Nhân ngày nhà giáo Việt Nam nhắc lại chuyện vui buồn…

Ngày đăng: 10/11/2013 07:40:19 Chiều/ ý kiến phản hồi (2)

Hôm nay , SOS nhận được bài của nhà giáo Trần văn Mãnh. Anh là học trò của anh NHA lúc ở Hà Tiên, là đồng nghiệp với chị Phi Rom ở Đại Học Sư Phạm Cần Thơ  sau những năm bảy lăm, Hiện nay tác giả sống ở Pháp (SOS)

 Mình đi vào nghề nhà giáo tính đến ngày nghỉ dạy cũng đã hơn 10 năm…Khi ra trường năm 1973 dạy Trường trung học công lập An Phú, một quận lỵ nhỏ bé gần biên giới Việt Nam Campuchia. Sau khi đất nước thống nhất, vì mình dạy bộ môn khoa học tự nhiên nên vẫn còn được giữ lại tiếp tục phục vụ qua các trường: An Phú, Mỹ Luông (thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) rồi Trường Phổ Thông Trung Học Long Xuyên tại thị xã (bây giờ là thành phố Long Xuyên).

Những năm đầu phục vụ dưới nền giáo dục mới, các thầy cô giáo rất bận rộn, nào là tham gia các chương trình thống kê kinh tế, (đi qua các làng xã xa xôi để làm thống kê…), nào là tiếp dạy ban đêm cho chương trình chống mù chữ xóa dốt,…Và trong những mùa hè, đi kiểm tra thi, chấm thi và nhất là tham gia vào các khóa học chính trị để biết rỏ đường lối giảng dạy,…Vào thời đó, kinh tế mới bắt đầu chuyển hướng nên các thứ  hàng hóa cần thiết trong cuộc sống (thường gọi là “nhu yếu phẩm”) cũng ít ỏi, nên có chế độ phân chia theo đầu người cho công bằng và hợp lý,..ai làm thầy cô giáo trong thời điểm nầy đều có trải qua kinh nghiệm nầy. Mình còn nhớ rỏ những kỹ niệm đó, vào những ngày gần tết, chương trình giảng dạy ngưng lại, và trường có tổ chức chêm vào một đợt học chính trị cho các giáo viên, và thời điểm này cũng là dịp phân chia hàng nhu yếu phẩm (thịt heo, đường, bột ngọt, xà bông,..) để cho nhà giáo ăn tết. Vì vậy, các anh chị em giáo viên cũng  mang sách vở đến trường lớp để học bài chính trị, một mặt cũng mang giỏ túi để chờ phân phối hàng. Nhìn cái cảnh lao xao như vậy mình chợt ngẩu hứng làm ra hai câu đối tả quang cảnh đó như sau:

“Ngày tư ngày tết, giáo án vô bọc, vở học mở ra, cũng ngồi ngâm nga câu chính trị”
“Bữa hụp bữa lặn, đề cương cặp nách, túi xách trên tay, cũng ngóng lai rai các mặt hàng”

Xin giải thích: Đến những ngày gần tết, ngưng dạy học cho học trò nghỉ tết trước, vì thầy cô phải học chính trị nên cất giáo án, mở sách học ra để ghi chép bài vở chính trị, nhưng vì gần tết nên có hôm đi học, có hôm vì bận việc nhà nên cũng có “cúp cua” lai rai. Lúc đến trường học thì phải đem theo bài học chính trị (gọi là đề cương), nhưng cũng dự trù hôm đó có phát hàng nhu yếu phẩm nên cũng phải đem theo giỏ, túi để ngóng lãnh hàng hóa,..
Vài hàng viết để kỹ ghi lại buồn vui của nghề nhà giáo, mong các bạn thông cãm và đọc cho vui nhé,…

    bài và ảnh Trần Văn Mãnh.


H1: Hình kỹ niệm hôm gặp lại các đồng nghiệp xưa: Trương Hữu Thời dạy vật lý, anh Mãnh dạy toán, Phạm Thanh Hùng dạy văn, Hùng hiện làm giảng viên trường Đại Học An Giang”

 Kỹ niệm khóa học chính trị và chuyên môn 18 – 27/08/1975 tại Sa Đec, hình chụp nhóm Hóa Học, tác giả đứng thứ ba hàng trên từ phải sang trái”

 

Có 2 bình luận về Nhân ngày nhà giáo Việt Nam nhắc lại chuyện vui buồn…

  1. neangphirom 12A 3 - NK 71 nói:

    Đọc bài của bạn Mãnh nhớ thời bao cấp, thấy khổ quá..nhà Phạm Thanh Hùng cùng xóm với PR, cùng trên con đường Phó Đức Chính Bình Khánh 3 cách nhà PR khoảng 5 căn nhà…còn anh Thời hình như cũng ở Phường Bình Khánh, PR ít gặp…

  2. Trần văn Mãnh nói:

    Vâng, nhà Hùng ở phường Bình Khánh, năm ngoái 2012 mình và Bà Xả về Long Xuyên có ghé nhà Hùng với Thời ăn bửa cơm do bà xả Hùng nấu, rất là ngon miệng !!! Phải biết trước Phi Rom cũng ở gần đó ghé thăm nhưng thời gian đó chắc Phi Rom lên thành phố rồi. Mời các bạn xem ảnh nhà Hùng nhé,..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác