Trong sâu thẳm miền nhớ

Ngày đăng: 30/07/2020 06:57:31 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Tôi sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, một thành phố năng động, náo nhiệt, ồn ào. Tuổi thơ tôi vào những ngày cuối tuần, thường được Ba Mẹ đưa đi chơi những nơi như Thảo cầm viên- Sớ thú…

Tuổi thơ tôi vào những ngày cuối tuần, thường được Ba Mẹ đưa đi chơi những nơi như Thảo cầm viên- Sớ thú, vườn Bờ – rô (Tao Đàn) bến Bạch Đằng, nhà thờ Đức Bà, Chợ Bến Thành… Chỉ vào dịp nghỉ hè, trời Sài Gòn nóng bức tôi mới được đi xa hơn về những miền quê yên bình mát mẻ.

Trong sâu thẳm miền nhớ tôi không thể nào quên chuyến đi chơi xa nhất đầu tiên trong đời. Ấy là dịp tôi được bà ngoại cho theo về miền đồng bằng sông Cửu Long, nơi người Thiên Chúa giáo di cư gọi là vùng dinh điền Cái Sắn, tôi nhớ mang máng, hình như thuộc xã Thạnh An, huyện Thốt Nốt.

Trên chuyến xe đò chật ních người và hàng hóa, xe bon bon chạy qua những chiếc cầu ngắn, còn những đoạn sông dài phải chờ đợi qua mấy cái phà  lớn, trông lạ mắt đầy thú vị khi nhìn thấy cả nguyên những chiếc xe đò lớn đều nằm trên chiếc phà khổng lồ đó. Chiếc phà di chuyển từ từ, xa dần cảnh người bán mua ở những bến phà đông vui ồn ào, gọi nhau í ới… Gió trên sông thổi mát rượi, khoảng nửa tiếng đồng hồ  phà đã cập đến bờ phía bên kia sông, và bến nào cũng có những hàng quán mua bán tấp nập.

Sau gần 10 tiếng đồng hồ xe mới đến bến đò ở kênh Cái Sắn, có vài chiếc thuyền đợi sẵn. Con thuyền nhỏ lướt qua những đám lau sậy, và làng quê yên ổn thanh bình đã hiện ra, những mái tranh đơn sơ nằm rải rác dọc theo những kênh rạch như bàn cờ, xen lẫn những cánh đồng xanh, phì nhiêu màu mỡ nhờ dòng phù sa Cửu Long Giang.

Trời lộng gió, trẻ con từng tốp rủ nhau ra cánh đồng thả diều, tôi cũng được các bạn hướng dẫn cùng tham gia. Một lần, diều căng gió quá tôi không thể nào nắm nổi sợi dây, phải cố hết sức để ghìm lại, con diều chao đảo một hồi, chỉ thăng bằng được khi cơn gió mạnh đã đi qua. Lúc đó, tôi có cảm giác như mình vừa lập được một chiến công, và biết như thế nào diều sẽ dễ đứt dây.

Chiều nào trời mưa lâm râm, chuẩn bị một lon nước theo các bạn đi bắt dế. Lon nước ấy dùng để chế vào những cái hang nghi là có dế, nước chảy vào hang buộc con dế phải chui ra, thế là chúng tôi vội tóm lấy, đem bỏ dế vào cái hộp diêm quẹt. Nghe dế kêu réc réc cũng vui tai. Có khi còn ra đồng bắt cào cào châu chấu cho dế ăn nữa

Hình ảnh  vài con trâu nằm vểnh tai bên bờ ruộng, lưng nhuốm bùn, hiền lành nằm thong thả nhai cỏ, nghe cứ ràn rạt, tôi nhớ mãi không bao giờ quên.

Khi trời chiều dịu nắng, ngoại tôi thường ra ngồi mé kênh và nhờ tôi nhổ tóc bạc cho bà. Tôi hay bị bà mắng yêu vì mải nhìn dòng nước lờ lững trôi mà quên nhổ tóc bạc. Dòng nước kênh trong vắt đến độ đôi lúc nhìn thấy đàn tép bơi dưới làn nước qua ánh sáng của vạt nắng. Có lẽ hình ảnh này hiếm khi còn được nhìn thấy nữa.

Hoàng hôn của miền quê thật buồn, những làn khói chiều tỏa lan tư những mái tranh rơm rạ. Những lúc như thế tôi cũng thoáng nhớ nhà, nhớ không khí ồn ả của Sài Gòn. Nhưng nỗi nhớ ấy chỉ thoáng khoảnh khắc thôi, vì sắp đến bữa cơm chiều gia đình bác tôi lại sum họp đông đủ và đầm ấm.

Một bữa cơm chiều quây quần, giản dị mà tràn ngập yêu thương. Bữa ăn thường có món tép kho ăn với cơm gạo mới là món tôi thích nhất, rất tươi ngon. Tôi cũng thích món chiên là mấy con cá sặc nhí, vài con lươn nhỏ gom được từ trong cái lờ bác tôi đã đặt ở mấy bụi cỏ lau đêm qua, giòn thơm đậm đà, thêm một dĩa rau đọt lang luộc nữa… Bữa cơm nhà quê đạm bạc nhưng rất ngon miệng, và không gian hạnh phúc giản đơn ấy không phải muốn là có được.

Bác và các anh chị đều dành riêng những món đặc biệt cho tôi, nhớ lời bác nói:

– Cháu ăn nhiều cho mau lớn để học giỏi nhé, chứ về thành phố chả có những con tép con cá đồng tươi như ở quê đâu.

– Bác ơi, sao nhà ai cũng có cái đụn rơm to khổng lồ trong sân nhà vậy bác?

– Cháu à, đó thành quả bao nỗi vất vả, đội mưa đội nắng chất chồng mới có được, bác nuôi các anh chị ăn học cũng nhờ  những đụn rơm này.

– Bác ơi, sao nhà mình không thổi cơm bằng bếp dầu, thổi rơm khói lắm.

Những câu hỏi “bác ơi” vô tư lúc đó, bây giờ nhớ lại, buồn đến chạnh lòng.

Ngày đó miền quê Cái Sắn chưa có điện, nhà nào cũng leo lét ánh đèn dầu. Màn đêm buông xuống nhìn ra phía trước bờ kênh tối om, có tiếng con gì đó kêu xoành xoạch, tiếng côn trùng rỉ rả, tiếng dế và tiếng ếch nhái kêu ềnh oang rõ nhất. Thoạt mới nghe tôi hơi sợ những âm thanh đó, dần dần mấy đêm sau đã quen giống như một bản hòa tấu lạ lùng, nghe cũng vui tai.

Những đêm trăng sáng tỏ, gia đình bác tôi đem chiếu trải ngoài sân ngắm trăng. Trăng thanh, gió mát nhẹ lay bóng dừa in  trên măt  nước thêm lung linh huyền ảo.

Bà ngoại kể chuyện cổ tích cho các cháu nghe. Bác trai ngồi uống trà, kéo điếu thuốc lào với ông bạn thôn xóm. Còn bác gái đang say sưa lắng nghe chương trình nhạc quê hương từ chiếc Radio bằng nhựa, nghe bà tôi nói đó là “Radio Ấp chiến lược”, bây giờ mấy ai còn nhớ.

Những ca khúc phát ra từ chiếc radio, bác tôi rất thích và tôi cũng thuộc từ thuở đó “Quê hương tôi có con sông dài xinh xắn, nước tuôn trên đồng vuông vắn…” do ca sĩ Thái Thanh hát. Bài hát Cửu Long Giang:

Cửu Long Giang gió về vui trên sóng sông 

Uốn quanh như chín con rồng ôm chặt đứa con 

Người từ Tiền Giang đi về xa xăm 

Cuối con đường say đắm là miền rộng thênh thang 

Cửu Long Giang trôi về ôm ấp đất hoang 

Thiết tha như gái yêu chồng trong chiều mênh mông 

Người về Hậu Giang xây tổ uyên ương 

Có cánh đồng lúa chín uốn mình trên sóng sông… 

Về miền Nam ôi quê hương mới ơi 

Về Cần Thơ khơi kinh, khơi nước ngòi…”.

Những tình ca quê hương, giai điệu mượt mà nghe vào đêm trăng đó, bây giờ tôi đã  thuộc lòng, khắc sâu vào tâm trí tôi.

“… Về miền Nam, ta theo cơn gió đưa, về miền tây ta theo cơn gió về…”. Những năm còn sinh hoạt đoàn Hướng đạo sinh, tôi cũng từng được đi nhiều tỉnh miền Tây, qua những địa danh Mộc Hóa, Kiến Tường, Cần Thơ… Nhưng thời gian nghỉ hè ở Cái Sắn là tôi có nhiều kỷ niệm đáng yêu và sâu sắc hơn cả.

Bây giờ, tóc đã muối sương, nhưng khi quay lại cuốn phim ký ức thì những hình ảnh tuổi thơ cứ rõ mồn một… Nhớ ơi là nhớ dòng sông trôi êm đềm, vọng tiếng chèo khua nước, nhớ mùi ngai ngái của bùn khi đứng gần con trâu, nhớ làn khói lam chiều trên những mái tranh, nhớ câu chuyện cổ tích bà kể đêm trăng sáng, bà bảo có chú cuội già ngồi trên ông trăng, và tôi nhớ câu nói ngây ngô của mình: “Bà ơi, đêm nay cháu thấy ánh trăng rớt xuống dòng kênh, chắc là chú cuội sẽ bị ướt hết quần áo, bà ạ!”

Còn nhiều kỷ niệm ngày đó tôi nhớ mang máng, nhưng luôn ấn tượng về khung cảnh và tình cảm những người thân, những người vùng xa quê đó đã dành cho tôi. Hầu hết dân cư nơi đây là người Công giáo, nên mỗi sáng sớm và buổi chiều tiếng chuông nhà thờ lại vang lên thánh thót. Họ rất ngoan đạo, sống hiền lành chân chất đoàn kết thương yêu nhau, chăm chỉ cần mẫn thích nghi với hoàn cảnh.

Tôi được bà ngoại kể, những con kênh ôm vùng Cái Sắn đều do người dân định cư đã đào tập thể. Thật đáng khâm phục bao công sức vất vả để biến miền hoang sơ thành vùng đất trù phú, bảo đảm kinh tế cho đời sống gia đình.

Thời gian trôi như tên bắn, mới đó mà đã gần 50 năm tôi chưa bao giờ có dịp về lại miền Cái Sắn năm xưa, nhịp sống hối hả của đô thị lấy đi của con người biết bao nhiêu thứ.

Tôi biết bây giờ Tân Hiệp đã hoàn toàn thay đổi, những chiếc cầu tre đã được xây thành cầu bê tông, nhà cửa san sát nhau xây cất khang trang, nhiều người đã học hành giỏi giang thành đạt, người xa quê cũng chung lòng góp phần xây dựng quê nhà giàu đẹp.

“Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”, ước mơ của Nguyễn Nhật Ánh cũng là niềm mong nhớ luôn cháy bỏng tim tôi. Hy vọng với tình bè bạn, với phương tiện ngày nay tôi có thể trở về nơi xa xưa mình đã từng có bao kỷ niệm.

Dòng kênh ấy là nỗi nhớ của bao người con xa quê hương. Tân Hiệp không phải là quê hương tôi, nhưng tâm tư tôi luôn xem miền đất Cái Sắn xưa đầy ắp kỷ niệm, như quê hương thứ hai của mình vậy. “Trong tim ai cũng có một dòng sông riêng mình. Tim tôi luôn gắn bó với dòng sông tuổi thơ…”, tác giả bài hát đã hiểu thấu lòng tôi.

Những con kênh hiền hòa muôn đời vẫn chảy, như người tình thủy chung chờ đón người con xa quê trở về, và đón cả những người chất chứa kỷ niệm tuổi thơ như tôi…

Chiếc vé đi tuổi thơ tôi đang cầm trên tay, nhưng không biết còn ai thân thích của mình không… và ai sẽ là người cùng tôi về miền nhớ năm xưa nhỉ?

Một miền nhớ thẳm sâu mà tôi tin rằng mỗi chúng ta ai cũng có để nhớ về. Một chút bâng khuâng thương nhớ về miền ký ức tuổi thơ yêu dấu xin gởi đến những người con của quê hương Tân Hiệp – Kiên Giang!

   KIỀU HUỆ

(*) Hình minh họa, nguồn Net

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác