Học Anh Văn ở đảo

Ngày đăng: 27/07/2017 09:14:56 Sáng/ ý kiến phản hồi (4)

Đến Bidong được vài hôm, tôi đi tìm trường học Anh văn. Đi đến trường học khu B, lớp học không còn chổ ngồi. Đứng ngoài nhìn vô, cô đang dạy động từ “to have”, cô đọc , tu heo. Tôi đi về trường khu F. Đến lớp học, chưa biết thầy dạy như thế nào. Thấy đầu bàn nhì bên trái bỏ trống. Tôi bước vô ngồi. Suốt tuần tôi vẫn ngồi chỗ này. Chỉ chăm chú nghe thầy dạy, chẳng để ý cô ngồi kế bên, chưa bao giờ nhìn cô hay chào hỏi. Một hôm thầy gọi tên cô, và hỏi một câu hỏi. Tan học, ra khỏi lớp một khoảng.  Đi phía sau cô, tôi gọi, Mai. Cô xoay lại, dạ! anh. Nghe ngọt quá.  Tôi nói với Mai: “Hồi nãy Mai trả lời sai câu hỏi của thầy. Thầy sửa lại, cũng sai luôn. Trong một tuần thầy dạy sai sáu bảy lỗi. Mai ở gần không? Về nhà anh chỉ cho”.

DSC_6410Tôi theo Mai về, nơi Mai ở gần bờ biển. Ngồi trong nhà nghe tiếng sóng vỗ rì rào. Tôi chỉ cho Mai, những lỗi thầy đã dạy. Mai nói, sao không nói cho thầy biết, thầy sửa lại. Tôi nói: “Mình là học trò, sửa lưng thầy làm chi. Mình học cũng không phải để đi thi tú tài hay bằng cấp nào đó. Những lỗi này cũng chẳng có gì quan trọng. Hôm qua thầy nói, khi đến đảo thầy không biết một chữ Anh. Người anh của thầy bên Mỹ, không biết làm tội gì đã vào tù. Hồ sơ của thầy phái đoàn Mỹ đã giử, không nước nào lấy ra cứu xét được. Thầy phải chờ, đã ở Bidong 3 năm, học từ chữ một, ráp lại, đi dạy cho qua ngày tháng. Như vậy là thầy đã gan lắm rồi. Sửa lưng thầy, thầy giận, không đi dạy, lấy ai dạy”.

Giáo viên trên đảo là do người Việt tự nguyện. Người biết chữ nhiều dạy người biết chữ ít. Người biết chữ ít dạy người chưa biết chữ. Cao ủy chỉ giúp tài liệu, chứ không có giúp giáo viên.

Thật ra ông thầy này nói tiếng Anh nhanh như gió, thầy cũng làm thông dịch ở hội trường. Thầy nói phái đoàn hiểu, phái đoàn nói thầy hiểu, vậy đủ rồi. Những lỗi thầy dạy sai là những lỗi văn phạm nho nhỏ. Cố vấn giáo dục trên đảo không khuyến khích dạy kỹ về văn phạm, nên thầy không có căn bản về văn phạm.

Sau này tôi lên hội trường làm, một hôm cao ủy phỏng vấn một anh có bằng cử nhân giáo khoa Anh văn. Tôi và một người nữa đứng dậy, để anh tự nói chuyện với cao ủy. Anh không hiểu hết những lời cao ủy hỏi. Sau đó cao ủy mời anh vào làm ban phiên dịch. Anh đã cứu hai anh em bị phái đoàn Mỹ từ chối vì người phiên dịch trước đã dịch sai chữ “tùy phái phủ tổng thống”. Anh đã dịch lại và giải thích tùy phái phủ tổng thống là công chức. Hai anh em kia được phái đoàn Mỹ cứu xét và nhận.

Mai hỏi lại: “Anh biết rồi, sao còn đi học?” Như nghĩ ra điều gì, Mai nhìn tôi mĩm cười. Tôi biết Mai nghĩ gì. Sau này tôi đi học là vì Mai. Ban đầu thì không phải. Xa học đường gần 10 năm, những ngày đầu tiên được cắp sách lại lớp học. Trong lòng cảm thấy vui vui. Chuyện đi học ngày xưa gần như quên hết. Nhờ cắp sách đi học nhớ lại những bạn bè ngày xưa.

Lần đi Cà Mau, gặp cô bạn đội xề nhản đi bán dạo bến xe. Về Cần Thơ, gặp cô bạn trong bộ đồ bà ba đen, gánh chè đi bán. Đến chợ Vĩnh Long, gặp Bích Thủy đang ngồi bán cóc. Mười lăm năm đèn sách, mất sạch, Bích Thủy vẫn cười tươi. Bích Thủy nhờ, có khi nào trở lại Cần Thơ, đến nhà bà Sơ, lấy dùm một ít đồ. Khi tôi có dịp đi Cần Thơ, đến nhà bà Sơ. Cửa đã đóng tự bao giờ, dây chuông cũng bị cắt mất. Trở về Vĩnh Long tìm Bích Thủy. Bích Thủy biệt tăm, chắc đã sang xuôi.

Chỉ cho Mai mấy chữ, Mai mời ở lại ăn cơm. Thầy dạy rát cổ, không có được diễm phúc này. Ăn cơm xong, Mai pha cà phê. Một trong những món xa xỉ ở đảo. Mai nói, uống đở cà phê sữa, ở đây không mua được nước đá. Rồi Mai hỏi tôi, thường thì thích cà phê sữa hay đá. Nói với Mai, Xuân Hạ gì, chỉ uống cà phê nóng, thêm tí sữa.

Mai kể, nhờ nhỏ bạn đi trước, viết thơ về dặn, đi phải đem đủ giấy tờ, làm những sợi dây chuyền nhỏ 5 khoảng phân. Qua đảo bán bằng giá một chỉ vàng 24.

Tàu Mai đi hên, không gặp cướp. Đi thẳng đến một đảo nhỏ ở Indonesia, tàu bị hư, dân ở đảo sửa dùm, một tháng sau xong, chạy thẳng qua Bidong. Mai đã gặp phái đoàn Mỹ rồi, nhưng Mai chỉ đưa được bản sao. Phái đoàn Mỹ hứa sẽ liên lạc vớí gia đình Mai ở Sài Gòn để lấy bản chánh. Tôi hỏi Mai, sao được ưu tiên vậy? Mai nói, Mai nghĩ, vì ba Mai vẫn còn đang cải tạo ngoài Bắc. Hỏi nhà Mai ở đâu? Mai nói, Phạm đăng Hưng Đa Kao. Con đường này đã đi qua nhiều lần, sao không thấy Mai. Mai cười, tại chưa đến duyên.

Mai rũ, chiều đi tắm biển. Có ai từ chối nỗi. Bãi cát dài chạy đến đồi tôn giáo, có tháng bãi cát chạy xa ra biển, có tháng lại chạy lùi, thật gần bờ. Bao lần cùng Mai dẫm lên bãi cát này. Đi thụt lùi càng vui. Lùi dăm bước, sóng biển xóa nhòa vết chân. Xóa nhòa khung trời kỹ niệm.

Mai rũ, sáng qua ăn sáng. Trứng chiên óp la, bánh mì. Cũng là món xa xỉ ở đảo. Hôm nay mới mua cho cô 9 bốn hộp, mỗi hộp 12 trứng, giá 69 xu một hộp. Ngày xưa bên Bidong, trứng mắc lắm, nhưng không nhớ bao nhiêu, vì chưa bao giờ mua. Bánh mì 1 đồng tiền Mã 5 ổ. Một chỉ vàng giá 70 đồng. Như vậy bánh mì có đắt không?

Bánh mì bên Bidong ngon lắm. Không biết, vì thiếu thốn, ăn gì cũng ngon, hay ngon thật. Bánh mì do người Việt ở đảo làm. Bà chủ lò bánh mì, xồn xồn, khoảng hơn 40, không xấu lắm, nhưng chẳng tìm được nét đẹp. Phụ làm với bà có hai anh em rất đẹp trai,nhất là người em, khoảng 25 tuổi. Người anh chắc hơn 30. Không biết bà chủ đẩy đưa như thế nào. Vài ba ngày thấy hai anh em đánh lộn, dành ghệ già.

Một hôm cùng Mai chiên gà. Tôi để miếng gà vô chảo mạnh quá. Dầu văng phỏng tay Mai. Lấy kem đánh răng thoa liền, vẫn bị phồng, có thể sẽ thành thẹo. Sống ở Bidong, ăn không đủ chất dinh dưởng, bị trầy một tí bị làm độc.

Nhìn vết phồng trên tay Mai, tôi cười. Mai mếu máo, anh làm phỏng đau muốn chết, anh còn cười.

– Xin lỗi em nghen. Anh không phải cười trên nỗi đau của em. Anh cười ông Kim Dung. Cô bé nắm tay Vô Kỵ, định bắt Vô Kỵ về Linh Xà đảo. Vô Kỵ cắn vào tay cô bé để tẩu thoát. Vết cắn thành thẹo, cô bé nhìn vết thẹo, nhớ Vô Kỵ tha thiết.

– Tự dưng anh lại đến. Em tự nhủ, đừng quen ai trên đảo, quen làm chi, trong vài tháng, để rồi mỗi người mỗi nơi. Để lại vết thẹo làm chi, để lòng thêm buồn.

Khoảng 6 tháng sau, đúng như lời phái đoàn Mỹ đã hứa, đến tận nhà Mai. Biết được ba Mai đang ở trại cải tạo ngoài Bắc. Phái đoàn cho Mai rời đảo.

Lúc tiển Mai rời đảo, Mai nói nhỏ: “Tí nữa anh làm bộ nhìn ra sau, bên trái. Anh chàng có mái tóc bồng bềnh, đi theo em từ ngày em lên đảo. Nhìn tiếp qua phải, anh chàng đầu chải bóng loáng, ăn mặc thật tươm tất. Chỗ anh ngồi, là chỗ của một chị, vừa rời đảo hai ngày trước. Ngày đầu chỗ bỏ trống, ngày thứ nhì, anh chàng ăn mặc tươm tất định đến ngồi. Anh vô ngồi trước. Tuần sau, thấy em đi chung với anh, anh chàng nghỉ học luôn”.

Hoàng Hưng

 

Có 4 bình luận về Học Anh Văn ở đảo

  1. Hoành Châu nói:

    Đảo Bidong ~ điểm dừng chân hợp lý cho mọi toan tính cần thiết  cho cá nhân trước khi cặp vào bến bờ mới lạ !                    Hoành Châu (Gia đình C  )

  2. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Bây giờ Mai ra sao ?

    Chắc còn tiếp nữa phải không nhà văn “một bụng chuyện”?

    • Hoàng Hưng nói:

      Dạ không biết Mai bây giờ ra sao nữa chị Hạnh ơi. Người “quen cũ” đừng nên gặp lại tốt hơn.
      Có một anh chàng cưới vợ khoảng 10 năm, nhưng vẫn không quên được người tình cũ. Người vợ bí mật đi tìm người tình cũ của chồng. Người vợ tìm được, người tình cũ của chồng không còn nét diễm kiều như ngày xưa, mà người chồng đã tả. Bây giờ cô phải vất vả kiếm miếng ăn cho đàn con và người chồng cờ bạc. Người vợ về bàn với chồng, nên giúp đở người bạn cũ ngày xưa khá nghèo khó, nhưng người vợ không nói là ai. Người chồng đồng ý, người vợ dẫn chồng đến gặp người xưa. Người chồng gặp một lần, và chạy mất dép, không còn nhắc người xưa nữa.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác