TẾT DOLTA CỦA NGƯỜI KHMER
Từ ngày 29/8 đến 1/9 âl là Tết Dolta của người Khmer Nam bộ. Trong một năm, người Khmer có 3 cái tết lớn. Tết Chô Chnam Thơmay vào khoảng tháng 3, tháng 4 âl, không cố định ngày, gọi là Tết vô năm mới. Có khi người Khmer gọi tết nầy là Tết chịu tuổi, nghe hơi buồn phải không? Thành ra tết nầy người ta không ăn lớn. Cuối tháng 8, đầu tháng 9 âl là Tết Dolta, mấy năm gần đây để thể hiện tôn trọng văn hoá dân tộc, các cơ quan truyền thông thường gọi là Sen Dolta, người Việt quen gọi là Đồng Tà. Là cái tết để nhớ ơn ông bà tổ tiên, nhớ ơn những người đã mất, cầu nguyện cho gia đạo được bình an, coi như cái tết tiêu biểu của người Khmer, bà con tổ chức ăn tết rất lớn, nhất là ở vùng Tịnh Biên, Tri Tôn có thêm lễ hội đua bò hào hứng. Tết thứ ba là Tểt Ót Om Bóc, tết cúng trăng ăn cốm dẹp. Tết nầy vào khoảng cuối tháng chín âm lịch. Lúa nếp ngoài đồng đã trổ bông, bà con vui mừng vượt qua cơn lũ hàng năm, lúa không bị nước chụp, tươi tốt và chắc chắn được ăn nên làm lễ tạ ơn trời đất nhất là mặt trăng, người làm cho nước lớn nước nhỏ. Tết nầy bà con Sóc Trăng ăn lớn, có lễ hội đua thuyền rồng.
Trở lại với Tết Dolta của bà con Khmer vùng Bảy Núi. Hình như cách tính lịch của người Khmer trước người Việt một ngày, nên ngày 29 là ngày rước ông bà, chợ tết đông vui như chợ cuối năm của người Việt Nam, các quầy hàng bông hoa, trái cây, thịt heo … đông nghẹt người (hình 1, 2), sáng đó gói bánh tét để cúng ông bà. Ngày 30 là ngày tết ở chùa. Mấy năm trước, bà con đi xe ngựa lên chùa rất vui. Năm nay honda tràn ngập, nhịp sống vội vã cũng tràn vô phum sóc. Cảnh nhàn tản, thanh bình không còn nữa, tôi cố tình rảo qua các con đường tìm xe ngựa lọc cọc lên chùa không gặp. Buồn quá!
Những hình ảnh đội gạo, gánh nước lên chùa cũng không còn. Thay vào đó, bà con nấu cơm sớm ở nhà cùng với hai món ăn, một món canh và một món mặn rồi để vào gà- mên, mang lên chùa, trước cúng sư sải, sau dọn ra cùng ăn. Người Khmer theo Phật giáo Nam tông nên sư sải không có ăn chay theo kiểu Bắc tông. Với bà con, ăn thịt, cá cũng được, miễn thỏa mãn tam tịnh là: không thấy con vật đó bị giết, không nghe tiếng kêu la của con vật đó khi bị giết, con vật đó không bị giết cho mình ăn. Vì vậy tôm cá ở chợ còn sống, còn nhảy soi sói thì không bán được cho người Khmer. Có câu chuyện vui chắc không có thiệt nhưng kể ra chơi. Có người Khmer đến tiệm mua hột vịt, chủ tiệm không để ý, lấy hột vịt đưa. Người mua lắc đầu quầy quậy, Dơ! Nó còn sống quây. Chủ tiệm lấy hột vịt lại, đập nhẹ cho giập vỏ cứng thì bán được.
Buổi trưa và chiều hôm đó thì ăn tết ở nhà, gia đình quây quần bên mâm cơm cúng ông bà, sau đó thì đi chơi, đi thăm bà con, đi coi đua bò. Năm nay, huyện Tri Tôn lại tổ chức đua bò vào ngày 29, tôi không hay, nên đành chụp lại cảnh tường thuật trên truyền hình, mong anh chị em thông cảm.
Ngày thứ ba tức là ngày 01/9 âl, bà con cũng nấu mâm cơm cúng đưa ông bà về chùa.
Tôi nghĩ dầu thời thế có thay đổi nhiều, một số chi tiết trong sinh hoạt có thể bị bỏ đi nhưng truyền thống văn hoá với những gì tốt đẹp của bất cứ dân tộc nào cũng sẽ được duy trì mãi mãi.
Tịnh Biên 23/9/2014
QUÁCH ĐÀO
H1 : chợ tết ở chân núi
H2 mua trái cây
H 3,
4: sân chùa ngày tết
H 5 : đua bò
Chuyện ăn tết Dolta không có gì mới, nhưng với một bài viết cụ thể một địa phương là Tịnh Biên, cái tả thực qua ngòi bút của Quách Đào thì độc giả có thêm nhiều thông tin mới. Hơn nữa, tác giả đã diễn đạt bằng ngôn ngữ bình dân, dẽ hiếu làm hấp dẫn người đọc. Viết tới đây tôi lại nhớ truyện võ hiệp Kim Dung, bậc cao thủ ra chiêu pháp tầm thường (ai cũng biết) nhưng với nội lực vô biên thì sức công phá ghê gớm hơn.
Quách tiên sanh ui,
Tết chịu tuổi của người Khmer lúc tiết trời khô ráo, người ta trải đệm trên rạ khô lắc bầu cua, chơi lô tô vui lắm. Đám con nít tụi tui đi 5-7 cây số lội bộ kéo vô vài lần tại chùa Kỳ Son, xã Loan Mỹ, Tam Bình và chùa Cũ, xã Thới Hòa, Trà Ôn.
Còn tết Dolta có nghe hoài nhưng chưa thấy vì tháng đó nước ngập lêu bêu nên ngại đến viếng chùa.
Cám ơn anh Quách Đào cung cấp thông tin thật hay.
Một Lúa
Xin có đôi dòng về lễ tết của người Khmer. Hằng năm, cứ cuối tháng 8âl là lễ sel dolta, một đại lễ. Tùy điều kiện kinh tế, có nơi lễ kéo dài 10 ngày, nửa tháng. Sau những lễ nghi ở chùa, con srok thường mời chư tăng về nhà độ thực và tụng kinh. Xưa, ruộng một mùa, tháng tám giáp hạt, nên lễ không được sung túc lắm. Người ta tin rằng, trong ngày lễ, có mưa dầm, là trúng mùa lúa mới. Các vị sư Khmer không dùng chay, ngày một buổi ngọ. Sáng, có thể ăn cháo. Riêng ngày Lễ Năm mới, theo kinh nghiệm, sau lễ thanh minh của người gốc Hoa 10 ngày. Lễ thanh minh nhằm ngày 5 tháng 4 dương lịch, nên chôl chnam thmây vào 15 tháng 4 DL. Thời gian này có xê xích 1 ngày, do tháng 2Dl có nhuận hay không ( 28 hoặc 29ngày, thì thanh minh lui 1 ngày, tết Khmer cũng lui 1 ngày). HB
Qúach Đào mến , những năm 1980 ~ 1981 Hoành Châu dạy ở Trường Cấp 3 Bình Minh mới được một năm , còn nhát lắm không dám đi ban đêm ,,, tội nghiệp các em học sinh rồi tới giáo viên địa phương nài nỉ mãi ,cuối cùng nhận lời ,, Chà , đó là cái Tết Ót Om Bóc đêm trăng vui hơn ban ngày ,những ngõ nghách ban sáng rất hiu quạnh , thế mà đêm tối dưới ánh trăng nó bỗng trở thành một nơi đến đầy kinh ngạc đến kỳ thú , khi thấy người kinh chúng tôi ngang qua cái tum lá thật cao tương đối rộng sáng choang đèn , đầy tiếng cười nói, tiếng đàn hát xôn xao , hai người Khờ Me mang 5,6 đòn bánh tét bước ra nói một tràng tiếng dân tộc , tôi đâm hoảng bèn lẽn vào đám học sinh, chúng tản ra làm tôi không còn biết núp ở đâu , ngay lúc ấy bóng một người cao to choàng vào cổ tôi hai đòn bánh tét to giữa tiếng cười nói của các em và các đồng nghiệp , lúc này tôi hơi bớt sợ một chút, sau đó ,một người khác từ trong tum chạy ra nói gì đó tay chỉ vào cái tum , chúng tội từ chối và rảo đi tiếp suốt đêm trăng ,,,Ghi chú :, bánh tét vừa nhân chuối vừa nhân mở , ngộ lắm các bạn ơi , tôi mới thấy lần đầu !!