Góc Việt Cổ Thi: Thơ NGUYỄN TRUNG NGẠN (phần 3)

Ngày đăng: 20/12/2020 08:28:58 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)
11. Bài thơ Thái Thạch Độ :
  采石渡             THÁI THẠCH ĐỘ
采石乃天塹,    Thái Thạch nãi thiên tiệm,
江南舊霸圖。    Giang Nam cựu bá đồ.
群山連建業,    Quần sơn liên Kiến Nghiệp,
一水接蕪湖。    Nhất thủy tiếp Vu Hồ.
風景愁猶在,    Phong cảnh sầu do tại,
英雄事己無。    Anh hùng sự dĩ vô.
六朝興廢事,    Lục Triều hưng phế sự,
攬轡獨長呼。    Lãm bí độc trường hô !
         阮忠彥               Nguyễn Trung Ngạn
                           

                                         Bến đò Thái Thạch
:
 
         
Inline image
* Chú Thích :
  – Thái Thạch Độ 采石渡 : là Bến đò Thái Thạch. THÁI THẠCH là tên ghềnh đá nằm ở phía nam của sông Trường Giang thuộc thành phố Mã Yên Sơn tỉnh An Huy Trung Quốc. Hình thế nơi đây hiểm trở, hùng tráng. Từ đời Lưỡng Hán trở về sau là chỗ  chiến trường hay xảy ra các cuộc chiến tranh giành nhau ở nơi đây.
  – Thiên Tiệm 天塹 : là Trời đẻo tạc ra, chỉ địa thế hiễm trở.
  – Kiến Nghiệp 建業 : là tên gọi của thành phố Nam Kinh thời Đông Ngô, là đô thành của Đông Ngô thời Tam Quốc.
  – Vu Hồ 蕪湖 : Còn gọi là Giang Thành 江城, gọi tắt là Vu, là hồ ở phía tây nam huyện Vu Hồ, tỉnh An Huy, Trung Quốc.
  – Lục Triều 六朝 : Sáu triều đại của Trung Quốc trong khoảng từ năm 222 đến năm 589, gồm Đông Ngô, Đông Tấn, Lưu Tống, Nam Tề, Lương, Trần. Sáu triều đại này đều đóng đô ở Kiến Khang (tức Kiến Nghiệp thời Tam Quốc, Nam Kinh của ngày hôm nay).
  – Lãm Bí 攬轡 : LÃM là Nắm, là Ôm đồm. BÍ là dây cương ngựa, nên LÃM BÍ là nắm chặc lấy dây cương ngựa, là ghìm cương ngực lại.
* Nghĩa bài thơ :
                                  Bến Đò THÁI THẠCH
       Thái Thạch là hào rãnh của trời đất tạc dựng nên. Đây là nơi tranh bá đồ vương của đất Giang nam xưa. Các dãy núi nối liền nhau chạy dài đến tận vùng Kiến Nghiệp và một dòng sông nối tiếp với đất Vu Hồ. Vẻ ưu sầu của cảnh vật thì vẫn hãy còn đây, nhưng những sự tích anh hùng ngày xưa thì đã không còn nữa. Biết bao nhiêu là chuyện hưng vong thành bại của thời buổi Lục Triều, ta chỉ còn biết nắm chặc dây cương mà một mình hú to lên để tỏ niềm cảm khái mà thôi !
       Đây quả là một bài thơ hoài cổ vô cùng cảm khái ! Khiến người đọc cũng không khỏi bâng khuâng trước đỗi thay thành bại của cuộc đời. Lịch sử đã sang trang, thời gian đà biền biệt. Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu !?…
* Diễn Nôm :
                        THÁI THẠCH ĐỘ
                   Inline image
                  Thái Thạch hào rãnh đất trời,
                  Giang Nam tranh bá tự thời Đông Ngô.
                  Núi liền Kiến Nghiệp lô nhô,
                  Một dòng sông tiếp Vu Hồ đâu đây.
                  Cảnh xưa sầu vẫn đong đầy,
                  Anh hùng thế sự đã phai mất rồi.
                  Lục Triều hưng phế đầy vơi,
                  Ghìm cương cảm khái bên trời hú vang !
                                                         Đỗ Chiêu Đức
12. Bài thơ Trường An Thành Hoài Cổ :
  長安城懷古          TRƯỜNG AN THÀNH HOÀI CỔ
木落禾凋帝業移,    Mộc lạc hòa điêu đế nghiệp di,
李家收得版圖歸。    Lý gia thâu đắc bản đồ quy.
山圍故國規模小,    Sơn vi cố quốc quy mô tiểu,
竹暗荒城草木非。    Trúc ám hoang thành thảo mộc phi.
古寺僧鍾敲落日,    Cổ tự tăng chung xao lạc nhựt,
斷溪牛笛弄斜暉。    Đoạn khê ngưu địch lộng tà huy.
英雄舊事無尋處,    Anh hùng cựu sự vô tầm xứ,
獨倚江亭看翠微。    Độc ỷ giang đình khán thúy vi.
               阮忠彥                        Nguyễn Trung Ngạn
        Inline image
* Chú Thích :
  – Trường An 長安 : là Trường kỳ bình an 長期平安, là Bình an dài lâu, từ dùng để đặt tên cho kinh đô từ đời nhà Hán, trải qua 13 triều đại sau đó đều gọi kinh đô là Trường An, cho đến đời nhà Minh mới đổi tên thành Tây An cho đến hiện nay. Trong lịch sử Việt Nam ta cũng gọi Thăng Long thành là Trường An.
  – Mộc Lạc Hòa Điêu 木落禾凋 : Cây rụng lá, lúa rơm tàn tạ; chỉ cảnh hoang tàn buổi cuối thu, cảnh tiêu điêu hoang phế của di tích bị bỏ hoang. Bốn chữ đầu câu 1, lẽ ra có thể nói đơn giản là THẢO MỘC ĐIÊU LINH 草木凋零 (Cỏ cây tàn tạ), nhưng lại được nói cầu kỳ là MỘC LẠC HÒA ĐIÊU, phải chăng cụ Nguyễn Trung Ngạn muốn nhắc cho ta nhớ lại bài sấm cây gạo của Sư Vạn Hạnh làm ra để hợp thức hóa cho Lý Thái Tổ Lý Công Uẩn lên ngôi, trong đó có 2 câu chính là :
                 …禾刀木落     Hòa đao mộc lạc,
                    十八子成…  Thập bát tử thành.
Có nghĩa :
        – 禾 Hòa 刀 Đao 木 Mộc : ghép ba chữ này lại với nhau thành chữ 梨 LÊ, đồng âm với chữ LÊ là họ LÊ 黎; LẠC là rơi rụng; chỉ Nhà LÊ mất.
        – 十 Thập 八 Bát 子 Tử : ghép ba chữ này lại với nhau thành chữ 李 LÝ; THÀNH là Thành lập, chỉ nhà LÝ sẽ được thành lập nên.
  – Lý Gia 李家 : Nhà họ Lý, ở đây chỉ triều đại của Lý Thái Tổ 李太祖, tên thật là Lý Công Uẩn 李公蘊, là vị hoàng đế lập ra nhà Lý trong lịch sử Việt Nam, ông trị vì từ năm 1009 đến khi qua đời vào năm 1028.
  – Tăng Chung 僧鍾 : Tiếng chuông do các nhà sư dộng lên ở trên chùa.
  – Ngưu Địch 牛笛 : Tiếng sáo của những đứa trẻ chăn trâu.
  – Giang Đình 江亭 : Cái đình cất ở ven sông.
  – Thúy Vi 翠微 : Tên của một loại hoa Lan; đồng thời THÚY VI cũng có nghĩa là cảnh vật xanh tươi của núi sông, hay chỉ cây cỏ xanh tươi rậm rạp.
* Nghĩa bài thơ :
                          TRƯỜNG AN THÀNH HOÀI CỔ
       Cây rụng lá, cỏ rơm tàn tạ héo úa, cảnh vật hoang tàn khi cơ nghiệp của đế vương đã vời đi nơi khác, Nhà họ Lý đã thâu tóm được bản đồ của giang san nầy về một mối. Những dãy núi vây quanh nước cũ quy mô như bị nhỏ lại; những rừng trúc dại che mờ cả thành trì bị bỏ hoang, cây cỏ như chẳng biết gì. Tiếng chuông chùa cổ ngân lên trong ánh nắng tà huy và tiếng sáo của trẻ mục đồng cũng véo von trong buổi chiều tà. Chuyện hào hùng xưa của các anh hùng giờ biết tìm nơi đâu ? Ta chỉ còn một mình dựa vào cái đình bên sông nầy mà ngắm cảnh vẫn xanh tươi của núi non cây cỏ mà thôi !
                        Inline image
       Đọc bài thơ nầy làm cho ta nhớ đến bài “Thăng Long Thành Hoài Cổ” của Bà Huyện Thanh Quan với :
                        Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
                        Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.
và thật cảm khái với :
                        Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
                        Nước còn cau mặt với tang thương !
       Cảnh hoài cổ nào mà chẳng buồn, chẳng làm xúc động lòng người !?
* Diễn Nôm :
                      TRƯỜNG AN THÀNH HOÀI CỔ
                     Inline image
                    Cỏ cây tàn úa nghiệp vua vời,
                    Nhà Lý gồm thâu hết mọi nơi.
                    Núi phủ nước xưa quy mô nhỏ,
                    Trúc che thành cũ cỏ cây phơi.
                    Chuông ngân cổ tự chiều nghiêng bóng,
                    Sáo vẳng mục đồng nắng xế lơi.
                    Sự nghiệp anh hùng đâu thấy nữa,
                    Tựa đình lặng ngắm núi mây trôi !…
       Lục bát :
                    Vua vời cây cỏ tàn phai,
                    Gom về họ Lý đất đai một nhà.
                    Núi vây cố quốc quanh ta,
                    Thành hoang trúc phủ la đà cỏ cây.
                    Chuông chùa cổ vẳng đâu đây,
                    Mục đồng sáo trúc hây hây nắng chiều.
                    Anh hùng chuyện cũ buồn thiu,
                    Tựa đình nước ngắm non chiều xanh xanh !
                                                                  Đỗ Chiêu Đức

13. Bài thơ Túc Hoa Âm Tự :

  宿花陰寺             TÚC HOA ÂM TỰ
偶徬招提宿,      Ngẫu bạng chiêu đề túc,
僧留半榻分。      Tăng lưu bán tháp phân
石泉朝汲水,      Thạch tuyền triêu cấp thuỷ,
紙帳夜眠雲。      Chỉ trướng dạ miên vân.
松子臨窗墜,      Tùng tử lâm song truỵ.
猿聲隔岸聞。      Viên thanh cách ngạn văn
粥魚敲夢醒,      Chúc ngư sao mộng tỉnh,
花雨落繽紛。      Hoa vũ lạc tân phân.
        阮中彥                   Nguyễn Trung Ngạn
       Inline image
* Chú Thích :
  – Hoa Âm Tự 花陰寺 : Chùa Hoa Âm, ở phía bắc của thành phố Loan Châu thuộc đông bộ của tỉnh Hà Bắc hiện nay. HOA ÂM TỰ hiện đã phát triển thành Bắc Tự Công Viên 北寺公園.
  – Ngẫu Bạng 偶徬 : NGẪU là Ngẫu nhiên, là Tình cờ đến bên cạnh…
  – Chiêu Đề 招提 : Có gốc tiếng Phạn là caturdeśa, phiên âm tiếng Hoa là “Thác đấu đề xa 拓鬥提奢”, gọi tắt là THÁC ĐỀ, sau nhầm chữ THÁC 拓 thành chữ CHIÊU 招, nên mới gọi là CHIÊU ĐỀ. Vốn có nghĩa Phạn là “Bốn Phương”, dùng để chỉ các tăng lữ vân du bốn phương gọi là “CHIÊU ĐỀ TĂNG 招提僧”. Bắc Ngụy Thái Võ Đế cất tăng viện, gọi là CHIÊU ĐỀ, nên sau gọi chung chùa chiền là CHIÊU ĐỀ hoặc GIÀ LAM 伽藍, tiếng Phạn là samghrma, cũng là từ dùng để chỉ “Thiền Môn Chùa Chiền”  như trong Truyện Kiều tả lúc Thúy Kiều ở Chiêu Ẩn Am với sư Giác Duyên có câu :
                         Gió quang mây tạnh thảnh thơi,
                       Có người đàn việt lên chơi cửa GIÀ.
      Cửa GIÀ là cửa GIÀ LAM là Cửa Chùa giống như là CHIÊU ĐỀ vậy. Nên…
   – Chiêu Đề Túc 招提宿 : là Tá túc lại trong chùa, là ngủ qua đêm trong chùa.
   – Tháp 榻 : là cái sạp, cái giường hẹp mà dài. Như TRÚC THÁP 竹榻 là cái Chỏng bằng tre. BÁN THÁP 半榻 là Nửa cái chỏng, nửa cái giường nằm.
   – Cấp Thủy 汲水 : là Múc nước, rút nước.
   – Chỉ Trướng 紙帳 : là Màn giấy, là cái mùng ngủ được làm bằng vỏ của cây mây đai kết sơ sài lại để làm mùng, phía trên được phủ bởi một lớp vải mỏng có vẽ hình các loại hoa, ở trong chùa thì vẽ hình mây bay ở trên trời, nên câu thơ “Chỉ Trướng dạ miên vân 紙帳夜眠雲” có nghĩa : “Ban đêm ngủ với MÂY trong mùng giấy” là thế.
   – Chúc Ngư 粥魚 : là cái Mỏ, là khúc cây đẽo hình con cá được móc rổng ruột để gỏ cho kêu, còn gọi là MỘC NGƯ 木魚.
   – Tân Phân 繽紛 : là Sặc sỡ, là lả tả. LẠC TÂN PHÂN là Rơi lả tả.
* Nghĩa Bài Thơ :
                        ĐÊM TRỌ CHÙA HOA ÂM
       Tình cờ đến cạnh ngôi chùa và tá túc qua đêm nơi đây, nhà sư đã chia cho ta nửa chiếc giường để nằm. Buổi sáng thì đi lấy nước ở các khe suối đá, còn ban đêm thì ngủ với mây trong mùng giấy. Những trái thông sột soạt rụng ngay trước song cửa và tiếng vượn hú gọi đàn vẳng bên kia bờ khe suối. Tiếng mỏ sáng vang lên làm tỉnh giấc mộng buổi ban mai, nhìn ra ngoài thấy những cánh hoa đang lả tả rơi rụng như mưa !
* Diễn Nôm :
                         ĐÊM TRỌ CHÙA HOA ÂM
                    Inline image
                       Ngủ lại chùa đêm xuống,
                       Nửa giường sư nhượng ta.
                       Nước đá khe sáng lấy,
                       Mùng mây giấc đêm qua.
                       Bên song nghe thông rụng,
                       Tiếng vượn vẳng bờ xa.
                       Mỏ sớm choàng tỉnh mộng,
                       Lả tả trận mưa hoa !                          
  Lục bát :
                      Tình cờ tá túc Hoa Âm,
                      Sư chia một nửa giường nằm qua đêm.
                      Nước trong suối đá êm êm,
                     Màn mây trướng giấy êm đềm giấc mơ.
                     Ngoài song tùng rụng ơ hờ,
                     Cách bờ vượn hú ngẩn ngơ khách chùa.
                     Giật mình tiếng mỏ sáng khua,
                     Tơi bời hoa rụng như mưa trước thềm !
                                                  Đỗ Chiêu Đức (diễn Nôm)
14. Bài thơ Tư Quy :
 

      思歸                             TƯ QUY
百歲能堪幾別離,    Bách tuế năng kham kỷ biệt ly ?
異鄉久客未成歸。    Dị hương cửu khách vị thành quy.
春深庭院槐陰合,    Xuân thâm đình viện hòe âm hợp,
日暖池塘柳絮飛。    Nhật noãn trì đường liễu nhứ phi.
萬斛鄉愁難當酒,    Vạn hộc hương sầu nan đáng tửu,
三分病骨不勝衣。    Tam phân bệnh cốt bất thăng bi.
黃塵無限都門外,    Hoàng trần vô hạn đô môn ngoại,
早趁南薰賦式微。    Tảo sấn nam huân phú Thức Vi.
              阮中彥                                 Nguyễn Trung Ngạn
     Inline image
* Chú Thích :
  – Cửu Khách 久客 : Ở nơi đất khách lâu ngày.
  – Xuân Thâm 春深 : Xuân đã vào sâu, có nghĩa là đã cuối xuân rồi.
  – Liễu Nhứ 柳絮 : Hạt và hoa liễu màu trắng ở buổi cuối xuân.
  – Vạn Hộc 萬斛 : Một Hộc = 10 đấu; VẠN HỘC ở đây chỉ Thật nhiều thật nhiều.
  – Nan Đương Tửu 難當酒 : Khó mà uống được rượu, khó mà rót rượu uống cho nổi.
  – Bất Thăng Y 不勝衣 : Không mặc nổi áo, không có sức để mặc áo.
  – Sấn 趁 : Nhân lúc, Thừa dịp…
  – Nam Huân 南薰 : Theo Khổng Tử Gia Ngữ, có dẫn bài ca của Đế Thuấn là : ” Nam phong chi huân hề, khả dĩ giải ngô dân chi uẩn hề. 南風之薰兮,可以解吾民之愠兮。 “… Có nghĩa : Cái mát mẻ ấm áp của gió Nam, có thể giải tỏa được nỗi lòng u uẩn ẩn ức của dân Nam ta ! Với thâm Ý nầy, ông Phạm Qùynh đã lập ra Nam Phong Tạp Chí với Ý đồ mở mang dân trí và xoa dịu lòng dân để ẩn nhẫn đợi thời ! NAM HUÂN ở đây chỉ sự mát mẻ của gió nam vào những buổi trưa.
 – Thức Vi 式微 : Tên bài thơ thuộc chương Bắc Phong 邶風 trong Kinh Thi 詩經 như sau :
                             Inline image
                          式微,式微 !   Thức vi! Thức vi!
                          胡不歸 ?        Hồ bất quy?
                         微君之故,         Vi quân chi cố,
                         胡為乎中露 !   Hồ vi hô trung lộ ?
     Có nghĩa :
                        Tối rồi đa, tối rồi đa !
                        Sao chẳng về nhà, ở đó làm chi ?
                        Vì vua nên phải chay lì,
                        Dầm sương dãi nắng xá chi thân nầy !
   – Phú Thức Vi 賦式微 : Ngâm bài ca dao Thức Vi, ý nói “Sao chẳng về nhà ?”
* Nghĩa bài thơ :
                                 MUỐN TRỞ VỀ
      Đời người trăm năm có thể chịu đựng được mấy lần ly biệt đây ? Làm khách nơi xứ lạ quê người đã lâu nhưng còn chưa về được. Trong buổi tàn xuân nhìn bóng cây hòe trong sân họp lại. Ánh nắng ấm áp bên ao hồ tơ liễu trắng tung bay. Rượu cả vạn hộc nhưng vì lòng đang mang mối sầu quê hương nên không thể chuốc chén được; Bệnh tật đã thâm vào xương hết ba phần rồi nên hầu như không còn sức để mặc áo nữa ! Ngoài cửa Đô môn bụi vàng (của những ngựa xe qua lại) cuốn bay mờ mịt. Ta muốn sớm nhân lúc gió nam còn mát mẻ nầy mà tìm đường về lại quê nhà (hát bài Thức Vi, tức là Ý muốn về lại quê nhà).
* Diễn Nôm :
                               TƯ QUY
                    Inline image
                 Trăm năm chịu được mấy phân ly ?
                 Đất khách muốn về dễ mấy khi.
                 Sân trước xuân tàn hòe rợp bóng,
                 Ao truôm nắng ấm liễu bay đi.
                 Lòng quê trước rượu khôn nâng chén,
                 Bệnh tật vào xương áo khó ghì.
                 Mù mịt bụi vàng bay trước ngõ,
                 Gió nam hát khúc “Thức Vi” thi !
    Lục bát :
                 Trăm năm chịu mấy chia ly ?
                 Xứ người thân khách mấy khi được về !
                 Xuân tàn sân rợp bóng hòe,
                 Bên ao nắng ấm đón hè liễu bay.
                 Nhớ quê muôn chén khó say,
                 Xương tàn bệnh tật khôn cài áo khuy.
                 Cửa Đô bụi cuốn bay đi,
                 Gió nam hát khúc Thức Vi muốn về !
                                         Đỗ Chiêu Đức diễn nôm

15. Bài thơ Tương Giang Tặng Biệt :

    湘江贈別             TƯƠNG GIANG TẶNG BIỆT
數杯別酒驛亭邊,    Sổ bôi biệt tửu dịch đình biên,
君上征鞍我上船。    Quân thướng chinh yên ngã thướng thuyền.
獨倚蓬山愁不語,    Độc ỷ Bồng sơn sầu bất ngữ,
一江湘水碧連天。    Nhất giang Tương thủy bích liên thiên !
              阮中彥                                Nguyễn Trung Ngạn
        Inline image
* Chú thích :
  – Tương Giang 湘江 : Còn được gọi là Tương Thủy 湘水, là một trong những con sông nhánh quan trọng của Trường Giang và con sông lớn nhất của tỉnh Hồ Nam.
  – Sổ 數 : là Một vài, là Mấy. Nếu là Động từ thì có nghĩa là Đếm; Còn nếu đọc là SỐ thì là Danh từ chỉ các chữ số, con số.
  – Dịch Đình 驛亭 : là Cái trạm, cái đình cất ở ven đường hay ven sông để nghỉ chân và để làm nơi đưa tiễn nhau.
  – Chinh Yên 征鞍 : là cái yên ngựa, mà cũng để chỉ con ngựa sẽ được cởi đi xa.
  – Bồng Sơn 蓬山 : Núi Bồng Lai, chỉ chung nơi tiên ở.
* Nghĩa bài thơ :
                             TẶNG LÚC CHIA TAY TRÊN SÔNG TƯƠNG
      Bên cạnh quán dịch bên đường, ta cùng bạn uống vài chung rượu chia tay. Đoạn bạn lên ngựa để vượt đường xa còn ta thì bước xuống thuyền. Ta một mình đứng tựa thuyền nhìn núi Bồng Lai mà buồn nói chẳng nên lời. Xa xa dòng nước sông Tương xanh biếc như nối liền cả nước trời lại với nhau.
     Đọc hai câu chót của bài nầy làm cho ta nhớ đến bài thất ngôn tứ tuyệt “黃鶴樓送孟浩然之廣陵 Hoàng Hạc Lâu Tống Mạnh Hạo Nhiên Chi Quảng Lăng” của Thi Tiên Lý Bạch :
                      故人西辭黃鶴樓,    Cố nhân tây từ Hoàng Hạc Lâu,
                      煙花三月下陽州。    Yên ba tam nguyệt hạ Dương Châu.
                     孤帆遠影碧空盡,    Cô phàm viễn ảnh bích không tận,
                     惟見長江天際流。    Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu.
     Diễn Nôm :
                          Inline image
                        Giả từ Hoàng Hạc phía lầu tây,
                        Xuân đến Dương Châu rực cỏ cây.
                       Chỉ thấy cánh buồm côi khuất dạng,
                       Trường Giang nước chảy lẫn trời mây !  
      Lý Bạch không nói gì đến tình cảm thắm thiết của mình với “cố nhân”, nhưng qua hình ảnh đứng nhìn theo cánh buồm của chiếc thuyền chở bạn đi đến khi mất hút trong bầu trời xanh mà vẫn còn nhìn mãi dòng nước chảy đã đưa bạn đến tận phía chân trời, ta cũng thấy được sự quyến luyến vô vàn của một tình bạn nồng nàn thắm thiết đến cở nào ! Nhà thơ Nguyễn Trung Ngạn của ta cũng vậy, một mình đứng tựa thuyền mà trông dòng sông Tương xa xa mênh mông xanh biếc trời nước liền nhau mà buồn nói chẳng nên lời.
* Diễn Nôm :
                        TƯƠNG GIANG TẶNG BIỆT
                       Inline image
                   Dịch quán chia tay rượu mấy hồi,
                   Xuống thuyền lên ngựa tách đôi nơi.
                   Núi Bồng sầu tựa buồn không nói,
                   Một dãi sông Tương nước lộn trời.
       Lục bát :
                   Tiễn đưa mấy chén quan hà,
                   Bạn thì lên ngựa còn ta xuống thuyền.
                   Bồng Sơn sầu tựa núi tiên,
                   Sông Tương một dãi nối liền trời mây !
                                    
       Mời đọc tiếp Thơ NGUYỄN TRUNG NGẠN (phần 4)
                                           杜紹德
                                      Đỗ Chiêu Đức

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác