- Nhưng giờ cũng không ai mua. Còn cà phê thì thì phân bón nay tăng giá gần gấp đôi, nếu mua chịu thì đến khi bán cà phê cũng không đủ trả tiền cho người ta.

-Sao anh không chuyển qua trồng và phân phối các loại rau quả sạch?

– Ở trên nay nhà nào người ta cũng tự trồng rau để dùng thì ai mà mua, mà chuyên chở về Thành phố nếu bình thường không dịch thì chi phí vận chuyển cũng cao rồi. Nay dịch bệnh thì xe không lưu thông. Anh còn kể cho tôi nghe là cách đây mấy ngày, người dân tộc thiểu số ở gần anh mấy lâu về sài Gòn làm thuê, nay không có việc, phải về quê mà xe không chạy làm thế nào trở về. Thế là họ kéo nhau 1 đoàn mang theo gạo nồi đi bộ, tới đâu đói thì dừng lại thổi cơm. Tối thì nằm ngủ dọc đường. Đi 3 ngày như vậy và đã về tới Gia Lai.

Không thể kể hết những mảnh đời vốn đã khốn khó lại càng khốn khó hơn trong cơn dịch này. Cầu mong những mảnh đời an lành để qua khỏi tai ương.

Mong sao, trước sự cố gắng của các cấp, các ngành và mỗi người dân đồng sức, đồng lòng thực hiện thật tốt 5k và sớm được tiếp cận nguồn vaccine để covid sớm đẩy lùi để cuộc sống trở lại bình yên.

Sài Gòn, ngày 09/7/2021

Hoàng Thị Bích Hà

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác