NHỮNG CHUYỆN KHÔNG THỂ CƯỜI VỀ DẠY NGOẠI NGỮ

Ngày đăng: 8/12/2016 08:33:21 Chiều/ ý kiến phản hồi (1)

Việt Nam là một đất nước của vô số điều kỳ lạ. Gần đây Bộ Giáo Dục nước ta thông báo, trong chương trình Giáo Dục Phổ Thông, tùy nơi, sẽ dạy thêm tiếng Nga và tiếng Hoa bên cạnh các thứ tiếng nước ngoài đang dạy. Nội việc một trung tâm giảng dạy ngoại ngữ thuộc cơ quan nào chủ quản hiếm có ai đoán được, dù người đoán có óc tưởng tượng phong phú cách mấy! Đố các bạn VUS (Hội Việt Mỹ) do cơ quan nào cấp phép (chủ quản)? Xin thưa: Bộ Ngoại Giao. Cách đây mấy năm (hình như 2012) có một trung tâm ngoại ngữ ở thủ đô Hà Nội đột nhiên biến mất. Học viên lỡ đóng tiền mà không có chỗ học bèn trình báo chính quyền mới biết cơ quan chủ quản của trung tâm ngoại ngữ ấy là Cục Xúc Tiến Thương mại, thuộc bộ Công Thương. Bộ Giao Thông & Vận Tải, bộ Kế Hoạch & Đầu Tư, Tổng Liên Đoàn Lao Động… đều có cơ sở giáo dục, nhỏ thì trung tâm ngoại ngữ, lớn thì trung học chuyên nghiệp, cao đẳng hay đại học. Quên. Phải là viện đại học thì mới đúng tầm cỡ!

Bạn nào muốn thử trí tưởng tượng thì xem truyện nầy: Cách đây vài mươi năm ở TP. HCM có một thẩm mỹ viện to đùng tọa lạc ngay quận 1, bảng hiệu cho biết viện trưởng tốt nghiệp bác sĩ y khoa đại học Sorbonne, Paris. Quý bà, quý cô khắp nơi có nhu cầu làm  đẹp kéo đến đóng tiền nườm nượp để được sự chăm sóc. Thẩm mỹ viện hoạt động một thời gian thì xảy ra vấn đề: Mũi nâng cho cao lại thành mũi cà chua, mũi vẹo, da đen tẩy cho trắng thành da … đồi mồi, còn ai muốn có vòng số 1, 2, 3 đạt những kích thước chuẩn cũng có thể được những con số mơ ước đó nhưng lại không theo đúng số thứ tự vòng như mong muốn! Thế là quý bà nhờ đến chính quyền, nhờ đến sở Y tế can thiệp nhưng trong nhiều năm, cơ quan nầy bất lực, không làm gì được. Lý do? Viện thẩm mỹ hoạt động do giấy phép cấp bởi bộ phận Chuyển giao Công nghệ, thuộc bộ Kế Hoạch & Đầu Tư ở ngoài Hà Nội; ngoài “vùng phủ sóng” của thành phố, của sở Y tế. Báo chí vào cuộc làm om tỏi lên một thời gian dài. Và họ đã làm được. Họ đã tra danh sách SV Y khoa Sorbonne của Pháp không thấy có tên đó. Trước công luận, viện thẩm mỹ phải công bố bản photocopy văn bằng của BS viện trưởng do Đại học Y khoa Huế cấp. Báo chí lại bỏ công đi sưu tra thì biết Đại học Y Huế có cấp bằng BS cho 1 người có tên đó nhưng chữ lót thì khác một chút. (Tiếc là báo chí không đi sưu tra ở hãng thuốc Gaulois, Pháp hay thuốc Cẩm Lệ, Huế, nếu có đến hai nơi ấy thì có thể đã gặp tên đó.) Hình như lỗ đen hiện diện ở nước ta. Hai vụ kể trên sau đó không nghe thấy gì thêm. Chắc là như nhiều vụ khác đã rơi vào lỗ đen.

tienghoa2Tôi không hiểu thâm ý của các thầy ở trển. Việc dạy tiếng Nga và tiếng Hoa thì… xưa rồi. Sau năm 1975, các trường đại học mở cửa dạy lại với thêm một số giáo sư, giáo viên miền Bắc vào chi viện, cạnh các thầy, cô tại chỗ. Sinh viên miền Nam lúc ấy được biết thêm một số học vị, chức danh như phó giáo sư, phó tiến sĩ… cũng như phân biệt rõ hai từ giáo sư và giáo viên. Sinh viên chúng tôi thời ấy rất háo hức được học với những thầy, cô tốt nghiệp từ các nước XHCN như Ba Lan, Tiệp Khắc, Đông Đức, Nam Tư, Rumania, Bulgaria, mà nhiều nhất là từ Liên Xô về. Tôi đã được học với một thầy có học vị phó tiến sĩ, Liên Xô về, và một cô cũng học vị phó tiến sĩ nhưng từ Rumania. Thầy “Liên Xô” dạy tạm ổn, nhưng cô “Rumania” thì không ổn lắm! Số là cô “Ru” (nói cho gọn) dạy môn Bệnh Thực Vật với các loài nấm, vi trùng, tuyến trùng gây bệnh có tên gọi bằng tiếng Latin khá dài nên cô… không đọc trôi chảy được. Thế là khi gặp những tên đó sinh viên phải chờ cô lấy phấn chép tên ấy lên bảng. Có một lần trong giờ ra chơi một bạn có việc đến trình bày với cô, sẵn thấy quyển sách (tiếng Rumania ?) cô đang dạy cho lớp để trên bàn, bạn ấy dại dột chỉa tay vào sách hỏi điều gì đó. Cô giật sách, gấp lại và không thèm tiếp chuyện bạn nữa. Cũng lúc ấy có một thầy giảng nghiệm viên (kỹ sư hay cử nhân gì đó) mới tốt nghiệp Liên Xô về dạy cho trường. Thầy lớn hơn chúng tôi vài ba tuổi nên hòa mình và dễ dàng thông cảm. Khi chúng tôi đến chơi tại phòng riêng của thầy trong khu tập thể trường, chúng tôi những tưởng sẽ được chiêm ngưỡng kho sách tiếng Nga của người mới học từ đất nước Liên Xô vĩ đại về. Nào dè trong phòng thầy cũng là những quyển sách tiếng Việt như của chúng tôi, nhưng sách của thầy thuộc ấn bản… cũ hơn! (Hay khi đi phi cơ về Việt Nam, va ly đựng sách của thầy bị thất lạc?) Trong lúc trò chuyện vui vẻ, tâm tình thân mật, có bạn gia đình ở xa, được ưu tiên ở lại ký túc xá trường nên buổi tối có theo học lớp tiếng Nga tại trường. Bạn đem phần gì đó tiếng Nga khó hiểu nhờ thầy chỉ. Bạn ấy không nhận được câu trả lời, không khí trở nên gượng gạo, phải đổi đề tài gấp. Chúng tôi đâm ra thắc mắc, không lẽ sau 4 hay 5 năm học tại Liên Xô mà thầy không biết tiếng Nga? Nếu không nghe, không đọc được tiếng Nga thì thầy học ở bên ấy bằng cách nào? Sau đó chúng tôi bàn riêng với nhau về điều nầy vì rõ ràng có nhiều thầy dạy tiếng Nga, nhiều sách được dịch từ tiếng Nga, nghĩa là tiếng Nga vẫn học và sử dụng thành thạo được. Chúng tôi không đạt được một kết luận chung về vấn đề, mà bỏ lửng bằng những giả thuyết:

  • Khi có nhiều sinh viên Việt Nam đến học, trường đó sẽ dạy bằng tiếng Việt! Giả thuyết nầy bị bác bỏ thẳng thừng, vì lấy đâu ra thầy Việt Nam để dạy, tại VN còn chưa có đủ, còn thầy Nga dạy bằng tiếng Việt là điều hoàn toàn vô lý.
  • Giả thuyết thứ nhì được dư luận râm ran. Những sinh viên VN sẽ được cấp bằng “hữu nghị” tùy theo số năm ở Liên Xô: 4 năm thì cấp bằng kỹ sư “hữu nghị”, 6 – 7 năm thì cấp bằng phó tiến sĩ “hữu nghị”, hay gì gì đó. Thuyết nầy cũng bị bác vì nhiều kỹ sư, phó tiến sĩ, tiến sĩ du học Liên Xô về giảng dạy, hay làm việc rất giỏi, tỏ rõ được năng lực.
  • Hay họ học ở Liên Xô theo nhóm kiểu “trí tuệ tập thể hay kiểu anh chột dẫn đường cho anh mù?”, rồi theo thời gian những SV yếu sẽ được bạn… kềm cặp để cùng tiến. Hay thậm chí mướn một sinh viên Việt rành tiếng Nga đi học rồi dạy lại (ghi bài, làm bài) cho cả nhóm? Hay chính nhà trường đứng ra tổ chức việc học nầy? Nhưng rồi vẫn có người phản bác. Người ấy nói không lẽ trường ở Liên Xô cho làm bài, nộp bài, viết luận trình… tập thể? Đa số chúng tôi thiên về giả thuyết nầy dù còn nhiều thắc mắc. Bạn nào biết giải đáp hộ tôi vì tôi đang… run. Chẳng may những người có bằng cấp, học vị cao thuộc 3 trường hợp trên mà họ lại đảm nhiệm trọng trách thì… !!!

Tiếng Nga thuộc nhóm cổ ngữ cũng như nhiều thứ tiếng Bắc Âu nên rất khó học. Việc nầy ở Việt Nam ta đã có kinh nghiệm. Cuối những năm thập niên 70 và đầu những năm 80 thế kỷ trước, sở Giáo Dục thành phố áp dụng biện pháp chỉ định dạy ngoại ngữ theo trường cho những trường cấp 2: Trường nầy dạy ngoại ngữ Anh, trường kia dạy ngoại ngữ Nga, trường nọ dạy tiếng Pháp… Hệ quả là học sinh xin chuyển trường hàng loạt sang trường dạy tiếng Anh hay Pháp. Để đối phó Phòng Giáo dục (quản lý trường cấp 2, trường tiểu học và giáo dục mầm non trên địa bàn) thông báo không cho học sinh chuyển trường. Học sinh và phụ huynh phải “chạy chọt”, phải làm đơn xin tạm trú… để có thể sang học trường dạy tiếng Anh. Những em không “chạy” được, phải học trường dạy tiếng Nga thì học trong “hậm hực”, còn các em khác nản xin nghỉ học hàng loạt. Không biết ở các tỉnh và ngoài Bắc tình hình dạy tiếng Nga có khả quan hơn không, nhưng theo tôi biết ở TP. HCM không có trường cấp 3 nào dạy tiếng Nga do không có học sinh cấp 2 học lên. Cách đây khá lâu tôi có dạy luyện thi tốt nghiệp PTTH môn tiếng Anh, hệ 3 năm, cho một lớp 12 ở trung tâm tư. Các em học lớp luyện thi nầy cho biết trường công các em đang học dạy chương trình tiếng Anh hệ 3 năm [thay vì 7 năm như đa số các trường] vì gia đình các em ở vùng sâu, vùng xa, trường cấp 2 không có thầy dạy tiếng Anh. Có thể đây là việc làm chữa cháy cho việc dạy thí điểm tiếng Nga ở các trường cấp 2 trước đây. Chúa lỡ đóng cửa cái nên phải mở cửa sổ? (Chương trình tiếng Anh 3 năm nầy chấm dứt đã lâu.) Có thể nói việc dạy tiếng Nga lần ấy là một thất bại hoàn toàn. Tôi có biết vài người từng bị buộc phải học tiếng Nga ở cấp 2, đến giờ họ vẫn còn tức về việc ấy.

Việc dạy tiếng Anh, tiếng Pháp đã thực hiện từ lâu, rất bài bản mà chưa đạt kết quả tốt, nay lại thêm tiếng Nga và tiếng Hoa. Lấy đâu ra thầy dạy 2 thứ tiếng nầy? Tiếng Nga thì tôi vừa trình bày trên, còn việc dạy tiếng Hoa?

Việc dạy tiếng Hoa, nhưng lại gọi là dạy chữ Nho, đã được bộ Giáo Dục miền Nam thực hiện vào những năm thập niên 1950 thế kỷ trước, sang giữa thập niên 1960 thì bỏ. Lúc nhỏ, tôi thấy ở nhà có quyển Tam Thiên Tự. Tò mò mở ra đọc thấy có vần, có điệu nghe vui tai: Thiên-trời, Địa-đất, Cử-cất, Tồn-còn, Tử-con, Tôn-cháu, Lục-sáu, Tam-ba …  Còn chữ viết tượng hình là đề tài cho tôi suy luận: số 1 là 1 gạch, số 2 là 2 gạch, số 3 là 3 gạch, để đứng vững 2 chân phải xoạc ra là chữ người (nhân), người quay lưng lại thì vào nhà (nhập), người 2 tay giang thẳng ra thì to hết cỡ (đại), trên to hết cỡ là trời (thiên). Khi quý bà, quý cô ở hết trong nhà (nhất là những người đẹp), ngoài đường sẽ không có tai nạn (an), có nam phải có nữ mới vui (hảo). Sau đó là những chữ nhiều nét, nhìn không ra hình, hết vui. Sự nghiệp Nho học của tôi đến đây chấm dứt.

Học chữ Hoa có lợi điểm là khỏi học văn phạm, chỉ cần học mặt chữ nhưng số chữ quá nhiều, và trong từng chữ có quá nhiều nét, quá phức tạp, học bao giờ cho xong? Tôi có hỏi ý kiến của những thầy dạy chữ Hoa lâu năm là phải mất bao lâu để có thể học giỏi chữ Hoa. Họ trả lời là chữ Hoa quá nhiều nên muốn giỏi phải mất thời gian rất dài và tự thân nỗ lực, còn 12 năm phổ thông chỉ đủ để HS đọc thông, viết thạo những gì bình thường! Chữ Hoa hiện có 2 khuynh hướng dạy và học: Hoa Lục giản thể, Hoa Đài Loan phồn thể. Giản thể tức tinh giản số nét trong từng chữ, nếu có thể được, nhờ thế một số chữ ít nét hơn, đơn giản hơn như vậy thời gian học sẽ ngắn đi, còn phồn thể (traditional) chủ trương giữ nguyên cách viết như từ xưa đến nay nên phức tạp, khó học hơn. (Tôi có tra cứu trên Google, Wikipedia và nhờ người tra cứu trên mạng Baidu [Trung quốc] nhưng không thấy bộ Giáo Dục Trung quốc công bố về thời gian rút ngắn được khi cho HS học theo cách giản thể.) Khuynh hướng giản thể nhờ ưu điểm chữ đơn giản hơn, thời gian học ngắn hơn lại chiếm số đông nên đang thắng thế, nhưng người chủ trương giữ nguyên chữ Hoa (phồn thể) cũng có lý của họ như trong trường hợp chữ ái. Họ nói: “Tự hào là chữ tượng hình mà chữ yêu (ái) của giản thể lại không có chữ tâm, hình tượng của trái tim. Không có trái tim thì làm sao mà yêu được!” Còn một điều nữa cực kỳ quan trọng là người đã học chữ phồn thể có thể hiểu chữ giản thể, nhưng người học chữ giản thể khi gặp chữ viết kiểu phồn thể thì… bó tay. Bộ Giáo Dục đã quy định HS nước ta học chữ Hoa dạng giản thể. Như thế, thế hệ trẻ Hoa Lục sẽ nhanh chóng đoạn tuyệt quá khứ, đoạn tuyệt Tứ Thư, Ngũ Kinh…, goodbye Lý Bạch, Bạch Cư Dị, Đỗ Phủ…  Một trong hai nền văn minh cổ của Châu Á nổi tiếng một thời sắp đi vào quên lãng vì con cháu không còn biết đến; vì có đọc được chữ đâu mà biết? Còn Việt Nam ta cũng được lợi lây: sinh viên ban Việt văn đại học Văn Khoa sẽ khỏi phải học chứng chỉ Hán Nôm.

Trở lại với việc dạy chữ Hoa, lấy đâu ra thầy? Hay vào Chợ Lớn mời bà con người Hoa đến trường dạy. Mà chưa chắc họ nhận lời đâu, vì với thu nhập và đãi ngộ cho giáo viên như hiện nay họ thà ở nhà bán hủ tiếu sống cho sướng, còn hơn mang tiếng làm thầy mà ví tiền xẹp lép, không biết làm gì để có thêm thu nhập cho đủ sống, còn dạy thêm thì vi phạm kỷ luật ngành (nếu trường của họ đã dạy tăng tiết chính khóa), mà việc nầy hiện đang được Bộ, Sở đẩy mạnh.

Tái bút:

  • Tôi có được tặng một cây bút trên có khắc dòng chữ: I MAKE A DIFFERENCE: I TEACH.

Tôi rất quý cây bút đó.

  • Tuy đi dạy chỉ có bằng tại chức của Đại học Ngoại Ngữ Hà Nội, nhưng tôi lại có may mắn được học chứng chỉ Ngữ Học Anh tại Đại học Văn Khoa Sài Gòn vào những năm 1974-75. Và tôi cũng cực kỳ may mắn khi học môn Phonetics & Phonemics với Tiến sĩ Watson, vị linh mục người Anh uyên bác ngữ học, người đã truyền cảm hứng khoa học nầy cho tôi. Nhờ thích nên nắm vững khoa học đó, và nhờ “bảo bối” nầy tôi rất tự tin, mạnh dạn khi dạy tại các trung tâm ngoại ngữ. Cũng nhờ kiến thức khoa học này tôi đã giúp được vài HS khắc phục khuyết điểm trong phát âm tiếng Việt, như không phát được âm /r/ (cá rô bỏ rổ nhảy rồ rồ -> cá gô bỏ gổ nhảy gồ gồ), hay không phát được âm /t/ (quảnh tù tì -> quảnh kù kì).

Sài Gòn, cuối tháng 10/2016.

Nguyễn Hoàng Long <[email protected]>

 

 

 

Có 1 bình luận về NHỮNG CHUYỆN KHÔNG THỂ CƯỜI VỀ DẠY NGOẠI NGỮ

  1. Thật là buồn và đáng tiếc, trong thời đại mà bằng cấp thì thật to, thật kêu nhưng khả năng thật sự lại không tương xứng, chẳng trách nào trình độ của học sinh xuống dốc một cách thảm thương. Rất thông cảm với những trăn trở của Nguyễn Hoàng Long trong việc dậy sinh ngữ, phải những người ở trong ngành mới thấy rõ những yêu lẫn khuyết điểm để mà không cười được về việc dạy ngoại ngữ.

Trả lời Lê Thân Hồng Khanh Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác