CỎ HOA THỜI ÁO TRẮNG- An Bình-Huyền Thanh

Ngày đăng: 15/09/2020 04:58:32 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Tôi quen anh Nguyễn An Bình từ thập niên 70, dù trước đó đã “nghía” thơ nhau qua nhiều nhật báo, tuần báo, tạp chí …
Qua báo Tin Sống anh có bài thơ tặng tôi.

Bài gởi HOÀI HUYỀN THANH
Em vẫn đẹp như tên đầy nhung nhớ
Tím khung trời dù ngăn cách xa xôi
Nắng Sàigòn còn đưa bóng nhỏ
Chiều bâng khuâng đi giữa phố đông người

Ta ở đây nghe từng đêm trăn trở
Thành phố xa mắt nhớ tiếng ai cười
Đường Cần Thơ ôi trăm ngàn cây số
Có bao giờ ta thấy được ngày vui!

Em có biết hỡi Hoài huyền Thanh yêu dấu
Ta làm thơ xin gởi tặng cho người
Trên trang báo để đem vào hư ảo
Và suốt cuộc đời ta vẫn nhớ khôn nguôi

NGUYỄN AN BÌNH
( Báo Tin Sống 4.3.1973)
Thơ viết tặng cho một người mà đem vào hư ảo để rồi thành tri âm tri kỷ một đời thơ.
Và tôi thấy bóng thời gian chập chờn như linh mệnh giữa hai nhóm Tình Thơ (Cần Thơ) và Nắng Hồng( Saìgon)
Sau những ngày dâu bể, không còn đất dụng võ, chúng tôi chỉ thư từ cho nhau gửi gắm những vần thơ và trong một lần băn khoăn, ngậm ngùi cho nỗi mất còn của một chuyến đi xa, tôi đã hỏi anh và cũng là tự hỏi mình: “ Có bao giờ lòng anh tự hỏi. Anh và em rồi sẽ tạ từ ?!”
Mà tạ từ thật các anh chị, các bạn ạ! Những mấy mươi năm dòng đời đưa đẩy, dòng đời gập ghềnh nghiệt ngả không như là mơ dù lòng vẫn mong mỏi ta là gió là thơ tri âm tri kỷ. Nói như vậy để thấy Cỏ Hoa Thời Áo Trắng bàng bạc trong thơ ca Nguyễn An Bình bao kỷ niệm miên man ngày cũ- một thời để yêu, một thời để nhớ.

Năm 2013 sau gần 40 năm, nghiệp dĩ không dễ gì buông, anh lại làm thơ và không quên làm cầu nối cho tôi trở về niềm đam mê thuở nào với Bài Cho Nhỏ đăng trên Web Đất Đứng – Tây Ninh.
Mạch viết của anh như dòng suối trào tuôn lấp lánh những hạt mưa ký ức trong tập thơ CÒN MỘT CHÚT MƯA BAY xuất bản cuối năm 2013. Và với Bài Cho Nhỏ, tôi lại trở lại lều thơ cùng anh trên chặng đường mênh mông phía trước, dù một thời ly biệt vẫn dặn lòng ấp ủ chuyện tìm nhau.
BÀI CHO NHỎ
*Tặng Hoài Huyền Thanh
( Nhóm Nắng Hồng Sàigon 1972)

“Nhỏ ơi nhỏ bốn mươi năm rồi đó
Cửa thời gian đóng mở thật vô tình
Bao mưa nắng làm thâm kim bờ áo
Thật hững hờ phố xá cũng lặng thinh

Bốn mươi năm ta chơi trò cút bắt
Nhỏ và anh xuôi ngược giữa dòng đời
Nợ áo cơm kiếp nầy chưa trả hết
Tóc hoa râm đã vội bước theo người

Lòng muốn nghe tiếng chim trong vườn cũ
Chỉ thì thầm cánh lá thoáng qua hiên
Đường trần gian sao gập ghềnh quá thể
Chạy lòng vòng thoáng chốc đã chùn chân

Thư của nhỏ nằm yên trong ngăn tủ
Biết bao năm mực giấy đã phai mờ
Bông hoa tím ép vào trong trang vở
Vẫn dịu dàng ôm ấp một vần thơ

Nắng Sàigon ngựa xe về muôn lối
Bụi Cần Thơ nắng quái chập chờn rơi
Đường liên tỉnh mưa giăng mù mịt quá
Chút thâm tình lay lắt quá nhỏ ơi”

Cần thơ 10.3. 2013
( Bài cho Nhỏ P79)
Hương chiều phả theo dòng hồi tưởng chiếc lá diêu bông biền biệt phương nào, đành ngậm ngùi tiễn Áo Lụa Qua Sông với thầm thì lục bát trữ tình:

Ai người áo lụa qua sông
Hương bay theo gió tình không đợi mùa
Phố gầy reo bước chân mưa
Ướt bờ vai nhỏ ngày xưa đâu còn

Ai người ngậm ngãi trèo non
Săn trầm đáy biển nhớ con sông dài
Lạc rừng chim bỏ đường bay
Tầm xuân chưa kịp trao tay đã tàn

Ai người mơ khúc tương phùng
Ấp yêu sỏi đá nghìn trùng mây bay
Hoa thơm một phiến tình say
Trăm lằn chỉ rối vòng tay ơ hờ

Ai người nhã chữ gieo thơ
Hương tình xưa có đợi chờ mà trông
Gởi cùng áo lụa qua sông
Tìm đâu chiếc lá diêu bông tặng người”
(Áo lụa qua sông P12)

Như con tằm khó dứt được đường tơ, ba năm sau – năm 2016 anh lại cho ra đời tập thơ MƯỜI NĂM BÓNG NGỰA QUA THỀM CŨ canh cánh nỗi lòng viễn khách xa quê
Mấy mươi năm đã chồn chân sức ngựa
Chợt nao lòng về uống nước sông xưa
Trời đất cũ một màu mây trắng nõn
Buồn rưng rưng thương ngọn cỏ gió đùa”
(Mơ thấy nắng hồng đậu xuống bờ vai P79)
Ngọn gió thi ca rảo bước trôi về vùng ký ức để những hàng me thơ mộng vươn chồi xanh biêng biếc điểm xuyến cho nhũng con đường ngập tràn kỷ niệm nên thơ
Những hàng me Sàigon
Bao năm rồi vẫn thế
Áo trắng đường Gia Long
Giữ hương tình tôi trẻ…

Ôi hàng me Sàigon
Bốn mùa qua lặng lẽ
Tìm đâu dấu chân son
Tình tôi thời thơ trẻ”
( Những Hàng Me Saìgon P88)
Tác giả ngậm ngùi với Sàigon một thời để nhớ, tìm em nơi đâu, bóng chim tăm cá. Hình ảnh con đường có lá me bay huyển hoặc trong nhạc phẩm Con đường có lá me bay của nhac sĩ Hoàng Hiệp, thơ Diệp Minh Tuyền dìu dặt trong những chiều lộng gió …con đường có lá me bay, chiều chiều ta lại cầm tay nhau về… miên man trong nỗi nhớ .Đêm anh trở lại Sàigon, buồn quẩn quanh, nao lòng một thuở hương thầm thời thanh mai trúc mã
“Saìgòn đêm trở gió
Sao lá vẫn rơi hoài
Lao xao tàn me lạnh
Tiếng chim nghe lạc loài
Ngày xưa em qua đó
Hương một thời chưa phai

Sàigòn đêm trở gió
Đã bao mùa chia xa
Thời gian là giọt lệ
Để cuộc tình phôi pha
Ngọn đèn đêm mờ tỏ
Sao thấu tình đôi ta”
( Saìgòn đêm trở gió P130)


Giữa năm 2018 cùng với tiếng ve ngân ly biệt, phượng lại nồng nàn trong thơ anh, anh cho phượng đỏ theo mùa hạ nắng lửa về trời để tìm chiếc vé trở về tuổi hoa niên đèn sách trong tác phẩm HẠ ĐỎ LÊN TRỜI với những kỷ niêm thời áo trắng trải dài trên trang sách.
Tháng năm đỏ một trời hoa phượng cũ
Năm tháng đi về bạc cả gió mưa
Nhớ tiếng ve rền trên cây bàng thay lá
Và tiếng em cười nghiêng giữa nắng trưa”
( Tháng năm đỏ những mùa hoa phương P13)

Đâu rồi ? Ngày ấy xa rồi để mộng mị đến nao nao những gì còn chưa bày tỏ được, nhờ thơ nói hộ lòng mình
Gió mang tình em đi muôn ngả
Ngả nào tôi hái trái tình rơi
Tình cờ trở lại con phố nhỏ
Vắng tiếng ve ngân nhớ một người”

Người đã đem một trời phượng đỏ
Làm hành trang ngược chuyến tàu đêm
Chiếc vé tình yêu giờ lạc mất
Đường phượng xưa nào biết đâu tìm?
( Xa Rồi Đường Phượng Bay P22)
Trong cuộc đời bề bộn việc mưu sinh, có lúc cũng lắng lòng bên quán vắng chiều mưa dự cảm lòng mình còn neo đậu bóng một người
“Tháng năm vẫn còn thương màu nắng lụa
Hồn chợt gầy mang nỗi nhớ bay đi
Mưa góp nhặt giọt buồn về gõ cửa
Ta một đời nợ mãi cuộc tình si”
( Còn Thương Màu Nắng lụa P35)
Nhớ trường cũ bạn xưa, nhớ từ hành lang, mái ngói, gốc phương già với những cánh phượng đỏ chói góc sân trường dắt díu ta đi vào cõi mênh mông tình buồn
Một con đường nhỏ
Hàng hàng phượng bay
Tháng tư qua đó
Giọt mưa ngắn dài

Một thời áo trắng
Mòn dấu chân ai
Hạt mưa ướt nắng
Hạt nào nghiêng vai

Còn thơm hơi thở
Sao đành chia tay
Có mùa hạ đỏ
Hóa thành mây bay”
( Hạ đỏ P11)


Theo chân anh chị em tạp chí Quán Văn dong ruỗi khắp mọi miền đất nước, lắng lòng cảm xúc trước bao cảnh đẹp nên thơ anh đã cho ra đời nhiều bài thơ với cảm nhận sâu sắc đặc trưng vùng miền từ bắc chí nam được bày biện trải lòng trong tập thơ HÀNH TRÌNH ĐẤT VÀ NƯỚC ra đời cuối năm 2018. Về Kinh Bắc uống rượu nhớ Hoàng Cầm, gõ cửa mùa thu Hà Nội để lòng vương vấn màu áo lụa Hà Đông
Về đâu áo lụa Hà Đông
Tình sương khói cuốn qua sông không đành
Nhớ người tóc thuở còn xanh
Câu thơ ngày cũ bỗng thành thiên thu”
( Thương màu áo lụa Hà Đông P 82)
Tím một hoàng hôn buồn trên phá Tam Giang giăng đầy sương khói, nhớ mãi ly rượu làng Chuồn say khướt một chiều mưa,
Mưa lại về trên phá Tam Giang
Tiếng mưa nghe rạt rào sóng vỗ
Mưa đem anh về trong thương nhớ
Đò em còn trôi dạt nơi nao”
( Mưa về trên phá Tam Giang P74)
Và con mắt Phú Yên đã níu chân khách đường xa dừng bước giang hồ ngắm cầu Đà Rằng, vi vu núi Nhạn, xuôi về Đà Diễn mộng mơ bên bờ bãi ngan ngát mướp hoa vàng, trên triền sông Ba trắng rợp hoa lau
Con mắt đa tình em Phú Yên
Chiều về lộng gió cát Bãi Môn
Con sông lau sậy buồn không nói
Giữ mãi tình em sóng Đà giang”
( Con mắt Phú Yên P 94)
Hành trình về phương nam không mấy ai lòng chẳng chạnh lòng nhớ những ngọn tràm biêng biếc xanh giao nhau bạt ngàn bên vạc nắng Trà Sư
Người ta nói đất lành chim về đậu
Trà Sư xanh ngan ngát cõi biên thùy
Em đến một lần tình anh để lại
Cho hương tràm vương vấn bước người đi”
( Một thoáng hương tràm P 40)
Với Mùa sen Tháp mười, Mình về Bạc Liêu nghe em, Về phương nam tìm một cánh cò …đã níu chân người đọc về một đất phương nam trù phú, người phương nam chân chất, hào sảng một thời đi mở cõi

Chiều phương nam thương sợi khói đốt đồng
Mùi rơm rạ bao năm rồi vẫn nhớ
Tóc cháy nắng phải đâu là duyên nợ
Để cánh cò cánh vạc trốn tìm nhau”
( Về phương nam tìm một cánh cò P132 )
Đi gần hết vòng tử sinh của cuộc đời, anh gom bao nhung nhớ của một thời hoa mộng cũ, bao ấp yêu còn rưng rức trái tim dù già nua tuổi tác nhưng vẫn nồng nàn tình thơ để cho ra đời tập thơ CỎ HOA THỜI ÁO TRẮNG .
“Cỏ hoa thời áo trắng” là những bài thơ anh viết rải rác từ những năm 1969 đến 1975. Viết về trường cũ bạn xưa, ẩn hiện mái tóc hoàng kim óng ả, nhừng đôi mắt ướt, sắc màu phượng đỏ, những tiếng ve ngân, những buồn vui thời áo trắng, tình yêu thời mới lớn. Viết về gia đình với những niềm riêng, viết về quê hương đổ nát với những phận người trên quê hương điêu tàn và tuổi trẻ với tương lai mờ mịt, trăn trở với ước mơ một ngày mai thanh bình.
Tiếng ve ngân và sắc phượng đỏ theo anh vào thơ
Hoa phượng đỏ ru tình anh thương nhớ
Tiếng ve sầu trổi khúc nhạc buồn tênh
Ôi trường xưa anh lặng nhìn bỡ ngỡ
Một nỗi buồn, ngơ ngác khoảng trời riêng”
( Áo trắng tình thơ- mùa thu 1972 P 26)
Từ trường Phan, trường Đoàn, trường Sư Phạm với hàng hàng phượng xưa lưu bao nỗi nhớ như bài thơ Chút Tình Đầu của nhà thơ Đỗ Trung Quân được nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ nhạc thành nhạc phẩm Phượng Hồng “ Em chở mùa hè đi qua còn tôi đứng lại. Nhớ ngẩn người tà áo lụa nào xa”*. Mùa hè ngày đó đã xa mà người trở về vẫn vời vợi nỗi hoài mong
Anh về mới thấy đêm nay
Con tim đánh mất đường đầy phượng xưa”
( Hàng hàng phượng xưa P55)
Và tình yêu thời mới lớn trăn trở mãi trong thơ anh.” Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi mười tám.Thuở chẳng ai hay thầm lặng- mối tình đầu”*. Em chở mùa hè của tôi đi xa với long lanh sắc màu phượng vĩ, tà áo trắng nào bay mà tình tôi yêu em vẫn còn ở lại
“Bây giờ phượng đã về trời
Còn tôi yêu mãi một người năm xưa”
( Hương xưa P 31)
Để mạch phù sa theo song vỗ
Em trường Đoàn anh cuối trường Phan
Cho phai màu nhớ ngày thôi học
Cho phủ rêu xanh lối cỏ vàng

Trường xưa còn đó trong năm tháng
Nhưng mộng tình yêu đã bạt ngàn
Cũng bởi ta không cùng chung lối
Anh buồn theo cuối dãy hành lang

Anh nhớ thương hoài mùa học cũ
Đường về quen quá áo dài bay
Hai năm em thấy nhiều không nhỉ?
Sao thấy lòng anh nặng gót hài”
( Trường Phan ơi…nhớ trường Đoàn)

Quê hương Phong Điền được trìu mến nhắc đến đằm thắm ngọt ngào với những bông lúa vàng chín mọng, hương hoa bưởi ngào ngạt-
Và bông lúa chín vàng mơ ước
Biết có còn không để nhớ thương”

“ Đường xưa thơm ngát mùi bônng bưởi
Có chút yêu thương của thuở nào”

“Phong Điền có mấy dòng nước ngược
Là mấy tình yêu anh gởi em
Năm tháng còn neo tìm bến đỗ
Thì anh còn mộng bóng thuyền quyên “
(Về Phong Điền P 22)
Quê hương! Tiếng gọi thân thương trìu mến còn đâu đó dáng dấp người thân, tóc nội trắng một trời thương nhớ, nghe đâu đây khan giọng tiếng bìm bịp kêu chiều bên bến sông xưa. (Bài được đăng trên tuần báo Tuổi Ngọc & Thời Đại Miền Nam 1973)
“ Ta nhớ quá con đường quê đất đỏ
Bìm bịp kêu con nước lớn về xuôi
Tóc nội trắng vì dãi dầu sương gió
Thuở cơ hàn ta thương nhớ khôn nguôi.

Giờ nội đã ngàn năm yên giấc ngủ
Nắng An Bình sương khói vẫn mù khơi
Con nước lớn đưa đò về Ngã Bảy
Ôi cuộc đời nội không có lấy ngày vui.”
( An Bình và Tóc Nội P24)
Luôn đau đáu lòng mong ước quê hương không còn tiếng súng, quên hương yên bình để Năm Căn, Hà Nội tuy xa mà gần, tàu súp lê tàu ra đất Bắc, thấy được kinh thành cờ phủ khắp Thăng Long, ruộng đồng lại xanh màu mạ mới, những chàng trai cùng cô thôn nữ với chiếc áo bà ba bình dị duyên dáng cùng góp tay xây lại xóm làng( Nhật báo Tin Sáng đăng 1973 và thi văn Mây Tần Saìgòn diễn ngâm)
Đẹp lắm quê hương ngày ngưng bắn
Không còn khói thuốc đất khai quang
Chèo ghe tam bản về thôn ấp
Ở đó dựng lên giấc mộng vàng

Để dựng mùa xuân trong thái bình
Nắng vàng hanh tóc má em xinh
Anh rời đại học làm thi sĩ
Để sống cho nhau suốt cuộc tình

Để thấy quê hương ngát mộng đời
Bạn bè dăm đứa cùng về chơi
À ơi bài hát ca dao mẹ
Em nhé mùa xuân đã trở về “
( Viết cho ngày ngưng bắn P 16)
Thơ anh Nguyễn An Bình đa dạng về đề tài và phong phú về thể loại: thơ bốn,năm,sáu,bảy, tám chữ và thơ tự do nhưng nỗi bật có lẽ là những vần thơ lục bát mượt mà với những liên tưởng thú vị
Nhìn con nước nhỏ xuôi nguồn
Kìa mồ nhân ảnh xoáy dòng cuồng lưu
(Biển xưa P34)
Có tôi đứng giữa hồng trần
Đón em trong dấu xe lầm lũi qua
Nhìn nhau trong bóng mây xưa
Có nhau ngày cũ đời chưa bụi vàng”
(Bụi Vàng P 35)
Sương mai rớt ướt bên đường
Xe qua phố quận nghe buồn vu vơ
Trắng tay ôm lấy bụi mờ
Nắng Long Hồ rớt tình cờ trên vai”
( Ngày qua Long Hồ P82)
Với hành trang 5 tập thơ được ra mắt từ năm 2013 đến nay, Nguyễn An Bình còn là nhà thơ được nhiều nhạc sĩ phổ thơ thành ca khúc nhất mà tôi được biết. Nhạc sĩ Mộc Thiêng với 90 ca khúc in trong tuyển tập thơ phổ nhạc TÌNH THƠM MÀU GIẤY MỚI. Nhạc sĩ Hồ Hoàng với tuyển tập 90 ca khúc thơ phổ nhạc QUA MIỀN ĐẤT NHỚ. Nhạc sĩ Huy Thọ với 30 ca khúc và nhạc sĩ Phan Bá Kiệt với 60 ca khúc cùng hiện diện trong tuyển tập thơ phổ nhạc VỀ PHƯƠNG NAM TÌM MỘT CÁNH CÒ ( nghe đâu ca khúc VPNTMCC đạt giải nhất cuộc thi sang tác ca khúc đồng bằng sông Cửu Long). Tuyển tập thơ phổ nhạc thứ tư là LỜI HẸN CỎ MAY với 20 nhạc sĩ ở khắp mọi miền đất nước và cả người việt hải ngoại; tuyển tập thứ 5 ngoài 3 nhạc sĩ Phan Bá Kiệt, Hồ Hoàng, Mộc thiêng còn có thêm 19 nhạc sĩ tham gia trong tuyển tập DẤU CHIM BAY.

Thơ anh giản dị, nhẹ nhàng với những hoài niệm, gom góp cả những buồn vui, băn khoăn, trăn trở của một thời áo trắng thơ mộng dễ cuốn người ta chìm vào nỗi nhớ mênh mang. Dù là tập thơ nào thì thời áo trắng vẫn chiếm một chỗ đứng không nhỏ trong thơ anh. Tôi tin các bạn và tôi, ai cũng đã từng có một thời như thế, biết đâu có ai đó vẫn còn nâng niu hình ảnh đẹp một trời thương nhớ những ngày xưa những ngày xa, mượt mà gửi gắm bên những vần thơ
Ta sẽ nhớ hoài năm tháng cũ
Trong lòng hoa phượng cố nhân ơi!”

HOÀI HUYỀN THANH
( Mưa thu 2020 )

*thơ Đỗ Trung Quân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác