VÀI CẢM NGHĨ VỀ THƠ VĂN ĐOÀN VĂN KHÁNH

Ngày đăng: 23/04/2021 10:35:09 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Tôi không phải là nhà hay người nghiên cứu phê bình văn học nên không dám đưa ra những nhận xét về thơ văn của Đoàn Văn Khánh. Với tư cách người đọc tôi chỉ mạo muội nêu lên những cảm nghĩ của mình về thơ văn của anh. Tôi và Đoàn Văn Khánh quen nhau từ thời còn rất trẻ, ở lứa tuổi Trung Học. Thời ấy tôi viết tiếng việt chưa rành, ngữ nghĩa còn chệch choạt, nhiều lỗi chính tả, câu cú thì rập khuôn theo grammaire tiếng Pháp, nhiều khi lủng củng, nặng nề, trong khi đó Đoàn Văn Khánh đã có chỗ đứng trên văn đàn tuổi học trò.

Đọc những bài thơ, đoản văn và truyện ngắn của anh trong các tuyển tập thi văn đoàn, bút nhóm và những bài thơ lẻ nhét dưới mặt kính bàn Quán Chè Hiển Khánh Phan đình Phùng, giai phẩm xuân Pétrus Ký và các trường khác, tạp chí Bách Khoa của Lê Ngộ Châu, tôi đâm ra ngưỡng mộ. May mắn thay, năm 1966 ông Kỳ lên làm Thủ Tướng, ông ký sắc lệnh buộc các trường Pháp và trường Tàu phải dạy văn chương và lịch sử Việt Nam. Tôi có dịp tiếp cận và học tập. Tôi ghi danh học thêm Ban C ở trường Trường Sơn với các thầy Nguyễn Sĩ Tế, Tô Đáng, Doãn Quốc Sĩ, Đỗ Khánh Hoan, Vũ Ôn Đình, Nguyễn Xuân Hoàng, Thanh Tâm Tuyền,…. và tự học sách của thầy Phạm Thế Ngũ, Nguyễn Đoàn Tuân, Lữ Hồ…. Dần dà tôi thủ đắc thêm được một số kiến thức về văn học Việt Nam. Lúc ấy Đoàn Văn Khánh đã ngồi ở chiếu trên so với tôi và các bạn cùng trang lứa như Phan Thành Lợi, Nguyễn Mộng Hòa Bình (khu dân sinh), Nguyễn Văn Phước Cương ( nhóm Hiện Đại quận , nhóm Hữu Phượng Linh Phương ( cầu Rạch Ông). Bẵng một thời gian không gặp nhau, tôi đi cùng Nguyễn Đức Nhân ( lúc đó là sư Thị Duyên) đến nhà anh ở Bàn Cờ, mới biết anh đã nhập ngũ, là đồn trưởng một đồn lẻ ở miền Tây, anh phong trần dày dạn phóng khoáng pha lẫn ngạo nghễ bất cần đời. Buổi gặp mặt, thơ văn anh tuôn trào làm tôi và cả Nguyễn Đức Nhân khâm phục. Nguyễn Đức Nhân bảo thơ văn Đoàn Văn Khánh dồi dào ý lực, phong phú bút lực, nhưng không nên đọc nhiều vì sẽ nhập tâm làm cho mình viết giống hoặc na ná, người khác nghĩ là mình chôm.

Tôi đậu tú tài II ban C năm 1968; các lớp đàn anh gọi là “ tú tài ngu” vì chỉ giới hạn chương trình trong đệ nhất lục các nguyệt (Học Kỳ I), do trường phải đóng cửa trong Mậu Thân đợt 1 và Mậu Thân đợt 2.

Tuy ít gặp Đoàn Khánh Văn nhưng tôi vẫn đọc được ở đâu đó vài tuyển tập văn chuyền tay, những bài thơ và truyện ngắn, tùy bút, tạp văn của anh. Năm 1972 tôi ra trường dạy học ở Batri (Kiến Hòa) rồi Trảng Bàng ( Hậu Nghĩa) được hoãn dịch vì lý do công vụ, còn anh thì vẫn lận đận trong quân ngũ. Càng lận đận, anh càng viết khỏe, anh không ca tụng chiến tranh, không “máu kêu trả máu, đầu kêu trả đầu”, anh chỉ viết về tình người trong chiến tranh, nhân hậu thương yêu.

Xa mặt nhưng không cách lòng. Mười mấy năm không gặp, nhưng tôi vẫn nhận ra anh ngay khi anh đọc xong bài thơ “Đập vỡ sương đời” ở CLB Thơ quận 4 vào 1995. Anh bước xuống, tôi níu ray anh hỏi: Có phải anh là Đoàn Khánh Văn không?. Anh khá ngạc nhiên vì lâu rồi anh không ký bút danh Đoàn Khánh Văn nữa, mà là Đoàn Bằng Hữu, Đoàn Đạm Nhiên hay tên thật Đoàn Văn Khánh. Liền sau đó anh nhận ra tôi.

Và hơn 20 năm nay kể từ ngày gặp lại, anh em gắn bó trong cuộc sống và trong sáng tác, tôi có dịp đọc anh và học hỏi anh nhiều hơn.

Thơ của anh rất nhân hậu như con người thật của anh, luôn toát ra nét thật thà, gợi mở những cảm nghĩ hướng thiện cho người đọc.

Khi Tổ Chức Quốc Tế Lao Động (ILO International Labor Organization) của Liên Hiệp Quốc công bố 1995 số lượng 250 triệu trẻ em phải lao động cật lực tại các hầm mỏ, hảng xưởng, trong điều kiện khắc nghiệt không có bảo hiểm với đồng lương đẫm mồ hôi, nước mắt và máu. Anh bức xúc viết bài “Những con số lạnh tanh”

….

Hai trăm năm mươi triệu trẻ em

Hai trăm năm mươi triệu lao động vị thành niên

Hai trăm năm mươi triệu lao động thời Trung Cổ

Không sợ chất độc hóa học

Không sợ bệnh nghề nghiệp

Vì các em đâu có tương lai mà lo nghĩ…

(ĐVK, Những con số lạnh tanh)

Tôi chớp lấy, dịch ngấu nghiến sang tiếng Pháp kịp gửi đến Hội nghị Quốc Tế về Quyền trẻ em do LHQ tổ chức ở Thụy Sỹ.

Trong dịp Đại Lễ VU Lan, anh viết về mẹ anh và các bà mẹ của mọi người bài : “Sáng Muôn Trăng”

Bài thơ gây xúc động nghẹn ngào cho những người con. Chị Ngọc Anh (vợ của nhạc sĩ Trần Huệ Hiền) vốn rất ghét thơ, nhưng khi đọc chị khóc nức nở và trở thành một tín đồ của thơ.

Bài thơ cũng đã gợi nên lòng hiếu thảo của mọi người khi Quỳnh Loan đọc diễn cảm trong đêm trước lễ di quan an táng thân mẫu của chị Ngọc Di, có thầy Thích Trung Đạo thuyết linh và nhiều anh em văn nghệ đến phúng viếng và chia buồn. Đúng là “ Thơ Làm Lớn Dậy Con Người” (Chữ của Thế Phong)

Trong những tùy bút, tạp văn và truyện ngắn của anh, lời văn trong sáng, hướng thượng, xây dựng cuộc sống tươi đẹp. Tôi hoàn toàn tán thành và ngưỡng mộ quan niệm của anh: nhà văn phải đi trước thời đại, tạo ra sức bật cho tuổi trẻ hướng về chân thiện mỹ. Nhà văn là nhà kiến tạo hạnh phúc cho cuộc đời. Trong văn của anh cũng có nhân vật phản diện, nhưng anh không khai thác cái ác một cách quá trớn, không như một vài nhà văn khác cố tình nâng cái ác lên hàng nghệ thuật, làm cho con người nhất là giới trẻ hụt hẫng, mất phương hướng, quay sang sùng bái những ngẫu tượng (chém nhau như trong phim,hảm hiếp như trong truyện). Đời có quá nhiều cái ác rồi, không cần phải phịa ra những cái ác mới. Đời cũng có quá nhiều điều thiện, hãy làm cho điều thiện thấm đẫm trong suy nghĩ, tình cảm của người đời. Tôi cũng hoàn toàn tán đồng quan điểm của anh rằng: HÌnh thức sơ khai nhất của văn là những bích họa trong vách hang động của người tiền sử, đó là thông điệp truyền tải đến thế hệ sau: cách làm ra lửa, cách tránh thú dữ hoặc cách hái lượm hay bắt 1 con thú để ăn. Bản chất của văn là tải, văn không thể không tải, nếu không tải đạo thì nó tải cái vô đạo. Thử hỏi xã hội đầy những cái vô đạo thì có khác chi loài cầm thú?

Kinh dạy: “Điều ác chưa xảy ra hãy làm cho đừng xảy ra

Điều ác đã xảy ra hãy làm cho đừng xảy ra nữa

Điều thiện chưa xảy ra, hãy làm cho xảy ra

Điều thiện đã xảy ra, hãy làm cho tiếp tục xảy ra”

Có lẽ lời dạy của thánh hiền đã đầu thai vào ngòi bút của Đoàn Văn Khánh.

Bích Nhãn Hồ

                                           Với Lương Minh và anh chị Đặng Châu Long tại chung cư An Sương

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác