Nhớ chợ tết quê
Ngày xưa, đi chợ tết quê đối với trẻ con là một niềm vui lớn, vì vậy dù đã qua năm mươi năm nhưng vẫn còn đọng lại trong ký ức của tôi để rồi mỗi khi xuân về những mẫu chuyện vụn vặt không theo thứ tự thời gian lại hiện về.
Chợ phiên trong xóm
Thật ra đây chỉ là đoạn đường có ba nhà bán tiệm liền kề, vào ngày 29 tết thì có thêm hai thớt thịt của những nhà trong xóm. Họ bán thịt cho những người hàng xóm của mình với giá rẻ, nói đúng hơn là chia lại thịt với giá bán buôn. Những nhà này ngày thường nuôi heo, để khi Tết đến thì mổ. Nhà có con heo đủ tạ, nhà có con chưa đủ nhưng cũng hơn năm mươi ký, không phải nhà giàu làm sao dám mổ ra ăn hết. Thế nên, ngày cận tết mổ heo, họ lấy cái bàn học của con cháu đem ra khu “chợ xóm” bày thịt ra để bán cho mọi người. Bà con trong xóm không cần đi chợ huyện, chợ xã , cứ đến chợ phiên này để mua. Ai có tiền thì trả tiền, không tiền thì ghi sổ, đợi ra giêng bán lúa có tiền trả. Không người bán nào cộng thêm lãi suất dù người mua có thiếu nợ đến tháng hai. Phần chủ nhà sau khi bán xong, chừa lại khoảng mười ký thịt, để dành ăn trong ba ngày tết. Thôn quê có cái lạ, người ta đánh giá gia đình ăn tết lớn hay nhỏ qua nồi thịt heo trong bếp. Nhà nào có bốn – năm ký thịt heo là trung bình, có mười ký là ăn tết lớn, còn tiền trong tủ có hay không, không cần biết. Trong xóm cũng có người đi buôn, họ mua dư hấu ở Trà Vinh về bán lại, dưa lớn tốt đem ra chợ huyện, dưa nhỏ đem về bán ở chợ phiên trong xóm, phương thức thanh toán không được “ưu đãi” như thịt heo vì đây là hàng mua về bán lại, không phải tự sản xuất, nhưng giá cả rẻ hơn nhiều so với ngoài chợ lớn. Còn bánh tráng thì chợ này không có bán vì nhà nào cũng có tráng bánh. Còn khoảng mười ngày là Tết, nhà nhà đều chuẩn bị gạo để ngâm , xay thành bột, trong xóm chỉ có một lò tráng bánh gia công, chủ lò ngồi tráng, chủ nhà hứng lấy từng cái bánh đưa lên giàn (đan bằng lá dừa) đem đi phơi, đến lúc khô lấy ra, xấp lại đem về nhà. Tiền công tráng bánh không bao nhiêu, nên bánh tráng treo trong gác bếp, trẻ con ra vô lấy ăn thả giàn mà không bị đòn. Ở quê nhà nghèo có ba món thịt heo, dưa hấu , bánh tráng là có đủ mùa xuân rồi.
Chợ huyện
Chợ huyện đông đảo người đi chợ từ ngày 23 tết, tức ngày đưa ông Táo về trời. Những món thịt bánh dưa hành, ở nhà có thể tự cung, nhưng những vật dụng trang hoàng nhà cửa thì phải ra chợ mới có. Ở quê đa số là nhà lá, vách lá, được dán giấy cho sáng nhà. Giấy rẻ nhất là giấy báo cũ, kế đó là giấy bao xi măng, vừa bền vừa trang nhã vì có một màu, sang hơn hết là giấy màu, nhưng dễ rách. Vách dán giấy xong, thì mua bộ tranh tứ quý hoa quả bình để treo, hay tranh cổ tích. Nào là bộ tranh Thoại Khanh-Châu Tuấn; Con Tấm –con Cám; Nàng Út ống tre, Lục Vân Tiên do họa sĩ Lê Minh vẽ. Có người thích tranh truyện tàu thì mua Tây Du ký; Đông du bát tiên. .. Những hình ảnh trên vách này, làm đẹp nhà , trẻ con xem tới xem lui cả năm thuộc nằm lòng mà không cần học. Gia đình có người đi học thì mua bản đồ Việt nam, bản đồ thế giới về treo, nhờ vậy mà con cháu trong nhà biết nước ta ở Châu nào ? Vị trí nước Pháp ở đâu. Nhà khá giả có bàn thờ phải lau chùi trước tết, các tủ thờ Gò Công hay tủ thờ Bảo Hà đều được lau bằng dầu dừa để có độ bóng được lâu, những hoa văn chạm khắc rồng phụng trong tủ thờ cũng vậy, bóng lộn màu than đá. Lư hương, chân đèn bằng đồng được chùi bằng khế tàu, tro trấu, muốn sáng bóng phải khổ công chùi nhiều nước bằng tay, không có dịch vụ đánh bóng lưu đồng như ngày nay, khắp nơi đều có. Chợ họp quanh năm, nhưng chỉ có chợ tết là có bán quần áo , giầy nón cho bà Cửu thiên huyền nữ. Các món này làm bằng giấy màu, sản xuất thủ công, người làm chỉ sản xuất trong dịp tết và bán rong ở chợ, người mua chỉ mua vào dịp tết để trang trí trên trang bà cho mới, treo cả năm đến tết năm sau. Trong nhà có đèn măng xông, phải đi chợ mua vài cái măng xông để dành, lỡ bể có cái để thay, những ngày tết trong nhà phải sáng để tụi nhỏ tụ tập lại đánh bài, lắc bầu cua. Mấy trò chơi này có tính cờ bạc, người lớn chỉ cho phép chơi ba ngày, hết tết cấm hẳn. Phải nhìn nhận rằng, các trò chơi này góp phần cho không khí tết trong nhà.
Chợ hoa
Chợ hoa là chợ phiên nhóm họp bên cạnh chợ hàng hóa, thường thì gần mé sông để dễ vận chuyển. Hoa được trồng trong vườn từ ba đến bốn tháng trước tết, những loại hoa thông dụng được bán là hoa vạn thọ, hoa mồng gà, hoa cúc và hoa huệ, không có hoa lan, bonsai như ngày nay. Cây hoa mai cũng có bày bán nhưng không có mai kiểng, chỉ là mai vườn nên giá rất rẻ, vì vườn nhà nào cũng có trồng vài cây mai xen với các loại cây tạp khác. Tết đến, nhà nông không còn trái cây, lúa thóc để bán , trong vườn có mai bứng đem ra chợ, được giá, bán liền. Trái sung cũng vậy, quanh năm không đem lại kinh tế cho nhà vườn , đến tết mới có dịp ra chợ. Người ta mua sung để chưng trong nhà cùng với mảng cầu non, đu đủ non, xoài sống, dừa nhỏ tạo thành mâm ngủ quả. Một sự cầu may rất khiêm tốn: cầu vừa đủ xài hay cầu vừa đủ sung !!
Ở thôn quê, hoa là một loại hàng xa xí, ngày thường ít đụng đến, nếu có chỉ mua trong những ngày rằm, mùng 1 âm lịch để chưng trên bàn thờ ông bà. Thế nhưng, ngày tết nhà nào cũng có vài chậu hoa vạn thọ đặt trước nhà, coi như biểu tượng của ngày tết. Thiếu hoa, thiếu dưa hấu trong nhà là gia chủ vui tết không trọn vẹn.
Bài và ảnh Lương Minh
bài đăng ở báo xuân Doanh Nhân Sài Gòn Xuân 2014
Anh Sải nhà ta giỏi thiệt ! Chợ tết ở quê, ăn Tết ở quê, vui Tết ở quê, anh LM ôn lại ngày Tết ở quê đầy đủ chi tiết quá ! càng làm cho tui nhớ quê, nhớ Ba Má ! Hồi đó, Tết năm nào Ba tui cũng mở heo chia cho bà con ,Ba Má tui ngủ trễ thức sớm cực nhọc, Má tui cằn nhằn, Ba tui vuốt ve :”Má nó đùng lo,mình làm heo tại nhà ,té ra được nối cháo lòng đãi bè bạn lai rai,con cháu cũng có ăn, vui lắm mình ơi !” Ba tui có 02cái đèn mang xông treo nhà trên và nhà dưới sáng choang, do đó đến bây giờ tui vẫn còn mê ăn cháo lòng và bánh tráng ướt thơm mùi gạo mới, vị béo ngọt (bột có pha nước cốt dừa) mà chỉ có Tết ở quê mới có được. Cảm ơn anh LM giúp tui trở về tuổi thơ !