VIỆT NAM- TÔI
VIỆT NAM- TÔI
Ngày đó
Quê hương, quê hương tôi
Yêu qua từng tiếng nhạc
Huế – Sài gòn – Hà nội
Vang vọng thời ấu thơ
Xưa đố vui câu chữ
Trẻ con nào biết chi
Hỏi – Giữa Huế có gì
Đáp – Vần U ở giữa
Nơi thành đô hoa lệ
Khói – biệt động Sài Gòn
Những câu chuyên xuống đường
Hỏa – Tim hồng Quảng Đức
Hà nội ngày và đêm
Hà Nội trại cải tạo
Những người con đất Mẹ
Vẫy tay chào quê hương
Bây giờ
Bốn muơi năm nhìn lại
Huế trầm mặc kiêu sa
Yêu nhà rường nhẹ bước
Áo dài tím thướt tha
Yêu hai mùa mưa nắng
Khói bụi xe mịt mù
Sài gòn cây không lá
Địa ốc, cao tầng cao
Yêu Hà nội, Sapa
Yêu mà chưa kịp ra
Cúc Họa mi trắng xóa
Mùa covid, chạm, dừng
LƯƠNG NGUYỆT HỒNG
Lương Nguyệt Hồng – cô giáo dạy Yoga – thường viết những bài thuộc về lãnh vực chuyên môn. Nhưng hôm nay, tôi đọc được hai bài thơ “HOA TRĂNG” và “VIỆT NAM – TÔI” của Lương Nguyệt Hồng (LNH). “Hoa Trăng” là bài thơ nói về tên và nguồn gốc bút hiệu của tác giả. “Việt Nam – Tôi” có thể là khởi đầu cho dòng thơ quê hương với bút hiệu Hoa Trăng.
“VIỆT NAM – TÔI”, bài thơ mang nhiều dấu ấn của bối cảnh xã hội, từ một giai đoạn lịch sử đã qua. Bài thơ gợi lên những cảm giác vừa quen, vừa lạ, vừa ngạc nhiên. Ngạc nhiên ngay từ nhan đề của bài thơ, từ những chi tiết trong bài thơ. “Việt Nam – Tôi” là hai vế độc lập, được ngăn chia bằng vạch ngang ở giữa. Gạch ngang là dấu hiệu để giải thích cho một từ, một vế hay một câu văn đứng trước nó. Vậy thì “Việt Nam – Tôi” trong trường hợp này là sự đồng nhất giữa quê hương Việt Nam với tác giả. Nó hoàn toàn khác với Việt Nam với tôi, Việt Nam của tôi hay là Việt Nam và Tôi. Đó là Việt Nam trong Tôi và Tôi trong Việt Nam.
“VIỆT NAM – TÔI” là bài thơ Quê hương xuất hiện khá bất ngờ, bất ngờ bởi vì nhiều người viết hướng sáng tác của mình vào đề tài tình yêu đôi lứa, thì LNH chọn Quê Hương. Đây có thể là hứa hẹn cho một tác giả hướng đề tài sáng tác của mình về Quê Hương, Đất Nước ! Một lãnh vực vốn ít õi trong bối cảnh xã hội hiện nay ! Bằng phong cách rất riêng của LNH. Bài thơ được diễn đạt theo trình tự thời gian, gồm 2 phần :
Ngày đó và Bây giờ.
Ngày đó, một vài chi tiết trong bài thơ, cho chúng ta phân biệt “Ngày đó” — khoảng thời gian từ năm 1963 đến 1979 — khi tác giả chỉ là một em bé 14 tuổi, cho đến năm 20 tuổi. Mười bốn tuổi, tác giả đã mê nghe nhạc, những bài tình ca quê hương thấm vào hồn. Cứ thế, theo thời gian, em bé thành thiếu nữ, nhạc đấu tranh, nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn, vang lên từ những chương trình âm nhạc của đài phát thanh Sài Gòn, đài Tiếng nói Tự do, Quân đội. Điều này cho chúng ta thấy được một cô bé có tâm hồn, tâm tư khôn trước tuổi.
Ngày đó
Quê hương, quê hương tôi/ Yêu qua từng tiếng nhạc/ Huế – Sài gòn – Hà nội/Vang vọng thời ấu thơ
Ngoài mê âm nhạc, LNH còn mê những chương trình giáo dục, trong đó mục “Đố vui để học” là chương trình không những làm say mê tuổi học trò, mà nó còn thu hút một số khán thính giả người lớn nữa. Một chương trình thách đố trí thông minh, óc tinh tế và sự nhạy bén, khôn ngoan của mọi người trong tinh thần Nhân bản, Dân tộc và Khai phóng. Một chương trình vui học, bao hàm các tiết mục về Khoa học, Toán học, Địa lý, Lịch sử, nhân văn, ….. nhằm nâng cao nhận thức và sự hiểu biết của mọi người, hướng về Chân, Thiện, Mỹ. Một chương trình giúp cho tuổi trẻ biết sống vị tha, yêu người, yêu đất nước và nhất là biết hướng mình vào đời sống, vào cộng đồng, nghĩa là hoà mình vào dòng sống của xã hôi, dù lúc đó đât nước đang lâm vào tình trạng chiến tranh !
Xưa đố vui câu chữ
Trẻ con nào biết chi
Hỏi – Giữa HUẾ có gì
Đáp – Vần U ở giữa
Một trong những câu đố vui, lấp lững giữa chữ nghĩa và một nơi chốn. Câu hỏi được đặt ra là : Giữa HUẾ có gì ?
Thông thường nói đến Huế, người ta liên tưởng đến thành phố Huế, cho nên nhiều em học sinh trã lời, giữa Huế có cầu Tràng Tiền, Kỳ Đài, Ngọ Môn hay Đại nội. Không ngờ câu hỏi chỉ nhắm vào từ HUẾ mà thôi, câu trã lời dúng là chữ “U”, chữ U hay vần “U” như trong thơ. Một em bé chừng sáu, bảy tuổi đã theo dõi câu đố, đến nay hơn nửa thế kỷ vẫn còn nhớ vần U ở giữa chữ HUẾ. Có phải vần U tinh nghịch này gắn liền với định mệnh, với số phận của một thành phố vốn là kinh đô xưa của đất nước chúng ta không. Bỗng nhiên, tôi nhận ra cấu trúc của bài thơ mang hình dạng Việt Nam, theo âm hưởng một bài hát của Trịnh Công Sơn. “Huế, Sài Gòn, Hà Nội quê hương ơi xa vẫn còn xa” – Một bài hát rất phổ biến trước năm 1975 ở miền Nam.
Đến khổ thơ thứ ba Sài Gòn xuất hiện, Sài Gòn dưới mắt cô bé tỉnh lẻ Bến Tre, Vĩnh Long là chốn thành đô hoa lệ, qua truyền thông, báo chí thời bấy giờ Sài Gòn bất an với đội biệt động Sài Gòn, với những vụ xuống đường do sinh viên, học sinh tổ chức, và từ những vụ biểu tình của Phật tữ liên tục xẩy ra trong những năm 1963 – 1965. Hình ảnh in đậm trong khổ thơ này chính là hình ảnh của Hoà Thương Thích Quảng Đức tự thiêu trong buổi sáng ngày 11 tháng 6 năm 1963, mới 4 tuổi, em bé LNH đến nay vẫn nhớ để chuyển vào trong thơ “Hoả – tim hồng Quảng Đức”. Sao không là “Lửa – tim hồng Quảng Đức” để cho phù hợp với khói ở trên, và khi đọc lên nhẹ nhàng, nghe êm ái hơn !
Hà nội ngày và đêm/ Hà Nội trại cải tạo/ Những người con đất Mẹ/Vẫy tay chào quê hương
Đến đây chưa ngừng lại, bài thơ qua cầu Hiền Lương, vượt lằn ranh Bến Hải, hướng về Hà Nội, viết tiếp đoạn sử thi bằng hồi ức của cô bé ngày xưa.
Hà Nội ngàn năm văn vật ấy. Không phải, Hà Nội của sau những năm 1975, Hà nội mặc áo mới, chen chân với Sài Gòn, Hà Nôi chia sẻ trại cải tạo khắp hai miền đất nước, để nhận lại nếp sống văn minh, trù phú của Sài Gòn. Nhiều người miền Bắc vào miền Nam lập nghiệp, số khác vẫy tay chào quê hương, đi lao động xứ người. Bài hát giờ chỉ còn đọng lại câu “Hãy xoá hết dấu tích buồn xưa”, câu hát gợi lại trí nhớ, xao động tâm tư, LNH viết thành Ngày đó.
Ngày đó là giai đoạn lịch sử oằn mình trong cơ cực, thiếu thốn, đã chuyển mình qua đại hội đảng lần thứ VI, từ nền kinh tế chỉ huy, bao cấp qua đổi mới, từ đó đất nước như có luồng sinh khí mới thổi vào, mở ra một giai đoạn phát triển cho đến ngày hôm nay, ngày mà đối với tác giả LNH là bây giờ. Bây giờ và Ngày đó cũng một hình thức như nhau, cũng Huế, Sài Gòn, Hà Nội, chỉ khác chữ “U” bây giờ trầm mặc, kiêu sa. Giữa thành quách, đền đài, cây xanh bóng mát Huế, thấp thoáng những tà áo tím ngày xưa bên cầu Tràng Tiền, bến đò Thừa Phủ bây giờ im lìm, hắt hiu trong trí nhớ và trường Đồng Khánh, đỏ choét đã thay tên. Những hình ảnh này của tác giả chỉ là Huế xưa, Huế Nay và Huế trong tâm tưởng mà thôi. Thực sự, Huế bây giờ trầm mặc với Ngự Bình, lao xao theo Bến Ngự, cô độc với Kỳ Đài, hắt hiu Đàn Nam Giao và lặng buồn như cung cấm ! Huế không còn nữa, Huế bây giờ chỉ là một sa bàn, một hòn non bộ vô hồn để cho những ai thương Huế, nhớ Huế tưỡng vọng !
Bốn muơi năm nhìn lại /Huế trầm mặc kiêu sa /Yêu nhà rường nhẹ bước /Ao dài tím thướt tha
Thế nhưng, đôi khi ta bắt gặp Huế ở Đà Lạt, ở Sài Gòn, ở Nha Trang. Đó là khi ta nghe được tiếng Huế, nhận ra cung cách Huế, ăn lại món Huế ….. Chỉ bốn câu thơ, LNH đả cho ta sống với Huế, qua một đoạn đời bi hận thương đau. Thì ra, chất liệu quê hương, niềm đau lịch sử, ý thức về đời sống tác động, làm cho tình quê hương cao đẹp hơn tình yêu đôi lứa,
Bài thơ “Việt Nam – Tôi” của Lương Nguyệt Hồng là một trường như thế.
Yêu hai mùa mưa nắng /Khói bụi xe mịt mù/ Sài gòn cây không lá /Địa ốc, cao tầng cao
Sài Gòn trần trụi, gần gủi và thân thiết, chỉ hai mùa mưa nắng. Sài Gòn nay là thành phố Hồ Chí Minh, thành phố lớn nhất Việt Nam, tuy không nói gì về sự mênh mông, đẹp đẽ và náo nhiệt của nó, chỉ “khói bụi mịt mù, hàng cây không lá, Địa ốc cao tầng cao” là như gợi lên một video clip, cảnh quan Sài Gòn từ ngày xưa, những con đường rợp cây xanh, bóng mát, những cội sao cỗ thụ cao vút đứng hai bên đường, bây giờ không còn nữa. Thành phố ngộp bụi và khói xe. Nhà cao tầng mọc lên vô tội vạ, che chắn cảnh quan, cản trở giao thông công cộng, làm mất tính thân thiện, sinh thái và môi trường. Có nơi ngăn cản, trở ngại cho hệ thống thoát nước, Sài Gòn trời mưa lớn, nhiều đường phố như những dòng sông. Trước năm 1975, Sài Gòn được mệnh danh là hòn ngọc Viễn Đông, nay thành phố Hồ Chí Minh là một trong những thành phố ô nhiễm hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á !
Cũng như Sài Gòn, Hà Nội bây giờ là thủ đô của Việt Nam, được hình thành từ thời Lý Thái Tổ (10-10-1010) đã hơn ngàn năm. Hà Nội nhiều danh lam, thắng cảnh, tiêu biểu cho Hà Nội có đền Ngọc Sơn, Hồ gươm tháp bút, chùa Một Cột, Hồ Tây ….. Cũng như trong thơ, người viết và tác giả chưa đến Hà Nội, nó còn trong dự tưỡng, lại bị dịch covid Vũ Hán nên xin hẹn với Hà Nội, với Sapa, hẹn với cúc Hoạ Mi trắng xoá nhé. Hẹn với băm sáu phố phường, Đền Hùng, Văn miếu. Thành Thăng Long , cầu Hàm Rồng nữa. Một ngày đẹp trời, duyên lành và thuận ý, cho tôi vẫy tay chào Hà Nội, chào Thăng Long xưa, chào hoa lá. Tìm nghe lại giọng nói và cung cách người Hà Nội của Tự Lực Văn Đoàn. Tôi sẽ đứng bên tháp bút mà viết tên hai đứa lên trời xanh,
Yêu Hà nội, Sapa /Yêu mà chưa kịp ra /Cúc Họa mi trắng xóa/ Mùa covid, chạm, dừng
Tuổi nào giấc mơ nấy ! Giấc mơ nào cũng đẹp. Bài thơ “Việt Nam – Tôi” là bài thơ bắt nguồn từ những cơn mơ, tình yêu và đất nước. Bài thơ tự nó khơi gợi nhiều ý tưỡng đẹp, nhiều giấc mơ cho người đồng điệu, gắn bó với quê hương. Một bài thơ không gò bó bởi ngôn từ, vần điệu, bài thơ dung dị trong ngôn ngữ, mạnh mẻ trong âm điệu. Có chăng, đó là những nét buồn thoáng qua, tế nhị và kín đáo về những hư hao mất mát từ những đổi thay, những xáo trộn xã hội. Một bài thơ bằng tâm, bằng tình và cả bằng mơ ước đáng trân trọng.
Zulu DC