HUYỀN THOẠI NÚI BẠCH MÃ TRONG VĂN CHƯƠNG CỦA NGHĨA DŨNG KARATE-DO

Ngày đăng: 31/01/2018 10:49:06 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Đây là bản tóm tắt Tham luận của TS. Nguyễn Thị Tịnh Thy – ĐH Sư phạm Huế, trình bày tại hội thảo khoa học quốc tế “Ecologies in Southeast Asian Literatures: Histories, Myths and Societies”, ngày 26 & 27-1-2018 tại  Hà Nội. Theo quy định của hội thảo, toàn văn tham luận không được phép công bố trước khi tạp chí chuyên ngành xuất bản. Đây là bản tóm tắt, được phép công bố.

                                                    TS Nguyễn Thị Tịnh Thy tại Hội thảo

  1. GIỚI THIỆU
    Tham luận này sẽ trình bày huyền thoại một ngọn núi qua văn chương của các võ sĩ Karate-Do thuộc Nghĩa Dũng Đường ở thành phố Huế – Việt Nam. Nội dung của tham luận là sự nghiên cứu liên ngành về phong cách sống, phương thức tu luyện võ thuật, nuôi dưỡng tâm hồn và sáng tác văn chương với đề tài về núi Bạch Mã của Nghĩa Dũng Karate-Do.
    2. NỘI DUNG
    Sau 40 năm hình thành và phát triển, Nghĩa Dũng Karate-Do đã đào tạo khoảng gần 1 triệu võ sinh. Hiện nay, võ đường có khoảng 30.000 võ sinh đang tập luyện tại 46 phân đường ở trên khắp đất nước Việt Nam và 6 nước trên thế giới. Một trong những điểm đáng lưu ý mà tôi muốn trình bày với quý vị là võ đường đã xây dựng được truyền thống hòa nhập với thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Bảo vệ môi trường là một trong bốn tôn chỉ của võ đường.
    Theo sư trưởng Nguyễn Văn Dũng, thiên nhiên là người bạn thuỷ chung, là người thầy vĩ đại của con người; để hoạt động giáo dục (kể cả giáo dục thể chất cũng như tinh thần) có hiệu quả, thì không thể tách khỏi thiên nhiên. Ý thức rõ điều ấy, huấn luyện viên của các phân đường thường tổ chức cho võ sinh dã ngoại, tham quan danh lam thắng cảnh. Sau ba năm kiên trì tập luyện, ngày thi lên huyền đai, tất cả các võ sinh mang ba lô trên vai, theo sư trưởng hành hương lên núi Bạch Mã. Họ phải đi bộ, trèo đèo lội suối, cả đi và về khoảng 50km, vừa chinh phục đỉnh cao, vừa thưởng ngoạn cảnh đẹp, vừa kiểm tra thành quả tập luyện, vừa tu dưỡng tâm pháp và chiêm nghiệm bản thân… Đặc biệt, qua thực tế, võ sinh còn được học bài học giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường. Trong hành trang của mỗi võ sinh đều có một túi đựng rác, đi đến đâu, nhặt rác đến đó; không để lại gì ngoài dấu chân và không mang về thứ gì ngoài rác.
    Từ lâu, núi Bạch Mã đã trở thành biểu tượng của võ đường Nghĩa Dũng. Các võ sinh đều hăng say tập luyện để có ngày được lên Bạch Mã cũng thầy. Sau đợt tham quan, cắm trại, tập luyện và rèn luyện (từ 3 đến 5 ngày), võ sinh phải viết một tiểu luận thu hoạch, gồm hai nội dung: quá trình ba năm tập luyện Karate-Do; những thành tựu và cảm nhận về chuyến đi – về núi Bạch Mã. Chỉ sau khi hoàn thành tiểu luận, các võ sinh mới được phong huyền đai. Những võ sinh nào không viết tiểu luận thì không được công nhận hoàn thành khóa huấn luyện.
    Từ năm 1984 đến nay, có khoảng 1.200 bài tiểu luận về Bạch Mã của các võ sinh và những tản văn của các thế hệ huấn luyện viên của võ đường. Sư trưởng Nguyễn Văn Dũng đã tuyển chọn và xuất bản trong hai cuốn sách: Nghĩa Dũng Karatedo, Tâm Thức Núi. Ngoài ra trong các tập tản văn Linh Sơn Mây Trắng, Đi Tìm Ngọn Núi Thiêng, Lời Tự Tình Của Một Dòng Sông của sư trưởng Nguyễn Văn Dũng cũng đều có liên hệ, liên tưởng đến núi Bạch Mã.
    Huyền thoại về núi Bạch Mã trong văn chương của các võ sĩ Nghĩa Dũng Karate-Do thể hiện ở những đặc điểm nào?
    – Thứ nhất: Đề thi huyền thoại
    Bạch Mã là một đề tài, một đề thi văn duy nhất cho 33 kỳ thi tốt nghiệp võ thuật từ 1984 đến nay. Đây là một hiện tượng đáng lưu ý, đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng môi trường. Bởi vì đề thi này thể hiện tầm nhìn, sự kiên định lập trường tôn trọng tự nhiên của sư trưởng và khát vọng truyền đạt điều đó đến các võ sinh của mình một cách bền bỉ, mềm dẻo, linh hoạt.
    Có khoảng 1.200 bài tiểu luận về Bạch Mã được hoàn thành. Bản thân con số này đã là một huyền thoại. Đặc biệt hơn, con số này đang được tăng lên mỗi năm, bởi vì hoạt động có ý nghĩa này vẫn còn tiếp diễn.
    – Thứ hai: Thiên nhiên huyền thoại
    Nội dung của các tiểu luận thể hiện vẻ đẹp thiên nhiên, tình yêu thiên nhiên và ý thức bảo vệ môi trường của các võ sinh. Có thể đúc kết những điều đó qua đoạn văn sau của võ sư – nhà văn – nhà báo Lê Thanh Phong: Đó là “những khoảnh khắc ngắm bình minh, là phút bồi hồi khi hoàng hôn nhuộm vàng núi rừng trùng điệp, là đêm ngắm chi chít sao trời, là ngẩn ngơ trước giọt sương long lanh trên đầu ngọn cỏ, là xao xuyến với ngàn lau lắt lay theo gió, là sững sờ chiêm ngắm con thác cao vời vợi như dải lụa vắt qua triền non…”. Các võ sinh luôn nhớ và thực hiện lời dạy của thầy mình: “Tầng văn hóa của con người được thể hiện qua cách họ đối xử với thiên nhiên”. Vì vậy, họ luôn nâng niu trân trọng từng cành cây ngọn cỏ.
    – Thứ ba: Biểu tượng huyền thoại
    Điều quan trọng nhất là Bạch Mã không chỉ đơn thuần là ngọn núi của tự nhiên nữa, mà đã trở thành biểu tượng tinh thần, thành ngọn núi linh hồn của tất cả võ sinh. Chính cảm nhận này đã khiến Bạch Mã được nhắc tới như một huyền thoại. “Có lẽ huyền thoại còn bền chặt hơn lịch sử”, vì thế, Bạch Mã trở thành nguồn năng lượng thiêng liêng của nhiều thế hệ võ sinh. Để rồi dù đi đâu về đâu, dù còn trẻ trung hay đã bạc mái đầu, trong những bằng phẳng hay gập ghềnh trắc trở chênh vênh của cuộc sống, họ đều nuôi trong tâm tưởng cái dáng vẻ sừng sững của ngọn núi ngàn năm mây trắng như một chỗ dựa vững chắc, như một nơi chốn để vọng về.
    KẾT LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT
    Từ lâu, cái tên Nghĩa Dũng Karate-Do luôn đi kèm với cái tên Bạch Mã trong ý thức của nhiều người. Thầy trò của Nghĩa Dũng Karate-Do đã dệt nên một huyền thoại mới về Bạch Mã trên cái nền của huyền thoại cũ. Huyền thoại mới này là bài học, là phương thức sống tôn trọng, gắn bó mật thiết với tự nhiên vô cùng cần thiết đối với mọi người, đặc biệt là trong bối cảnh khủng hoảng môi trường hiện nay. Qua văn chương của họ, Bạch Mã hiện lên đẹp đẽ hơn, đa nghĩa hơn, lung linh hơn, thiêng liêng hơn và ấn tượng hơn. Tuy nhiên, để huyền thoại về Bạch Mã có thể đi xa hơn, cần khuyến khích các võ sinh đa dạng hóa các thể loại văn chương, không nên rập khuôn theo một thể loại là tiểu luận.

                          TS Nguyễn Thi Tịnh Thy

     Tịnh Thy (đứng) cùng với anh em Quán Văn tại Đường sách ngày 29/1/2018

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác