BÌNH PHƯỚC ĐIỂM HẸN TÌNH ĐẤT ĐỎ
Bình Phước là tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ, được tách ra từ tỉnh Sông Bé. Do mới thành lập tỉnh nên cơ sở vật chất còn yếu kém tuy nhiên tiềm lực kinh tế được các nhà đầu tư chú ý. Thủ phủ của ngành điều và có nhiều đồn điền chưa khai thác đúng mức.
Phước Long -Thị xã ngon bổ rẻ
Từ TP.Hồ Chí Minh đi đến TX Đồng Xoài, tỉnh lỵ của Bình Phước, nghỉ ngơi một chút là đi tiếp về TX Phước Long. Con đường tỉnh 741 qua Bù Nho, qua khu du lịch sinh thái Mỹ Lệ, rồi đến phường Phước Bình. Nhớ cách nay tám năm, đi vào khu du lịch Mỹ Lệ ở huyện Phú Riềng , chủ nhân là một nữ doanh nhân xuất khẩu điều, chị đã đầu tư khu này như một Suối Tiên nho nhỏ. Tiếc là do khả năng đầu tư khu du lịch chưa xứng tầm hay đây chỉ là nghề tay trái nên KDL không thu hút được khách thập phương, doing thu ngày càng ít. Khi chạy ngang Bù Nho, mình ngạc nhiên tại sao một xã nhỏ như vầy mà có nhiều đơn vị kinh doanh lớn đóng tại đây. Hỏi người dân địa phương, họ cho biết tới đây Bù Nho sẽ là huyện lỵ của huyện Phú Riềng (?)
Bước đầu vào thị xã Phước Long là gặp phường Phước Bình, địa phương này là tỉnh lỵ Phước Long trước năm 1975. Phước Bình có khu trung tâm thương mại lớn nhất thị xã hơn cả khu chợ Phước Long, chung quanh có các dãy phố dài bán máy móc nông nghiệp. Khu hành chính mới của thị xã cũng gần đó cùng với khu dân cư mới xây dựng tạo nên bộ mặt mới cho Phước Long. Đường tỉnh 741 trước mặt khu hành chánh chia ra hai chiều, có hàng rào sắt sơn trắng và màu cam chạy dài hàng cây số. Hai bên đường cũng như bên cạnh khu trung tâm hành chánh các thửa đất đều đã phân lô, sẳn sàng cho dân xây dựng nhà ở. Với các nhà đầu tư bất động sản, việc thu hồi vốn có thể chậm chạp, nhưng với người dân, đầu tư bằng tiền chính mình thì khả năng thu lời là điều khả thi. Đối diện khu hành chánh có quán cà phê Light dành cho cán bộ CNV và người dân chờ đợi, thư giản. Nhìn chung, thì TX.Phước Long quán cà phê đẹp không nhiều như ở các thị xã khác. Em Nông, quản lý KS Bảo Nguyên tại đây cho biết, thị xã này không có nhiều thắng cảnh cho du khách. Khu cáp treo Bà Rá gần đây không hoạt động nên cũng vắng vẻ luôn. Một cán bộ tỉnh cho biết hiện có một tập đoàn đầu tư đường lên núi, hứa hẹn một khu du lịch tầm cở Đông Nam á. Đi về phía cáp treo Bà Rá , ngang qua chợ Phước Long, khu này buôn bán không bằng khu Phước Bình. Giữa hai phường Phước Bình và Thác Mơ là đoạn đường dài của đường tỉnh 741, nhiều quán ăn, quán nhậu nhưng vẫn còn vẻ đơn sơ của huyện vùng núi. Buổi chiều, ghé Hương Sơn Quán, quán thịt dê có đến 22 món rất đông người. Tôi kêu hai món: dê hấp gừng và lẩu rất ngon, hai người nhậu với 4 lon bia không tốn đến ba trăm ngàn. Đi thị xã mới có cái vui như vậy, món ăn rẻ, khách sạn rẻ và không phải chen lấn. Nhớ cách nay gần mười năm giá khách sạn đủ tiện nghi chỉ mất 120 ngàn, vậy mà giờ đây chỉ mất 130 ngàn đồng, chỉ bằng 30% giá ở các tỉnh thành khác.
Từ Thị xã Phước Long chúng tôi đi về Bù Đăng theo đường tỉnh 759, nơi có Thác Đứng và khu du lịch Sóc Bombo. Đường trong thị xã thì còn tốt, hai bên đường nhiều công ty chế biến hạt điều xuất khẩu. Đi đâu chúng tôi cũng thấy có chỗ cân xe từ 70 tấn đến 100 tấn, chứng tỏ ngành xuất khẩu nông sản đang phát triển mạnh. Được biết, năm 2017 kim ngạch xuất khẩu điều của Bình Phước đạt 500 triệu USD với 600 doanh nghiệp và cơ sở chế biến nhỏ đã đưa tỉnh này lên ngôi thủ phủ ngành điều.
Nhà thờ cũng có nhiều ven đường, nào là giáo xứ Phước Vĩnh, Nhà thờ Phước Sơn, tuy ở gần Bình Dương nhưng các nhà thờ này thuộc giáo phận Ban Mê Thuột.
Đường 759 đoạn ngoài thị xã có nhiều ổ gà, đường xấu như hồi cách nay 40 năm về trước, đường nối liền đường tỉnh 741 với QL 14 nổi tiếng ngày xưa thời chiến tranh. Đi hơn 20 cây số ra được tới QL 14, đường phẳng tốt với bốn làn xe, chúng tôi hướng về huyện Bù Đăng trực chỉ.
Vùng đất nông nghiệp mới
Bù Đăng là huyện cuối cùng của tỉnh Bình Phước tiếp giáp với tình Dak Nông. Huyện lỵ của Bù Đăng là thị trấn Đức Phong. Muốn đến Đức Phong phải qua ba xã Nghĩa Bình, Đức Liễu, Minh Hưng. Những xã này đều có điểm bán cây giống, các loại cây ăn trái miền Tây, nhiều nhất là sầu riêng và chanh dây. Với nhiều điểm sản xuất cây giống, đến lúc nào đó Bù đăng sẽ qua mặt Bến Tre về sản xuất cây giống. Bởi ở đây nhu cầu cây trồng rất lớn, từ nơi sản xuất đến chỗ tiêu thụ gần như một chỗ, thuận lợi vô cùng.
Ông Trần Bá Mạnh, trung úy bộ đội chiến trường K phục viên, hành nghề sửa và rữa xe máy tại xã Minh Hưng cho biết, người dân ở đây có vốn liếng nhiều việc canh tác rất tốt. Thế nên, nhiều người ở TP.HCM lên đây mua đất trồng điều và cao su. Giá đất gần đường từ 700 triệu đồng/ha đến 1 tỷ đồng/ha, một người có thể mua vài hecta thuê nhân công tại chỗ, đến mùa thu hoạch lái xe lên trông coi, xong rồi về.
Chợ Bù Đăng khá lớn so với các chợ huyện khác, nơi này ngày xưa là huyện lỵ của quận Đức Phong của tỉnh Phước Long được chính quyền họ Ngô thành lập năm 1956. Ngày nay chợ Bù Đăng khang trang, trong chợ đa số các quầy hàng bán đồ y phục thời trang, giày dép; hai bên dãy phố có các DN tư nhân vàng bạc, thuốc tây. Quốc Lộ 14 vừa là trục giao thông đi Dak Nông, Ban Mê Thuột, cũng là trục giao thông chính của huyện.
Từ thị trấn Đức Phong rẻ tay trái đi thêm 5 cây số là đến khu di tích sóc Bom Bo, thuộc xã Bình Minh nơi có bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Xuân Hồng sáng tác hồi năm 1965. Tuy nhiên, ngày nay Bom Bo chỉ là di tích, nơi tham quan là thôn Bom Bo được dời ra ngoài, nhà di tích bảo tồn dân tộc S’tiêng đã hình thành nhưng du khách vẫn thờ ơ.
Đi thêm vài cây số về hướng Dak Nông, còn nằm trong địa bàn Đức Phong, phía bên phải có bảng chỉ đường đi vào Thác Đứng, một thắng cảnh của Bình Phước. Theo bảng hướng dẫn thì chỉ có 7 km là đến thác , nhưng đi được nửa đường là đến đoạn đang sửa chửa nâng cấp, trãi toàn đá mi. Đường tỉnh 755 đến Thác Đứng rải đá xe hủ lô chưa cán, xe bốn bánh chạy tốt , còn xe hai bánh chạy vào rất khó khăn, dễ trợt. Thác Đứng nằm trên dòng chảy của suối Đắk Woa thuộc địa bàn hai xã Đoàn Kết và Minh Hưng của huyện Bù Đăng. Thác cao khoảng 5 met , rộng mười mét, chảy qua nhiều tầng đá hình trụ lục giác tạo thành một vách đứng. Phía dưới hạ lưu, suối chảy mạnh mang nhiều phù sa đục ngầu.
Cảnh vật Đồng Phú
Đi về các xã gần TX Đồng Xoài như Đồng Tâm, Đồng Tiến (huyện Đồng Phú) cứ một khoảng xa là có bán sầu riêng. Trái sầu riêng ở cao nguyên không đẹp bằng trái sầu ở Tiền Giang, Bến Tre nhưng giá cả rẻ hơn nhiều. Nhìn trái cây bán các chợ này, người ta có cảm tưởng như trái cây tiêu thụ tại chỗ không hết vì không chỡ đi xa. Thực tế thì xe tải chỡ đi khắp nơi nhất là ra hướng Bắc, chỡ xuống duyên hải, còn trái bán tại chỗ là trái xấu.
Huyện Đồng Phú trước đây là huyện trung tâm của tỉnh Bình Phước mà thủ phủ là thị trấn Đồng Xoài. Nay Đồng Xoài lên thị xã, đơn vị hành chánh ngang huyện thì huyện Đồng Phú gần như bao bọc cả TX Đồng Xoài. Huyện có đường tỉnh 741 và QL 14 đi ngang qua, thuận lợi cho việc tiêu thụ trái cây và lâm sản.
Ở phía sau thị trấn Tân Lập có một khu du lịch mang tên đảo Yến, rộng khoảng mười mẫu, trên đảo người ta nuôi hươu, heo rừng, cheo và chim yến. Đảo không có nét vượt trội so với các khu du lịch tại TP.HCM nhưng nó vừa đủ xa để du khách tìm điểm mới đi và về trong ngày. Mặt khác, khách có thể tiếp cận với các thú rừng hoang dã , ăn uống theo cách người dân tộc S’tiêng : hươu, cheo nướng ăn với các loại rau rừng và vô cổng miễn phí.
Đồng Phú còn có hồ Suối Lam thuộc địa phận xã Thuận Phúc. Mặt hồ bằng phẳng như gương, được rừng cao su bao bọc chung quanh. Đến đây, nhiều người nhìn hồ suối Lam cho rằng nó giống hồ Xuân Hương ở Đà Lạt.
Nghỉ hè , nhiều nhóm học sinh chọn nơi này để cắm trại, người lớn thì thích câu cá quanh hồ. Nếu không muốn câu cá trong hồ, khách có thể thưởng thức nhiều món thịt rừng mà nhà hàng ở quanh bờ hồ lúc nào cũng có sẳn.
Những gì nhận xét ở đảo Yến và hồ suối Lam là được đăng trên mạng và trên báo. Thực tế, khi đi đến đây có người thất vọng, vì nó chỉ là nhà hàng được xây dựng bên hồ, phía dưới có vài thuyền vịt đạp xanh đỏ vàng, chưa xứng tầm với một khu du lịch.
Lương Minh
(bài đăng tạp chí Hương Thiền Xuân Kỷ Hợi)
h3 Phường Phúoc Bình- cửa ngỏ vào TX Phước Long
h6