“TÔI VÍU NGỌN GIÓ LÀNG ĐI LANG THANG…”

Ngày đăng: 21/11/2013 02:50:13 Chiều/ ý kiến phản hồi (6)

Khi đã qua cái tuổi 50, không ai ngạc nhiên khi một ngày bỗng dưng lòng chợt xốn xang trước dòng sông trong buổi chiều đầy mưa, hay bỗng thấy mình trống rỗng nhẹ tênh giữa ban mai ngọt ngào đổ xuống đồng ruộng đang chín vàng, mà xa kia là bờ ao, xa kia nữa là cây cầu lắc lẻo…

      Tôi đọc thơ Phạm Đức Mạnh và hiểu vì sao anh lại mang nhiều kỷ niệm trong người đến vậy, anh nhớ nhiều thứ, nhớ quê, nhớ nhà, nhớ cầu ao vườn chuối, nhớ mảnh đất K có khát vọng hòa bình của người mẹ Campuchia… Nỗi nhớ anh trải dài từ Nam Định – nơi chôn nhau cắt rún đến thành phố Cần Thơ nổi tiếng gạo trắng nước trong, là vùng đất anh nhận làm quê hương thứ hai. Rồi những cuộc tình hư hư thực thực, mang mang đi vào đời và lắng lại thành những cơn hoài niệm khó quên cũng làm anh chao dao khi nhìn một chiếc lá rơi, khi một mình trong góc khuất với những giọt cà phê chảy chậm.

       Cái nhớ đầu tiên của Phạm Đức Mạnh gởi vào tập thơ “Đong đầy kỷ niệm”(*) là cái nhớ quê nghèo da diết, anh tâm sự: -Tuổi thơ tôi lam lũ gắn liền với những bờ ao, thửa ruộng, con trâu, lớn lên từ kiếp người nông dân, tắm chung vũng trâu đằm, miếng ăn lủng củng sắn, ngô, khoai… chan nước mắt…; Nhiều lúc tôi víu ngọn gió làng đi lang thang, bỏ rơi cơn sầu tủi…; Có những đêm, tôi ngâm mình trong ác mộng để tìm kiếm ước mơ…

      Thật sự thì cái nhớ của tác giả là nỗi nhớ của nhiều người cùng cảnh, cùng tâm trạng, nói như sách là “đồng bệnh tương lân”, khi qua một con đường, có thể người khác nhớ đến một gương mặt tình, người kia nhớ một tiếng guốc gõ trên vỉa hè, người nọ nhớ đến nụ hôn vội vàng trong cơn mưa tối dưới hiên nhà lạ, còn anh thì nhớ “Một thời thơ ấu nhặt đầy tiếng ve…”; nhớ đến cuộc chiến tranh ác liệt:

 

Tuổi thơ tôi ngủ trên làn bom

Chiếc mũ rơm ngăn bầu trời rạn vỡ

Hút tiếng máy bay gầm rú

 

Bom nổ

Cả khoảng trời quê đang xanh

Cháy đen

Tuổi thơ tôi không có mùa thu

Không có trăng rằm phá cỗ

Tôi sống giữa nỗi đau

Trắng đêm không ngủ

Cái chết treo lơ lửng trên đầu…

                      (Tuổi thơ- Tr.12)

 

     Anh nhớ tới mẹ: “Khi con cất tiếng chào đời / Vòng tay mẹ ẳm là trời của con”, hay “Đêm nằm ôm xiết cơn mê/ Tưởng nơi đất mẹ triền đê sông Hồng”.

      Ngổn ngang trong tập thơ là những nỗi nhớ đan chéo nhau như những cọng lạt đan rổ rá, tôi lần theo những cảm xúc của tác giả và nghe lời rủ rê:

 

Khó ngủ- Rủ gió về làng

Đứng sau kỷ niệm nghe làn Chầu Văn

Vách chờ đan tháng, vành năm

Cha ngồi nhịp phách xa xăm kiếp người

 

Cổng trăng đầy tiếng hát trôi

Sông trời réo rắt những lời …í i

 

Đã qua cái thuở xuân thì

Đường quê mộc mạc bước đi chẻ hồn

Sóng đời va đập hoàng hôn

Để khi tóc bạc bồn chồn nhớ quê

Trong mơ lại rủ gió về

Nghe Chầu ai bỏ thuốc mê ngọt ngào?

                        (Rủ gió về làng –Tr.77).

 

          Tôi nghĩ, đã là người viết – bất cứ viết gì – trước nhất là phải có cảm xúc, chính vì thế mà bút lực của Phạm Đức Mạnh mới dồi dào đến vậy, vì trong suốt quãng đời làm báo, anh đã làm không biết bao nhiêu là bài thơ, những bài thơ lưu giữ những khoảnh khắc bất chợt rung động, những câu nói vô tình, những nụ cười vu vơ, những ánh mắt không hò hẹn…

       Trong những lần trò chuyện, anh thường tâm sự: – Tôi chọn nghề báo dấn thân, làm kế mưu sinh, để đong cho mình những kiến thức cần thiết. Sự va đập của nghề có lúc bắt tôi phải trả giá về đời. Và trong sự sàng lọc tốt xấu ấy, thơ mang đến và bù đấp cho tôi sự thanh thản, giúp tôi gạt bỏ những thứ tầm thường…; Có thể xem tập thơ “Đong đầy kỷ niệm này” là một bức tranh, mà trong đó có những gam màu chìm, là những nét vẽ về tuổi thơ, có quê hương, gia đình, đời lính, những kỷ niệm trải trong đời cũng như những khát vọng, ước mơ, sự đồng cảm và chia sẻ với những số phận cùng lăn lộn, cùng va đập qua các ngõ ngách của  đời sống…

       Sau tập thơ “Đừng theo trăng em nhé”, bây giờ là tập thơ “Đong đầy kỷ niệm”, nhìn sấp bản thảo của anh, tôi nghĩ, anh còn sẽ phải in 5 lần như vậy nữa mới hết chỗ thơ ấy. Nhưng biết thế nào được, nhà thơ mà, viết hết tứ này thì tứ khác hiện ra, vừa xong câu nọ thì câu kia xuất hiện, những vần thơ cứ như sóng biển dập vào bờ, dập mãi…

PN Thường Đoan

                                             PN Thường Đoan bên hoa bụp vàng

 

———————————————————–

(*) –Tập thơ “Đong đầy kỷ niệm – NXB Hội Nhà Văn – 2013

Có 6 bình luận về “TÔI VÍU NGỌN GIÓ LÀNG ĐI LANG THANG…”

  1. Phi Rom nói:

    Đã qua cái thuở xuân thì

    Đường quê mộc mạc bước đi chẻ hồn

    Tôi không biết bước đi chẻ hồn là sao, nhưng trong giác quan tôi cảm nhận là một bài thơ hay như chị Thường Đoan nhận xét. Là người đọc bình thường, nhờ có những ghi nhận này làm cho người đọc hiểu thêm về thơ PĐM

    • Phạm Đức Mạnh nói:

            Chị Phi Rom ơi! chị cứ ngẫm và đặt dấu hỏi tại sao PĐM lại chọn đối tượng “Đã qua cái tuổi xuân thì” mà không chọn đối tượng sắp xuân hay đang xuân để gắn theo câu “Đường quê mộc mạc bước đi chẻ hồn” ? Vâng chỉ khi ở lứa tuổi “quá xuân”, nhìn về quá khứ… con người ta mới thật sự khắc khoải, mới thấy được chân giá trị mộc mạc của những con đường quê thấm đẫm nỗi nhớ, nhìn đâu cùng thấy kỷ niệm (cả kỷ niệm đẹp đáng yêu và kỷ niệm đắng nghét) – vì vậy những bước đi và tìm kỷ niệm cũng là khoẳng khắc chẻ hồn mình cho tất cả yêu thương… để rồi đi hay ở đều “Đong đầy kỷ niệm”…

            Ý anh Một Lúa phân tách rất hay và dẫn 2 câu thơ của Hàn Mặc Tử cũng rất thú vị. Hiểu theo cách này làm cho câu thơ thêm đa dạng. Và theo bác Cả … dù thế nào thì “… một nửa hồn… vẫn sống nhăn” để còn yêu thương và được yêu; là còn tồn tại… để chẻ hồn đi khắp 4 phương!

  2. Một Lúa nói:

    Chào bạn trẻ Phi Rom,

    Tui thử kể câu chuyện xưa nầy may ra giúp đở PR cho théc méc về <bước đi chẻ hồn> của thi sĩ Phạm Đức Mạnh.

    Khoảng thời gian mà mỗi chiều tui hay đi sau lưng mấy cô bạn cùng lớp tan học lội bộ về nhà. Vì mãi lo nhìn những mái tóc dài đen huyền đang bay bay phía trước nên chân tui vấp đá trên con lộ ngang xóm Chùa, chẻ móng ngón giò cái chảy máu thảm thương.

    Chuyện trên không xi-nhê thì tui mượn 2 câu trong bài thơ <Những giọt lệ> của Hàn Mạc Tử

    “Người đi một nửa hồn tôi mất

    Một nửa hồn kia bỗng dại khờ”

    Nếu bước đi của người yêu thi sĩ Hàn Mạc Tử không chẻ hồn thì làm sao mà thi sĩ chỉ còn lại nửa hồn thương tật.

    Hihi

     

     

    • Một Lúa ơi! câu giải thích rất là ” hình tượng” đọc là hiểu ngay ” chẻ hồn” …nó không giống “chẻ tre”… ha ha…đừng chê tui dốt  nghen…Một Lúa hồi nhỏ cũng mơ mộng có thừa à há..

      Anh Phú Thạnh, anh Phong Tâm, Nguyễn Tuyết, Cả Lần…ha ha… mau mau …cứu bồ….

  3. Nguyễn Văn Lần nói:

    Tới bi giờ mà ông Một Lúa vẫn còn nhớ :

    Người đi một nửa hồn tôi chết

    Một nửa hồn kia vẫn sống nhăn !

  4. ngocthu nói:

    gửi anh cả Lần ! nếu Phirom khg chịu một nửa hồn kia vẫn sống nhăn thì ngoc thu dổi 2 chữ thồi < thì thôi , một nửa hồn kia sửa lại xài ,,, có được khg PR???? dạ khg biẹt gì về thơ nên chọc các anh chut thôi !!! PR cho ngoc thu dia chí gũi hinh cho PR thân ái NT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác