ĐỌC NGẮM MÂY CỦA TRẦN HUỆ HIỀN

Ngày đăng: 19/04/2021 07:19:37 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Cũng khó mà phân định rạch ròi Trần Huệ Hiền là nhạc sĩ hay thi sĩ, tuy hai lãnh vực khác nhau nhưng điểm chung vẫn là một, cái một đó là một cảm xúc mà Phật giáo gọi là “xúc cảnh sanh tình” (Minh Mẫn)

NGẮM MÂY 

Hôm nào ngồi ngắm mây bay

Chợt nghe lá rụng một ngày chớm xuân

Rồi đôi mắt ngó mông lung

Đồng xanh héo úa thành vùng hoang vu

Trời trong chuyển xám mây mù

Thoảng ngây thơ đã lu bù cuộc chơi !

Tay nào úp- ngửa đầy vơi…

Chân nào vấp ngã rã rời tháng năm

Trăng xưa ngỡ sáng; trăng rằm

Trăng nay ngỡ khuất; âm thầm gầy hao

Tình theo con sóng ra vào

Tội cho ghềnh đá thân đau ngậm ngùi ! 

Lặng nhìn mây thả buồn vui

Tụ tan sương khói vẽ trời hư không !

TRẦN HUỆ HIỀN

(Thơ đăng trên  RA KHƠI, số 6, phát hành 4/2021.

Chợt nghe lá rụng một ngày chớm xuân” nếu là âm nhạc  – những chiếc lá là âm điệu rung động trên nền trời nhạc phiếm, chỉ hiển hiện lúc đối cảnh bất chợt.Nhưng hồn thơ không chỉ là bất chợt mông lung, hiện thực vẫn là “Đồng xanh héo úa thành vùng hoang vu”; Thế là gì hởi tạo hóa vô thường?

Tạo hóa cũng biết đùa cợt sáng tối, trong xanh rồi u ám bất chợt, đời người là bao trong lu bù cuộc chơi để có lúc phải rã rời theo năm tháng không hề bất chợt. Ngộ được mỏng manh kiếp người,là thế, thương cảm cho thân phận như thân phận ghềnh đá chơ vơ khi con sóng xô dạt xa khơi, chả phải trăng tròn để rồi khuyết đó sao?Tác giả ngộ được lý vô thường trần gian mà nhà Phật xác định – chỉ có đổi thay mới không thay đổi, tức là vô thường, vô thường trong từng sát na. Cho nên “Lặng nhìn mây thả buồn vui / Tụ tan sương khói vẽ trời hư không !”

Chỉ việc ngắm mây để thấy được buồn vui tụ tán trong nháy mắt, đau thương nào chỉ có mỗi mình ta!

Nhạc là cung bậc thay lời khoác vô thường lên sắc màu kiều diễm, thơ là tiếng nói nỗi lòng xúc cảm kiếp nhân sinh. Như vậy nhạc hay thơ vẫn gặp nhau một điểm cảm xúc, nếu cảm xúc được nuôi dưỡng lý đạo vô thường, không  than van sầu não mà là chất xúc tác tỉnh thức trước những cảm thọ vu vơ của tạp niệm.

Trần Huệ Hiền là một nhạc sĩ, một thi sĩ đượm chất đạo lý giác ngộ.Đặt vấn đề: Trần Huệ Hiền là nhạc sĩ hay thi sĩ, khác nào hỏi số 9 và số 6, đâu là đúng nhất hay sao!

Cái khác người, dù là nhạc hay thơ, Trần Huệ Hiền luôn là người biết đâu là thật đâu là giả, đâu là chân, đâu là vọng, từ đó, vẫn là thơ, vẫn là nhạc, nhưng với Trần Huệ Hiện nhạc và thơ không chỉ nhạc và thơ…

MINH MẪN

16/4/2021

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác