Mơ  thành học sinh Tống Phước Hiệp

Ngày đăng: 13/03/2017 11:06:09 Sáng/ ý kiến phản hồi (12)

Vào thập niên 60 học sinh tiểu học ở  các tỉnh Vĩnh  Long, Vĩnh Bình và Sa Đéc chắc ai cũng như tôi,  đều mơ thành  học sinh Tống  Phước  Hiệp  (thuở  đó còn  mang tên Nguyễn Thông). Tại sao tôi mơ thành học sinh Tống Phước Hiệp?  Dễ hiểu thôi, thứ nhứt là nhà tôi quá nghèo, cha mẹ tôi phải tần tảo vất vả lắm mới nuôi nổi anh em chúng  tôi thì lấy tiền đâu ra để cho tôi học trường tư; thứ nhì thuở ấy khắp 3 tỉnh chỉ duy có một trường trung học có từ lớp đệ thất đến đệ nhất, đó là trường Tống Phước Hiệp và thanh thiếu niên nghèo cở tuổi  tôi trong ba tỉnh này chỉ có một con đường lựa chọn duy nhứt là phải đậu vào Tống Phước  Hiệp  để còn được  tiếp tục đi học.

IMG_0919

                                               Tác giả và Lương Minh

 

  THI ĐỆ THẤT

 

Ngày đó học sinh tiểu học chúng tôi, sau khi học xong bậc tiểu học là phải chuẩn  bị thi tuyển  vào lớp đệ thất, tức là lớp 6 bây giờ. Hễ ai đậu thì tiếp tục học trường công, còn ai rớt mà nhà có tiền thì theo trường tư hoặc  bán công,  nhưng nếu nhà không  tiền thì hoặc ở  nhà tiếp tục học  thi cho năm sau, hoặc  khăn  gói ra đồng phụ giúp cha mẹ. Bây giờ hồi tưởng  lại những  kỷ niệm  một thời những thí sinh tí hon chúng  tôi phải lều chõng  đi thi, mình thấy nó vui vui làm sao ấy.

Hồi đó thi tuyển  vào đệ thất trọn ngày nên những đứa nhà gần như chúng tôi thì buổi trưa chạy ù về  nhà   ăn  cơm, rồi trở lại trường thi tiếp; còn những  đứa ở  xa như ở  các quận lên thì thường có cha mẹ đi theo, lúc con vào thi thì cha mẹ ngồi ngoài  quán  nước gần đó hay những gốc cây sao ven đường, đợi các con thi xong buổi sáng rồi cùng ăn trưa với các con và tiếp tục đợi buổi chiều để rước con về.

Tôi sanh ra và lớn  lên trong một gia đình nghèo, nghèo lắm, nghèo da diết, lại sống trong một khu xóm toàn là dân lao động tay chân, nên ít có gia đình nào có ý hướng muốn cho con cái học hành đi lên. Thường  thì ai được  học tới khi biết đọc biết viết hoặc cùng lắm là hết tiểu học đều cũng ở  nhà phụ cha mẹ trong kế sinh nhai. Gia đình tôi thì khác, lúc nào ba mẹ  tôi cũng tranh cãi với nhau về vấn đề cho con ăn học.  Mẹ  tôi thì một mực phải cho con ăn học  để có chữ có nghĩa với đời dù thân mẹ  có ra sao mẹ cũng cam, vì theo mẹ, giáo dục không những chỉ được  dùng để giáo hóa con người hay là bực thang thăng tiến trên đường  đời, mà trường học còn là bức chắn  không  làm cho thanh thiếu niên hư hỏng khi bước chân vào trường  đời, khiến  cho họ có khả năng sống một đời đáng sống hơn. Còn ba tôi thì ngược lại, ba tôi thực  tế trong vấn  đề sanh kế trước  mắt hơn nên ba thường  nói: “học  để sau này làm ông cống ông nghè gì đó mà học?” Cứ thế mà tôi phải sống  vằng  vặt trong hai ý  hướng  đối nghịch giữa ba và  mẹ. Tuy nhiên,   thuở  đó ba tôi thường không có ở  nhà nên mọi chuyện  về học hay nghỉ của anh em chúng  tôi đều do mẹ quyết định. Thế là anh em chúng tôi vẫn được  tiếp tục đi học trong sự đùm bọc của mẹ. Năm  tôi học lớp nhì cũng là năm ba tôi trở về sống với mẹ con chúng tôi. Từ lúc ba về lúc nào ba cũng có ý định  bắt ép tôi phải ở nhà   để  ra tiệm phụ làm thợ mộc với ba, nhưng lần nào cũng vậy, mẹ và ba tôi đều cãi nhau một trận quyết  liệt, rồi tôi vẫn được  mẹ cho tiếp tục đi học. Năm tôi chuẩn  bị thi đệ thất, không biết ba vô tình hay cố ý, trước  ngày  thi có một ngày ba kêu  tôi và em Minh lại để ba hớt tóc cho. Mẹ nói: “Tự thuở giờ tôi có thấy mình hớt tóc đâu mà đòi hớt tóc cho tụi nó?” Ba nói: “Nhà không  tiền nên tôi mua tông đơ về hớt cho sắp nhỏ cho đở tốn kém.”  Tôi cũng lại cho ba hớt, ba loanh quanh một hồi rốt cuộc cái đầu của hai anh em tôi trọc  lóc. Tôi ứa nước mắt, hôm sau mắc cở quá nên không chịu đi thi, dù mẹ  có năn  nỉ thế mấy tôi cũng không  đi. Mẹ  tôi khóc hết nước mắt và hết lòng  năn  nỉ tôi nhưng tôi vẫn không chịu đi ra ngoài vì mắc cở. Ba nói: “Thây  kệ nó, nó không đi thi thì ở nhà   ra tiệm phụ làm thợ mộc với tôi, chứ có gì đâu mà mình phải khóc!” Sáng hôm sau ba kêu tôi ra tiệm phụ làm với ba. Mẹ  tôi òa lên khóc thật to: “Tôi biết mà, mình muốn cho con tôi sống  trong ngu dốt để suốt đời chỉ đi làm cu li mà. Tôi nhứt định không cho nó đi đâu hết. Năm nay không thi thì năm tới thi. Tôi cho nó đi học, đi học hoài, tôi nuôi  hoài.” Thấy  mẹ khóc, tôi cảm thương cho mẹ  quá.  Từ đó tôi dặn lòng là phải cố gắng học cho thật giỏi cho mẹ vui. Tôi lại bên mẹ xin lỗi vì đã bỏ cuộc thi hôm qua. Mẹ tôi âu yếm  nhìn tôi rồi nói: “Thôi  hổng sao đâu con, trễ một năm cũng không  hề hấn gì. Từ rày về sau con nhớ đừng bao giờ để cho ba con hớt tóc nữa nghe hôn!”

Năm sau tôi đi thi với quyết tâm không  được  quyền  rớt, vì rớt là chắc chắn phải bị nghỉ học để đi làm phụ thợ mộc với ba. Ngày  tôi đi thi, mẹ nhờ dì Sáu trông coi gánh hàng cho mẹ để mẹ đưa tôi đi thi và rước tôi về. Bây giờ nhớ lại cái ngày đi thi kỷ niệm  năm đó tôi vẫn còn cảm thấy một niềm hạnh  phúc trào dâng trong tâm hồn. Hôm trường đọc kết quả cuộc thi tuyển  vào lớp đệ thất, tôi ra trễ và chui vào đám đông  học trò cũng như các cha mẹ đang chờ nghe kết quả. Tôi đợi trường đọc đến hết danh sách mà cũng không nghe tên mình, tôi buồn  bã trở về nhà chứ không  đợi họ dán giấy lên tường.  Buồn quá, tôi không muốn  về nhà ngay nên tạt  qua nhà  ông  bà ngoại ở  góc đường  Trương vĩnh Ký  và  Lý thường Kiệt, khi đến góc đường  thì tôi gặp  ngay bạn Nguyễn phước Anh, bạn  kêu  tôi và chúc mừng. Bạn nói: “Ê mừng ghê mậy, mầy đậu hạng 6 còn tao đậu hạng 5.” Đang buồn mà nghe bạn  nói như vậy, tôi cứ tưởng là bạn muốn trêu chọc mình, nên tôi nói: “Thôi  rớt rồi bạn  ơi! Đừng có chọc  tôi hoài! Bạn  biết hôn, tôi mà rớt là kể như bị ba cho nghỉ học để ra tiệm làm phụ thợ mộc với ba chớ không được tiếp tục đi học đâu.” Bạn Phước Anh nói: “Ai nói bạn  rớt, tôi nghe đọc  tên bạn  rõ ràng,  tôi thứ 5, bạn  thứ 6, ngay sau khi họ đọc tên tôi mà, không tin tôi với bạn  trở ra xem giấy kết quả thì biết.” Thế là hai đứa chúng  tôi cùng nhau đi lộn trở ra trường  để xem giấy, nhưng ra đến nơi thì hai tờ giấy đầu,  từ hạng nhứt đến hạng  50 đã bị xé mất. Bạn an ủi và bảo về, bạn nói: “nhứt định  bạn đậu với tôi mà, tôi nghe hổng có trật đâu. Nếu không tin thì bạn cứ đi hỏi mấy ông thầy coi!” Trời đất ơi, mình làm gì có quen với ông thầy nào mà biểu đi hỏi. Hồi đó thấy mấy ông thầy là sợ muốn gần chết, thiếu điều muốn chạy  trốn, thì làm gì có gan mà đi hỏi? Vừa về đến nhà, mong sao cho gặp mẹ  để thủ thỉ với mẹ,  nhưng lại không gặp mẹ mà gặp ngay ba, tự thuở giờ lúc nào ba cũng là khắc tinh của tôi, nên khi ba hỏi: “Sao mậy, đậu rớt?” Tôi giật bắn người  lên và lập bập: “Con không nghe tên mình vì con ra trễ, nhưng nghe bạn Phước Anh nói con đậu hạng  kế bạn.”  Ba liền hỏi tiếp: “Nói thiệt cho tao nghe đi, để tao tính cho. Rớt cũng không sao, ba không đánh đâu. Hễ đậu thì đi học tiếp, còn rớt thì ra làm phụ thợ mộc với ba chớ có gì đâu!”  Tôi nói với ba: “Con nói thiệt, con không nghe tên vì ra trễ, nhưng bạn Phước Anh cả quyết là con đậu.” Hôm sau trời vừa  tờ mờ sáng là ba biểu thức dậy ra tiệm phụ  mộc với ba. Mẹ vì đi bán về khuya quá nên  tôi chưa có dịp nói chuyện  với mẹ. Khi ba biểu đi làm với ba thì tôi cố tình nói lớn cho mẹ nghe, ý  mong cầu cứu mẹ: “Hôm nay con phải đi trả sách cho bạn  bè, vì cả năm nay ở  nhà nên chỉ mượn sách và bây  giờ phải trả lại cho họ.” Ba nói: “Thi rớt thì phải đi làm, sách chừng  nào trả cũng được.” Mẹ nghe cuộc nói chuyện  giữa ba và tôi nên mẹ  lồm cồm ngồi dậy, hỏi tôi về kết quả thi cử. Tôi cũng thuật lại cho mẹ y như tôi thuật cho ba. Mẹ  tôi nói: “Con nó vừa mới thi xong, ví dầu  nó có rớt cũng phải cho nó nghỉ  vài ngày, chứ làm gì mà bắt phải đi làm liền, con người chứ đâu phải con trâu.”  Nói xong mẹ xoay qua tôi: “Con cứ ở  nhà, chuyện  hỏi lại kết quả  để mẹ lo. Mẹ sẽ  qua nhờ thầy Sanh bên trường  Thiềng   Đức dọ hỏi dùm.”  Thú thiệt  về sau này khi tôi đã học  và hiểu  được   về khoa tâm lý, tôi mới cảm thương ba tôi hơn, chứ không giận hờn oán trách. Tội nghiệp,  ba tôi từ nhỏ đã sống  trong môi trường như vậy, lại nữa nhà ông nội có tiền nên chuyện  học hành đối với ba không quan trọng bằng chuyện kiếm ra tiền. Chính vì vậy mà chuyện  học hành của tôi hầu như lúc nào cũng  là đề tài cho ba mẹ cãi nhau. Tuần sau, mẹ  nhờ thầy Sanh dọ hỏi dùm và thầy cho biết thằng nhỏ đậu hạng  6, y như lời của bạn Phước Anh. Như vậy  kể  từ đó tôi đi học chẳng những khỏi phải đóng tiền, mà mỗi năm còn được học bỗng của trường cho nữa. Thuở  đó những ai đậu hạng cao, hình như từ hạng nhứt đến hạng 20 thì được học bỗng toàn phần, mỗi name 1.800 đồng, từ hạng 21 đến hạng 50 thì được học bỗng bán phần, mỗi năm được 900 đồng. Tôi biết tôi chỉ là một trong rất nhiều  học sinh của ba tỉnh Vĩnh  Long, Vĩnh Bình và Sa Đéc mơ làm học sinh Tống Phước Hiệp, mà cũng có rất nhiều  người khác cũng mơ như chúng tôi, nhưng chẳng bao giờ thực  hiện được  giấc mơ của mình vì thuở đó thi đệ thất vào trường công là thi tuyển, chứ không phải chỉ đủ điểm  là đậu. Ngoài ra, thi đệ thất hồi đó, ngoài  sức học của mình ra, phải nói cuộc thi này còn là một canh bạc may ruổi cho rất nhiều người. Có khi có người học rất giỏi mà hôm đi thi lại bị cảm mạo nóng  sốt là cũng kể như rồi. Mỗi năm chỉ có một lần, nên biết bao thư sinh lứa tuổi  tôi phải  lở khóc  lở cười vì phải hoặc ở  nhà phụ  làm thợ mộc với ba, hay phải xếp bút nghiêng   lo việc đồng áng. Bây giờ đã hơn nửa đời nhìn lại, tôi thấy thương quá cả mẹ lẫn cha, thương quá thầy cô, thương quá ngôi trường đã cho tôi kiến thức và trí tuệ để làm một con người thật là người.

Trần Ngọc

Lớp đệ nhất (NK69)

 

 

 

 

Có 12 bình luận về Mơ  thành học sinh Tống Phước Hiệp

  1. Lương Minh nói:

    Đây là một truyện hồi ức của một cựu học sinh Tống Phước Hiệp, học niên khóa 69 thuật lại cuộc đời của một học sinh nghèo tỉnh lẻ. Do bài viết khá dài , trang nhà chia ra là ba phần: Thi đệ thất, Học trung học và Vào đời. Đối với các anh chị lớn tuổi thì đây là dịp nhìn lại cuộc đời niên thiếu, với các em nhỏ thì biết thêm về việc học ngày xưa (LM)

  2. Huỳnh Thị Thu Hằng (NK 75) nói:
    • Đọc bài của tác giả Trần Ngọc, cứ thấy nao nao trong lòng khi nhớ lại những ngày học ôn để thi vào trường TPH, mọi thứ quay về như chỉ mới hôm qua …. thật rất tự hào vì đã được là học trò trường Tống Phước Hiệp….
  3. Bài viết của cựu học sinh TPH rất chân thật và cảm động. Thi vào đệ thất trường công là một quãng đường khó nhọc đối với những học sinh còn non nớt ở lứa tuổi mười một. Không có sự khuyến khích và quan tâm của các phụ huynh chắc chắn là các cô cậu học trò tí hon, ăn chưa no, lo chưa tới, khó có thể vượt qua khỏi bước đầu của con đường học vấn. Tôi còn nhớ, bài thi vào đệ thất gồm có : Toán, luận văn và câu hỏi thường thức. Nếu đậu được vào trường công, việc học của các em sẽ chắc chắn hơn vì trường công kỷ luật nghiêm, ban giáo sư giảng dậy nhiều khả năng vì phần lớn đều tốt nghiệp các đại học sư phạm và có một điều cũng không kém quan trọng là không phải đóng học phí hàng tháng, một gánh nặng đối với những gia đình đông con và điều kiện tài chánh eo hẹp.

     

  4. My Nguyen nói:

    Đọc bài viết của tác giả Trần Ngọc, MN nhớ làm sao năm thi vào Đệ thất TPH, 1966. Gia đình MN lúc đó cũng rất nghèo, có điều ba mẹ đều quyết tâm cho con đi học. Lúc đó MN còn nhỏ nhưng cũng ý thức rằng, phải đậu vào TPH cho nhẹ gánh gia đình và mới có cơ may học hết bậc Trung học. Ngày được tin MN đậu vào Đệ thất TPH, cả nhà mừng vui khôn tả. Mẹ đã dành dụm chắt chiu may cho hai bộ áo dài, một bằng tơ sống, một bằng KT 3000. Đó là những bộ áo dài đầu tiên trong đời, không bao giờ mình quên được…

    Cảm ơn anh Trần Ngọc về một bài viết thật hay, gợi nhớ những năm đầu thời Trung học. Xin chờ đọc tiếp.

  5. Hoành Châu nói:

    Đọc bài này mới thương thận phận của các trò nhỏ trong đó có mình ,,, tội  nghiệp các trò trong mùa thi cử , lo học bài để thi  và còn lo nếu rớt cuộc đời sẽ về đâu ? Bài viết vừa chân thật vừa cảm động như cô Hồng Khanh  nhận xét vậy  !!
    Hoành Châu (Gia đình C  )

  6. Diệp Bích Ngọc nói:

    Đọc truyện hồi ức của anh Trần Ngọc thật cảm động sao tôi thấy giống tôi ,gia đình lao động nghèo lại đông con .Hồi đó muốn học tiếp tục phải thi đậu vào.trường công ….nhớ lại một thời thơ bao vất vả  khó khăn được đi học .Ngôi trường Tống Phước Hiệp thân thương đã gắn bó suốt bảy năm trời với bao kỉ niệm tôi không bao giờ quên .Cám ơn tác giả Trần Ngọc có bài viết thật hay để tôi nhớ lại thời áo trắng .

  7. NGUYỄN GƯƠNG nói:

    Tác giả ở cùng hẻm với tôi ngang Kho dầu cũ Vĩnh Long .Năm lên đây, anh đã sắp  học xong Trung học . Thấy anh hàng ngày giảng bài hướng dẫn các em học ở nhà tôi rất phục , Sau nầy anh kết hôn với bà xã ở đầu hẻm rất xứng đôi,  lại là nhà có nhiều chị em học tập thành đạt .

    Như hẻm ngang Kho dầu cũ cũng sản sinh ra rất nhiều học sinh chuyên cần đổ đạt cao ( kể cả ông chú chủ nhà tôi ở )  Tự hào thay  hẻm nhỏ sinh nhiều ” nhân kiệt ” !

  8. Phạm Thị Trí nói:

    Hồi ức của Trần Ngọc đưa người đọc trở về những kỷ niệm khó quên của lần thi tuyển đầu tiên trong đời…Thi tuyển vào đệ thất trường công , Hoàn cảnh của tác giả lại khó khăn hơn vì những xung đột của cha mẹ..Tôi rất phục mẹ anh, thông cảm những khó khăn của bà..Cũng may, trong gia đình tiếng nói bà có giá trị.

  9. VÕ THỊ LÀI nói:

    Đoc những hồi ức của anh Ngọc làm chúng em sống lại những hồi ức ngày xưa ,chúng em cũng giống như anh là học sinh nghèo ờ quê cố gắng thi đậu vào trường công đễ lên tỉnh học .mỗi năm học sinh ở xã đậu vào trường công rất ít chừng vài ba đứa .Ngày xưa không có dịch vụ cho thuê nhà[phòng] trọ như bây giờ,thường ở quê lên tĩnh học hây ở nhà bà con . Em còn nhớ năm đệ lục bà con ở quê có con lên tỉnh học cùng nhau mướn đất ,rồi chở cây lá  lên cất nhà cho các con ở đi học . Năm Mậu thân nhà cửa nằm ngay mặt trận bị bắn phà tan hoang, Ba Mẹ không cho đi học nữa ,mẹ nói chiến tranh cuộc sống phức tạp con gái không cho đi xa .Nhưng em  cố gắng năng nỉ ba mẹ và cuối cùng được tiếp tục học , và nhờ vào ngôi trường TPH  thân yêu mà bây giờ  em có  những giây phúc hoài niệm về những kỷ niệm đẹp của thuở học trò  như các anh . Em rất cám ơn quí Thầy Cô đã từng dạy bảo em, cũng như bạn bè đã từng chung lớp chung trường thân thương TPH.

  10. Nguyệt Hồng nói:

    Bài viết thật hay

    Một ngòi bút đẹp

    Thủy chung dạt dào

    Tình đất tình quê

  11. Mặc dù em học trường Lai Vung, tỉnh Sadec (sau anh 8 khóa), nhưng vẫn có nhiều điểm chung lắm: Là con nhà nghèo, đông anh em, có ý chí, quyết tâm,… cùng dự tuyển những kỳ thi rất khó…
    Đọc bài viết của anh đã gợi cho em nhớ lại biết bao kỷ niệm đẹp thời thơ ấu với những phấn đấu gian nan mà ta phải vượt qua.
    Chúc anh luôn vui, khỏe và hạnh phúc nhé!

Trả lời Phạm Thị Trí Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác