Một Noël khác (Un Noël autrement)-
Có 1001 cách tiếp đón, tổ chức, ăn mừng Noël. Trong tuyết giá, hay dưới sức nóng nơi miền nhiệt đới xa xôi …những phong tục tập quán và những trường hợp thường thay đổi khác nhau từ xứ này sang xứ khác. Nếu chúng ta lướt qua một tour nhỏ của thế giới thôi, chắc chắn chúng ta sẽ thấy rằng có rất nhiều Noël khác nhau của hành tinh!
Ngay tại Thụy Sĩ, một đất nước có nhiều quốc gia, đa văn hóa thì Noël cũng có nhiều cách khác nhau của những quốc gia. Ngay với các trẻ em cũng thế, Noel đôi khi cũng sẽ thay đổi theo cách mà họ ước muốn, phần lớn là những trẻ em không được may mắn được ăn Noel ở nhà vì rằng chúng bị tai nạn hay bệnh tật buộc phải trãi qua ở bệnh viện thì chúng cũng được vui sướng mà tin tưởng vào các chú hề may mắn, với tấm lòng nhân ái họ sẽ mang lại nụ cười và niềm vui cho các trẻ em trong những ngày này !
Ngoài ra, ở thành phố Neuchâtel Thụy Sĩ, còn có một Noel khác được ra đời từ năm 1994, với thiện ý của một số người ước muốn tặng cho tất cả mọi người, một Noëlchân tình và nồng nhiệt giữa nơi công chúng, (phần lớn người tham dự là các dân tộc mới nhập cư, các hoàn cảnh đơn chiếc, cơ nhở, thiếu mái ấm gia đình, không có điều kiện tổ chức trong những ngày lễ truyền thống này…nhưng nói chung là không phân biệt bất cứ ai, Un Noël autrement là dành cho tất cả mọi người, nếu ai cảm thấy yêu thích không khí của khung cảnh này thì cũng nên đến để tham gia, chia sẻ !) Nhờ vào sự bảo trợ của các cấp chính quyền thành phố, từ những tình nguyện viên cùng với lòng hảo tâm của các nhà thương mại, các đơn vị kinh doanh nhà hàng, các xí nghiệp…đã hình thành nên một Hiệp Hội «Un Noël autrement» (Một Noël khác !)
Hàng năm, tại Péristyle de l’Hôtel de Ville de Neuchâtel,«Noël autrement» được mở cửa tiếp đón tất cả mọi người từ 15h ngày 24 Décembre và chỉ đóng lại lúc 20h ngày 25 Décembre.
Các tình nguyện viên sẽ tiếp đón và phục vụ tất cả mọi người nhiều món ăn phong phú, bên cạnh đó là phần biễu diễn của các nghệ nhân, ca, vũ, múa, kịch, kể chuyện, các hoạt động cũng thay đổi tùy theo năm, có những góc dành cho trẻ em vui đùa, chơi trò chơi hay tập làm thủ công, một điều không thể thiếu là có Père de Noël đến phát quà cho trẻ em vào hai buổi trưa ngày 24 và 25 !
Đã 7 năm qua, tôi luôn có mặt ở chốn nầy, tôi luôn chú ý về tính cách, phương diện hội nhập của các quốc gia khác trên đất nước Thụy Sĩ, và tôi cũng rất yêu thích ghi lại những tấm hình kỷ niệm của từng thời kỳ, từng nét văn hóa khác nhau của các quốc gia khác. Có một điều làm cho tôi luôn bâng khuâng và suy nghĩ vì sao luôn còn tình trạng thừa mứa và vương vãi quá nhiều những thức ăn trên các bàn ăn, có lẽ vì ăn miễn phí mà người ta không cần gìn giữ chăng ?
Tôi tự hỏi nếu người Thụy Sĩ không tiết kiệm trong mọi tình huống, một giọt nước cũng không lãng phí nếu không đáng để lãng phí, hay khi uống rượu thì họ sẽ uống đến giọt cuối cùng, nếu họ quá phung phí như tất cả mọi người thì liệu họ có còn thừa khả năng để san sẻ cho người khác? Còn những người khác, thay vì chịu ơn thì lại quá dững dưng, thờ ơ với những gì người ta ban tặng cho mình ! như thế có phải họ đã quá vô tình với những người đã luôn mở rộng vòng tay để nâng đở họ. Ngày xưa, ông bà ta đã dạy khi ăn là phải ăn hết những hạt cơm cuối cùng trong chén dĩa của mình, phải biết trân trọng thức ăn vì xung quanh ta còn biết bao là người đói khổ, sẽ có lúc con người không có thứ gì để mà ăn !
Chuyện của ai, mà sao tôi cứ thấy nằng nặng trong lòng, một lần, tôi có trao đổi với một người có trách nhiệm trong ban tổ chức về vấn đề này, cô ấy cũng nói như tôi là họ không hiểu được tại sao người ta lại phí phạm thức ăn như thế, nếu thành quả lao động thật sự do mình làm ra thì có lẽ ai cũng biết giữ gìn, điều nầy suy cho cùng chính là sự giáo dục !
Tôi liền nói : Vậy thì: «L’éducation est le plus beau cadeau ! (nền giáo dục chính là món quà đẹp nhất !)tôi hy vọng ở «Noël autrement» cho những lần sau, mọi người sẽ nhận được món quà quý giá nhất từ tay của quý vị!»
Năm nay, «Noël autrement» được tổ chức kỷ niệm với 20 năm ra đời, tôi cũng nôn nao góp mặt và hy vọng rằng có một Noël khác hơn…
Chẳng những là những gương mặt của các dân tộc nhập cư mà tôi thường gặp, mà còn có rất nhiều công dân Thụy Sĩ, các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm họ đến để ăn mừng 20 năm Noël autrement…Mọi người vui vẻ chan hòa với «Noël autrement» đầy nhiệt thành ! Các món ăn luôn đầy ắp và phong phú, dòng người tham gia hưởng ứng cũng không ngớt lượt, không có tiếng ồn ào, náo nhiệt do cải vả, không còn tình trạng các món ăn thừa còn vương vãi đâu đó, các tình nguyện viên phục vụ chu đáo, lấy các phần ăn vừa đủ cho tất cả mọi người và hướng dẫn họ thưởng thức nhiều lần và nhiều món khác nhau, vì thức ăn các mạnh thường quân mang đến luôn thay đổi và quá nhiều, các bàn ăn được các tình nguyện viên tới lui thường xuyên và xếp dọn ngăn nắp, nước uống dù nhiều loại cũng phục vụ từng ly mà thôi, không còn tình trạng bỏ dở những chai nước phân nửa đầy bàn như những năm trước. Họ có thể vui chơi và ăn thoải mái đến 4h sáng, nhưng tuyệt đối không bỏ dư thừa thức ăn!
Các trẻ em nhận được nhiều quà từ Père de Noël, có thêm chú hề làm trò vui cho mọi người, trẻ em có góc vui chơi và học tập, các tiết tục trình diễn văn nghệ hay và độc đáo!
Năm nay, Noel đối với tôi vô cùng hạnh phúc, tôi thật sự vui vì thấy «Noël autrement» là một Noel khác hoàn toàn so những năm trước, một Noel ấm cúng theo tôi là rất thành công được đánh dấu bởi lần thứ 20. Tôi cám ơn đất nước Thụy Sĩ, luôn mở rộng vòng tay để tiếp đón và bảo bọc những quốc gia đến từ nhiều nơi trên thế giới, dù đến từ sự nghèo khó hay những nổi khổ đau hoặc từ nhiều lý do khác, nhưng điều đáng quý nhất là đã cho chúng tôi một nền giáo dục tốt và nhân bản. Cám ơn thành phố Neuchâtel và các cấp chính quyền, các nhà tài trợ, các tình nguyện viên đã mang đến cho tất cả mọi người một «Noël autrement» đầy hạnh phúc và đáng trân trọng !
Loan Anh – 12D3 NK79
Em Loan Anh thân thương
Chị Phương Nga, anh John, và cháu Phương Duyên mến chúc em và gia đình vạn điều may mắn sức khoẻ dồi dào trong năm mới.
Anh cả thay mặt gia đình. Chúc Loan Anh sang năm mới, sức khỏe tốt. Hạnh phúc bên người thân.
Đúng, nền Giáo Dục chính là món quà đẹp nhất ,,,Những người đến với tổ chức cộng đồng này phải là những người có quan tâm đến giáo dục đúng nghĩa thì mới cải tổ ít nhiều tiêu cực vốn tiềm tàng sẳn trong một con người dù có được giáo dục !! Bài viết rất hay nhận định thât logic với quyết tâm cao của những người thiện tâm luôn đem lại cho xã hội nhiều điều tốt đẹp như ý !. Chúc em Loan Anh của chị mãi là ngọn đuốc sáng nhé, chị rất vui khi được đọc bài viết thuộc loại này của em , cảm ơn em nhé Chúc em vui mãi để sống đúng , sống đẹp Khen em đấy .Chị Hoành Châu ( Gia đình C)
Thương chào chị Hoành Châu, chị Lý Hương!
Em cũng quá tâm đắc với những gì các chị đã nêu, những điều thiết tha mà em muốn đề cập thì hai chị đã nói hết rồi. Ở hải ngoại, mỗi con người là một quốc gia và người ta hiểu được quốc gia đó qua hình ảnh của họ trên các bàn ăn, lối hành xử trên đường phố, ở chốn công cộng… vì vậy, giáo dục chính là mối quan tâm hàng đầu của mỗi quốc gia. Cám ơn nền giáo dục xưa đã ban thưởng cho chúng em hôm nay chính là những thầy cô đi trước và “các chị” của ngày hôm nay. Cám ơn hai chị với những lời động viên, khuyến khích, tụi em sẽ cố gắng học theo gương các chị và ước mong sao những người làm sứ mệnh văn hoá quan tâm nhiều hơn nửa về bài học hội nhập trong hoàn cảnh mới của đất nước hiện nay đang mở cửa nhìn ra thế giới!
em LA.
Hồi xưa ở Bidong, thấy những gia đình có những em bị tàn tật, Mỹ chưa nhận, đều được giới thiệu đến Thụy Sĩ xin chửa trị.
Chúc Loan anh năm mới dồi dào sức khỏe,luôn gặp may.
(Xin cảm ơn lời chúc mừng sinh nhật)
Quá tâm đắc với bài viết của Loan Anh, đồng tình với ý kiến đặt ra trong bài một cách tuyệt đối. Tôi đọc được bài viết với ý nầy của Loan Anh là bài thứ hai, bài trước tôi đọc được ở năm rồi tại trại sáng tác Sóc Trăng, không phải là tản văn, tùy bút hay ký sự, mà là một bài thơ sâu sắc, đau đáu, lắng đọng và vô cùng nhức nhối… của một bạn thơ còn khá trè, sống tại Cù Lao Dung, Hội viên Hội VHNT tỉnh Sóc Trăng (tạm thời quên tên). Sau vài ngày ăn cơm chung với đoàn, thức ăn ngập, thịt, rượu ê hề, mỗi bữa ăn (nói hơi quá đáng) gần như ân nửa bỏ nửa, gác đũa rồi, nhìn lại thấy xót. Cảm nhận điều đó, bài thơ nộp cho Ban tổ chức trại, đại khái bạn nêu ra y như nội dung bài viết của Loan Anh. Cái đau hơn nữa là xoáy ở câu, đại khái: ” Tôi đưa con vào bệnh viện, không đủ tiền mua sữa, nhìn người ta sắp hàng bưng chén cơm từ thiện, được các nhà hảo tâm chia sẻ…giờ nhìn thức ăn dư thừa, có nhiều người đói không đủ cơm ăn!” Đọc nghe nổi ốc cùng mình,không phải chỉ có một chỗ nầy thôi. Chợt nghĩ sao con người vô tâm đến vậy? Có một chuyện đố vui xưa, nói về cách ăn để được vợ, kể ra cho vui. Nói rằng: “Ăn thì ăn cho hết. Để thì để cho còn. Ăn hết đánh đòn, ăn còn mất vợ”. Ăn sao cho được vợ đây?(chuyện thuộc ngoài lề).
Bài viết rất hay,cảm nhận sâu sắc Loan Anh ạ,đúng là cần có nền giáo dục nhân bản,trình độ dân trí cao .V.N ta vẫn còn nhiều lối sống nhìn thấy mà khắc khoải trong lòng.Thân mến.Lý hương GĐC.
Thân gởi em Loan Anh,
Cô có đọc một số bài viết của em trên trang nhà, em viết rất bình dị, nhẹ nhàng, thoáng một chút suy tư thâm thuý và đầy tình người nên rất lôi cuốn người đọc. Cô hy vọng sẽ còn được đọc nhiều bài của em trên trang nhà.Nhân dịp năm mới, cô chúc em cùng gia đình một năm 2015 nhiều niềm vui và an bình.
Cô Hồng Khanh
Kính chào cô Hồng Khanh.
Thưa cô, em rất vui mừng và cảm động được cô viết bình luận và khen tặng cũng như chúc mừng năm mới. Thưa cô, tụi em có được ngày hôm nay là cũng nhờ những bài học nhân bản và phương pháp giáo dục mà thầy cô đã truyền thụ cho chúng em ngày trước. Dù đã mấy chục năm qua, vật đổi sao dời, nhưng “cái chất” ở các thầy cô xưa nay không đổi khác, hình ảnh đó rất rỏ nét trong ngày hội ngộ cô Hồng Khanh cùng học trò cũ tại trường Tống phước Hiệp, cô với trái tim chan chứa yêu thương giữa bao vòng tay học trò cũ của mình! thưa cô, một điều mà em học được của những người vĩ đại đó là “tính giản dị” xin phép cho em nhắc lại lời của những người Thuỵ Sĩ mà họ thường nói: “Le grand personnage reste la simplicité!” Chúng em luôn tự hào về cô, cô là tấm gương sáng mà chúng em suốt đời phải noi theo!
Năm mới 2015, em kính chúc cô cùng gia đình một năm an khang, dồi dào sức khoẻ, vạn sự như ý!
em Loan Anh
Chào huynh trưởng Phong Tâm!
Cám ơn anh đã đọc bài và viết phản hồi, cám ơn anh đã nhắc lại câu chuyện nhỏ đáng để mọi người suy gẩm. Hiện trạng như lời của anh vừa kể, em cũng thấy còn xãy ra quá nhiều trên quê hương chúng ta, điều này làm cho em (cũng như nhiều người) nặng lòng không ít. Vậy ai là người có trách nhiệm trong những chuyện này, không phải chỉ ngồi đợi đến nhà giáo dục, “cải tổ đường hướng, chính sách giáo dục …v..v…và v..v…” em nghĩ rằng trong mỗi người chúng ta ai cũng có trách nhiệm vì quê hương, dân tộc mà đóng góp một vài ý kiến nhỏ nếu được trong tình huống tốt nhất, (điều này em đã thực hiện vài lần ở VN và đã thành công!) nhưng nhớ “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau!” nghe anh (coi chừng bị chửi!!! khổ lắm!) anh nghĩ thế nào?
Năm mới chúc anh dồi dào sức khoẻ, còn nặng nợ hoài hoài với thi ca. Mong anh em mình sớm gặp lại để hàn huyên. LA
@ Cám ơn chị Phương Nga, anh John, Phương Duyên với lời chúc mừng năm mới. Chúc gia đình chị một năm với nhiều điều tốt lành, may mắn và bình an. Cháu Phương Duyên ngoan hiền và học giỏi!
@ Chúc anh cả Lần một năm mới sức khoẻ tràn đầy, hạnh phúc vui vầy bên con cháu và các bạn hiền, ACE đại gia đình trang Tống.
em LA
Loan Anh ơi, thói thường lời thật mất lòng nhưng không vì thế mà không có tác dụng. PT rất đồng ý và cám ơn Loan Anh có lời nhắc nhở cần thiết.