Mẹ tôi
Mẹ tôi một thuở chai tay
Nuôi đàn con dại tháng ngày lớn lên
Tình thương như biển mông mênh
Tuổi già xế bóng buồn tênh một mình
Tôi được sinh ra trên chốn quê mùa đồng chua nước chát vùng ruộng Cái Ngang. Đến năm hai tuổi thì cha mẹ rời quê ra cất nhà gần chợ quận Tam Bình. Những năm trên dưới 1960, quận tôi còn nghèo lắm, thiếu thốn mọi thứ. Có lẽ độc đạo thông ra thế giới bên ngoài chỉ trãi đá xanh lô nhô lõm nhõm, ổ gà ổ voi cùng khắp, nắng bụi mưa lầy, đã ngăn trở sự lây lan cuộc sống văn minh thành thị. Bà chúa truyền bá văn minh dù có muốn đến thăm quê tôi thì khi tới nơi cũng què một cẳng.
Dù sống trong hoàn cảnh đơn sơ của một quận nhỏ, con người làng xóm cũng phải ráng mà lớn lên và già cỗi. Tôi không được may mắn như các anh chị lớn, được ba má tôi nhờ bà con trợ giúp nuôi dưỡng ăn học ở tỉnh thành, đến nỗi thằng thứ tám tôi lúc 10 tuổi không biết đủ mặt anh chị ruột rà. Thuở nhỏ, tôi lúc thúc lẫn quẩn bên chân mẹ như chú vịt đẹt con èo uột, nương nhờ đôi cánh bao che của mẹ. Cũng chính nhờ sống gần mẹ mà tôi được nghe và thấy nhiều cơ cực của mẹ tôi hơn các anh chị khác trong bầy.
Chín năm cùng ba tôi ngược xuôi trong vùng kháng chiến. Lúc hồi cư, mẹ tôi vét hết nữ trang vàng bạc hồi môn dùng vào việc xây dựng căn nhà tương đối sạch sẽ khang trang. Nhà cửa chưa hoàn chỉnh mà tiền bạc đã cạn kiệt, gia đình tôi phải đối diện cảnh ngộ thắt ngặt gạo chợ nước sông. Vốn liếng ăn học mấy năm trước kia ở trường Chasseloup Laubat của ba tôi bị tiền sử làm cán bộ khối Liên Việt của Việt Minh còn đang khắc kỵ, coi như chữ nghĩa kết quả học hành của ba chỉ để treo dàn bếp.
Truyền thống tảo tần, chịu đựng kham khổ của người phụ nữ Việt không cho phép mẹ tôi ngồi đó buồn thương số phận, hay tiếc nuối thời kỳ làm tiểu thư dưới mái nhà ông bà ngoại. Mẹ tôi chỉ nhớ vài món đồ dấu dưới đáy mương vườn nhà ông nội lúc bỏ nhà chạy tản cư. Cũng may là hai món đồ nặng chịch, ít có cô dâu nào mang theo trong ngày cưới là chiếc cối xay bột và cối đá dùng vả quết nem thịt, nằm yên suốt chín năm chưa ai đụng tới. Có lẽ người ta chỉ lo “hôi của” căn nhà của ông bà nội đã chấp hành nghiêm chỉnh lệnh tiêu thổ san bằng dinh thự. Cũng vì hy vọng một vài năm trở về tái thiết nên người làm cẩn thận gỡ từng miếng ngói, đục từng viên gạch “thức” to kềnh đặc cứng từ những bức tường dầy hơn 20 phân. Một kiến trúc kiểu châu Âu xếp nằm từng đống trên sân, có xin ông Địa giữ dùm.
Nhờ khéo tay và một bụng nữ công gia chánh, cũng không vì ham lời mà lãng quên chân thật nên bất cứ món gì của mẹ tôi làm để bán ra không bao giờ bị ế. Ngon đến nỗi mẹ tôi vừa gói cột xong những chục nem, tôi lén xách một chùm ra ngồi nơi cửa trước. Tới chừng có ông già lối xóm, giọng sang sảng xuyên tới nhà sau ” Mợ Ba ơi, thằng nhỏ đang lột ăn nem sống”. Lúc đó và mãi về sau, mẹ tôi chưa từng đánh chúng tôi một roi cho dù nhẹ hững, chỉ rầy một câu mà tôi sợ đến bây giờ “con đừng ăn đồ sống sít, có ngày trở thành chồn”. Mỗi ngày mâm cơm nhà chúng tôi sung túc nhờ số thịt vụn lộn mỡ lộn gân được mẹ tôi cắt tĩa ra từ khối đùi heo để chọn lọc kỷ lưởng cho thịt làm nem. Với chiếc cối đá bề vòng gần bằng vành nón lá và chiếc chày vả làm bằng thân gỗ mù u có tra chiếc cán ngắn vừa tay. Chỉ cần sức lực để quết tơi, vừa đủ nát mịn những thớ thịt đùi heo, một yếu tố làm cho nem dai dẽo, mẹ tôi đã biến cuộc sống khó khăn gần chợ của gia đình chúng tôi càng ngày thêm ổn định.
Mẹ tôi có mang đứa em kế, bà chỉ vào cái bụng u tròn.
– Để mẹ sanh cho con một thằng em trai, nữa lớn nó chơi với con.
Lúc đó tôi chưa đủ trí khôn để hỏi lại, làm sao mẹ biết chắc nó là em trai.
Mẹ tôi sanh thằng út năm bà 43 tuổi. Lúc tôi được năm tuổi, ở cái khoảng mà con nít thường hay có hành động khôn ít, ngu nhiều. Nhà khít vách có một thằng cũng bằng trạng tuổi, nó là cháu ngoại của ông già có tiếng nói to vang sang sảng. Nghe tôi đi thăm em, nó cũng đòi theo. Hai thằng tới nhà bảo sanh đâu có dòm thằng em mặt tròn mặt méo ra sao, mà thấy cái ly ngâm những lát cam thảo vàng tươi tưởng là bánh kẹo, bỏ vô miệng nhai cảm giác thơm thơm ngọt ngọt. Hai thằng khoái chí dành ăn, không ngờ làm đổ luôn ly nước tạt ướt tóc thằng em út có mấy cọng le hoe. Thằng út giật mình khóc ré, mẹ tôi không rầy la mà đưa tiền cho tụi tôi đến tiệm thuốc bắc mua một gói cam thảo khác, căn dặn có ăn thì cũng nhớ chừa cho thằng em một nửa.
Tôi thường đi theo bà cô những buổi xách cơm nuôi mẹ sanh em. Thấy tôi chăm chăm dòm miệng, lần nào mẹ tôi cũng chừa lại vài muổng cơm và mấy miếng thịt nạc kho khô. Mùi cơm gạo thơm mới nấu, mùi thịt kho khô với nước mắm đồng, ăn dễ tiêu và hiền cho người ở cữ. Những hương vị thơm tho ngọt ngào nồng ấm mùi tiêu dưới đáy tô và tình thương của mẹ, tôi còn cảm giác hạnh phúc ngon đến bây giờ.
Lúc tôi bắt đầu có chút sức khá hơn con nít, hằng tuần mẹ tôi gói nem bì chỉ một hai ngày, những ngày kia nướng bánh khô vô bọc nylon đếm cho các tiệm. Tôi không nhớ đã biết giúp việc cho mẹ mình lúc bao nhiêu tuổi. Chỉ nhớ trước những buổi học chiều, tôi ráng đánh trứng trong chậu sành cho mẻ bột. Chiếc lò xo thép trắng hình nón có chiếc cán dài đánh tan mười mấy trứng gà sủi bọt khí nhẹ hều coi như không có. Tới chừng cho đường cát vào từ từ mới nghe nằng nặng, trút hết phần cân lượng đường thì tay đã mỏi nhừ. Dung dịch đặc sánh như kem nhưng đâu dám lơi tay, cố nhúng chiếc lò xo cho đường hòa tan trọn vẹn và tiếp tục đưa bọt khí vào để bánh làm ra xốp nổi và được nhiều hơn. Lúc nầy chỉ đợi mẹ nói được rồi là trút đi gánh nặng, đứng lên mà tưởng cánh tay còn để lại dưới chậu sành. Trên đường tới trường tôi nghĩ lại, những khi tôi không đánh bột thì mẹ tôi làm việc đó, rồi còn phải còm lưng nướng từng vĩ bánh. Từ sáng sớm bà đã xách giỏ chọn lọc món ăn, vừa ngon bổ vừa hạp túi tiền khiêm nhượng. Ngày hai buổi lo cơm nước đủ đầy không quản nắng mưa bệnh hoạn. Tôi bao nhiêu lớn là tôi biết mẹ tôi bao nhiêu dài khổ cực.
Tết Mậu Thân gia đình chúng tôi dọn đồ xuống ghe chạy loạn. Mẹ tôi cứ nhắc hoài, ” Con mở dây treo đem chậu ớt bơ xuống, kiếm chỗ để trên mui ghe trước”. Ba tôi đáp lại “Nhà của cậu nó ở phố xá tỉnh thành, chổ ở đâu mà bà mang theo thứ đó. Bà hái vài trái ớt chín, khi mình trở về ương trồng lại”. Tôi nghe ba nói vậy chớ biết má không thể nào bỏ lại chậu ớt mà hai mẹ con hì hụt vá cái thao mủ bể, bà chỉ cho tôi chạy tuốt ra ngoài ruộng hốt cỏ mục trộn đất trên nhửng bờ giồng, dùng dây kẽm ràng rịt và gióng treo chiếc thau dưới mái hiên nhà cho có nắng. Tôi đã quen chú ớt bơ nầy từ khi còn nhỏ xíu, hằng ngày cho nó chút nước và đếm từng chiếc lá, nụ hoa, mừng rỡ khi thấy những trái xanh non nhỏ hơn đầu đũa đầu tiên xuất hiện.
Tôi thuộc lòng những chuyện kể của mẹ. Ngày ông ngoại còn đương thời, còn là đại chủ điền ở Ngã Bảy-Phụng Hiệp. Ông ngoại có mấy người bạn Tây đồn điền “La Bách” ở Sóc Trăng, họ thấy ông ngoại thích giống ớt nầy nên tặng ông ngoại mấy cây trồng trong chậu sứ. Đầu tiên nó có tên tây, vì ông ngoại thích cái mùi bơ khi dầm nó vào nước chấm, có lẽ từ đó nó có tên ta như vậy. Ông ngoại lưu truyền không bao giờ để mất giống ớt thơm cay, độc đáo nầy. Gia đình tôi không quen dùng ớt thật cay, nhưng mẹ tôi cũng giữ giống ớt số một nầy suốt mấy chục năm có lẽ để nhớ về ông bà ngoại.
Thời cuộc tạm êm thì cha mẹ tôi dẫn thằng út trở về nhà cũ, gởi tôi nhập với người anh đang tá túc gia đình cậu mợ nhờ nuôi đi học. Lâu lâu mẹ tôi lên thăm, có một lần bà xách theo một giỏ bắp trái đã nấu chín, “ăn đi con, bắp chưa qua sông ngọt lắm. Mẹ nấu hồi hôm, khuya nay mới vớt ra hãy còn âm ấm”. Tôi hiểu mẹ nói gì nhưng muốn trêu bà trở lại, “mẹ đi tàu từ khuya tới giờ mà bắp chưa qua sông, vậy chỉ có một mình mẹ qua sông thôi hả”.
Bắp chưa qua sông, ngụ ý của dân quê là trái bắp vườn được trồng từng đám nhỏ quanh nhà hay dọc theo bờ ruộng ở những địa phương lân cận. Chiều hôm trước người ta bẻ trái chừng vài thúng hay một hai càn xé, khuya đó vác xuống xuồng bơi ra chợ quận. Bà con mua về những chục bắp bẹ lá còn xanh mởn tươi dòn, ngọt thơm ngay từ lúc chiếc nắp nồi luộc trái vừa được mở ra.
Trái bắp qua sông hay còn gọi là bắp chợ, được bẻ từ những rẫy bắp lớn ở đất liền hay từ những cù lao cồn bãi mênh mông trên sông cái. Lúc mớì bẻ vẫn tươi non như bắp vườn, nhưng vì số lượng quá nhiều nên đổ cao thành đống lớn trên mặt rẫy hoặc lúc chuyên chở dưới ghe. Thời gian chứa vựa và chuyển vận kéo dài, không khí nghẹt cứng, độ ẩm của lá sinh ra phản ứng nhiệt, làm cho vỏ trái vàng hoe, cơm cùi khô đanh lạt nhách.
Anh chị em tôi quá nửa đã qua biển lớn, khô queo lạt lẽo như những trái bắp lăn lóc chợ đời, bỏ lại mẹ lúc cuối đời ốm đau hiu quạnh. Khi hay tin mẹ mất, tôi khóc như một đứa trẻ bị dứt ngang nguồn sữa mẹ. Tôi bươn bả về chỉ để sờ vào chiếc áo quan lạnh ngắt đã bọc kín xác thân đấng sinh thành. Bà hưởng thọ 95 tuổi, nhưng tôi muốn bà ở thêm năm, mười năm nữa. Ước muốn như bất cứ đứa con nào còn mẹ, dù tôi tự biết bản thân chưa xứng đáng khi kêu ca phàn nàn Thượng đế. Nhưng có một điều tôi chắc chắn: Nơi xa xăm vời vợi, hồn thiêng của mẹ đã tha hết mọi tội lỗi của tôi.
Một Lúa
Không biết bài nầy ông Một Lúa lấy đi bao nhiêu nước mắt của người đọc? Bao nhiêu thì bao chớ của tui không được giọt nào rồi. Có bao nhiêu tui nuốt vô trong bụng hết, làm sao ổng lấy được! Hê..hê.
Bài viết về thời còn mẹ, những chi tiết khi xâu lại thành chuỗi cảm động, nhất là vùng nông thôn xa, qua thời loạn lạc, những dấu ấn không bao giờ phai, có lẽ là dấu cứa suốt đời con. Đọc bài viết thật công phu của anh Một lúa, dường như tôi thấy lại thời chiến tranh cùng nỗi hãi hùng của nó.
Trương mẩn
Hôm nay vào đọc Mẹ Tôi của Một Lúa mà nước mắt tôi cứ rơi rơi mãi.Một lúa đã viết về Mẹ của mình với một cảm xúc dâng tràn .Một bà Mẹ thạt tuyệt vời và trên cả tuyệt vời.Suốt cuộc đời cơ cực vì chồng , vì con.Và thấy được anh Một Lúa thật hạnh phúc ,Cái hạnh phúc mà Phan Lương chỉ thèm khát mà không bao giờ có được.Đó là có Mẹ để được yêu thương .Mẹ của anh Một Lúa sống thọ đến tuổi 95 mới mãn phần.Một hạnh phúc hiếm hoi vô vàn.Còn Mẹ của Phan Lương đã bỏ Phan Lương mà đi vĩnh viễn khi Phan Lương chỉ vừa lên 6 tuổi.Cái tuổi rất cần có mẹ.Vậy mà..
Chiến tranh đã cướp đi cái hạnh phúc vô giá đó .Anh Một Lúa đã viết về Mẹ với một tình thương mến bao la.Có yêu thương Mẹ,có cảm xúc thật sự thì mới viết được hay như vậy, mới lấy được nhiều nước mắt của người đọc như vậy
Một Lúa ơi! mới đọc 4 câu đầu mà tôi đây buồn muốn khóc, vì nhớ lại người mẹ của mình, chưa đủ can đảm đọc tiếp, gõ vài chữ để vơi bớt nổi buồn. Đở buồn sẽ đọc tiếp.
Thân chào Phan Lương, Phi Rom, anh Trương Mẫn và Quách Đào
Cám ơn quí vị chia sẽ cảm nghĩ về bài viết.
Mỗi người chúng ta đều có bà mẹ để tự hào, để vòi vĩnh, để tiếc thương, và đôi khi để ân hận như Lúa.
Và khi chúng ta trong vai trò làm cha mẹ. Ngoài tình thương con cái như cha mẹ mình. lắm lúc chúng ta tha thứ cho những lầm lỗi của chúng hiện tại, có thể giống như ngày xưa của một ít chúng ta.
Một Lúa
doc bai Me toi cua Mot Lua ma xuc dong rungrung .mot ba metuyet voi nhu bao ba me khac tan tao vat va vi chong con .
Chào Ánh Tuyết,
Cám ơn Ánh Tuyết đồng cảm. Trường hợp trong bài chỉ là một trong hàng triệu triệu bà mẹ từ trẻ tuổi đến tóc bạc phơ tận tụy vì chồng con đáng được quý mến.
Một Lúa
Anh Một Luá hay thiệt , sung sướng thiệt , NT Snow phục lăn anh đó nha. Chúc anh luôn vui , luôn khoẻ , gởi bài vô trang nhà cho bạn bè cùng đọc đã luôn . hihi.
Chào Nguyễn Tuyết,
Viết về mình không khó cũng không phải dễ. Gần đây NT viết chuyện nhà rất thật và rất hay. Chúc mừng.
Lúa
MẸ TÔI – một bài viết quá hay, quá cảm động cho những ngày Vu Lan . Vô cùng cám ơn anh Một Lúa !
Chào Như Thùy,
Mùa Vu Lan mưa rả rích mà đọc truyện buồn. Trong giây phút chạnh lòng, chúng ta hãy nhớ về những bà mẹ quá cố, ngưỡng mộ những người mẹ đang an hưởng sự báo hiếu của con cái, thương cảm những người mẹ còn tất tả bương chải mưu sinh.
Một Lúa
Em dđã không cầm được nước maăt khi dđọc Mẹ tôi của anh Một lúa. Thật chân thành và cảm động. Mọi bà mẹ đều rất giản dị mà vĩ đại vô cùng. Mẹ em đã mất tròn 20 năm, và bài viết của anh làm em nhớ Mẹ mình quá đổi.
Chào Đức Tính,
Không ngờ câu chuyện riêng mình mà trộm được nước mắt các bạn.
Nhân mùa Vu lan, chúng ta tưởng niệm, vinh danh, chúc mừng những bậc hiền mẫu.
Một Lúa
Đọc lời phản hồi của Đức Tính xong, tự nhiên nhìn qua góc phải của TV, bàng hoàng, hôm nay là ngày mẹ mất sao. Mấy giây sau mới sực tỉnh, hôm nay ngày 4 tháng 8. Mẹ mất ngày 8 tháng 4.
Hoàng Hưng bình tỉnh trở lại chưa. Người Mỹ viết tháng trước ngày, nhiều lúc mình cũng giật mình hoài.
Thói quen 37 năm, phải đợi 37 năm nó mới trở lại bông-noa, sau đó mới chạy chiều khác. hihi
Anh Một Lúa đang dâng tràn cảm xúc khi nói về người mẹ thân yêu, thật cảm động vô vàn, đó là niềm an ủi lớn lao của những người mẹ dù đang ở suối vàng. Còn tôi là mẹ của 6 đứa con, chồng tôi đột quỵ ra đi thình lình để lại cái thân còm nhom của tôi với một gánh nặng đầy gian truân khổ ải, khi đứa bé nhất mới được 24 tháng tuổi, nhưng như những người mẹ khác, tôi vẵn oằn gánh nuôi con, nay thì các con đã nên người, có lẽ nhờ hương hồn của ba chúng phò trợ cho tôi có đầy nghị lực vượt qua, bây giờ các con ngoan hiền của tôi đề huề lo cho mẹ, không hạnh phúc nào bằng.
Ngưỡng mộ một bậc cha mẹ đơn thân, nghĩ rằng thọ cơn góa bụa lúc còn rất trẻ. Vất vả nuôi bầy con 6 đứa nên người, xứng đáng là một hiền mẫu.
Chân thành mến phục.
Một Lúa
Anh chị em tôi quá nửa đã qua biển lớn, khô queo lạt lẽo như những trái bắp lăn lóc chợ đời, bỏ lại mẹ lúc cuối đời ốm đau hiu quạnh. Khi hay tin mẹ mất, tôi khóc như một đứa trẻ bị dứt ngang nguồn sữa mẹ. Tôi bươn bả về chỉ để sờ vào chiếc áo quan lạnh ngắt đã bọc kín xác thân đấng sinh thành. Bà hưởng thọ 95 tuổi, nhưng tôi muốn bà ở thêm năm, mười năm nữa. Ước muốn như bất cứ đứa con nào còn mẹ, dù tôi tự biết bản thân chưa xứng đáng khi kêu ca phàn nàn Thượng đế. Nhưng có một điều tôi chắc chắn: Nơi xa xăm vời vợi, hồn thiêng của mẹ đã tha hết mọi tội lỗi của tôi.
Một Lúa
Đọc truyện 1 lúa một hơi trong xúc động…Đến đoạn cuối thì thấy sao đôi mắt mình cay cay.Cám ơn 1Lúa…chuyện của anh dường như gần với tôi…một đứa con…dường như có lúc quên mẹ vì cơ cầu của cuộc sống.HTH
Anh Huỳnh Tâm Hoài,
Cám ơn tâm tình anh chia sẻ và đồng cảm với Một Lúa.
Wow! Mỹ Linh ơi ! hôm nay tui mới biết được hoàn cảnh cuả bạn ! NT thầm khâm phục bạn quá ! Nuôi con khôn lớn 1 mình , quá ư là gay go cực khổ. Nhưng nay con đã nên người hết rồi . Đúng là Trời Phật thương bạn nhỉ . Nhin ảnh bạn rất là dễ thương và nụ cười trên môi . NT , thân mến chúc bạn luôn tươi vui và trẻ trung , và nhứt là dồi dào sức khoẻ , nay có các con lớn khôn làm hậu thuẩn rôi, khi rảnh tranh thủ vô trang nhà vui vẻ và hạnh phúc cùng bè bạn nha. Mến nhiều . NTSNOW.