Thơ của một nhà báo

Ngày đăng: 24/12/2013 02:58:30 Chiều/ ý kiến phản hồi (1)

Phạm Đức Mạnh là hội viên Chi hội Văn nghệ TP.Cần Thơ từ năm 1985 khi Cần Thơ chưa tách tỉnh, sau đó anh về TP.HCM làm việc ở Thời báo Tài chính Việt Nam cho tới giờ. Tưởng đã quên mất thơ, hổng dè anh vừa cho in liền hai tập thơ Đừng theo trăng em nhé và Đong đầy kỷ niệm (NXB Hội Nhà văn, quý 3 và 4.2013). Nhà thơ Ý Nhi đã viết 8 trang giới thiệu tập thơ đầu với mở đầu như vầy: “Phạm Đức Mạnh không e dè khi nói ra quan niệm thơ của mình: Dập dềnh phiêu dạt nổi trôi/ Lấy thơ cột giữ mong đời bình yên” và: “Không viết được, lòng biến thành giông bão/ Cứ quay cuồng cảm xúc ở nơi em. Với anh, thơ là điểm tựa, là sự giải tỏa, cũng có thể nói là “giải pháp tối ưu” cho những cung bậc, những dạng thức tình cảm của mình giữa cuộc đời nhiều bất trắc, lo âu mà cũng nhiều niềm hoan lạc, nhiều yêu thương này”.  

 

Đọc 100 bài trong tập này, thấy nhận xét của nhà thơ Ý Nhi đáng được chia sẻ. Dường như cái nghề làm báo của tác giả (thường đòi hỏi lý tính nhiều hơn) đã “dẫn” tới cái mà Ý Nhi nói là “giải pháp tối ưu” đó trong thơ của anh. Ngay như ở bài Đừng theo trăng em nhé mà anh chọn đặt tên cho cả tập thơ tình yêu này, cảm giác đầu tiên thấy hơi “màu mè” nhưng đọc tiếp dễ thông cảm với “giải pháp ghen tuông” muôn thuở trong tình yêu mà tác giả chọn lựa để giải tỏa. Đầu tiên là: Em ơi trăng sáng quá/ Đừng thả hồn đi đâu. Tiếp đó: Đừng theo trăng em nhé/ Khi một mình đơn côi/ Trăng càng buồn càng tỏ/ Rót men tình lả lơi/ Đừng theo trăng em nhé/ Lạc biển đời mênh  mông/ Nhỡ gặp con sóng lạ/ Cuộc đời thành hư không. Để tới cuối câu chuyện, anh đề nghị: Hãy cùng trăng lứa đôi/ Tát bể sầu ngăn lối/ Phía yêu thương em đợi/ Phía đợi chờ anh mong. Ở đây, nói như nhà thơ Ý Nhi, nhà báo Phạm Đức Mạnh “còn tạo ra cho mình một vầng trăng có tên là trăng lứa đôi”.

Sang tập Đong đầy kỷ niệm, chính tác giả viết lời nói đầu, có đoạn: “Tôi chọn nghề làm báo dấn thân, làm kế mưu sinh, để đong cho mình những kiến thức cần thiết… Và trong sự sàng lọc tốt – xấu ấy, thơ mang đến và bù đắp cho tôi sự thanh thản; giúp tôi gạt bỏ đi mọi thứ tầm thường nhởn nhơ”. Ở tập này, 71 bài thơ là 71 câu chuyện cuộc đời của anh, đi từ tuổi thơ nghèo khó ở quê nhà Xuân Thành, Xuân Trường (Nam Định), rồi thời ở lính cho tới những tháng ngày “biết đủ thì đủ” trong cuộc sống công nghiệp hiện tại giữa lòng TP.HCM.

Trong dòng kỷ niệm này, bóng dáng nghề làm báo của anh, mà rõ nhất ở đây là sự tỉnh táo, cắt gọt câu chữ… ẩn hiện trong nhiều bài thơ. Thí dụ ở bài lục bát Tự răn này: Cuộc đời là kiếp đi vay/ Trăm năm – phải trả tháng ngày trần gian/ Giành nhau son thếp, lộc vàng/ Cũng về nơi ấy – nào mang được gì/ Tham lam, ích kỷ làm chi/ Mai sau bia miệng tiếng chì khó phai.

Ở bìa sau tập thơ này, tác giả trích in mấy dòng lục bát: Đi xa/ lâu trở về quê/ Ngõ hồn rơm rạ buồn khê ngóng chờ/ Hàng cau/ hoa trắng thẫn thờ/ Tơ lòng vương vấn bóng mờ người xưa. Xin chia sẻ với anh – và với nhà thơ Y Nhi ở nhận xét này: “Phạm Đức Mạnh đã chọn thơ. Vậy thì, lời cầu chúc cho anh chính là: mong anh giữ mãi được tình yêu với thơ và cùng với ngày tháng, sẽ có thêm thơ hay”.

Huỳnh Kim

(Bài đăng báo thanh niên ngày 24/12/2013)

 

Có 1 bình luận về Thơ của một nhà báo

  1. Nhóm YAMAHA nói:

    Tui thích đọc thơ và rất quý Nhà thơ, tui hiểu và thương PĐM qua :Dâp dềnh phiêu dạt nổi trôi / Lấy thơ cột giữ mong

    đời bình yên. Nhân tình thế thái đen bạc ra sao? PĐM vẫn mỉm cười ( PĐM cười hiền ,dễ thương ).

    Bạn Huỳnh Kim bình thơ PĐM tui cũng rất thích . Chúc Nhà thơ, Nhà văn, Nhà báo …Năm Mới dồi dào sức khỏe, Gia đình hạnh phúc.

                                                          Thương mến

                                                                        Thanh Nhi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác