NHÀ VĂN NHÀ THƠ XƯA ĂN TẾT

Ngày đăng: 3/02/2019 09:33:48 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Bà con mình nhận xét rất xác đáng là: “Nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà giáo cộng lại thành nhà nghèo”. Quả có vậy!

(Sở dĩ có ông nhà giáo chen vô mấy nhà nầy vì nhà văn, nhà thơ, nhà báo thường là nghề tay trái; còn nghề tay mặt cũng đi bán chữ là nhà giáo đó thôi.)

Nhân dịp xuân về, chúng ta thử đốt lò hương cũ, tìm lại bóng hình xưa để xem mấy ‘nhà’ nầy hồi xưa ăn Tết ra làm sao?

Trước hết là nhà thơ Trần Tế Xương!

Ông sanh ngày mùng 5, tháng Chín, năm 1870. Còn gọi là Tú Xương vì ông thiTú tài  9 lần mới đậu… thi Cử nhân tới 5 lần đều rớt cả nên không được làm quan.

Nhà thơ Tú Xương bất đắc chí, hay tức cảnh sinh tình làm thơ, nhứt vào dịp xuân về, Tết đến. Mà bài nào cũng chua với chát.

Nhưng cái may mắn nhứt trong đời nhà thơ (không phải ai cũng có được kể cả tui) là có một người vợ “Quanh năm buôn bán ở mom sông. Nuôi đủ năm con với một chồng!”

Bù lại là lòng biết ơn vợ, nhà thơ làm xong một bài dán trên gốc cột: “Hỏi mẹ mày rằng dốt hay hay?” “Thưa rằng hay thật là hay!”

Rồi ông cười khè khè tiếp ngay: “Chẳng hay sao lại đỗ ngay tú tài?!”

Người vợ cũng là một độc giả hiểu thơ Tú Xương đâu thua gì nhận xét của Tản Đà, nhà thơ nổi tiếng ‘ngông’ của giao thời cũ mới: “Trong những thi sĩ tiền bối, tôi khâm phục nhất Tú Xương”.

Rồi Nguyễn Khuyến, lớn hơn Tú Xương tới 35 tuổi, nhưng lại mất sau ông 2 năm, khi nghe tin nhà thơ từ giã cõi đời vào ngày thứ ba, ngày 29, tháng Giêng, năm 1907, nhằm ngày 16, tháng Chạp, năm Bính Ngọ, nghĩa là còn hai tuần nữa tới Tết ta, chỉ mới 37 tuổi, cảm thán rằng: “Kìa ai chín suối Xương không nát. Có lẽ nghìn thu tiếng vẫn còn”

Thơ Tú Xương thâm trầm, ý nhị, hay là khỏi phải bàn cãi rồi! Như trong bài thơ “Năm mới”: “Khéo báo nhau rằng mới với me. Bảo nhau rằng cũ, chẳng ai nghe. Khăn là bác nọ to tầy rế. Váy lĩnh cô kia quét sạch hè. Công đức tu hành, sư cô lọng. Xu hào rủng rỉnh, Mán ngồi xe. Phong lưu rất mực ba ngày tết. Kiết cú như ta cũng rượu chè”.

Nhà thơ xứ Bắc nầy nghèo kiết xác, mà nói kiểu trong Nam là nghèo mạt rệp;

nên Tú Xương chua chát rằng tiền mình cũng có nhưng chưa lĩnh, rượu cúc đã ‘ó đơ’ (order) rồi mà hàng rượu làm biếng chưa ‘delivery’.

Rồi trà rồi bánh mứt đủ cả…

Nhưng kết luận là thôi đành để Tết khác hẵng ăn.

“Anh em đừng nghĩ Tết tôi nghèo. Tiền bạc trong kho chửa lĩnh tiêu

Rượu cúc nhắn đem, hàng biếng quẩy. Trà sen mượn hỏi giá còn kiêu

Bánh đường sắp gói e mồm chảy. Giò lụa toan làm sợ nắng thiu

Thôi thế thì thôi đành Tết khác. Anh em đừng nghĩ Tết tôi nghèo”.

***

Nhưng tại sao những nhà thơ nước ta ông nào cũng nghèo hết ráo? Vì thơ bán có ai mua đâu mà có tiền! Tản Đà làm thơ còn tính đem lên bán cho ông Trời nữa là.

Đó là một lẽ nhưng lẽ thứ hai là có đồng nào mấy ông nhà thơ xào đồng nấy. Có nhiều xài nhiều; có ít xài ít. Xài cho mình rồi chia cho bạn văn, bạn thơ của mình nữa.

Giai thoại ghi lại là: Tết Giáp Tuất 1934, tờ Đông Pháp thời báo của ông Diệp Văn Kỳ ở Sài Gòn làm xong số Tết; thợ thầy, nhà văn, nhà thơ, cộng tác thường xuyên, có tên trong Ban Biên Tập, được lãnh thêm một tháng lương thứ 13.

A lê hấp! Tản Đà đã xài sạch sành sanh, xài sạch bách! Hình như để tiền trong túi bị tiền cắn làm cho ngứa ngáy sao đó.

(Tui cũng vậy! Em yêu của tui thừa biết tâm tính các nhà văn, nhà thơ, nên có chút đỉnh tiền nhuận bút là em tình nguyện giữ hết hè.)

Tết đến nơi, không còn một cắc, nên Tản Đà hỏi mượn tiền, ông chủ báo Diệp Văn Kỳ cũng thông cảm, bèn lì xì cho tiên sinh thêm 5 đồng.

Tản Đà ra Bưu Điện gởi cho ông Ngô Tất Tố, là bạn văn (chắc cũng nghèo mạt như ông) 3 đồng ăn Tết.

Rủ bạn thơ Tùng Lâm mướn xe ‘xịn’ chạy vòng vòng Sài gòn chơi cho nó oách hết 1 đồng. Còn 1 đồng, lấy 2 cắc mua rượu khề khà trước. Còn 8 cắc, nhờ Tùng Lâm đi mua một hũ rượu Mai Quế Lộ và một con gà mái tơ luộc làm mồi nhắm cho ba bữa Tết.

Trên đường về, qua một sòng bầu cua, thấy một đám đánh lộn, Tùng Lâm đứng lại xem. Mã tà ùa tới, còi tu huýt inh ỏi, cả bọn lên xe cây về bót trong đó có nhà thơ Tùng Lâm.

Sáng hôm sau, mùng Một, ông Cò thương tình Tết nhứt, nên ra lịnh thả cả bọn ra.

Mã tà vào thấy nhà thơ Tùng Lâm còn quá xỉn, nằm ì ra đất, bên cạnh mớ xương gà và cái hũ rượu cạn queo.

Về đến nhà thì Tản Đà đêm qua chờ hoài hổng thấy bạn về, nên ‘quất’ hết 2 cắc rượu đế, xỉn ngủ mê man tàng tịch, giờ chưa dậy.

Tùng Lâm ứng khẩu 4 câu thơ để biện minh cái lỗi không phải của mình: “Cao hứng vì yêu bác Tản Đà. Một chai Quế Lộ, một con gà. Suốt đêm trừ tịch nằm trong bót. Nhớ lại buồn cười lúc tỉnh ra!”

 

***

Nhắc đến Tản Đà là chúng ta lại nhớ tới Nguyễn Vỹ. Ông nầy nhiều nhà lắm. Nào là nhà thơ, nhà báo, nhà biên khảo… Có lúc nghèo mạt và cũng có lúc giàu sụ.

Nghèo là lúc Nguyễn Vỹ làm báo ở Hà Nội. Tết đến không một xu dính túi, bèn viết thơ mượn ông Nhất Linh cũng 5 đồng bạc. Cho dù hai người chỉ nghe tiếng nhưng chưa biết nhau lắm. Cái ngạc nhiên là ông Nhất Linh Nguyễn Tường Tam cũng gởi cho.

Ông Tản Đà gởi cho ông Ngô Tất Tố 3 đồng thì Nguyễn Vỹ cũng cho nhà văn Trương Tửu 3 đồng để ăn Tết.

Sau nầy vô Sài Gòn làm ăn khấm khá, Nguyễn Vỹ có trả 5 đồng lại cho nhà văn Nhất Linh. Ông Nguyễn Tường Tam lại chơi ngon, dắt Nguyễn Vỹ đi nhậu hết để kỷ niệm một giai thoại.

Vậy là các nhà thơ, nhà văn của chúng ta đều nghèo đói như nhau cả; nhưng có chút đỉnh là chia sẻ với bạn văn nghệ của mình, lá rách đùm lá nát.

Nguyễn Vỹ chuyên làm báo và chuyên đi ở tù. Tù thời thực dân Pháp đến phát xít Nhựt. Mãi đến sau khi vào Nam, ra tạp chí bán nguyệt san Phổ Thông rất ăn khách, xuất bản hàng tuần lên tới 25.000 ấn bản. Rồi tuần báo Bông Lúa, Tuần báo thiếu nhi Thằng Bờm bán rất chạy… nên ông Nguyễn Vỹ ‘thoát nghèo’, tiền bạc rủng rỉnh, cư xử hào phóng với bạn văn chương; có lẽ vì nhớ thuở xưa thân sơ thất sở mới bắt đầu vào nghề viết báo giống mình hay chăng?

Nguyễn Vỹ viết đủ thể loại từ thơ tới văn và biên khảo. Nhưng bài thơ “Gửi Trương Tửu” mới thực là kiệt tác.

“…Dạo ấy chúng mình nghèo xơ xác. Mà vẫn coi tiền như cỏ rác. Kiếm được đồng nào đem tiêu hoang. Rủ nhau chè chén nói huênh hoang. Xáo lộn văn chương với chả cá. Chửi Ðông, chửi Tây, chửi tất cả. Rồi ngủ một đêm mộng với mê. Sáng dậy nhìn nhau cười hê hê!

…Bây giờ thời thế vẫn thấy khó. Nhà văn An-nam khổ như chó! Mỗi lần cầm bút viết văn chương. Nhìn đàn chó đói gặm trơ xương. Rồi nhìn chúng mình hì hục viết. Suốt mấy năm trời kiết vẫn kiết!…”

Sau khi tuần báo Phụ nữ Hà Nội đăng bài thơ, Nguyễn Vỹ thuật lại là: “Một buổi chiều, tôi đến chơi ở tòa báo, ngõ Hội Vũ, bỗng thi sĩ Tản Đà từ ngoài bước vào. Một chiếc khăn đóng đã mòn viền, đáng lẽ đội trên đầu ông lại đeo tòn ten trong cánh tay. Vẫn chiếc áo lương thâm cũ giống chiếc áo mà tôi đã thấy ông mặc năm năm trước. Ông hỏi: “Có ông Nguyễn Vỹ ở tòa báo không?” Cô bạn thơ ký Tòa soạn liền cười, chỉ tôi: “Thưa cụ, Nguyễn Vỹ đây ạ!”

Ông ngạc nhiên ngó tôi: (chắc còn nhóc quá) “Ông muốn đi chơi với tôi không? Ông có rảnh không?”“Dạ thưa cụ, cháu rảnh ạ!”

Ông đưa tôi đến nhà ở ấp Thái Hà. Ông lấy chai rượu ra và hai cái cốc, bảo một chú bé chạy đi mua hai gói lạc rang (đậu phộng) để làm mồi nhắm.

“Tôi thích bài thơ ‘Gởi Trương Tửu’ của ông, nên mời ông uống rượu. Trương Tửu là ai? Ông ấy biết uống rượu không?”“Dạ, tên anh ấy là Trương Tửu, thì cụ khỏi hỏi!” “Hôm nào ông rủ ông ấy đến uống rượu với tôi!”

“Nhưng tôi giận ông lắm vì sao ông lại bảo: Nhà văn An Nam khổ như chó? Ông so sánh nhà văn chúng ta với kiếp chó, mà ông không hổ thẹn ư?”

“Thưa cụ, nếu cháu so sánh nhà văn với chó, thì chó nó thẹn, chớ sao nhà văn lại thẹn?”

Ông Tản Đà làm thinh nốc hết ly rượu, rồi rót luôn một ly nữa. Xong, ông nói, không ngó tôi: “Ông làm tôi buồn cười!” Rồi ông rưng rưng nước mắt!

(Thiệt đúng: Cười là tiếng khóc khô không lệ!)

***

Còn nhà thơ nhà văn nhà báo hải ngoại nầy sống ra sao ăn Tết ra sao? Thiệt tình tui không biết.

Lẽ thứ nhứt là viết văn, viết báo với tui chỉ là một thú vui. Trong cái làng văn nghệ đầy dẫy cây đa, cây đề tui chỉ là một thằng hề… vô danh tiểu tốt, đứng sớ rớ ngoài cửa nhìn vô, hóng chuyện nghe các nhà văn… ăn nói lung tung… xèng (?!)

Hai là cũng học câu: Có công mài sắt có ngày nên sắt… nên tui tính kiếm sống bằng ngòi bút, chỉ mong rau cháo qua ngày thôi; chớ hỏng dám đòi khô lân, chả phụng, rượu Hennessy gì đâu. Vậy mà có lần tui ngu ngơ, tâm sự ‘vặt’ với một em Chủ bút bên Canada rằng: “Qua tới Úc mấy chục năm rồi, cày suốt, oải quá. Giờ đến tuổi về hưu, tui tính nghỉ để có nhiều thời giờ rảnh rỗi hơn, đọc và viết chơi. Sau đó có thêm tiền nhuận bút kha khá để bù vào cái lương hưu còm cõi của mình!”

Nhưng người em văn nghệ (đất lạnh tình nồng) phán một câu thiệt là chính xác; nhưng nghe đau lòng hết sức như đọc bài thơ “Gởi Trương Tửu” của Nguyễn Vỹ vậy! Em phán rằng: “Ở hải ngoại nầy đây, đâu có ai sống được bằng ngòi bút của mình đâu chú?!” Nghe xong tui muốn bắt chước ông Tản Đà (mà đập đầu vào gối) khóc hu hu!

Đó đó bà con nào thắc mắc hỏi ở hải ngoại nhà thơ, nhà văn ăn Tết ra sao? Câu trả lời của tui là: “Dà hổng dám ăn đâu!”

Vậy mà thằng bạn nhậu, kiêm độc giả của tui, lại phán một câu rất ư ‘cà chớn’ rằng:“Viết một bài chỉ có 2000 chữ, nhuận bút tới 50 đô Úc, bằng bà con mình trong nước bán vé số suốt một tuần. Vậy mà cứ than thở hoài hè.

Các nhà  thơ nhà văn các ông là bọn: “Được voi đòi Hai Bà Trưng!”

đoàn xuân thu.

melbourne

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác