Bệnh nhân ơi là bệnh nhân!

Ngày đăng: 1/03/2014 08:49:58 Chiều/ ý kiến phản hồi (11)

Từ thời sinh viên cho đến ngày ra trường tôi vẫn giữ thói quen hỏi bệnh khá chi tiết, khám bệnh cẩn  thận như thể luôn có các bậc đàn anh bên cạnh. Nhiều triệu chứng mơ hồ tôi hỏi đi hỏi lại rất nhiều lần….Và tôi gặp khá nhiều tình huống….

*“ Bác bệnh sao mà đi khám bệnh ? – BS ơi, tui nhức lưng, nhức đầu gối, không ngủ được.

– Còn bệnh gì nữa không bác ? – Không, tui khỏe mạnh lắm.

Nếu chỉ có vậy thì bệnh nhân (BN) khỏe mạnh thật so với tuổi gần bảy mươi. Nhưng tôi thấy số đo huyết áp 160/90mmHg-các em ghi rõ đo lần thứ hai.

– Bác có cao huyết áp lần nào không?- không.

– Bị lên máu đó, có không bác ? Tôi hỏi lại vì sợ BN chưa hiểu hai từ “ huyết áp ”.

– Không. Không lên máu cũng không cao huyết áp.

– Có lúc nào bác nhức đầu, chóng mặt, mặt đỏ, tê rần sau ót?

– Có, lúc đó tui bị lên “ tăng xông ” BS ơi.

– Bác lên “ tăng xông ” lâu chưa?

 – Gần 20 năm rồi! BS nhớ cho tui thuốc nhức nghe BS.

BN không biết mình cao huyết áp phải uống thuốc mỗi ngày, không biết mình phải gặp BS kiểm tra định kỳ… chỉ đến lúc lên “ tăng xông ”mới lò dò tìm mấy viên thuốc uống! Lỗi này cũng có phần của BS đồng nghiệp tôi. Nếu các BS không tiết kiệm lời nói, nếu các BS cố gắng dành thêm 2-3 phút nữa nhắc nhở BN tái khám thường xuyên và nhấn mạnh biến chứng của lên “ tăng xông ”….tôi nghĩ tỉ lệ đột quị giảm đi không nhỏ….

*” Bác bị cao huyết áp lâu chưa? ”

 – Lâu lắm rồi.

– Mấy năm vậy bác ?

 – Mấy năm rồi.

– Là bao nhiêu năm, thí dụ 5, 10 năm gì đó

 – Từ hồi tui sanh con gái út. Nói đến đây bác ngồi nhẩm tính số tuổi con gái út….Đã 3 câu hỏi rồi mà BN hãy còn nói vòng vo!

– Có kèm theo bệnh gì nữa không bác?

– Không. Một bệnh cao huyết áp hà.

Tôi xem xấp toa thuốc ghi ngoằn ngoèo, chi chít chẩn đoán. Đi khám bệnh hơn 10 năm mà không hay biết ngoài bệnh huyết áp còn có tiểu đường, thiếu máu cơ tim….và hơn một lần nhồi máu cơ tim! Tội nghiệp  bà này thật! Biết được cao huyết áp vì là cao huyết áp thai kỳ được BS theo dõi đến lúc sinh nở. Không được dặn dò, không được giải thích tường tận….Có khi nghe BS nói loáng thoáng nhưng BN không mấy quan tâm vì thấy mình vẫn khỏe mạnh bình thường. Toa thuốc hàng đống không buồn đọc xem BS ghi phần chẩn đoán là bệnh gì. Thậm chí hẹn ngày tái khám ghi rõ, dặn dò những điều cần thiết BN cũng không nghe…..Biết trách ai bây giờ ??

*BN tôi bị cao HA, trong lần kiểm tra máu định kỳ BN mắc thêm bệnh tiểu đường. BN bật khóc òa như đứa trẻ.

–  Em không có bệnh tiểu đường!

–  Thôi, chịu khó uống thuốc, ăn uống cử kiêng, tập thể dục, giảm cân.

– Em không có bệnh mà. Em sợ bệnh này lắm. BN tiếp tục khóc tức tưởi.

 Nghe BN nói, nhìn em rấm rứt khóc tôi chợt nghĩ đã có công an ép cung có lẽ tôi là bác sĩ ép bệnh! Nói ra điều này em chợt bật cười, nín khóc. Những lần khám sau em vui vẻ chấp nhận bệnh, tuân thủ điều trị với tinh thần lạc quan như các BN khác của tôi. Ngoài chuyện bệnh , BN thường trao đổi, tâm sự với tôi về cuộc sống, hoàn cảnh gia đình. Từ cái nhìn bi quan, mặc cảm bệnh tật và tuổi già, tôi giúp BN nhận ra cuộc sống vẫn còn tràn trề niềm vui, cuộc đời vẫn đáng sống dẫu cho bệnh tật dai dẳng đeo bám con người. Còn uống thuốc, còn đi gặp BS là còn hạnh phúc, hạnh phúc hơn những người không may mắc căn bệnh hiểm nghèo! Cứ thế chúng ta (BN và BS) đang có từng giờ, từng ngày vui vẻ, hạnh phúc…

* BN nữ tuổi trên bảy mươi, người mập mạp, phốp pháp ngồi phịch xuống ghế.

– BS khám coi tui có bệnh gì không?

– Trong người bác có gì lạ không? Như chóng mặt, nhức đầu, mệt, đau ngực?

– BS khám đi, BS khám thì biết bệnh chớ gì.

BN suy nghĩ đơn giản là với cái ống nghe thần kỳ, ( có khi gặp BS khám bệnh thần tốc!) BS thừa khả năng tìm ra đủ thứ bệnh tật, kê toa thuốc uống trong mười, mười lăm phút! Bệnh nhân ơi là Bệnh nhân! tôi cố gắng dẫn dụ nhiều trường hợp bệnh lý khác nhau đều có sốt cho BN hiểu. Cũng là sốt nhưng kèm sổ mũi, đau họng, ho đàm …là bệnh về hô hấp. Cũng sốt có kèm tiêu chảy, đau bụng lại là bệnh đường tiêu hóa, có khi lại là viêm ruột thừa….BN dần dần hiểu ra việc kể cho BS nghe các dấu hiệu lạ của cơ thể là cực kỳ cần thiết và vô cùng quan trọng. BN kể hết chuyện bệnh lấn sang chuyện nhà, say sưa nói chuyện bệnh tật của người nhà…..Cuối cùng BN hỏi vậy con gái tôi bệnh gì BS?

*- BS, tôi nghe tim mình đập. Tôi không bệnh gì hết. Tôi mệt.

Khám xong BN tôi thấy chị hoàn toàn bình thường. Lứa tuổi chưa tròn 40 trông chị trẻ, khỏe thậm chí  xinh đẹp nữa.

– Chị mệt làm sao, khi nào mệt, có đau đâu không?

– Tôi mệt.Tim đập thình thịch.

– Tôi biết. Mệt sao đây?

– Mệt, mệt là không khỏe.

Tôi im lặng, thở dài.. Biết nói sao đây, giờ đến phiên tôi mệt, mệt thiệt!

Tôi chợt nhớ giờ Tập làm văn thời học lớp ba Tiểu học, cô Nga cho tìm từ phản nghĩa của “ vắng vẻ ”, có bạn không ngần ngại viết  “ vắng vẻ ” là “ không đông ”!

Đến lúc này thì như tôi dự đoán BN cố gắng chứng tỏ mình mệt để được đo điện tim và làm siêu âm tim!

*- Trước giờ chị có bệnh không? Có đang uống thuốc gì không?

– Tôi bệnh tùm lum, bệnh đủ thứ.

– Là bệnh gì? Chị nói rõ hơn…

– Bệnh nhiều lắm. Tôi muốn BS cho tôi thử máu, siêu âm bụng, tim….Tôi muốn….Tôi muốn BS cho làm…

– Nhưng là bệnh gì chị?

Vẫn không trả lời, BN tiếp tục nói- trước đây tôi khám ở BV  Ng. Trãi, BS là học trò nên tôi yêu cầu cái gì là cho làm ngay. Bệnh nhân ơi là bệnh nhân,  BN quên rằng nơi đây tôi không phải là học trò của chị và tôi không cho phép mình làm theo yêu cầu BN khi tôi chưa khám bệnh và không biết chút gì về tiền sử, bệnh sử của BN. Liệu rằng tôi có khó tính không? chưa bao giờ tôi chấp nhận BN là khách hàng như các phòng khám và bệnh viện tư nhân thường ca ngợi “ khách hàng là thượng đế ”. Với tôi BN không phải như khách hàng có thể tự ý mua sắm, chọn lựa hàng hóa tự do trong các quầy của siêu thị. BN càng không nên đề nghị BS làm cái này, làm cái kia như thể ra y lệnh cho BS! Mối quan hệ giữa thầy thuốc và người bệnh trong ngành Y muôn đời vẫn là mối quan hệ Bác sĩ- Bệnh nhân. Mối quan hệ bền vững này dựa trên tình người và tính nhân đạo của nghề nghiệp. Khi BN của tôi là đồng nghiệp (BS ) tôi thường tham khảo ý kiến “ BN đồng nghiệp ” đó có cần làm thêm gì nữa không? Câu hỏi ấy thể hiện tính khiêm nhường và lòng tôn trọng đồng nghiệp. Đối với BN tôi tôn trọng họ là lắng nghe bệnh tình, thậm chí tôi chịu đựng kiên nhẫn ngồi nghe kể lể đôi khi có phần dông dài…

Hai năm trước vào dịp Tết, BN người Hoa tặng tôi quà Tết. Tôi cám ơn, chúc bác năm mới dồi dào sức khỏe, vạn sự như ý. Bác ngập ngừng mãi, chúc lại tôi “ Năm mới, chúc BS …hai đứa mình như vậy nghe…”. Vừa nghe xong tôi bật cười giòn giã. Ý bác muốn chúc như câu của tôi. Bác ấy mồ côi cha mẹ, từ Quảng Đông lưu lạc vào miền Nam, đi ở được nhà chủ tốt bụng thương yêu gả chồng, lo bề gia thất. Có những người Hoa ( đa số lớn tuổi )không thạo tiếng Việt, khi khai bệnh họ buột miệng nói một tràng tiếng Hoa. Tôi nhìn họ lòng đầy thương cảm. Tôi chạnh lòng nghĩ đến anh em người Việt mình xa xứ…Lúc bệnh tật, đau đớn con người ta bật ra tiếng mẹ đẻ trong vô thức – ngôn ngữ yêu thương, nhung nhớ mà họ chôn giấu trong lòng. Ôi, những bệnh nhân thân yêu của tôi…..

   THANH THỦY                                                                                     

 

 

 

Có 11 bình luận về Bệnh nhân ơi là bệnh nhân!

  1. ngocthusa nói:

    gửi BSTT!! đọc hết bài của TT, ngocthu thầm có điều ước tất cả y bác sĩ vn mình giống như bs Thanh Thuy có lẻ mọi người khg sợ gặp bs, vào bệnh viện , y tá trả lời cộc lốc , bs thì mặt lanh như băng tuyết bắc cực , …. do đâu mà từ . lương y như từ mẫu khg còn tồn tại trong nganh y của vn ( một số) thôi NT khg quơ đủa cả nắm !!! nhù lần rồi NT đi khám bệnh ở y hoc dân tộc , bệnh nhân bên canh vui mừng khi được bác si goi tên cô ấy bảo bác sĩ này hiền vui vẻ lắm ,  một bà cụ khác hỏi thăm bác sĩ hôm nay khám mình nhờ xem hộ : bà lại bảo ông này khó ưa hay nạt nộ bệnh nhân lắm , gặp phải chịu khg có sự chọn lựa!! NT có đôi lời qua bài của bs Thuỷ  thân ái NT

  2. Hoàng Hưng nói:

    Chuyện BS Thanh Thủy kể quá hay, tôi sẽ kể chuyện tương tư nhưng ở Hoa Kỳ, BS và các bạn đón đọc nha. (HHg)

  3. Thanh Thủy nói:

    Chị Ngọc Thu, Anh Hưng mến,

    Cám ơn anh, chị đã khen…Em luôn luôn cố gắng ” giữ mình ” từ buổi đầu cho đến hôm nay. BN dường như đã trở thành người thân – là một phần trong đời sống của em. Tất cả em làm gói gọn trong hai chữ thương yêu…

  4. Thanh Nhi nói:

    Chào Bs Thanh Thủy !
    Em (xin phép gọi em như VCP…) hồi đáp cho chị NTh , anh HHg, vừa bụng chị ghê ! Vậy mới xứng danh “LươngY như Từ Mẫu”.
    Chúc Bs Th Thủy mạnh khỏe, hạnh phúc, công việc thuận lợi.

  5. NHA nói:

    Đọc bài viết….một “mạch” , xong viết phản hồi ngay: còn trường hợp nào khác về bệnh nhân của TT không, xin kể tiếp.

    Cám ơn.

  6. NGUYEN TUYET nói:

    Xin tiếp lời anh NHA,  NT thích BS Thanh Thuỷ rồi nha. Làm BS tuy  giữ khoảng cách Nghiêm  trang , lạnh lùng , nhưng không dấu nỗi ” Lòng Từ Tâm ” ẩn chứa bên trong. Đọc tới đoạn kết ,  làm cho  khoé mắt NT ướt đó. Chúc Bs Thanh Thuỷ luôn vui vẻ , tươi trẻ  và tràn đầy sức sống , giúp đời , giúp người , sau công việc  ngon giấc , an lành và hạnh phúc với gia đình. Hy vọng NT và ACE sẽ được đọc tiếp bài viết khác cuả Bs trên trang nhà  SOS  Mến . NTSNOW.

  7. Phú Thạnh nói:

    Phải như vậy chứ! BS là phải như vậy chứ! Hoan hô BS Thanh Thủy Cám ơn BS TT đã viết bài này…Tôi đọc thấy vui lắm. Tôi nghĩ cũng nên photo  bài này gởi đến các Bệnh viện có những BS không phải là  “Từ mẫu” để ngâm cứu…

  8. Thanh Thủy nói:

    Chị T. Nhi, chị N. Tuyết quý mến,

    Em cám ơn chị Nhi, chị Tuyết gởi lời thăm em. Em luôn cố gắng như em đã nói. Em thấy mình nhận được rất nhiều thứ ….Em trân trọng tất cả. Chúc chị T. Nhi và chị N. Tuyết sống an vui, hạnh phúc.

  9. Thanh Thủy nói:

    Anh NHA, anh Phú Thạnh,
    Viết về BN em có rất nhiều cảm xúc…Em cám ơn anh đã có lời khen. Trước giờ người ta hay viết về BS (qua phóng viên, người nhà BN). Còn em ao ước mọi người được biết BS nghĩ gì về BN của mình…..

  10. Pham Cuong nói:

    Nếu Thượng Dế cho tôi môt điều ước:đó là các bs trên thế gian nầy đều giống như Bs Thanh Thủy .Bài viết đầy tình người,  nhất là đoạn kết thấy cảm động quá.

  11. bệnh nhân nói:

    Xin hỏi BS khám bệnh ở đâu ? để “bệnh nhân” đến khám và có bài viết báo nêu gương

Trả lời NHA Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác