Tạp Ghi và Phiếm Luân: Chữ LÒNG trong Truyện KIỀU  (2)

Ngày đăng: 11/11/2020 09:36:06 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)
                                                            

 Thuộc NẰM LÒNG, làm cho ta nhớ đến những bài HỌC THUỘC LÒNG hồi nhỏ, mà mãi cho đến hiện nay đã bảy tám chục tuổi rồi ta vẫn còn nhớ rõ như in.

                                       Này con thuộc lấy NẰM LÒNG,(51)
                                    Vành ngoài bảy chữ vành trong tám nghề.         
Nên THUỘC NẰM LÒNG là ghi vào lòng, tạc vào dạ như thành ngữ “GHI LÒNG TẠC DẠ” xuất phát từ câu chữ Nho là “MINH TÂM KHẮC CỐT 銘心刻骨”. MINH TÂM là “Tạc vào tim”, KHẮC CỐT là “Chạm vào xương” mà cụ Nguyễn Du dịch là CHẠM XƯƠNG CHÉP DẠ để chỉ việc Thúy Kiều ghi lòng tạc dạ cái ơn của Từ Hải đã giúp nàng báo ân báo oán :
                                  CHẠM XƯƠNG CHÉP DẠ xiết chi,
                                 Dễ đem gan óc đền nghì trời mây !
       Còn ở đây Tú Bà muốn Thúy Kiều phải ghi vào lòng, tạc vào dạ những kỹ xảo mánh khóe của một kỹ nữ, mà “Những nghe nói, đã thẹn thùng” làm cho cô phải ngỡ ngàng chua xót :
                               Nghĩ mình cửa các, buồng khuê,
                       VỠ LÒNG, học lấy những nghề nghiệp hay.(52) 
                                 Khéo là mặt dạn, mày dày,
                           Kiếp người đã đến thế này thì thôi!
 
                        Inline image
       VỠ LÒNG là bài học đầu tiên của chữ nghĩa hay của một ngành nghề nào đó, mà chữ Nho gọi là KHAI TÂM 開心. Nên “Nằm Lòng” hay “Vỡ Lòng” gì đều chỉ “Lòng Dạ”, còn NỖI LÒNG là chỉ cái tình cảm vướng vít ở trong lòng như khi ở lầu xanh phải chịu cảnh “Dập dìu lá gió, cành chim, Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh” và “Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh, Một mình, mình lại thương mình xót xa“, nên chi :
                              NỖI LÒNG đòi đoạn xa gần,(53)
                         Chẳng vò mà rối, chẳng dần mà đau !
      Cho đến khi gặp chàng “Thúc Sinh quen thói bốc rời, Trăm nghìn đổ một trận cười như không” ăn chơi bạt mạng, nên chết mê chết mệt khi gặp Thúy Kiều tài sắc vẹn toàn, lại được dịp :
                               Nguyệt hoa hoa nguyệt não nùng,
                          Đêm xuân ai dễ CẦM LÒNG được chăng ?(54)
                                    Lạ gì thanh khí lẽ hằng,
                             Một dây một buộc ai giằng cho ra.
      Thúy Kiều lại giở ngón “Vành ngoài bảy chữ...” ra để Thúc Sinh càng mê đắm. Nhân khi “Buồng the phải buổi thong dong, Thang lan rủ bức trướng hồng tẩm hoa“, bày tấm thân “… trong ngọc trắng ngà” ra để cho Thúc Sinh làm thơ, và từ chối không họa vận :
                             Nàng rằng: Vâng biết LÒNG chàng,(55)
                           Lời lời châu ngọc hàng hàng gấm thêu.
                                   Hay hèn lẽ cũng nối điêu,
                          Nỗi quê nghĩ một hai điều ngang ngang.
        … vì :
                            LÒNG còn gửi áng mây Vàng.(56)
                         Họa vần xin hãy chịu chàng hôm nay. 
 
                    Inline image
        MÂY VÀNG ở đây ý nói nhớ nhà, nhớ cha mẹ, theo như câu nói trong Tống Thư-Phù Thoại Chí Thượng 《宋书.符瑞志上》:” Đế Nghiêu chi mẫu viết Khánh Đô, sinh vu Đẩu duy chi dã, thường hữu hoàng vân phúc hộ kỳ thượng 帝尧之母曰庆都,生于斗维之野,常有黄云覆护其上。Có nghĩa : “Bà mẹ của ông Đế Nghiêu là Khánh Đô, được sinh ra ở ngoại ô của đất Đẩu Duy, thường hay có đám mây vàng che phủ ở bên trên”. Cho nên mượn tích MÂY VÀNG để chỉ nơi cha mẹ ở. Thúy Kiều nói với Thúc Sinh là “Lòng còn gởi áng MÂY VÀNG” là ý muốn nói “Mình còn đang nhớ tới cha mẹ ở nhà”. Rõ khéo làm dáng theo kiểu cách của một cô kỹ nữ : Cởi hết quần áo rồi tắm ở trong màn cho Thúc Sinh xem, để Thúc làm thơ ca ngợi, rồi lại bảo rằng “Tôi nhớ cha mẹ tôi quá nên không thể họa vần được”(!?)
     Khi biết là Thúc Sinh thật lòng có ý muốn chuộc mình ra khỏi lầu xanh, Thúy Kiều cũng đã rất cảm kích :
                              Nàng rằng: Muôn đội ơn LÒNG.(57)
                              Chút e bên thú bên tòng dễ đâu.
     THÚ 娶 là Cưới, nên BÊN THÚ là bên cưới, chỉ Thúc Sinh; còn TÒNG 從 là Theo chồng, nên BÊN TÒNG là bên theo chồng, chỉ Thúy Kiều. Thúy Kiều cũng biết thân biết phận mình là kỹ nữ, Thúc Sinh có thể chỉ “Yêu hoa yêu được một màu điểm trang” nên sợ đến lúc :
                                   Rồi ra lạt phấn phai hương,
                       LÒNG kia giữ được thường thường mãi chăng ?(58)
     Vả lại Thúy Kiều cũng biết là Thúc Sinh đã có vợ ở nhà rồi, cưới thêm mình làm thiếp chỉnh e làm hại đến tình cảm vợ chồng của Thúc Sinh và Hoạn Thư :
                                  Bấy lâu khăng khít dải đồng,
                       Thêm người người cũng thêm LÒNG riêng tây.(59)
     Hơn nữa Thúc Sinh lại còn có cha là Thúc Ông nữa, không biết là ông có chấp nhận cho Thúc Sinh chuộc mình từ lầu xanh ra hay không ? :
                                  Ở trên còn có nhà thông,
                      Lượng trên trông xuống biết LÒNG có thương ?(60)
                                 Sá chi liễu ngõ hoa tường?
                          Lầu xanh lại bỏ ra phường lầu xanh.
 
                          Inline image
     Nhưng rồi cô Kiều lại nói xuôi theo lòng mong muốn của chàng Thúc để cho chàng yên lòng :”Thương sao cho trọn thì thương. Tính sao cho vẹn mọi đường thì vâng“, làm cho chàng Thúc nổi máu “anh hùng cứu mỹ nhân” vỗ ngực :
                               Sinh rằng: Hay nói dè chừng!
                     LÒNG đây lÒNG đấy chưa từng hay sao ?(61)
                               Đường xa chớ ngại Ngô Lào,
                          Trăm điều hãy cứ trông vào một ta!
       Nói thì “anh hùng” là thế, nhưng khi Thúc Ông về đến nơi với :
                                Phong lôi nổi trận bời bời,
                         NẶNG LÒNG e ấp tính bài phân chia.(62)
   … và đưa ra phán quyết “Quyết ngay biện bạch một bề, Dạy cho má phấn lại về lầu xanh” làm cho chàng Thúc phải xuống nước nài nỉ van xin không được rồi hăm he đòi tự vẫn “Lượng trên quyết chẳng thương tình, Bạc đen thôi có tiếc mình làm chi“, đến nỗi Thúc Ông “Sốt gan ông mới cáo quì cửa công” và Quan Phủ đã bắt Thúy kiều và Thúc Sinh đến để tra hỏi, rồi đưa ra hai điều kiện “Một là cứ phép gia hình, Một là lại cứ lầu xanh phó về“. Thúy Kiều đã rất cứng rắn và quyết định chịu gia hình chớ không chịu về lại lầu xanh, bị đánh đến đỗi “Đào hoen quẹn má liễu tan tác mày”. Làm cho Thúc Sinh đứng xa xa mà nhìn, đau lòng mà chẳng biết phải làm sao :
                                Nghĩ tình chàng Thúc mà thương,
                           Nẻo xa trông thấy LÒNG càng xót xa.(63)
  … chàng khóc và tự trách mình :
                              CẠN LÒNG chẳng biết nghĩ sâu.(64)
                               Để ai trăng tủi hoa sầu vì ai.
  … khóc than đến nỗi :
                             Phủ đường nghe thoảng vào tai,
                       ĐỘNG LÒNG lại gạn đến lời riêng tây.(65)
       Thúc Sinh được dịp kể lể “Khi xưa nàng đã biết thân có rày. Tại tôi hứng lấy một tay, Để nàng cho đến nỗi này vì tôi“, Thúc lại đề cao Thúy Kiều “Theo đòi vả cũng ít nhiều bút nghiên“, nên sau khi thử tài thơ của Thúy Kiều, quan phủ đã đứng ra kết hợp cho hai người và khuyên Thúc Ông là “Dâu con trong đạo gia đình, Thôi thì dẹp nỗi bất bình cho xong“. Thúy Kiều và Thúc Sinh lại được sum vầy đoàn tụ “Huệ lan sực nức một nhà, Từng cay đắng lại mặn mà hơn xưa“. Thúy Kiều lại khuyên Thúc Sinh về thăm vợ cả là Hoạn Thư để khỏi phải mang tiếng là “Mặn tình cát lũy nhạt tình tào khang“, nên “Xin chàng kíp liệu lại nhà” thú thật với Hoạn Thư để “Trước người đẹp ý sau ta biết tình“, nên :
                               Nghe lời khuyên nhủ thong dong,
                        ĐÀNH LÒNG sinh mới quyết lòng hồi trang.(66) 
                              Inline image
      ĐÀNH LÒNG là bằng lòng, là chịu nghe theo; còn ĐỘNG LÒNG là Xúc động trong lòng (như “ĐỘNG LÒNG lại gạn đến lời riêng tây”(65); còn CẠN LÒNG là chỉ lòng nông cạn, hời hợt (như “CẠN LÒNG chẳng biết nghĩ sâu”(64), và NẶNG LÒNG là Đặt nặng, là xem trọng vấn đề gì đó (như “NẶNG LÒNG e ấp tính bài phân chia“(62); Sau đây, ta lại có từ KHÓ LÒNG là Làm khó cho lòng mình, tức là làm những chuyện mà trong lòng phải lo lắng mãi mãi, như Cô Kiều đã khuyên chàng Thúc về tới nhà cứ nói thẳng, nói thật với vợ, chớ đừng khiếm cách dấu quanh :
                                      Dễ lòa yếm thắm trôn kim,
                              Làm chi bưng mắt bắt chim KHÓ LÒNG !(67)
                                      Đôi ta chút nghĩa đèo bòng,
                              Đến nhà trước liệu nói sòng cho minh.
      Về phần Hoạn Thư ở nhà đã “Từ nghe vườn mới thêm hoa, Miệng người đã lắm tin nhà thì không“, nên :
                                    Lửa tâm càng dập càng nồng,
                           Trách người đen bạc ra LÒNG trăng hoa.(68)
      Nên Hoạn Thư rắp tâm “Làm cho nhìn chẳng được nhau, Làm cho đầy đọa cất đầu chẳng lên! Làm cho trông thấy nhãn tiền, Cho người thăm ván bán thuyền biết tay“, nên chi :
                                  Nỗi LÒNG kín chẳng ai hay,(69)
                              Ngoài tai để mặc gió bay mái ngoài.
 
                                 Inline image
      Nhưng “Tuần sau bỗng thấy hai người, Mách tin ý cũng liệu bài tâng công” đến mét với Hoạn Thư là Thúc Sinh có vợ bé bên ngoài, không ngờ :
                                  Tiểu thư nổi giận đùng đùng:
                           Gớm tay thêu dệt ra LÒNG trêu ngươi!(70)
      Bèn “Vội vàng xuống lệnh ra uy, Đứa thì vả miệng đứa thì bẻ răng“, thế nên “Trong ngoài kín mít như bưng. Nào ai còn dám nói năng một lời!“, và Hoạn Thư thì cứ “phớt tỉnh Ăng-Lê” : “Buồng đào khuya sớm thảnh thơi, Ra vào một mực nói cười như không” :
                             Đêm ngày LÒNG những dặn LÒNG,(71)         
                             Sinh đà về đến lầu hồng xuống yên.
      Thúc Sinh về đến nhà, Hoạn Thư tiếp đãi thật chu đáo nhiệt tình :
                               Tẩy trần vui chén thong dong,
                          Nỗi LÒNG ai ở trong LÒNG mà ra.(72)
      “Chàng về xem ý tứ nhà, Sự mình cũng rắp lân la tỏ bày“, nhưng “Mấy phen cười nói tỉnh say, Tóc tơ chẳng động mảy may sự tình“. Hoạn Thư phớt lờ xem Thúc Sinh có thú thật không, còn Thúc Sinh thấy êm re không có động tĩnh gì cả thì lại “trổ mòi” khôn vặt :”Nghĩ đà bưng kín miệng bình, Nào ai có khảo mà mình đã xưng?”. Nên đến năm sau, Hoạn Thư lại khuyên chàng về thăm Thúc Ông “Cách năm mây bạc xa xa, Lâm Tri cũng phải tính mà thần hôn“. Thúc Sinh mừng quýnh “Được lời như cởi tấc son, Vó câu dung ruổi nước non quê người“. Chàng Thúc vừa đi khỏi thì “Xe hương nàng cũng thuận đường quy ninh” về nhà để “mét má” : “Thưa nhà huyên hết mọi tình, Nỗi chàng ở bạc nỗi mình chịu đen.
       Riêng phần Thúy Kiều, từ khi khuyên Thúc Sinh về thăm vợ cả thì cũng lo cho số kiếp lẻ mọn của mình “Sắn bìm chút phận cỏn con, Khuôn duyên biết có vuông tròn cho chăng?” nên mới :
                                  Nén hương đến trước Phật đài,
                            Nỗi LÒNG khấn chửa cạn lời vân vân.(73)
 
                          Inline image
  … thì “Dưới hoa dậy lũ ác nhân, Ầm ầm khốc quỷ kinh thần mọc ra“, Khuyển Ưng của Hoạn Thư sai đến bắt Thúy Kiều về Vô Tích. Hoạn Bà đánh cho một trận rồi “Buồng the dạy ép vào phiên thị tì“. May mà nhờ mụ quản gia thương tình “Khi chè chén khi thuốc thang, Đem lời phương tiện mở đường hiếu sinh” và nhắc nhở :”.Ở đây tai vách mạch rừng, Thấy ai người cũ cũng đừng nhìn chi”  “Kẻo khi sấm sét bất kỳ, Con ong cái kiến kêu gì được oan?”, nên :
                                   Nàng càng giọt ngọc như chan,
                        Nỗi LÒNG luống những bàng hoàng niềm tây.(74)
      Đến khi Hoạn Bà giao nàng về cho Hoạn Thư với lý do “Tiểu thư dưới trướng thiếu người, Cho về bên ấy theo đòi lầu trang”. Nàng vẫn chịu an phận khép mình “Sớm khuya khăn mặt lược đầu, Phận con hầu giữ con hầu dám sai“. Nghe nói nàng đàn giỏi, Hoạn Thư cũng đã “Trúc tơ hỏi đến nghề chơi mọi ngày” :
                               Lĩnh lời nàng mới lựa dây,
                      Nỉ non thánh thót dễ say LÒNG người.(75)
                              Tiểu thư chừng cũng thương tài,
                       Khuôn uy dường cũng bớt vài bốn phân.
Nàng cũng phải đành :
                              Cửa người đày đọa chút thân,
                        Sớm ngơ ngẩn bóng đêm năn nỉ LÒNG.(76)
     “Nước trôi hoa rụng đã yên, Hay đâu địa ngục ở miền nhân gian“, Thúy Kiều không biết tại sao người ta lại bắt mình làm con hầu ở đây, mãi đến khi Thúc Sinh về thăm nhà thì mới vỡ lẽ ra Hoạn Thư là vợ cả của Thúc Sinh và mới sợ cho cái kế sách ghen tuông của tiểu thư họ Hoạn :”Rõ ràng thật lứa đôi ta, Làm ra con ở chúa nhà đôi nơi”. Riêng chàng Thúc cũng “...phách lạc hồn siêu” và lại “Sợ quen dám hở ra lời, Không ngăn giọt ngọc sụt sùi nhỏ sa“. Hoạn Thư gỉa như không biết ngạc nhiên hỏi rằng : Vợ chồng lâu ngày gặp mặt sao chàng lại khóc ? :
                                   Sinh rằng hiếu phục vừa xong,
                          Suy LÒNG TRẮC DĨ đau LÒNG CHUNG THIÊN.(77)

                           Inline image

        TRẮC DĨ 陟屺 là nói gọn lại hai câu thơ của chương Ngụy Phong  魏風, Trắc Hỗ 陟岵 trong Kinh Thi 詩經 là :”Trắc bỉ Dĩ hề, Chiêm vọng mẫu hề 陟彼屺兮,瞻望母兮”. Có nghĩa : Trèo lên trên núi Dĩ để mong ngóng bóng của mẹ. Nên LÒNG TRẮC DĨ là Lòng tưởng nhớ đến me. Còn CHUNG THIÊN 終天 thì CHUNG là hết, THIÊN là Trời; CHUNG THIÊN là hết tuổi của trời cho, nên Chung Thiên có nghĩa là suốt đời.
       Câu “Suy LÒNG TRẮC DĨ, đau LÒNG CHUNG THIÊN”: Ý của Thúc Sinh muốn nói là Nhớ đến mẹ đã chết nên đau buồn suốt đời, cho nên muốn khóc thì khóc (chớ không phải khóc vì thấy Thúy Kiều bị bắt làm Hoa Nô). Hoạn Thư đã khen :”Khen rằng: Hiếu tử đã nên! Tẩy trần mượn chén giải phiền đêm thu“, rồi bắt Thúy Kiều đứng hầu rượu cho hai người, lại bắt Thúy Kiều phải đàn cho vợ chồng cùng nghe, Thúy Kiều mới “Vâng lời ra trước bình the vặn đàn” :
                                  Bốn dây như khóc như than,
                          Khiến người trên tiệc cũng tan nát LÒNG.(78)
                                 Cũng chung một tiếng tơ đồng,
                        Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm.   
 
                                 Inline image 
      Hành hạ được Thúc Sinh và Thúy Kiều, Hoạn Thư cũng cảm thấy :
                               LÒNG riêng khấp khởi mừng thầm:(79)
                               Vui này đã bõ đau ngầm xưa nay. 
      Về phần chàng Thúc thì :
                                    Sinh thì gan héo ruột đầy,
                         Nỗi lÒNG càng nghĩ càng cay đắng LÒNG.(80)
      Riêng phần Thúy Kiều thì “Một mình âm ỉ canh chầy, Đĩa dầu vơi nước mắt đầy năm canh“. Hoạn Thư còn bắt Thúc Sinh phải tra hỏi Thúy Kiều xem tại sao lại buồn, Thúy Kiều phải “Thân cung nàng mới thảo qua một tờ” để Thúc Sinh “Diện tiền trình với Tiểu thơ“. Sau khi xem xong tờ “thân cung” của Kiều, Hoạn Thư cũng bảo “Rằng: Tài nên trọng mà tình nên thương” và phán :
                                  Tiểu thư rằng: ý trong tờ,
                         Rắp đem mệnh bạc nương nhờ cửa Không.
                               Thôi thì thôi cũng chiều LÒNG,(81)
                          Cũng cho khỏi lụy trong vòng bước ra.
     “Sẵn Quan Âm Các vườn ta, Có cây trăm thước, có hoa bốn mùa. Có cổ thụ, có sơn hồ, Cho nàng ra đó giữ chùa chép kinh“. Thế là Thúy Kiều lại “Áo xanh đổi lấy cà sa, Pháp danh lại đổi tên ra Trạc Tuyền“. Ở Quan Âm Các Thúy Kiều cũng “Phật tiền thảm lấp sầu vùi, Ngày pho thủ tự, đêm nồi tâm hương” :
                               Cho hay giọt nước cành dương,
                      LỬA lÒNG tưới tắt mọi đường trần duyên.(82)
                          Inline image
      Lửa Lòng chữ Nho là TÂM HỎA, là ngọn lửa dục vọng cứ âm ỉ đốt mãi trong lòng người ta để thôi thúc sự ham muốn… đủ thứ một cách mãnh liệt, mà trong Cung Oán Ngâm Khúc Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều đã viết là : “Ngọn TÂM HỎA đốt dàu nét liễu, Giọt hồng băng thấm ráo làn son“. Ta gặp lại từ LỬA LÒNG ở đoạn cuối Truyện Kiều, lúc Thúy Kiều phân bua với Vương Viên Ngoại khi ông muốn nàng từ giả sư Giác Duyên để theo mọi người về nhà đoàn tụ :
                                 Sự đời đã tắt LỬA LÒNG,(83)
                           Còn chen vào chốn bụi hồng mà chi ?! 
      Khi Thúc Sinh đến Quan Âm Các tìm Thúy Kiều lại giở giọng “chung tình dõm” bảo là cũng muốn sống chết với Thúy Kiều “Quản chi lên thác xuống ghềnh, Cũng toan sống thác với tình cho xong“, nhưng vì chưa có con nối dõi nên đành phải :
                               Tông đường chút chửa CAM LÒNG,(84)
                               Nghiến răng bẻ một chữ đồng làm hai.
      Không làm gì được trước cô vợ qúa quắc, Thúc Sinh đành phải khuyên Kiều bỏ trốn “Liệu mà xa chạy cao bay, Ái ân ta có ngần này mà thôi!“. Chàng đã nhận xét :
                              Sinh rằng: Riêng tưởng bấy lâu,
                     LÒNG NGƯỜI nham hiểm biết đâu mà lường.(85)
      “Lòng người nham hiểm biết đâu mà lường” là nói theo câu chữ Nho “Thâm uyên chung hữu đễ, Nhân tâm bất khả trắc 深淵終有底, 人心不可測” Có nghĩa : Vực sâu còn có đáy, chớ lòng người thì không thể đo lường được”.
      “Cất mình qua ngọn tường hoa, Lần đường theo bóng trăng tà về tây“, trốn khỏi Quan Âm Các trong cảnh “Mịt mù dặm cát đồi cây, Tiếng gà điếm nguyệt dấu giày cầu sương“, may mà gặp được Chiêu Ẩn Am và lại gặp được sư Giác Duyên :
                                  Thấy màu ăn mặc nâu sồng,
                     Giác Duyên sư trưởng LÀNH LÒNG liền thương.(86)
      Cũng may mà Thúy Kiều đã :
                                Kệ kinh câu cũ THUỘC LÒNG,(87)
                          Hương đèn việc cũ, trai phòng quen tay.
 
                       Inline image
      Khi biết Thúy Kiều từ Quan Âm Các của nhà Hoạn Thư trốn ra, Giác Duyên đã :
                             Rỉ tai nàng, mới GIẢI LÒNG:(88)
                            Ở đây cửa Phật là không hẹp gì;
                                 E chăng những sự bất kỳ,
                         Để nàng cho đến thế thì cũng thương!
      Cho nên Giác Duyên mới gởi nàng cho một nữ thí chủ là Bạc Bà, nào ngờ “Bạc bà học với Tú bà đồng môn!“, cho nên “Thấy nàng mặt phấn môi son, Mừng thầm được mối bán buôn có lời“, bèn ra sức ép nàng phải lấy cháu của bà ta là Bạc Hạnh để cùng về sống ở đất Châu Thai :
                                 Bấy giờ ai lại biết ai,
                     Dầu lÒNG BỂ rộng sông dài thênh thênh.(89)
                           Nàng như quyết chẳng thuận tình,
                          Trái lời nẻo trước lụy mình đến sau !
      Trước lời hăm dọa đó Thúy Kiều đành phải nghe theo mà thôi, nhưng nàng vẫn còn ái ngại :
                              Cùng đường dù tính chữ tòng,
                      Biết người, biết mặt, biết LÒNG làm sao?(90)
                                Nữa khi muôn một thế nào,
                         Bán hùm, buôn sói, chắc vào lưng đâu?
      Câu “Biết người, biết mặt, biết lòng làm sao ?” là diễn Nôm vế hai của câu ngạn ngữ “Họa hổ họa bì nan họa cốt, Tri nhân tri diện bất tri tâm 畫虎畫皮難畫骨 知人知面不知心.” Có nghĩa : Vẽ cọp vẽ da khó vẽ xương ở bên trong, biết người biết mặt chẳng biết lòng dạ như thế nào !
      Khi biết Thúy Kiều đã ưng chịu, thì chàng Bạc Hạnh bèn “Một nhà dọn dẹp linh đình, Quét sân, đặt tráp, rửa bình, thắp nhang” và rất hoa loa hời hợt “Bạc Sinh quì xuống vội vàng, Quá lời nguyện hết Thành hoàng Thổ công” :
                             Trước sân LÒNG đã giãi LÒNG,(91)
                            Trong màn làm lễ tơ hồng kết duyên. 
 
                    Inline image
     “Thành thân mới rước xuống thuyền, Thuận buồm một lá xuôi miền Châu Thai” và ở nơi đây, một lần nữa Thúy Kiều bị Bạc Hạnh bán vào lầu xanh. Khi “Đưa nàng vào lạy gia đường, Cũng thần mày trắng, cũng phường lầu xanh!” cho nên “Thoắt trông nàng đã hay tình, Chim lồng khôn lẽ cất mình bay cao“, khiến cho nàng không nén nổi phải văng tục “Chém cha cái số hoa đào, Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi!” Cũng may là sau đó lại gặp được người hùng Từ Hải với “Râu hùm, hàm én, mày ngài, Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao” từ biên đình sang :
                              Qua chơi nghe tiếng nàng Kiều,
                        Tấm LÒNG nhi nữ cùng xiêu anh hùng.(92)
      Sau khi đã chuộc Thúy Kiều ra khỏi lầu xanh để “Trai anh hùng, gái thuyền quyên, Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng” rồi, thì khi :
                             Nửa năm hương lửa đương nồng,
                     Trượng phu thoắt đã ĐỘNG LÒNG bốn phương.(93)
      “Trông vời trời bể mênh mang, Thanh gươm, yên ngựa lên đàng thẳng dong” Thúy Kiều cũng đã xin với Từ Hải :
                             Nàng rằng: Phận gái chữ tòng,
                        Chàng đi thiếp cũng một LÒNG xin đi!(94)
 
                       Inline image
      Từ Hải đã âu yếm mắng yêu :”Từ rằng: Tâm phúc tương tri, Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?” và yên ủi khuyên nhủ Kiều :
                             Đành LÒNG chờ đó ít lâu,(95)
                         Chầy chăng là một năm sau vội gì?
      Ở lại có một mình, Thúy Kiều đã nhớ về gia đình cha mẹ :
                             Xót thay Huyên cỗi Xuân già,
                      Tấm LÒNG thương nhớ, biết là có nguôi.(96)
      HUYÊN 萱 là một loài thảo mộc được trồng trong nhà như cây Trường sinh, lá thon dài, nở hoa màu vàng và cho hương thơm dìu dịu, ăn được, ta thường gọi là Hoa KIM CHÂM, dùng để chỉ sự dịu dàng của người mẹ. Còn XUÂN 椿 thì theo sách Trang Tử, chương Tiêu Dao Du, là loại cây cao bóng cả, tàng lá sum xuê, có tám trăm năm là mùa xuân, tám trăm năm là mùa thu, nên được dùng để ví với người cha là cột trụ chống đỡ và che chở cho gia đình. Nên XUÂN HUYÊN là từ dùng để gọi chung CHA MẸ. Câu “Xót thay HUYÊN cỗi XUÂN già” là để chỉ cha mẹ đã già yếu.
      Lại nhớ đến người yêu đầu tiên, chàng Kim Trọng của ngày xưa cũ :
                                Tiếc thay chút nghĩa cũ càng,
                          Dẫu lìa ngó ý còn vương TƠ LÒNG!(97,27)
      Rồi lại nhớ đến quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn :
                              TẤC LÒNG cố quốc tha hương,(98)
                           Đường kia nỗi nọ ngổn ngang bời bời.
      Khi đã có trong tay “…mười vạn tinh binh“, Từ Hải đã phái “Hai bên mười vị tướng quân, Đặt gươm, cởi giáp, trước sân khấu đầu. Cung nga, thể nữ nối sau, Rằng: Vâng lệnh chỉ rước chầu vu qui” và “Sẵn sàng phượng liễn loan nghi, Hoa quan chấp chới hà y rỡ ràng“, chưa hết, khi đến nơi thì còn “Kéo cờ lũy, phát súng thành, Từ Công ra ngựa, thân nghênh cửa ngoài” và Từ Hải đã cả cười nói với Thúy Kiều rằng :
                                 Anh hùng mới biết anh hùng,
                          Rày xem phỏng đã CAM LÒNG ấy chưa?(99)
      Thúy Kiều cũng đã cười đáp lại rằng :
                                 Đến bây giờ mới thấy đây,
                        Mà LÒNG đã chắc những ngày một hai !(100)
 
                            Inline image
       Đâu phải “Đến bây giờ mới thấy đây“, mà lòng thiếp đã chắc chắn là chàng sẽ thành danh trong ngày một ngày hai mà thôi ! Quả là một lời nói nịnh êm tai và dễ thương biết chừng nào !
       Mời đọc tiếp phần (3).
                                                                                                杜紹德
                                                                                           Đỗ Chiêu Đức

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác