Những ngày hè nơi quê ngoại

Ngày đăng: 16/09/2016 12:07:20 Sáng/ ý kiến phản hồi (12)

Mấy năm gần đây, cứ gần ngày kỷ niệm giỗ mẹ là chúng tôi bắt đầu nảy thêm chọn lựa:

– Năm nay mình đốt nén hương xin lỗi má cho phép nghỉ cúng giỗ lần nầy.

Hai lễ giỗ ba và má được tổ chức hàng năm tại gian nhà cũ của cha mẹ để lại ở Tam Bình. Và  anh chị cũng chưa từng  uỷ quyền cho tụi tui làm “sub” giỗ ba má nơi trời tây. Tuy không quên bổn phận đóng góp chút ít bánh trà với anh chị, nhưng tụi tui vẫn tươm tất cơm canh giỗ ba má mỗi năm. Mâm cúng tại đây  lớn nhỏ không quan trọng, chỉ là để anh em tụ họp và con cháu có dịp tưởng nhớ đến ông bà nguồn cội.

Rồi thời gian có tác dụng  như nước chảy đá mòn, sức khoẻ tụi tui mỗi ngày yếu kém mà con cháu càng lớn chúng càng bận bịu, càng hiếm người phụ giúp việc sửa soạn tiệc tùng làm những món truyền thống như những ngày ba má còn mạnh giỏi. Tự biết sức mình, nên tấn thối lưỡng nan,  định bụng giảm bớt việc giỗ quảy vốn không phải trách nhiệm của mình.  Nhưng ký ức vang lên khi sắp đến ngày kỷ niệm. Hình như có cái gì bức rức, cảm thấy canh cánh nỗi niềm thương nhớ các đấng sinh thành.

Rồi quyết định y như cũ, mâm bàn dưa muối đơn sơ  thì việc đầu tiên là mời khách. Chung quận cùng thành phố thì có anh em và con cháu ở cách nhau không quá 3 tiếng hú chuyền. Thân thuộc ở xa thì vợ chồng Lúa Lụa chia nhau gọi xuống mấy đứa em con cậu mợ Bảy ở Maryland, khoảng cách giữa 2 nơi là 125 miles, được đo chính xác theo đường xa lộ không đèn.

– A-lô! Ngày thứ Bảy 10 tháng 9, anh chị nấu mâm cơm cúng cô Ba. Anh chị mời các em các cháu sắp xếp đến tham dự ngày kỷ niệm để thắp cây nhang cho cô ruột các em và dùng cơm với gia đình anh chị.

– Tụi em tính trước hổm nay rồi, ngày đó chỉ có Tư Cao, Bảy Nhứt và Tám Sáng đi đám giỗ cô Ba. Sẵn dịp cho anh Tư Cao thăm các anh chị  trước khi về lại Cần Thơ.

Sáng thứ Bảy, ba người thanh niên ở vùng cận đô Washington, DC., ngồi chung một xe đến một nơi cài sẵn trong hệ thống GPS thuộc thành phố Philadelphia vào khoảng hơn  11 giờ một tí. Anh em tay bắt mặt mừng xong rồi ra vườn sau cho tụi nó hít đở vài hơi thuốc và trò chuyện về bầu bí một lát rồi vào nhà uống trà. 12 giờ rưỡi thì việc cúng kiến hoàn tất. Sau đó thì các bàn tiệc dọn ra, cánh dân nhậu đầu tiên chỉ tuyển mộ được 6 khứa cũng rất rôm rả. Có lẽ thừa hưởng cái “gene” nói chuyện ồ ồ  lớn tiếng từ bên ngoại tụi tui, mấy em con nhà cậu thì gọi là bên nội của tụi nó. Chừng vài phút thì trong nhà vang vang những chuyện xưa tích cũ, anh em đi ngược thời gian trên dưới nửa thế kỷ trở về quê ngoại.

Những năm đầu 1960, cứ mỗi mùa hè là ba má và chị em của má tui tề tựu gom về quê ngoại, nơi mà đi theo đường sông cách chợ Ngã Bảy chừng 1 cây số trên bờ trái của  đoạn kinh Phó Đường. Là tên địa phương của đoạn sông từ chợ Phụng Hiệp dến Búng Tàu, nằm trên thuỷ lộ vận tải chính Cà Mau – Sài Gòn.  Đồn điền nông nghiệp 50 mẫu vườn chuyên trồng sầu riêng măng cụt và hàng trăm mẫu ruộng cho dân cày thuê mướn của ông bà ngoại có một thời hưng thịnh nhân mã đông vui sung túc. Ông ngoại qua đời năm 1947 sau 2 năm mấy cậu bỏ nhà theo Việt Minh kháng Pháp. Năm 1954 những chàng thanh niên xuất thân là con địa chủ không được chọn tập kết ra Bắc. Khi đó mấy cậu đã quá lứa trai trẻ trở về vườn xưa thì cây dại mọc hoang tàn như rừng, cây trái bị chiến tranh và con người tự do tàn phá, các cậu tự sức phá hoang tới đâu thì xài tới đó. Mấy cậu gom góp tiền bạc cất ngôi nhà cột gỗ tròn kê tán, mái lợp ngói âm dương và đóng vách ván bổ kho để bà ngoại và cậu mợ 11 trú ngụ và thờ phượng ông bà, diện tích nhà mới chiếm phân nửa nền nhà cũ của ông bà ngoại đã san bằng theo lệnh Tiêu thổ của Uỷ ban Kháng chiến từ những ngày đầu. Ông ngoại không còn, nhưng truyền thống trại hè gia đình vẫn còn được giữ như thời ông còn sinh tiền. Hàng năm đến mùa bãi trường là anh em chúng tôi được ba má dẫn về quê ngoại. Những gia đình cậu mợ dì dượng khác cũng lục tục kéo về căn nhà thờ tổ tiên.  Má tôi là con thứ 2 trong 12 người con của ông bà ngoại, bà con và người làm cũ của ông ngoại quen miệng gọi là cô Ba Hoa. Bà ngoại đã mười hai lần sanh, có 2 dì mất lúc nhỏ, năm đó bà còn 5 người con gái 5 người con trai, tất cả dì cậu của tôi đã lập gia đình và sinh sống hầu như ở tỉnh thành. Theo thứ bậc tại nhà ngoại, tụi tui chỉ nhỏ hơn các anh chị con của dì Hai, còn ngoài ra tui làm anh mấy đứa đồng cở của mình.

Thuở nhỏ Tám Lớ tui chắc là rất háo ăn, bây giờ thì đở hơn nhiều lắm. Năm đó hắn không đủ sức dùng 2 bàn  tay và cộng thêm sức hai đầu gối để ép nứt vỏ trái măng cụt,  nhưng hắn bắt chước thủ  một miếng ngói cở bàn tay dùng ép những trái măng cụt vừa chín quam quáp bị tụi lớn bỏ ra, những trái  mà ngoài vỏ lốm đốm da beo chỗ nâu chỗ vàng. Hắn bóc ruột trái ăn rất nhanh để theo kịp mấy đứa anh em bạn dì cô cậu với mình có công năng hái được những trái măng cụt chín muồi đậm màu nâu đỏ trong khu vườn trái cây bạt ngàn của vườn ông bà ngoại. Gấp gáp vừa ăn vừa chạy, hắn nuốt thẳng cái múi “cái” lớn nhất thường có trong mỗi trái măng cụt. Hắn kinh hãi vì biết ngay hột măng nghẹn họng làm hắn không thở hay kêu la cầu cứu được, trong những giây sắp hết hơi hắn lờ mờ nhận ra có người nắm hai khuỷ chân hắn dở cao lên, mặt hắn úp giữa 2 đùi to và rắn chắc của người đàn ông cao lớn, và một bàn tay vỗ mạnh liên tục vào lưng. Hạt măng bị luồng hơi trong phổi của  hắn đẩy ngược ra khỏi ngả ba khí quản lúc nào hắn không biết. Khi tỉnh hồn, hắn thấy mình nằm chò co trên đất, chung quanh có hai ông cậu và mấy thằng đồng trạng láo ăn mặt mày xanh lét. Sau nầy hắn lớn thêm và nhớ cái chiêu cứu mạng hiệu nghiệm của hai cậu, hắn càng cảm phục ông bà  ngoại đã không phí công gởi mấy cậu theo học trường Tây.

Câu chuyện ăn trệu nuốt trạo để mắc nghẹn hột măng cụt suýt mất thở của tôi được các cậu mợ dì dượng nhắc nhở cho đám anh em của tôi như một bài học. Cũng nhờ vậy mà tôi thành nhân vật trung tâm cần mọi quan tâm giúp đở. Mấy thằng nhỏ kia chọc ghẹo vụ đó cả ngày hôm sau. Rồi mỗi ngày có chuyện mới và người mới đến, tụi nó có nhiều trò mới vui hơn, lúc đó tụi nó mới chịu quên.

Trong một  bữa cơm trưa, cậu Bảy bàn bạc với cậu 10 và cậu 11 chi đó rồi ra  thông báo cho cư dân cũ mới: “Trưa nay cậu đốt cỏ vườn, cấm mọi người ra ngoài, con cái của ai nấy giữ”. Dụng cụ đốt cỏ của cậu Bảy là chiếc quẹt lửa vỏ nhôm hiệu ba số 5 được cậu quẹt thử lửa mấy lần. Một tay cậu cầm  cây “đuốc rọi” chừng 6-7 tấc bằng sắt nhỏ nhập 2 đánh xoắn, một đầu quấn cục giẻ bó tròn bằng trái chanh tẩm dầu thật ướt, phần cán uốn vòng tròn nhỏ vừa tay nắm, đó là vật soi sáng mà cậu 11 dùng ban đêm khi có việc cận nhà. Tay kia cậu thủ con dao quắm có chiếc cán rất dài dùng để chặt cây mở lối trong khi đi vào vườn cây lá dây leo rậm rạp. Cậu nhìn đám cháu trai lóc cóc, cậu kêu tui đi theo để cầm cái chai xị có chiếc dây quay còn đựng chút ít dầu lửa để thấm cây rọi.

Cậu Bảy dẫn tui đến khu mà thời chiến tranh lính tây chặt cây phát hoang, các cậu hồi hương mướn người dọn tiếp mà chưa có kế hoạch làm gì thì cây dại và cỏ mọc dầy bịt. Cậu Bảy nhìn ngắm địa thế và tìm hướng gió trước khi hai cậu cháu đi sâu các lối mòn giữa những đám cỏ tranh và cỏ ống cao khỏi đầu Tám Lớ. Vừa đi cậu vừa nói chuyện với đứa cháu chạy như con bò nghé bên chân cậu:

– Thuở nhỏ cậu trọ học xa nhà, lớn lên đi làm rồi lập gia đình, thời gian cậu ở nhà với ông bà ngoại của con rất ít. Dì Hai lấy chồng thời ông bà ngoại chưa mở rộng việc làm ăn. Má con lớn lên đúng lúc người Pháp dùng xáng múc sâu con kênh chạy ngang đất ruộng của mình để phóng mới thuỷ lộ cho luồng nước ngọt từ sông Hậu chảy mạnh và xa hơn những con sông trời sanh quanh co lâu nay. Ông bà ngoại quyết định cắt ra 50 mẫu ruộng phía đầu đất tiếp giáp với bờ kinh xáng để đào mương lên liếp lập khu vườn nầy. Những năm khởi nghiệp lập vườn cây trái, mấy dì em của má lo việc học hành nên má con giúp ông bà ngoại rất cực. Cậu tuy là trưởng nam nhưng lúc đó cũng còn quá nhỏ. Cậu nghe ông ngoại nói, nhờ con kênh mới múc nầy mang phù sa từ vàm Cái Côn đổ vào vùng cầm thuỷ úng phèn xưa nay, giúp bồi bổ mặt ruộng và tháo phèn, đất đai cả vùng nầy dần dần  trở nên màu mỡ và dễ dàng canh tác. Lúa trong điền ông ngoại trúng quá trời, ông ngoại giàu phát lên không ngờ. Cũng nhờ đó mà ông ngoại giúp được anh em của ông, những người có con du học bên Tây qua được thời kỳ kinh tế khủng hoảng.

Đi sâu vào khu rừng cỏ một lối khá xa thì cậu Bảy đứng lại quan sát 4 phía và bật lửa đốt rọi. Cậu chỉ hướng trên gió và giục tui chạy trước, rồi cậu châm lửa đốt cỏ rất nhanh tại mỗi điểm cách khoảng chừng mười mấy bước. Lá khô ủ phần chân cỏ ống và lá tranh phơi dưới cái nắng hè bắt lửa cháy rừng rực. Khói lửa bốc lên và thân cỏ ống nổ vang lóc bóc vui tai, thảm lửa chạy lùi ra xa về hướng sau lưng của cậu Bảy và thằng cháu, tình hình được mở đầu rất  an toàn đúng theo dự tính của các cậu.

(Còn tiếp)

Một Lúa

0-que-ngoaiH

Có 12 bình luận về Những ngày hè nơi quê ngoại

  1. Tôi rất thích đọc hồi ký nhất là những hồi ký về tuổi thơ trong khung cảnh miền quê, có thể đã gợi cho tôi nhớ đến tuổi thơ của mình. Nếu….., nếu……thì bây giờ cuộc đời mình sẽ ra sao, đôi khi cũng tự hỏi.

    Những ngày giỗ chạp ở ngoại quốc thường được giản dị hoá, nhiều khi xin được “hiệp kỵ”, xin phép ông bà được tổ chức vào cuối tuần để con cháu có dịp tập họp đông đủ mà tưởng nhớ đến người đã khuất. Tuy tha phương nhưng vẫn giữ được phong tục nước nhà, đến thế hệ con, cháu chắc rồi sẽ không còn nữa….

    • Một Lúa nói:

      Chào cô Hồng Khanh,

      Cái tên của em đã nói lên con người yêu mến không khí và sinh hoạt loanh quanh  miền quê.

      Cảm ơn cô rất nhiều. Chúc cô và tất cả bạn đọc bạn viết luôn nhiều sức khoẻ và an lành.

      Điển

  2. HOA ĐĂNG nói:

    Nhắc lại chuyện hồi đó là của những người được gọi là đã già. Đúng quá phải không Lúa đệ. Hình như đó là niềm vui của người cao tuổi như chúng ta. Chúc Lúa đệ vui với niềm vui ấy, kể nhiều chuyện quê mình, nhưng đừng quên con nước ròng không lớn, đừng để nó  chảy luôn ra biển nghen  Lúa.

  3. Một Lúa nói:

    Chào chị Hoa!
    Thưa chị Hoa và tất cả các bạn đã đọc qua “Con nước lớn ròng”. Một Lúa không thể đăng tiếp những phần sau của cốt truyện. Mong quý vị thông cảm và tha thứ cho lỗi nầy. Rất cảm ơn.

  4. Hoành Châu nói:

    Nghe nói cỏ tranh sau khi  đốt phát triễn  còn mạnh hơn trước  nữa , phải vậy không ,,?anh nông  dân thứ thiệt  ?               Hoành Châu ( Gia đình C  )

  5. Phan Lương nói:

    Nhà văn Một Lúa thật là biết câu khách à nhe.

    Viết toàn những chuyện dễ đi vào lòng người.Ai mà không chạnh lòng mỗi khi nhớ về những kỉ niệm xưa, những kí ức thời thơ ấu .Càng lớn tuổi thêm một chút thì những kỉ niệm ấy càng lắng đọng trong tim óc ,mà cứ mỗi chiều mưa là ta lại moi nó ra mà nhớ.

    Chính vì vậy mà chắc hẳn những người xa quê như anh Lúa ” Đã gọi nổi nhớ thành tên ”

    Anh Lúa ! Dù lương hưu của em ít ỏi nhưng nếu anh in thành sách em cũng ráng mà mua bửa đó nha

    Hi hi

  6. Một Lúa nói:

    Bạn trẻ Phan Lương,
    Giới thiệu dùm một độc giả nữa nhé!
    Cảm ơn nhiều!

  7. VothiLai nói:

    Anh Một Lúa thân mến ơi ! bài viết sao mà hay thế , đọc mỏi mắt mà phải đọc hoài,quê Ngoại anh ở miệt dưới nên anh rành Ngã Bảy,PhụngHiệp,…quá. Bài viết của anh gợi em nhớ lại thời thơ ấu của em ,quê ngoại em cũng ở Danh Tấm  Ba Kè nhưng không được hoành tráng như quê ngoại anh.Anh nhắc đến ngày giỗ song thân làm em cảm thấy chạnh lòng ,vì 22/9 là ngày giổ Ba em ,là con gái em phải sắp xếp đủ thứ chuyện trước khi về quê mẹ . Em rất cám ơn anh đã cho em nhớ lại tuổi ấu thơ qua nhiều câu chuyện .

Trả lời Lê Thân Hồng Khanh Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác