Những ngày mới đến Mỹ

Ngày đăng: 16/03/2015 03:48:29 Chiều/ ý kiến phản hồi (7)

Ở Mã Lai tôi được phái đoàn Mỹ nhận theo diện nhân đạo. Có người gọi là diện “con bà phước”. Sau đó chuyển đến trại Bataan ở Morong, Philippines. Khoảng vài tháng sau, một văn phòng ở trại liên lạc với những hội thiện nguyện bên Mỹ, tìm người bảo trợ để làm giấy bảo lảnh vào nước Mỹ. Đi theo diện con bà phước thường về những vùng lạnh lẻo Bắc Mỹ, hay về những nông trại xa xôi vùng Trung Mỹ. Tôi may mắn, vừa đến trại Bataan gặp lại nhà văn Chu Tấn, ông có mẹ đã ở San José California. Mẹ ông sẽ bảo lãnh ông qua San José. Ông cho tôi địa chỉ một nhóm người quen từ ngày xửa ngày xưa, đang ở tiểu bang Louisiana. Tôi liên lạc với nhóm quen này, nhờ bảo lãnh sang Mỹ. 

Trong nhóm bảo lãnh có nhiều anh tài giỏi, khá nổi tiếng, có nhà văn, nhà thơ, có anh cùng quê Vĩnh Long, anh Lý T. . . Lúc đó anh Lý T còn ở Louisiana. Nghe kể lại, anh vừa đi học, vừa đi làm gác dan cho một kho hàng. Trong một đêm tối anh phát giác được một người Mỹ đen trèo vô kho hàng ăn cắp đồ, anh bắn chết người Mỹ đen đó. Sau đó bị một nhóm Mỹ đen đến bao vây, anh chẳng hề sợ sệt, hiên ngang bước ra.

Gần như mỗi ngày có một anh đến chở đi ăn sáng. Có một lần các anh chở đến gặp ông  Westmoreland và cô xướng ngôn viên đài truyền hình số 11 ngày xưa. Tôi chưa bao giờ biết ông Westmoreland nên không biết ông có thay đổi hay không. Nhìn cô xướng ngôn viên đài truyền hình số 11 có nét đứng tuổi hơn ngày xưa, nhưng vẫn đẹp như xưa.

Một buổi tối các anh chở tôi đến một nhà hàng, dự một buổi tiệc do các anh khoản đải ông Nguyễn cao Kỳ từ Cali qua. Trong buổi tiệc tôi được ngồi gần ông Kỳ và anh Ân. Đêm đó ngồi nghe ông Kỳ kể chuyện những năm 65, 66. Nhân lúc ông tạm nghỉ, hớp một hớp bia hay Martell pha soda, tôi không nhớ rõ. Tôi đưa tay lên như một học sinh đưa tay lên xin phép thầy được nói chuyện. Tay ông vẫn còn cầm ly, tay kia ông ra dấu cho phép tôi được nói. Tôi hỏi ông có phải là người ký sắc lệnh thành lập Viện Đại Học Cần Thơ không. Ông xoay qua nhìn tôi, ông gật gật đầu, từ tốn trả lời chính ông đã ký sắc lệnh thành lập Viện Đại Học Cần Thơ. Ông cũng kể sơ lại những khó khăn trong những bước đầu thành lâp Viện Đại Học Cần Thơ, nhưng tôi không nhớ nổi. Lúc đó tôi khó để tâm nghe ông nói, tâm trạng tôi lúc đó đang lâng lâng. Sau bao năm xa cách, nơi xứ lạ quê người, không cần gặp lại thầy cũ dạy ngay lớp mình ngày xưa. Chỉ cần gặp lại được những vị thầy đã từng dạy ở Đại Học Cần Thơ, vẫn còn khỏe mạnh thì mừng như thế nào rồi. Đàng này gặp được người ký sắc lệnh thành lập trường Đại Học Cần Thơ. Cái trường thân thương mà mình được ngồi trong giảng đường cho đến tận mùa thi cuối vào tháng tư bảy lăm. Tâm trạng vui khó tả.  Không phải đó là lần đầu tiên tôi gặp ông, trước đó vài lần tôi đã gặp ông ở vị trí cao gần tột đỉnh. Bây giờ ông không còn gì nữa, nhưng tôi vẫn thấy ông cao vòi vọi.

Nghe nói 14 Hoành Châu là người học ở Đại học Cần Thơ lâu hơn bình thường. Hoành Châu có vui không, khi gặp người ký giấy chấp thuận xây cất trường Đại học Cần Thơ mà Hoành Châu đã học.

Sau khi tôi rời Louisiana về California nghe nói chị Kim vợ anh Ân trở thành vợ ông Kỳ.  Búa rìu dư luận xôn xao với nhiều từ ngử nặng ký bủa quanh ông. Tôi ngồi lặng người, nghĩ lung tung. Ngày xưa có một buổi chiều đi dạo, tôi ghé vào một sân tennis, thấy bà Mai vợ ông Kỳ đang đánh tennis. Bà Mai khá đẹp, đài các, năng động. Bây giờ bà Mai đâu? Tôi tìm cách lý giải cho ông  và chị Kim, nhưng không lý giải nổi. Chuyện thâm cung ngày xưa của vua chúa còn tệ hơn ông, nhưng đó là chuyện của những ngày xa xưa. Lúc đó ai dám hở môi sẽ bị chém đầu, ngày nay đã khác rồi. Không biết ông và chị Kim làm sao biện bạch nổi. Làm sao ngẫng đầu lên nhìn bạn bè, em út.  Lại nghĩ đến anh Ân, anh tốt lắm. Có lần tôi dẫn Đạt đến nhà hàng của anh, xin cho Đạt việc làm. Anh dẫn Đạt xuống phía sau nói với người đầu bếp: “Giao lính mới cho chú nè, chỉ việc cho nó làm, nhưng đừng đì nó nghe.”  Để Đạt ở lại làm, trên đường về cảm thấy vui vui, lâu lắm rồi mới nghe chữ “đì”

Hồi ở bên Phi, Đạt là bạn của em tôi, hoàng Thạnh. Khoảng thời gian gần rời Phi, Đạt dọn lại ở chung với Hoàng Thạnh và tôi. Người chị bà con cô cậu với Đạt ở Baton Rouge, Louisiana bảo lãnh cho Đạt qua Mỹ. Chỉ vài tuần sau khi Đạt đến Mỹ, gia đình của Đạt có chuyện xích mích với gia đình của người chị bà con cô cậu của Đạt. Người chị này đuổi Đạt ra khỏi nhà khoảng 8 giờ sáng mấy hôm trước. Đạt đến trạm điện thoại công cộng của một cây xăng, gọi cầu cứu. Mãi đến 12 giờ khuya mấy hôm sau tôi mới nhờ được anh Chánh cũng cùng quê Vĩnh Long chạy khoảng 150 cây số đi tìm Đạt. Mãi đến 2 giờ sáng mới gặp Đạt, Đạt mừng lắm. Chở Đạt về tới nhà, Đạt móc một số tiền gởi phụ tiền xăng với anh Chánh. Tôi vẫn còn nhớ lúc đó, có lẽ nhìn tình cảnh lang thang thê thảm mấy ngày của Đạt, anh Chánh đẩy số tiền trả lại Đạt lòng anh vẫn còn xúc động.

Thời gian sau nghe tin ông Kỳ trở về Việt Nam, lại thêm một lần nữa ầm ỉ. Tình cờ đọc được bài viết của anh Lê Xuân Nhị viết về ông Kỳ. Tôi vẫn còn nhớ anh Nhị, có một lần anh chỡ tôi đi ăn sáng. Anh có vợ Mỹ, lớn hơn tôi một tuổi, ăn nói rất nhả nhặn, lịch thiệp. Bài viết của anh thì rất nặng nề, nói thẳng thừng không bóng gió, quanh co. Đọc bài anh, có vài điểm tôi không đồng ý, nhưng cũng khó phản bác. Giả sử tôi có viết được bài biện hộ phụ ông Kỳ, chắc chắn tôi cũng bị chửi lây.

Mới đây anh “mai bạc” Trần Văn Xã quê Tân Long Hội, cựu học sinh Tống Phước Hiệp niên khóa 63 gởi tôi một bài viết khác về ông Kỳ. Thành thật cám ơn anh Xã.

Ông Kỳ đã ra người thiên cổ lâu rồi nhưng tử vẫn chưa tận. Tôi nhớ sau khi nhà văn Nhất Linh uống thuốc độc quyên sinh, ông viết mảnh giấy để lại mấy lời: “Đời ông để lịch sử xử. . ”  Tôi ăn cắp ý trong mấy lời đó của nhà văn Nhất Linh. “Đời ông Kỳ để hậu thế xét, công bằng hơn.”  Đó là ý nghĩ thôi, nói ra chắn chắn cũng bị chửi tới tấp.

(Còn tiếp)

Hoàng Hưng

Untitled H1

 

Có 7 bình luận về Những ngày mới đến Mỹ

  1. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Viết tiếp nhanh lên, nhà văn Hoàng Hưng. Chị đọc nhiều, đọc nhanh, và khi đọc là phải đọc cho kỳ hết…  Chừng nào in sách nhớ tặng chị 11 đó.

  2. Hoành Châu nói:

    Cảm ơn bài viết  hấp dẫn , vui tươi  của ÚT Hoàng Hưng  đề cập và phụ ảnh Trường Đại Học Cần Thơ  nơi Hoành Châu đã từng học  3 năm Luật  Khoa chế độc cũ  cộng thêm 4 năm chuyển tiếp Đại Học Sư Phạm  chế độ mới ( vị chi là 7 năm ) rồi mới ra trường công tác đi dạy  năm 1979  trong khi các bạn đồng lứa , đồng cấp ngành Sư Phạm  ngay thời điểm 1975  đã ra trường 3, 4 năm   tự nhiên thành đàn anh đàn chị của mình hết ! Thật không tưởng tượng nỗi ,,,THỜI CUỘC  là trạm dừng chân dài hạn ( chỉ 4 năm thôi )  nhằm  tẩy rửa não bộ dành cho Sinh viên Luật Khoa thời bấy giờ !BỨC ẢNH làm Hoành Châu nhớ lại  bao ngày gian khó : SÁNG  lao động vất vã ,CHIỀU  học chuyên môn Anh Văn , TỐI   thảo luận chính trị ,,,Không hiểu với thân xác này  ,,,sao lúc đó mình giỏi thế !!, Chị 14  Hoành Châu ( Gia đình C )

  3. nguyễn thị đức tính nói:

    Anh Hưng ơi, em mong anh viết tiếp phần hai nhanh nhanh,  đọc xong biết hết ngọn nguồn mới dám bày tỏ đôi đường. Hồi hộp quá đi, như chờ đọc truyện feuilleton trên báo ngày xưa vậy.

  4. Hoàng Hưng nói:

    @ Cám ơn chị 11, cở út xách dép của nhà văn còn chưa cho chị 11 ơi.  Nếu cô Tùng đọc được bài của Út, chắc chắn cô nói, phải dạy trò Út lại căn bản tập làm văn.

    @ Cám ơn 14, chừng nào viết quyển, Trường Đại Học Của Tôi?

    @ Cám ơn Đức Tính khuyến khích.

  5. Phan Lương nói:

    Đọc Những Ngày Mới Qua Mỹ của anh HH ,em cảm thấy anh oai phong lắm luôn á

    Qua đó em biết được nhiều điều hay .Nhất là biết được Ông Tổ sáng lập Viện Đại Học Cần Thơ

    Em đang chờ đọc tiếp phần hai nè

    Viết nhanh nhanh anh nhé

     

     

  6. vothilai nói:

    Gửi Hoàng Hưng ,mong anh viết tiếp phần hai nhanh nhanh,xem bài viết thấy nóng ruột quá tò mò lắm lăm. Xem tiếp để biế t xem số phận những nhân vật rồi sẽ ra sao ? ?

  7. hoàng Hưng nói:

    Cám ơn Phan Lương, Lài. Phần hai sắp xong, nhưng đọc sẽ chán chết.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác