Nước Mắm Cá Linh 

Ngày đăng: 7/02/2018 01:18:22 Sáng/ ý kiến phản hồi (2)

Cô H dạy  lớp nhất (lớp 5)  tụi tui có ngoại hình cao khoẻ, cử chỉ  nhanh nhẹn và giọng nói  trong veo sang sảng.  Dáng người cô H mang nhiều  nét  của một phụ nữ  tây phương, ít nhất là trong suy tưởng  của một đứa học trò 11 tuổi.  Cô  thường mặc những chiếc  áo dài trắng,  vàng nhạt hoặc  hồng phơn phớt trong những ngày đến lớp. Tôi nghe người lớn ở xóm Chùa hay  nói với nhau là  cô H dạy giỏi nổi tiếng  trường tỉnh.  Có lẽ vì lý do gia đình mà cô xin về quận Tam Bình hồi đầu niên khóa.  Ai cũng hy vọng là học trò của cô năm nay thi đậu nhiều vào đệ Thất (lớp 6). Còn tôi chỉ biết cô H có gương mặt đẹp, duyên dáng với mái tóc ngắn, uốn dợn những lọn tóc  lớn. Rất Tây, nhưng cô cũng  rất nghiêm khắc với nhiệt tâm giảng dạy đám nhỏ vùng  quê.  Và cảm nhận của  riêng tôi  thì  cô H có điều gì tiềm tàng  khiến bọn học trò chúng tôi nể sợ trong niềm cảm mến.

Niên khóa 1963, trường  Tiểu học Cộng đồng có 5 lớp  nhất.  Khít vách chúng tôi là lớp nữ  B do cô Hồng  làm chủ nhiệm và một lớp nữ A gần đầu dãi do cô Cơ chủ nhiệm.   Lớp nhất C tụi tui đóng trung tâm,  còn  hai lớp nam D-E nối theo về phía cận vườn.  Mãi sau nầy tôi mới hiểu tầm quan trọng của cuộc  thi tuyển vào đệ Thất, một kỳ thi tuyển gắt gao nhằm gạn lọc trình độ các học trò bậc tiểu học vượt lên bậc trung học trong hệ công lập.  Hồi đó,  thay vì ham học như bạn bè cùng trạng  thì  tôi lại  mê truyện Như lai Thần chưởng.  Bạn bè sôi kinh nấu sử, sách vở giáo khoa thì tôi luyện tiểu thuyết chiến tranh loạn lạc thời Xuân Thu chiến quốc.  Truyện nói mấy vụ mưu kế thế thần giữa  các vua quan  đầu Ngô mình Sở dấy binh  đánh nhau như cơm bữa.  Tôi biết đọc sách kiếm hiệp đồng lúc hay trể hơn những ngày thực tập   ráp vần  quốc ngữ trực tiếp trên những trang giấy vàng khè, chữ in nhoè nhoẹt.  Lúc bà con có dịp  bàn tích  xưa, nói chuyện nay  thì cả xóm biết tôi  tà lanh láu táu. Nhìn bề ngoài thì ai cũng ngỡ tui phải là học trò giỏi hoặc  cận giỏi, hay ít ra cũng không đến nỗi nào. Chỉ có cô giáo nhận ra và đánh giá chính xác trình độ từng đệ tử sau ngày cô chấp chưởng. Cô H nói chuyện với  ba tôi khi ông  ghé thăm ông ngoại của cô  là bác hội đồng T, người có họ hàng thân tộc với gia đình.

Ba nghe cô giáo cho biết tình trạng học hành của “thằng Tám con ông Ba” chắc là giận lắm, về đến nhà là kéo tôi ra  rầy dữ dội.  Hôm sau má  rầy tôi nhẹ nhàng và tiếp tục nhiều hôm sau nữa. Còn bác Tư ở cạnh nhà thì vô tư hay theo phe đồng minh mà  nói cười  ha hả: “Cháu ông Tư vốn dòng hào kiệt” hoặc là  “Cháu ông Tư không bị ngọng nghịu  là tốt rồi, cậu mợ đừng thúc ép thằng nhỏ  tội nghiệp”. Ba tôi kêu một người anh phải kềm tôi thật sát, nhưng không lâu thì  hai anh em đành chào thua nhau vì “sức người có hạn”. Thằng em trơ trơ, ông anh  cũng không thiết tha tái đăng  nhiệm kỳ kềm cặp.

Lớp chúng tôi có sĩ số khoảng trên 50, hôm nay thiệt tình là tôi chỉ nhớ tên một ít bạn học. Trong đó có anh T là ấn tượng nhất.  Không vì anh quá đẹp trai, cũng không vì giọng nói dịu dàng  như gió chiều xuân. Tôi bị anh làm cho giật mình, vì từ đầu khoá anh đột nhiên học giỏi đến  kỳ lạ như có phép nhiệm mầu.   Nhất là ‘trò T’  thường xuyên  được cô tuyên dương trước bảng xanh  cho cả lớp chúng tôi nhìn anh làm gương mà bắc chước.  Tôi không có lý do để ghét anh T.  Bởi sự vượt trội của anh chưa hề đẩy tôi xuống hạng nhì, hoặc không bao giờ  ảnh hưởng thứ hạng những đứa lưng lững  giữa bảng rồi buồn buồn  chìm sâu cuối sổ như tôi.

Coi truyện kiếm hiệp có nhiều tình tiết hay lắm. Đầu tiên vai chánh là một  thanh niên đau ban xanh xao  yếu đuối, hay lục phủ ngủ tạng bị tẩu hoả nhập ma. Nói chung, anh ta là người bình thường hoặc tệ hơn bình thường và hoàn cảnh  đáng thương. Một ngày nọ,  anh ta tình cờ ăn được trứng đại bàng mà hết bệnh,  cũng nhờ cái lòng đỏ ngũ sắc  thần kỳ giúp anh phát sinh công lực như người khổ công  luyện võ mấy chục năm.  Truyện chưởng  giúp tôi không chịu thua số phận.  Thế giới thần thoại khiến tôi mơ màng trường hợp nhân vật thiếu lâm ở Tứ Xuyên, hay chàng giang hồ ở Sơn Đông  bên Tàu mà ráp vào người bạn học ở Tam Bình xứ ta. Anh T  hiền khô, bị tôi nung riết tới  cũng mắc bẫy khích tướng. Nhưng phải đến ngày  cuối năm tết đến, anh  mới chịu tiết  lộ:

– Ngày mai Hiệu trưởng  cho lớp mình  học một buổi, để số thầy cô  kịp giờ tháp tùng “công-voa” lên tỉnh có việc. Chiều mai thì trường mình cũng  bắt đầu bãi trường nghỉ tết đến mùng 8 mới đi học lại. Thằng nào muốn coi bí kíp thì sau khi tan học đi theo tao.

Bọn chúng tôi thán phục  nhìn anh T, chuyện lớn như thế mà ảnh cũng biết. Tôi đưa hai tay thiệt cao cho anh T thấy rõ là muốn đi theo, dù bao giờ tôi cũng chen lấn  để được đứng trước mặt ảnh.

Sáng hôm sau, tôi bới chén cơm ngụi ăn với mấy viên thèo lèo còn sót lại trong chiếc dĩa dùng để cúng đưa ông Táo hôm trước. Tôi muốn đi học sớm, vì vậy không thể chờ má bóp cơm cũ  với nước muối cho tơi ra  để chiên với chút mỡ như mọi bữa. Tôi chào ba và bước ra lộ đi đến trường thật sớm.  Hôm đó ngồi trong lớp mà bụng nghĩ đâu đâu,  nôn nao chờ tiếng trống tan trường của buổi học sáng để  anh T dẫn về nhà cho xem bí kíp.

Cuối cùng thì trưa đó chỉ mình tôi đi với anh T. Còn hai thằng  hôm qua nghe chuyện lạ mà  tò mò xin theo, tụi nó đã đổi ý  sau lời cô dặn: “Hôm nay, các em tan học sớm là phải về nhà, không được ở lại trường vì có nhiều lớp còn học, cũng không tấp ngang hay đi chơi la cà chợ búa”.

Ra khỏi  cổng trường,  tôi gởi chiếc cặp ở quán chị Bảy ở dãi nhà sát mé sông  rồi đi theo anh T ngược  về hướng Chợ Cũ.  Qua vườn Chín Nhâm  một đỗi  là rời con lộ đá rẽ vào con lộ đất. Trên con đường vườn yên tĩnh, tà tà qua  những hàng dừa cao và các vườn cây trái,  tôi tung tăng theo gót  anh T một cách thích thú như lạc vào thế giới khác. Không nhớ  bao xa thì gặp một con đường nhỏ chắn ngang. Tại ngã ba đó cũng vừa thấy một khoảng  sông nước chảy mênh mang bị  bẻ quắp ngược  lên như cánh  chỏ.  Anh T chỉ nhà anh ở ngay doi đất “cùi chỏ”  bên kia sông. Anh cũng nói luôn là giờ nầy ba má anh còn làm ngoài ruộng, khi nào thấy chiếc xuồng đậu ở bến thì đứng ngay chỗ ngả ba đó kêu má anh bơi xuồng qua rước.  Anh T quẹo trái,  đi một khoảng ngắn để bước lên cây cầu khỉ 3 nhịp cất bằng cây vườn và những cây tre được bện bó chắc chắn. Tôi an tâm nắm những thân tre già thon dài rắn bóng làm tay vịn kè giữ hai bên. Anh T đứng trên bó tre gát ngang nhịp giữa, hai tay quơ chỉ  con rạch  bên dưới  đang bị những đám dừa nước và lũ  cây hoang dại  làm cho hẹp lại. Anh quay lại nói với tôi đang đứng ngay cái ngáng trên đầu trụ cầu xốc theo  hình chữ Ă.

– Con rạch từ đây ra Cầu  Hàn là tuyến sông Mang Thít  trời sanh trước khi  xáng Tây đào  kênh từ ngã ba Thầy Hạnh tắt ngang chợ Tam Bình bây giờ. Tao nghe ông bà nói lại,  hồi xưa nó  lớn và sâu hơn sông Ông Đốc, chớ đâu kêu bằng rạch và uốn ẹo hẹp té như bây giờ. Thời huy hoàng,  dưới sông chỗ nầy ghe thương hồ dập dìu và tàu chạy bằng máy hơi nước của Pháp qua lại phun khói lửa đỏ trời đêm. Nghe nói dọc hai  bờ thì nhà cửa san sát, phố xá đông vui, chợ Tam Bình bắt đầu từ chỗ nầy dài tới Chợ Cũ. Từ ngày dời chợ ra kênh mới sau khi Pháp xây Bót Cái, tàu ghe bỏ đường nầy thành ra phế tích.  Rồi tiếp theo  hai cuộc chiến tranh, khiến mọi thứ bình địa hoang tàn.  Hai phía bờ rạch chỉ còn vài  nơi còn ngói bể đá vụn của phố xá và các nhà giàu xưa. Ờ quên, vùng nầy có một ngôi biệt thự  của ông quan Sáu  được xây cất lại trên một phần  nền cũ.   Nhưng nghe nói con cháu của ông  cũng bỏ lên Vĩnh Long và Sài Gòn  sinh  sống. Lát nữa mình vô vườn đó chơi cho biết, tuy không ai trông nom săn sóc mà cây trái còn sai oằn. Nhất là có mấy cây xoài bị nín mùa rồi, năm nay ra trái nghịch mùa đã lắm.

 

(Còn tiếp)

Một Lúa 

               H

Có 2 bình luận về Nước Mắm Cá Linh 

  1. Huong cau nói:

    Chờ phần tiếp đó. Đừng bỏ dở nửa chừng như bài trước.

    • Một Lúa nói:

      Chào Hương Cau

      Dà, tại chạy theo mốt “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở…”

      Bài muốn đẹp thì đừng dang dở!

       

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác