CAMPUCHIA  DU KÝ      

Ngày đăng: 23/09/2020 06:20:50 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Đi du lịch Campu chia đã có nhiều bài viết trên trang nhà, tuy nhiên mỗi người có cái nhìn khác nhau. Chị Sương Lam , quê Bến Tre hiện sống tại Hoa Kỳ, chị có chuyến đi Cam cách nay mấy năm và có viết bài về chuyến đi này. Tôn trong, bài viết của chị , chúng tôi giữ nguyên ý kiến . Phần hình ảnh chị đã đánh mất, có phục hồi lại nên không rõ (LM)

Đã rất nhiều lần về thăm VN nhưng tôi cứ lỗi hẹn hoài một chuyến đi du lịch nước bạn Cam puchia. Phần vì thời gian quá ít phải đi thăm viếng nhiều nơi mà các tua du lịch thường phải đăng ký trước,  ngày đi nhiều khi trùng với những ngày đám giỗ hay các chuyến đi chơi khác,lại nữa tôi phải làm visa nhập cảnh Campuchia rồi tái nhập VN nghe ra rườm rà quá ,thế là cứ hẹn và tiếc mãi.

Kỳ này đã quyết định nên nhứt định phải đi ,tuy rằng thời gian có dời lại vì chờ đăng ký tua giá rẽ . .Rồi thì cũng có được một chuyến hành trình đầy thú vị  viếng thăm nước bạn, để tận mắt chứng kiến kỳ quan vĩ đại Angkor với những kiệt tác điêu khắc trên đá , nhìn thấy nụ cười Bayon huyền bí  mà cả thế giới đều mong muốn được chiêm ngưỡng    .                                              .

ĐƯỜNG QUA NƯỚC BẠN  

Khởi hành lúc 5 giờ sáng , xe từ TPHCM lênTây Ninh qua cửa khẩu Mộc Bài rồi vượt biên giới vào  đất Cam. Campuchia có tất cả năm cửa khẩu mà tới bốn cái giáp ranh với VN, chỉ có một cửa khẩu giáp với Thái Lan mà thôi .Cửa khẩu Mộc Bài(Phía VN) và Bavet (phía bên Cam) được coi  như cửa khẩu quốc tế lớn nhứt, hàng ngày có rất nhiều người qua lại .Khi đoàn chúng tôi đến  cũng đã thấy có rất nhiều đoàn bạn của các công ty du lịch khác  .Du khách rất đông, vì đây là tua  tổ chức vào ngày thứ năm hàng tuần chuyến đi 4 ngày 3 đêm tới ngày chủ nhật trở lại VN nên thu hút được rất nhiều  người làm việc vì được nghỉ kèm theo hai ngày cuối tuần.

Nhìn quang cảnh tại cửa khẩu Mộc Bài thật là nhộn nhịp, xe cộ nối tiếp nhau từng đoàn, du khách thì đủ màu nón(thường các công ty du lịch phát cho du khách trong đoàn một chiếc nón có màu  riêng của  công ty để dễ nhận ra khách) lần lượt kéo nhau vào làm thủ tục xuất cảnh.Hướng dẫn viên du lịch thâu các giấy tờ của du khách và  chúng tôi phải chờ rất lâu mới làm xong thủ tục .

Một điều không hay là hướng dẫn viên thông báo là vì xe của công ty đã hết giấy phép chạy thẳng qua Cam nên cả đoàn phải tự mang hành lý đi bộ qua khoảng 200 mét  để vô nước bạn!

Nhìn các đoàn khác được lên xe chạy qua biên giới mà thèm nhưng cũng tự an ủi (tiền nào của nấy ! ). Sau khi đi bộ vượt qua trạm vào đất Cam, xe của công ty chờ sẳn bên đất bạn đón chúng tôi . Hướng dẫn viên trở lại Sài gòn sau khi đã thu hết giấy tờ để làm thủ tục cho chuyến trở lại VN.

Chúng tôi được giới thiệu với một hướng dẫn viên khác  người Campuchia .Cô này nói tiếng Việt  rất giỏi, rất lưu loát  mặc dù là người Khmer lai Tàu. Cô hướng dẫn mới người khá đẩy đà, ăn  mặc giản dị, tánh tình thân thiện có cái tên rất đẹp ( tiếng Khmer) có nghĩa là ‘’cô gái trong trắng’’.  Trong suốt cuộc hành trình cô diễn giảng rất rõ ràng về lịch sử và sinh hoạt đời sống của nguời  dân Cam . Có thể nói dựa vào lời thuyết giảng của cô tôi viết lại ký sự này mà không cần phải  tra cứu thêm nhiều tài liệu khác!

Theo lịch trình lúc ban đầu đoàn sẽ đến Siemreap trước, nhưng sau khi qua biên giới thì xe lại đổi hướng đi về Phnom Penh trước .Lại một phen du khách phàn nàn vì đổi chương trình. Hướng  dẫn viên và tài xế giải thích là đến thủ đô nước Campuchia trước vì phải đi tham quan hoàng cung cho kịp ngày giờ và vì vừa mới đăng ký được khách sạn .Thôi cũng được!

Qua cửa khẩu Bavet xe bắt đầu vào đất Campuchia .Đây là khu vực sát biên giới có rất nhiều  sòng bạc ,tất cả khoảng 17 sòng bạc lớn nhỏ mọc dọc theo hai bên đường. Theo luật pháp cùa Campuchia người trong nước không được đánh bạc nên khách ở các sòng bài này đa số đều  là người Việt. Họ tới để tìm vận may trong cuộc đỏ đen nhưng thực tế đều tán gia bại sản, gây ra nhiều thảm kịch gia đình,nhiều tệ nạn, và xô đẩy những con bạc này vào hoàn cảnh  tệ hại khác!  Cũng tại khu vực sát biên giới phía bên Cam, xe ngừng lại để cho một phụ nữ  Việt lên đổi tiền và bán sim điện thoại .Tôi được biết ở Campuchia xài cả USD, đồng ria (tiền Cam) đồng baht (tiền Thái) và cả tiền Việt.  Nghe nói là đổi tiền kiểu này thì hối suất thấp hơn giá chính thức nên không cần gấp. Chị phụ nữ này hứa sẽ lấy lại tiền ria bằng giá nếu chuyến trở về VN còn dư nên trên xe có rất nhiều người đổi .Tôi không nhớ giá bao nhiêu chỉ là cũng đổi một số ít 200 ngàn tiền VN và nhận được 35 ngàn ria  .
Xe qua tỉnh đầu tiên của Cabodge giáp ranh với VN là Svay Rieng. Theo cô hướng dẫn viên  thì trước đây tỉnh nầy rất nghèo nhưng sau này nhờ sự ưu đãi của chính phủ, Svay Rieng trở  thành một tỉnh giàu, có trường đại học (ở Cam chỉ có hai trường Đại học, môt ở thủ đô Phnom  Penh và một ở đây) ,có bịnh viện quốc tế.

Xe tiếp tục chạy và qua phà Neak Luong. Đây là một bến phà nhỏ gần giống như phà Hàm Luông  ở Bến tre trước kia. Sông cũng nhỏ, nghe nói có kế hoạch bắt cầu nhưng chưa thấy gì hết . Giao thông ở Cam tính ra đã có đầu tư nhưng vẫn chưa bằng VN.

Lên phà, xe ngừng lại để hành khách đi vệ sinh .Điều đặc biệt là các hàng quán ở đây đều do người VN làm chủ, họ bán cơm ,nước giải khát ,các loại hàng hóa khác mà tiệm nào cũng có đề bảng tiếng Việt và cho đi vệ sinh (lấy tiền). Cơm thì bán như các hàng cơm bình dân ở VN . Lời mời chào ơi ới của đồng hương khiến ai nấy cứ ngỡ mình đang ở một bến phà nào đó ở quê nhà .
Trên xe chúng tôi được cô hướng dẫn viên thuyết trình về địa lý, lịch sử Cambodge và nói sơ qua về sinh hoạt đời sống của người dân ở đây

SƯƠNG LAM

(Còn nữa)

 

SƠ LƯỢC LỊCH SỬ CAMPUCHIA 
Vị trí Campuchia nằm giữ VN, Lào và Thái Lan. Diện tích khoảng 181.035 km2 (khoảng phân nữa nước VN) nhưng dân số chỉ có khoảng 13 triệu người.(Chưa bằng dân số của TPHCM). Lảnh thổ đa phần là đồng bằng .Cả nước chia thành 20 tỉnh và 4 thành và theo chế độ quân chủ lập hiến .Về kinh tế là một nước nghèo dân số sống bằng nghề nông còn canh tác theo phương pháp cổ truyền lạc hậu,kỷ nghệ gần như không có gì .Sản phẩm chủ yếu là lúa gạo ,cao su, thủy hải sản ,đá quí ,gỗ quí…Đặc biệt cây thốt nốt là loại cây kinh tế chủ yếu nhưng lại không thấy trồng một cách qui mô ,dọc đường đi chỉ thấy cây thốt nốt mọc thưa thớt ở đồng ruộng mà theo lời cô hướng dẫn là nhửng cây nầy mọc tự nhiên do trâu bò ăn hột mọc nên , lâu lâu một thấy một đám cây thốt nốt chứ không phải rừng bạt ngàn như dừa ở VN !
Về lịch sử theo các nhà nghiên cứu thì từ trước công nguyên khắp vùng Hạ Lào,Thái Lan,Campuchia  và miền nam VN đã có người Khmer sinh sống họ chịu ảnh hưởng từ tôn giáo của Ấn độ và lập nên một vương quốc rất rộng lớn.Đầu tiên là vương quốc Phù nam mà di tích còn lại có ở Óc eo, Ba thê,Núi sập Tây ninh.Khoảng năm 550 một vương quốc mới phát sinh trong lòng Phù Nam có tên là Chân Lạp. Chân Lạp sau này lại chia làm hai là Lục Chân Lạp (trung tâm là tỉnh Champasak Hạ Lào) và Thủy Chân Lạp (vùng đồng bằng sông Cửu long) .Chân Lạp lật đổ Phù Nam và cầm quyền khoảng 630-802.
Đế quốc Khmer(802-1432) đây là thời kỳ rực rỡ nhứt của dân tộc Khmer là một đế quốc rất rộng lớn bao gồm Thái Lan ,Lào,Campuchia ,nam VN .Vị vua đầu tiên là JAyavarman II. Trong 500 năm vinh quang của đế quốc Khmer có gần 30 chục vị vua , hai người nỗi tiếng là vua SuryarmanII người xây dựng  Angkor  Wat và Jayavarman VII  người chiến thắng quân Chiêm Thành (Champa)và xây Angkor Thom Trong vọng thế kỷ họ đã tạo nên một đế quốc hung  mạnh với lảnh thổ to lớn và xây dựng kinh đô Angkor vĩ đại với những đền đài cung điện như là một thành tựu với kiến trúc và điêu khắc tiến bộ nhứt vào thời đó .

Đến đầu thế kỷ 13 ở phía Tây người Thái lập ra vương quốc Xiêm đầu tiên là Sukhothai.  Hai trăm năm sau vương quốc này bị một vương quốc khác cũng của Thái là AYuthaya đánh bại. Ayutthaya hung  mạnh tấn công đế quốc Khmer và chiếm được Angkor năm 1431.Nguoi Khmer chạy về Phnom Penh và đế quốc Khmer bắt đầu suy tàn.
Những thế kỷ sau đó (1432-1863) Campuchia suy yếu do tranh giành quyền lực trong nội bộ hoàng gia mà đất đai bị mất dần về phía Thái Lan và Việt Nam .Người Việt thời chúa Nguyễn đến lập nghiệp tại Mô Xoài, Bà Rịa  rồi từ từ lấn dần cả miền Thủy Chân Lạp (miền nam VN hiện nay) nằm dưới sự kiểm soát của người Việt. Đến năm 1863 Campuchia bị Pháp chiếm làm thuộc địa cho tới 1953 mới trao trả độc lập dưới sự lãnh đạo của quốc vương  Norodom Sihanouk Từ 1953 tới 1970. Campuchia độc lập và theo chính sách trung lập.
Năm 1970, khi vua Sihanouk đi chửa bịnh ở nước ngoài thì bị thủ tướng LonNol đảo chánh lật đổ .Những năm 70 tới 75 chiến tranh ở Đông Dương leo thang ác liệt. Cam puchia cũng lâm vào nội chiến Chính phủ Lon Nol kiểm soát vùng thành, Khmer đỏ kiểm soát ở nông thôn và vúng đông bắc. Ngày 17/4/1975 thủ đô Phnom Penh thất thủ Khmer đỏ do PolPot, Ieng Sari lên nắm quyền và đã thi hành một chính sách tàn ác diệt chủng vô cùng ghê rợn .Cuối năm 1978 VN giúp Heng Samrin và Hunsen thành lập mặt trận Kampuchea thống nhứt rồi đưa quân qua biên giới giải phóng Campuchia .Ngày 7/1/79 lực lượng này nhanh chóng chiếm được thủ đô Phnom Penh và đuổi tàn quân Khmer đỏ sang tận biên giới Thái Lan. Những hội nghị quốc tế ở Paris đã giúp các phe lâm chiến ngừng bắn từ năm 1991 sau đó Liên hiệp quốc tổ chức một cuộc bầu cử và năm 1993 đất nước Campuchia trở lại hòa bình .Sihanouk lại được lập làm vua, Hoàng thân Norodom Ranarith làm thủ tướng thứ nhứt Hunsen làm thủ tướng thứ hai   .
Cuối năm1997 Ông Ranariht làm đảo chánh lật đỗ Hunsen nhưng thất bại .Phe Hunsen thắng thế chiêu dụ tàn quân của Khmer đỏ ra đầu hàng. Năm 2004 Sihanouk thoái vị nhường ngôi cho con ,quyền hành nằm trong tay thũ tướng Hensen .
Ngày nay sinh hoạt chính trị ở Campuchia đã ổn định Campuchia gia nhập khối Asean và WTO. Ngành du lịch phát triển ,đời sống dân chúng khá hơn .Đất nước đã hồi sinh nhưng vẫn còn là một quốc gia nghèo trong các nước nghèo nhứt thế giới .                                                             .

                                                  xe túk túk một phương tiện giao thông phổ biến ở Cam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác