CHUYỆN KHÔNG THỂ CƯỜI TRONG DẠY ANH VĂN

Ngày đăng: 6/11/2016 09:27:18 Chiều/ ý kiến phản hồi (10)

Tôi biết hiện nay khá nhiều thành viên trang nhà đã và đang là giáo viên, còn trang nhà là “sân chơi” của các cựu học sinh, nơi chúng ta nhắc lại những việc hơi xưa, nói ra những gì còn ưu tư, trăn trở, những gì còn vướng mắc sau thời gian dài sống bằng nghề  “kỹ sư tâm hồn”, nếu nói một cách sống sượng là “nghề đưa đò”. Tôi còn nhớ trong bài vọng cổ Tâm sự ông lão chèo đò, danh ca Út Trà Ôn có hát câu: “… bàn chuyện thế thái nhân tình lão chẳng nhượng gì ai.” Vâng, nội tâm và ngoại cảnh đã hội đủ, thế thì: Thừa giấy tại sao chẳng vẽ voi? Người Tây Tạng khi có tâm tư, nguyện vọng gì họ sẽ viết điều ấy lên một mảnh vải rồi gắn vào sợi dây căng giữa hai trụ trồng trên sườn đồi cao để gió thổi làm mảnh vải tung bay, như vậy tâm tư, nguyện vọng ấy sẽ được gió truyền đến đấng tối cao. Chúng ta đã có trang Web. Hãy nói ra cho nhẹ lòng, dù chỉ là “gửi hương cho gió”!lop-hoc-tieng-anh-tre-em
•  Khá nhiều điều tôi viết ra đây là những việc rất nhỏ: một biến tướng mẫu tự ở chữ viết của cả giáo viên và học sinh, một vài âm các em không phát được… những việc nhỏ nhưng phổ biến nầy không biết có đáng Bộ GD để mắt đến? Là giáo viên phổ thông tôi biết dạy gì đây nếu không phải những việc nhỏ nhoi như sửa mẫu tự viết sai, giúp các em phát được một vài âm khó phát?
• Tôi không phải là giáo viên tiếng Anh chính quy, không tốt nghiệp ĐHSP chuyên ngành tiếng Anh, chỉ có bằng cử nhân tại chức. Do nhu cầu kiếm sống, tôi phải bươn chải dạy thêm tại các trường tư, trung tâm ngoại ngữ, lớp luyện thi, dạy kèm trong TP. HCM, nên trong quá trình dạy học tôi có vài nhận xét xin được nêu ra đây. Những nhận xét của tôi có thể chủ quan, phiến diện, thậm chí không chính xác. Rất mong được thầy, cô, các bạn và những người có liên quan bổ sung, chỉnh sửa, … góp phần gửi hương cho gió. Những điều tôi viết ra đây, dù cố thật khách quan, vẫn có thể đụng chạm đến những cá nhân nào đó. Đây là điều tôi không mong muốn vì theo tôi: Mọi thầy, cô giáo ở Việt Nam nếu dạy học với cái tâm và nhiệt tình của người thầy  đều đáng được vinh danh Anh hùng Lao động, nhất là sau 30/04/75, mặc dù trước đây xã hội xem họ là… chuột chạy cùng sào!
• Thật ra bộ sách giáo khoa Tiếng Anh cấp lll của bộ Giáo Dục hiện đang dạy đã bị “đề án tử” từ lâu, vấn đề chỉ còn là thời gian. Tôi viết bài nầy không phải là việc “té nước theo mưa, hay dậu đổ, bìm leo”, tôi viết một phần cũng vì những học sinh của tôi, những chủ thể thụ hưởng chương trình ấy.
DẠY TIẾNG ANH Ở TRƯỜNG CẤP III
Bộ sách giáo khoa cấp lll hiện nay gồm 3 quyển, dành cho 3 cấp lớp, đã dùng giảng dạy hơn chục năm qua, (chỉ có student book, không teacher book) tác giả là các thầy, cô: Hoàng văn Vân (Tổng chủ biên), Hoàng Thị Xuân Hoa, Đào Ngọc Lộc, Vũ thị Lợi, Đỗ Tuấn Minh, Nguyễn Quốc Tuấn. Mỗi quyển có kèm theo dĩa để luyện phần nghe.
Mỗi quyển mở đầu bằng “Lời nói đầu” hướng dẫn cách dạy và học quyển sách, các kỹ năng được vận dụng trong mỗi phần. Kế tiếp là phần Book Map (thay cho Table of Contents) với 5 cột: reading, speaking, listening, writing và language focus. Phiên âm trong sách theo hệ thống IPA (International Phonetic Association). Tiếp theo là phần bài học được chia thành các unit (bài, mỗi quyển thường thiết kế thành 16 unit nhưng thường không dạy đủ). Sau phần chính nầy có Glossary (mục lục từ) ghi lại những từ mới trong mỗi unit, cách đọc và nghĩa của những từ nầy. Sau sách có trang hướng dẫn cách đọc và các ký hiệu phiên âm theo IPA. Mục lục sách đặt ở trang cuối. . Sách sử dụng rất nhiều tư liệu, bài viết, bài thơ, ảnh chụp minh họa của các cơ quan, tổ chức, tác giả nước ngoài nhưng hoàn toàn không thấy đá động gì đến tác giả và tác quyền, hay ít nhất là lời cảm tạ. (Hy vọng là bộ sách nầy được soạn trước ngày 26-10-2004, ngày nước ta ký tên đồng ý thực hiện Công Ước Berne về tác quyền, để tránh khỏi nguy cơ bị thưa ra tòa. Thật ra phía sau quyển lớp 12 có ghi dòng chữ: “Một số hình ảnh sử dụng trong cuốn sách này được tải từ trang Web www.flickr.comwww.google.com “, còn quyển lớp 10 và lớp 11 thì không có.) Trong bộ sách có một số hình vẽ hơi thiếu thẩm mỹ, có thể đơn cử hình trên trang 12, unit 1, quyển lớp 12. Nhìn vào có thể đoán đó là hình vẽ của … một người Việt Nam nào đó! Cuối sách có ghi “Minh họa”: Nguyễn Bích La, Lê Phương …, không biết đó có phải là tên  tác giả các tranh?
Trong quyển Tiếng Anh 10 có một số bài như trong unit 1 bài A DAY IN THE LIFE OF… trang 12-13, hay unit 4 bài SPECIAL EDUCATION trang 44-45, theo suy nghĩ của tôi, do các thầy Việt Nam viết. Thú thật, lần đầu dạy lớp 10, khi đọc trước những bài nầy ở nhà tôi cảm thấy ngượng nên lúc vào lớp chỉ giải thích cho học sinh những từ mới, những điểm văn phạm cần lưu ý có trong bài rồi cho qua sau khi nói với các em học sinh câu: “Bài nầy dễ mà. Các em tự đọc nhé.” (Theo tìm hiểu của tôi, khi dạy đến bài nầy một số giáo viên khác cũng có cách hành xử tương tự.) Các thầy viết bài nhưng, theo tôi nghĩ, có hiểu biết rất hạn chế về nông nghiệp, đời sống nông dân, và ngành trồng lúa. Theo tôi hiểu, ý của người soạn sách là trong một đoạn văn ngắn các thầy muốn giới thiệu thật nhiều những sinh hoạt của nông dân, thật nhiều những công đoạn của việc trồng lúa. Khổ nỗi đây là sách giáo khoa, hay nói nôm na là sách học, không phải là sách để … đọc cho biết qua. Viết như thế sẽ vẽ ra hình ảnh nông dân nước ta “quý tộc” quá! Mất đi hình ảnh chịu thương, chịu khó, một nắng hai sương của người nông dân mà bao đời chúng ta đã có, mà thật sự bản chất nông dân ta vốn là thế. Mới làm việc một tí là nghỉ giải lao, nghỉ hơn 30 phút để còn đi…tám, ra đồng lúc 5.30 giờ mà đến 10.30 giờ đã về nhà nghỉ, ăn cơm rồi … ngủ trưa trong một tiếng! Không biết con trâu, tài sản quý giá thứ nhì sau mảnh đất, bỏ ngoài đồng cho ai? Còn làm việc rất khẩn trương, tranh thủ: Hai vợ chồng cùng sửa bờ ruộng, rồi chồng bơm nước vào ruộng trong khi vợ cấy lúa… Diễn tả như vậy học sinh sẽ ngộ nhận việc trồng lúa cũng giống như … việc ráp chiếc xe đạp: Chỉ cần bắt bánh xe, tay lái, giò đạp…, nói chung là các bộ phận, vào sườn xe là có chiếc xe. Hay bài A TEACHER IN A SPECIAL CLASS  của unit 4. Rất khó tìm ra một giáo viên như cô Pham Thu Thuy, người có thể dạy lớp gồm 25 trẻ khuyết tật với một số em không nói được, một số em khiếm thính, các em còn lại có trí tuệ chậm phát triển! Hay cũng vì thế nên bộ Giáo Dục nghĩ giáo viên nước ta gồm toàn những người như cô Thu Thuy nên có thể dạy tốt tiếng Anh với đầy đủ 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cho lớp học có sĩ số suýt soát 50 hay nhiều hơn? Tôi đồng ý, đã là con người thì phải có sai sót, huống hồ đây lại là một bộ sách. Một bộ sách ít nhiều gì cũng có sai sót. Thậm chí bộ English for Today (EFT) mà còn có sai sót nữa là. (Quyển 3: The Way We Live [màu xanh lá], bài số 5: On A Farm, trang 29, dòng 28 ghi  “… .Then she planted pumpkin seeds in the thatch of the roof.” Theo tôi, nếu tác giả bài viết là người Mỹ, thì đây là một lỗi lầm khó tha thứ. Bí ngô [bí rợ] là loại nông sản được trồng từ ngày nước Mỹ mới thành lập. Bí ngô luôn hiện diện trong 2 ngày lễ: Thanksgiving với món bánh pumpkin pie, và Halloween với đèn đầu lâu bí ngô  Jack-O-Lantern. Dân Mỹ mà không biết bí ngô được trồng ở đâu!
CÁCH DÙNG TỪ
Một số từ dùng trong sách phải nói là hơi xưa. Như từ “nữ tiếp viên hàng không”, năm 1971 – 72 tôi học trong English For Today  đã là “airline stewardess”, hiện nay đang gọi “flight attendant” còn trong sách thì dùng từ … “air-hostess”, chắc phải được sử dụng từ thời … ba tôi còn đi học tiếng Pháp vì lúc ấy nữ tiếp viên hàng không mới được gọi là “ô-tét đờ le”!
Từ Việt Nam chế (?)
Với các động từ nguyên thể đã có tên gọi “to” infinitive hay bare infinitive (infinitive without to), có giáo viên sử dụng ký hiệu V 0 (hay V0?),  lại có giáo viên dùng ký hiệu V1 (hay V1?), thì quá khứ (past tense) dùng ký hiệu V 2 (hay V2), còn quá khứ phân từ (past participle; đã có chữ viết tắt chính thức là p.p.) thì dùng ký hiệu V3 (hay V3). Tôi nghĩ dạy tiếng Anh nên dùng trực tiếp từ tiếng Anh vì từ chế không thống nhất (infinitive là V0/V0 hay V1/V1?) gây khó khăn cho HS, còn nói chế ra như vậy cho học sinh dễ học lại càng không đúng, ai đời dạy tiếng Anh mà không dùng tiếng Anh, thế thì dạy cái gì? Để học sinh phải dùng những ký hiệu không có trong tiếng Anh có khi tạo ác cảm: 1/ Với người Anh: V1, V2 là tên gọi những vũ khí (Vengeance: báo thù, hình như cũng có V3 nhưng do thua sớm, chưa kịp mang ra sử dụng) của Phát xít trong thế chiến thứ hai gây nhiều thương vong, thiệt hại. 2/ Với những bà vợ Việt Nam: V2, hay V3 là những kẻ thù không đội chung… mái nhà!
CHỮ VIẾT
Có một biến thể mẫu tự (letter) hiện khá phổ biến ở cả học sinh và một số giáo viên (nhất là các cô trẻ, mới ra trường) là mẫu tự “f” dạng viết thường (small). Học sinh Việt Nam nhất là ở miền Nam vốn quen viết mẫu tự nầy theo tiếng Pháp dạng chữ thảo (cursive), có lẽ do phải viết nhiều, để đơn giản các em bỏ luôn cái nghéo trên đầu thế là thành mẫu tự j (nhưng không có dấu chấm trên đầu). Lần đầu tôi phát hiện mẫu tự được viết kiểu nầy ở một cô giáo là vào những năm 1980, khi tôi làm giám thị 2 gác thi tốt nghiệp phổ thông, còn cô là giám thị 1, chung phòng. Khi thấy cô viết trên bảng các chữ (word) có mẫu tự f được viết theo kiểu “phăn (?)” (fantasy) thiếu cái nghéo trên đầu, tôi không dám có ý kiến do sợ đụng chạm. Tôi phải chờ cô đi khỏi rồi mới lấy phấn lên bảng sửa lại các mẫu tự f cho đúng. Phải nói biến thể nầy hiện nay khá trầm trọng. Giữa những năm 2000, khi tôi dạy ngoại ngữ tại khu ngã tư Hàng Xanh, nơi được mệnh danh là khu “trung tâm ngoại ngữ” vì có hơn 20 trung tâm dạy ngoại ngữ trên một đoạn đường ngắn, tôi phải mất thời gian sửa sai chữ viết nầy cho học viên, chủ yếu là sinh viên các trường đại học gần đó. Đầu tiên tôi copy trang mẫu tự tiếng Anh với cách viết hoa và viết thường ở phần cuối quyển 1 (màu vàng) English For Today  rồi phát cho từng học viên xem. Các em không dễ dàng tiếp nhận sửa sai của tôi, và lý luận, “Ai cũng viết như thế. Do thầy, cô ở trung học dạy viết như vậy mà! Đâu thấy ai sửa?” Cho đến khi tôi về nhà nghĩ và nhớ ra được chữ “jive”. Thế là buổi dạy kế tôi vào lớp viết chữ “five” cạnh chữ “jive” (chữ jive tôi viết cố tình không có dấu chấm trên đầu mẫu tự j) lên bảng rồi hỏi các em có khác biệt không. “Đánh hơi” được cái bẫy của tôi, rất ít em có ý kiến là không khác biệt. Tiếp đó tôi nói nghĩa của chữ “jive” các em mới chịu ngưng phản đối (nhưng không biết có chịu sửa không?).
Đặc biệt khi viết tiếng Anh tôi thích viết chữ “I” (tôi, nhân vật đại danh từ, ngôi thứ 1, số ít) theo lối chữ thảo viết hoa. Chính mẫu tự nầy làm cho bản văn viết tay tiếng Anh khác bản văn viết tay, cũng theo mẫu tự Latin, các thứ tiếng khác như Việt Nam, Pháp, Tây Ban Nha… Thời tôi học, nhiều thầy cô viết chữ “I” theo cách nầy. Khi dạy, tôi khuyến khích học sinh viết theo cách nầy nhưng kết quả không khả quan lắm. Các em nói viết kiểu ấy khó quá. Viết chữ “I” kiểu số 1 La Mã (I) dễ hơn. Lần ông Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Moon thăm Việt Nam giữa năm 2015 , khi đến thăm nhà thờ tộc Phan Huy ở ngoại ô Hà Nội, ông có ghi lại lưu bút bằng tiếng Anh với những chữ “I” thật ấn tượng. Đây là niềm cảm hứng để tôi quảng bá kiểu chữ viết ấy. (À, trong lưu bút, ông Ban Ki Moon nhận gốc là người Việt với tên Việt là Phan Cơ Văn.)  Hiện nay hình như rất ít thầy, cô Việt Nam viết kiểu nầy. Trái lại những thầy, cô người nước ngoài (Philippin, Ấn, Singapore… ) cũng dạy chung với tôi, dù tiếng Anh không là bản ngữ (mother tongue) của họ nhưng vẫn viết chữ “I” theo cách như tôi. Đây chỉ là thị hiếu.
PHỤ ÂM (CONSONANT SOUND) KHÔNG NÓI ĐƯỢC
Một thiếu sót khá nghiêm trọng khác là đa số học sinh không phát được 2 âm khe răng (interdental)  là âm /Ɵ/ và âm /ð/ . Muốn phát đúng 2 âm nầy người nói phải đặt chót lưỡi nằm giữa 2 hàm răng. Một việc làm… hơi bị khó cho các em, do tiếng Việt ta không có 2 âm nầy và thầy, cô không chú trọng rèn luyện cho các em ngay từ lúc mới bắt đầu học nói tiếng Anh để có thể trở thành phản xạ (ngay từ lớp 6), trong khi tình cờ tiếng Việt ta có thể nói chữ  thi với phụ âm trước nguyên âm tạo ra bằng cách đẩy phần trước của lưỡi chạm vào vòm miệng sau nướu răng, trùng với cách phát âm fronto-palatal của tiếng Anh khi phát các âm /ʧ/, /ʤ/, /ʒ/… (SOS, SOS, MAY DAY, MAY DAY!!!!! Tiếng Việt ta âm “fronto-palatal” gọi là âm gì, các bạn dạy tiếng Việt, các bạn rành ngữ học Việt giúp mình gấp. Mình đã hỏi cụ Google và bà Tám… Wiki nhưng không ai đưa ra được từ tiếng Việt!) Nếu phát âm với cái lưỡi… lười như thế thì đọc chữ thicket [‘Ɵikit] (rừng thưa, bụi cây) và ticket [‘tikit] (vé, biên vé) sẽ không phân biệt. Còn với âm /ð/ do không phát được âm nầy, các em sẽ dùng âm/d/ thay thế, và như vậy đọc chữ they và day như nhau [dei]. Khổ nỗi âm /ð/  tiếng Anh dùng rất nhiều như trong các chữ: the, this, these, that, those, they, them, their, though, then, than…
LUYỆN NGHE
Với dĩa CD luyện nghe kèm theo sách giáo khoa có nhiều trường sử dụng khá tốt. Đến giờ luyện nghe, GV mang máy phát CD lên lớp mở cho HS nghe. Cách làm nầy  bị hạn chế vì số HS quá đông, công suất máy không đủ to cho mọi HS nghe vì là máy phát CD xách tay (portable CD player), còn dồn 50 HS ngồi sát nhau ở vài bàn đầu sát bàn GV cho dễ nghe thì các em giởn, không tập trung nghe, còn câu ra loa ngoài (có trường có trang bị) thì âm bị nhiễu, nghe không được. Trường có phòng lab thì luyện nghe ở phòng lab nhưng lớp được học, lớp không vì cả trường chỉ có 1 hay 2 phòng lab và rất khó xếp lịch sử dụng lab để tất cả các lớp của trường đều học được, không đụng giờ nhau. Vì máy CD mới khá đắt tiền nên đa số trường ra chợ Nhật Tảo mua về 5 – 3 cái máy second-hand và giữ ở phòng thiết bị, khi cần GV lên phòng thiết bị ghi sổ mượn về lớp dạy. Mỗi trường chỉ có một nhân viên thiết bị nên việc gặp nhân viên nầy để mượn hay trả máy cũng có lúc khó khăn. Rồi một thời gian sau có máy bị hư, ổ điện lung lay không dẫn điện, hay sui gặp hôm cúp điện … , gặp khó khăn, GV nản. Thế là ở nhiều trường phần luyện nghe được… tinh giản!
Thiển nghĩ, dạy tiếng Anh giống như xây nhà. Muốn xây nhà cao, xây building cần nền móng cho thật vững. Cần thầy, cô có trình độ, và có tâm, dạy cho các em ngay từ lúc bắt đầu học lớp 6.
Với điều kiện cơ sở vật chất, con người như hiện nay phương pháp giảng dạy tiếng Anh ở nước ta vẫn và sẽ chỉ là Grammar – Translation, không thể làm khác được. Biết bao nhiêu góp ý của giáo viên như: Một giáo viên không thể nào dạy nói cho thật tốt khi trong lớp có khoảng 50 học sinh; Lớp với sĩ số khoảng 25 là thuận tiện để dạy; Cần chia đôi lớp mới dạy tiếng Anh tốt được… Những góp ý đó không biết được gửi đến đâu vì không hề thấy phản hồi! Có biết bao chuyến xuất ngoại nghiên cứu, tham quan, học hỏi việc giảng dạy tiếng Anh ở nước ngoài cho các thầy ở Bộ, ở Sở nhưng cái dễ thấy nhất là ít có nước nào dạy tiếng Anh với lớp sĩ số suýt soát 50, hoặc nhiều hơn, thì hình như các thầy có đi mà không nhìn thấy. Ở đây tôi phải viết “ít có nước nào” vì tôi không biết việc giảng dạy tiếng Anh ở 2 nước đông dân nhất thế giới là Ấn Độ và Trung Quốc, mỗi lớp sĩ số bao nhiêu! (Theo quy định của bộ Giáo Dục, mỗi tiết dạy 45 phút phải thực hiện đủ “5 bước lên lớp” gồm: ổn định lớp-kiểm tra bài cũ-giảng bài mới [nội dung chính]-củng cố bài mới-hướng dẫn học ở nhà. Cắt bỏ đi phần “râu ria”, như vậy chỉ còn khoảng 40 phút dạy. Như vậy một phép tính chia đơn giản 40/50 là thấy ngay ảnh hưởng của sĩ số.)
Còn với thầy, cô. Bên cạnh áp lực kinh tế cho đời sống, giáo viên còn bị áp lực về điểm số, áp lực về kết quả học tập của học sinh. Thế là giáo viên dạy theo hướng đối phó bài thi: Cho làm thật nhiều bài tập áp dụng văn phạm, bằng mọi cách tăng số vốn từ (vocabulary). Năm 2015 một học sinh ở huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau thi tốt nghiệp PTTH môn tiếng Anh 30 điểm, điểm tuyệt đối và cao nhất nước chỉ với bí quyết: Mỗi ngày em học 50 từ tiếng Anh. Thế là có những thầy, cô dạy tiếng Anh khi hỏi bài cho học sinh viết: Học sinh được gọi lên bảng thì viết lên bảng những từ được thầy, cô hỏi về trọng âm, từ đồng nghĩa, từ phản nghĩa, từ phát sinh…, tất cả học sinh khác cũng phải viết tất cả những từ ấy lên giấy, mục đích để mọi học sinh trong lớp học thuộc từ. Sáng kiến hỏi bài nầy rất hay, rất đáng trân trọng trong khung cảnh hiện nay, đáp ứng tốt cách thi, nhưng làm như vậy không phải dạy “nói tiếng Anh” mà là dạy “viết tiếng Anh” hay dạy làm “thư ký tiếng Anh”.
Trong những nỗ lực nhằm nâng cao kết quả học tiếng Anh, nhất là kỹ năng nói cho học sinh thành phố, một số trường đã có những sáng kiến như thuê người bản ngữ (native speaker như Anh, Mỹ, Canada, Úc…) dạy nói cho học sinh trường, không tìm được giáo viên bản ngữ (do ít có và nếu có thì đòi thù lao cao: 15-20 USD/giờ, trường không trả nổi) thế là thuê người Philipin, Ấn Độ… vào trường dạy. Việc làm nầy kết quả cũng chưa cao vì người bản ngữ nói tiếng Anh thì không chê vào đâu được nhưng khả năng truyền đạt, khả năng sư phạm lại không có, trường không đưa ra hướng, mục tiêu dạy (?), thế là họ phải … “đánh võ tự do”. Còn khả năng nói tiếng Anh có chuẩn hay không của những thầy gốc Phi, gốc Ấn thì cần xét lại. Tôi có thời gian dạy kèm một em học sinh lớp 9 của một trường cấp 2 nổi tiếng trong thành phố. Trường em học có thuê thầy nước ngoài vào dạy nói tiếng Anh cho học sinh 2 tiết/tuần (dĩ nhiên là phụ huynh học sinh phải đóng thêm tiền), còn thầy, cô VN sẽ dạy 2 tiết về văn phạm và từ vựng (theo chương trình của bộ Giáo Dục, lớp 9 có 3 tiết tiếng Anh mỗi tuần). Lúc đầu phụ huynh của em rất phấn khởi, nhưng trong thời gian nghỉ tết họ có thời giờ kiểm tra lại việc học, nhất là tiếng Anh, của em thì lộ ra sự thật phủ phàng: Em nói tiếng Anh không khá hơn mà chương trình học chưa thanh toán xong, bài tập làm rất ít vì với 2 tiết/tuần thầy, cô VN không thanh toán kịp, trong khi ngày thi chuyển cấp (vào trường cấp 3) gần kề, chỉ còn hơn 3 tháng. Trong lúc bối rối họ bèn nhờ bạn bè tìm thầy dạy … chữa cháy cho con gấp. Thêm một “con chuột bạch” của ngành giáo dục.
Năm này đa số các trường thành phố thực hiện tăng tiết chính khóa. Như ở lớp 10, theo chương trình của bộ Giáo Dục môn tiếng Anh có 3 tiết/tuần (mỗi tiết có 45’). Đa số các trường sẽ xếp cho các em học 6 tiết tiếng Anh/tuần, như vậy 3 tiết tăng thêm là 3 tiết tăng chính khóa (bắt buộc HS phải theo học). Các cấp lớp khác như lớp 11, số tiết chính khóa là 4 như vậy sẽ có 2 tiết tăng chính khóa, tổng số tiết học tiếng Anh là 6. Số tiết học được tăng cao như vậy có thời gian để dạy cho HS nhiều điều, làm nhiều bài tập hơn nhưng việc dạy nói thì chưa cải thiện nhiều vì vẫn vướng vấn đề sĩ số. Làm tốt việc dạy nói tiếng Anh với thời lượng tăng tiết chính khóa như hiện nay là khả thi nhưng bên cạnh vấn đề sĩ số còn cần ở trên (bộ, sở) đề ra được hướng dẫn  dạy nói, mục tiêu, cho từng cấp lớp, và thực hiện ngay từ lớp 6, vì từ nhiều năm qua giáo viên ít dạy nói, cả thầy và trò đều đã quen cách học đó. Khi dạy, tôi khuyến khích các em nói tiếng Anh qua câu nói đùa: “Thôi, chuyển qua kênh CNN xem đi cho nó xịn. Tập xài đồ ngoại cho quen.” Có em trả lời, “Em xem kênh thuần Việt quen rồi!” Câu trả lời của em khiến những người dạy tiếng Anh như tôi phải suy nghĩ.  Bên cạnh đó là tâm lý thực dụng của giới trẻ hiện nay. Phải có cách khuyến khích các em chịu luyện nói tiếng Anh, vì nhìn vào sổ điểm của giáo viên, sổ điểm lớp hiện nay chỉ thấy: Điểm kiểm tra miệng tức hỏi bài; giáo viên VN không phải là… nha sĩ mà có thể kiểm tra mồm, kiểm tra răng! Tại sao không dùng từ “Hỏi Bài”?), điểm kiểm tra 15 phút, điểm kiểm tra 1 tiết, điểm kiểm tra học kỳ. Hết. Không có đánh giá phần nói. Việc nầy là bắt buộc vì học sinh tuổi trẻ, nông cạn và thực dụng. Các em chỉ chịu học và làm những gì mang lại kết quả cụ thể, tức là … có chấm điểm!
(Còn phần hai)

Nguyễn Hoàng Long

Có 10 bình luận về  CHUYỆN KHÔNG THỂ CƯỜI TRONG DẠY ANH VĂN

  1. Chú thích thêm:Người viết bài đang trong giai đoạn “xóa mù vi tính” nên mong người đọc thông cảm.

    • Khi soạn, bài được soạn trên Word nhưng gần đây không hiểu sao không thực hiện được việc biến thành file gửi kèm mail để giữ nguyên định dạng in đậm, in nghiên… đành phải copy vào mail. Sẽ rất khó hiểu khi đọc, mong thông cảm.
    • Người viết cũng không biết cách gửi hình minh họa cho bài, đề nghị vào account facebook của Hoang Long Nguyen để xem 6 hình có liên hệ. Xin hứa sẽ cấp tốc học lớp xóa… mù vi tính.
  2. Trương phú nói:

    Chào anh Hoàng Long, anh viết rất hay, rất đạt, một đôi khi chúng ta bất tòng tâm trong vi tính, theo ý của tôi, dùng vi tính chúng ta học mãi vẫn không rồi, vậy là tiến bộ lắm lắm. Sử dụng phần nào mà mình cảm thấy thiếu sót, thì tìm, hỏi bạn, bạn không chỉ thì mình – CHÊ NÓ-

    Chào anh. Chúc vui

  3. Không thể nào góp ý với Hoàng Long trong vấn đề sách giáo khoa Anh Văn cũng như cách giảng dạy Anh ngữ hiện nay, tuy vậy tôi cũng có thể đưa ra vài nhận xét về những khuyết điểm trong cách phát âm mà người Việt khi học tiếng Anh hay mắc phải. Ngoài sự khó khăn trong việc phát âm chữ “th” chúng ta thường quên không phát âm những phụ âm tận cùng ( ending) của một chữ; phụ âm tận cùng là “l” thường được phát âm thành “n”. Khi học khoá tu nghiệp tại New Zealand, các giáo sư hướng dẫn cũng thường đề cập đến những khuyết điểm tiêu biểu mà dân của các nước khác nhau thường mắc phải khi nói tiếng Anh, nhờ sự lưu ý này mà khi trở về nước của mình, các nhà giáo sẽ giúp cho học sinh của mình học tiếng Anh có hiệu quả hơn và phát âm đúng hơn.

     

     

    • Dạ đúng, học sinh VN khi nói tiếng Anh thường không phát đủ chùm phụ âm cuối (ending consonant sound cluster) nên khi nghe dân bản ngữ phát âm đủ kèm theo link sound thì bó tay, không hiểu được, mặc dù câu hết sức đơn giản:

      He liked you.

      Còn để phát được âm /l/ thì phải nghiên lưỡi, đãi hàm dưới. Khó quá. Tinh giản luôn. Như vậy 2 chữ: word và world được phát âm giống nhau.

      • Phản hồi:

        Em hơi bất ngờ với việc mấy thầy Tân Tây Lan cho rằng HS Việt Nam nói tiếng Anh không phát được âm /l/ bèn thế bằng âm /n/. Em nhớ ra rồi. Có một số HS người Bắc nói chữ “world” là [wənd], và khi đọc chữ “the” cũng không đọc được âm /ð,/ bèn biến thể thành âm /ʒ/. Như vậy các em sẽ đọc chữ “the  world” thành [ʒə wənd]. Cứ mở TV lên là có thể nghe.

        Còn câu “He liked you.” Nếu đọc chậm như ta: [hi:  laikt  ju:]

        Nhưng dân bản ngữ nói nhanh nên nối và biến âm thành: [hi: laik ʧu:]

        Như vậy các câu chào sẽ nghe rất lạ:

         

        [nais tə ‘mi: ʧu]  hay [si: ju: ‘neks ʧiə]

  4. Hoành Châu nói:

    Hoàng Long thân mến ,
    Đồng  ý hơn một nữa những gì bạn viết ,, tình thật HC không dạy  học sinh tư riêng  của mình theo tinh thần SGK hiện hành   do  BGD xuất bản ,,, vì  ngoài các  lý lẽ  bạn vừa đơn cử , HC thấy nội dung sách  lộn xôn và ôm đồm   quá  , chương trình mình biên  soạn ( Sách trước và sau GP , của cả Anh lẫn Việt ) mình dạy rất hứng thú  và vì hệ thống   chặt chẽ  , luôn được Phụ huynh ưa chuộng , nên đem con , cháu tới học đông ,,, vậy là HC dạy cái gì ?   Mở 2  nhóm  Căn Bản Ngữ Pháp Tiếng Anh riêng dành cho HS MẤT CĂN BẢN vì lười  ,  một  lớp  dành  riêng cho  HS Giỏi,  mở  2 nhóm đàm thoại riêng( khi  Học viên đã qua khóa  đào tạo  Căn BẢN nGỮ pHÁP,) lớp này chuyên buổi chiều tối  có sử dụng  phần Listening and Speaking  on line  and practice  những  bài nghe  qua băng,, ( có tài liệu rồi sau đó “Free” luôn ) , nói đúng ,, có sửa sai , luyện nói theo đề tài , cho hs tìm trước ở nhà các từ theo tình huống     ),,,Tất nhiên , mỗi  buổi học ta đều phát triễn đồng đều các năng khiếu (tùy theo trình độ của nhóm mà  ta  dạy  từ  vựng  dễ hoặc khó , từ vựng  đơn giản hoặc phức tạp )  Nói nữa là bao nhiêu tờ A4 cho đủ. Thôi nhé,,,bốn  . nhóm là nhấn kèn TIN,TIN ” rồi !       Hai tuần nữa là nhóm Vĩnh Long vui thú Bến Tre nữa chớ ! Chúc bạn vui  .       Hoành Châu (Gia đình C  )

     

  5. Trịnh Như Thuỳ nói:

    Kinh tế hoàng hôn … ,  nhà nhà mướt mồ hôi kiếm sống …  ! Nhiều nhà giáo trở thành con buôn, nhăm nhăm làm giàu với nghề dạy học … . Những người thầy đến tận lúc nghỉ hưu vẫn ưu tư, trăn trở với nghề … . Thật đáng quý biết bao !!!

  6. Phong Tâm nói:

    Nguyễn Hoàng Long thân mến,

    Bài viết của bạn, hôm nay tôi mới có thì giờ đọc, bạn viết rất chính xác, đúng từng chi tiết… nếu ai đã từng có làm nghề dạy học trong thời gian từ sau 75 tới giờ nầy, mới hiểu được nỗi băn khoăn của người thầy có “lương tâm” với nền dạy học hiện nay. Đơn cử một chuyện nhỏ mà không nhỏ chút nào như sĩ số lớp học, ở đâu thì tôi không biết chớ ngay chỗ tôi chưa bao giờ lớp dưới 50 em, như vậy, xin hỏi thầy cô có bao quát chu đáo không, sẽ tự biết chất lượng như thế nào rồi. Tôi đã nghe quý ông xuất ngoại học tập về nói nay đã trên 20 năm: ” cải cách gd, cải cách lớp học”, đổi mới sách Giáo khoa, phân bổ lớp; học sinh dưới 25 em là lý tưởng, lý tưởng thiệt, vì lý tưởng là khởi hành, mả không đi thì bao giờ tới đích, mà có đi thì cũng giống như cải cách sách GK,  kiểu như  “con kiến leo cành cụt, kiến trong miệng chén” như chúng ta đã thấy cải cách sách GK trong nhiều năm qua rồi đó! (?)

    Tôi lỡ dốt nát tiếng Anh (nghe, nói) không xong, tiếng mẹ bập bõm còn phải học thì học được tiếng gì nữa, quỹ thời gian ưu đãi có giới hạn, biết sao được! Đọc bài của bạn, nhiều từ tôi chỉ áng chừng… nghĩ thương cho số phận tương lai… mà nói chẳng nên lời.

    • Chào chú Phong Tâm,

      Ngay từ bây giờ cháu sẽ tìm bản vọng cổ Tâm Sự Ông Lão Chèo Đò tập ca cho nhuyển để lần sau về VL gặp Chú, hai chú cháu mình song ca thật mùi, nhất là câu: “… bàn chuyện nhân tình lão chẳng nhượng gì ai.” Chúc Chú khỏe, sáng tác hăng say để cùng chúng cháu… gửi hương cho gió.

Trả lời Phong Tâm Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác