Chuyện lạ ở PHILIPPINES: Phần 2
Philippines là một đất nước thế tục có khoảng 98 triệu dân, nhưng có tới hơn 90% số dân theo đạo Thiên chúa (riêng đạo Công giáo Rome chiếm khoảng 80%). Người Philippines sống đạo và hành đạo rất vui, rộn ràng, nhiều màu sắc theo phong cách của dân hải đảo Thái Bình Dương. Sáng chủ nhật tại nhà thờ chánh tòa Manila Metropolitan Cathedral-Basilic (nằm ở góc đường Cabildo – Beaterio, thuộc quận Intramuros), sau khi làm lễ xong, cha chủ tế đứng trên cung thánh để cho ai muốn tới chụp ảnh lưu niệm chung thì xin mời. Nghi thức rảy nước thánh cũng thiệt ấn tượng. Ở những nước khác, linh mục cầm một chiếc dùi nhỏ chấm vào một chiếc ly nhỏ đựng nước thánh để đi rảy lên giáo dân trong khắp nhà thờ. Còn tại đây, vào cuối lễ, linh mục chủ tế vác một cây dùi gỗ khổng lồ nhúng vào một chiếc xô nước thánh để vảy lên các giáo dân tề tựu lại đứng chung quanh cung thánh – nhiều người được nước thánh văng ướt đẫm cả quần áo. Xong thì mọi người vỗ tay rân trời, cười hớn hở rời khỏi nhà Chúa để trở lại với cuộc đời.
Đi trên đường phố Manila, tôi rất khoái nhìn và chụp ảnh những chiếc xe gọi là Jeepney – phương tiện vận tải công cộng phổ biến nhất ở quần đảo này. Sở dĩ gọi là Jeepney vì thiết kế của loại xe này nguyên thủy dựa trên kiểu xe Willys Jeep của quân đội Mỹ thời Chiến tranh thế giới thứ hai. Nói cho chính xác hơn thì những chiếc Jeepney ban đầu được cải biến trên bộ khung xe jeep này. Sau này thì Jeepney có kích thước lớn hơn, có lẽ cải biến từ kiểu xe Dodge Mỹ như của quân đội ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Xe mở cửa phía cuối với những băng ghế ngồi dọc theo xe giống như xe đò thời trước. Điều làm nên “thương hiệu quốc tế” của Jeepney chính là ở sự trang trí đầy màu sắc của nó, đặc biệt là mỗi chiếc được chủ nhân trang trí khác nhau, hầu như không bị “đụng hàng”. Ngoài việc gắn thêm lên xe vô số phụ kiện trang trí, thường bằng inox bóng loáng, khắp bên ngoài thân xe được vẽ kín mít với những hoa văn, hình vẽ, thậm chí cả những hình tượng tôn giáo. Tôi đã cố gắng chụp được một số hình ảnh về những chiếc xe Jeepney này với ý định là lập một bộ sưu tập những kiểu dáng trang trí của chúng và còn mua cả mấy chiếc dạng mô hình lưu niệm đem về.
Một phương tiện vận tải công cộng đặc trưng nữa là chiếc xe ba bánh (tạm gọi như vậy vì thiệt ra nó chẳng giống xe xích lô hay xe lôi ở Việt Nam). Nó được làm theo kiểu xe sidecar, tức loại xe môtô có gắn thêm thùng chở khách một bên hông. Có 2 loại là pedicab (xe đạp) và tricyle hay trike (xe gắn máy). Loại trike là một chiếc xe gắn máy có gắn thêm thùng chở khách bên hông, chở được 2 khách: 1 ngồi trên yên xe sau lưng người lái như đi xe ôm và 1 ngồi trong chiếc thùng có mui che chắn. Loại pedicab là một chiếc xe đạp bánh nhỏ (giống xe đạp mini) có gắn thêm 1 chiếc thùng có mui che bên hông chở được 2 hành khách (có khi còn nhồi nhét đông hơn). Còn có một dạng xe lai giữa hai loại này nữa. Ở thủ đô Manila có một số khu vực (như quận trung tâm Intramuros) cấm xe tricycle, người ta bèn gắn thêm một chiếc máy nổ (thường dùng loại máy phát điện Honda nhỏ gọn) bên dưới yên ngồi của người lái để khi cần sẽ giựt cho động cơ nổ biến chiếc pedicab xe đạp thành xe gắn máy. Chỉ có điều hành khách đi xe này lãnh đủ mọi sự rêm mình, dằn vặt (và tôi đã mấy phen trải nghiệm nó rồi). Thùng chở khách của xe loại pedicab không hề có bộ nhún, khi đạp xe chạy chậm thì còn đỡ, lúc nổ máy để phóng nhanh, mỗi lần sụp ổ gà là khách tha hồ mà tưng tưng, vừa rêm mông, vừa đau bụng. Có lần, tôi gặp anh chàng chạy pedicab gắn máy vừa đi làm, vừa coi con nhỏ, khiến tôi phải đi cùng một người bạn đồng hành bất đắc dĩ là một cô bé nhỏ xíu ngồi trên băng ghế đối diện trong chiếc thùng xe chật hẹp. Báo hại, mỗi khi xe sụp ổ gà, tôi phải cắn răng chịu trận, hỗng dám nhăn nhó, rên rỉ chi ráo vì còn phải “giữ thể diện” trước cô nhỏ luôn lom lom mắt nhìn mình.
Người Philippines thích màu mè, hoa hòe hoa sói, nhưng phải do tự tay họ “vẽ vời” kia. Họ không chuộng dạng cắt chữ bằng decal mà trực tiếp dùng cọ sơn vẽ. Vì thế, ở Manila có rất nhiều biển hiệu, thông báo,… thậm chí thông tin trên những chiếc xe taxi, được viết bằng tay, chẳng nề hà chi chữ đẹp, chữ xấu. Khó tránh khỏi “nhức mắt” khi nhìn thấy trên những chiếc xe mới tinh mang những dòng chữ nguệch ngoạc như “gà bới”.
Cái giấy phép đăng ký kinh doanh cũng thể hiện cái tính màu mè của người Philippines. Nó được gọi là “biển đăng ký kinh doanh” (business registration plate). Đây là một tấm biển nhôm hình chữ nhật dài với nền in hình những tòa nhà di tích lịch sử và thắng cảnh địa phương, có cả ảnh chân dung ngài thị trưởng đang cười rạng rỡ kèm chữ ký của ông bên góc phải. Số giấy phép đăng ký kinh doanh được dập nổi với cỡ số to đùng giống như bảng số xe. Cơ sở kinh doanh có bao nhiêu biển đăng ký như vậy đều phải gắn hay đóng đinh treo lên tường ở nơi dễ thấy nhất.
Bữa nọ, vừa ló đầu vào một khu chợ lớn ở Manila, tôi đã muốn dội ngược với tiếng nhạc inh ỏi từ những quầy bán đĩa nhạc đang mở hết volume giàn loa phát những bài hát mùa Giáng sinh (lúc đó mới thượng tuần tháng 11 thôi). Thiệt là đi tới đâu muốn biết mức sống của người dân sở tại ra sao, ta cứ đi ra… chợ. Nhìn hàng hóa bày bán trong ngôi chợ này, ta đủ thấy quảng đại quần chúng ở đây không có nhiều tiền. Những chiếc quần jean giá chừng 15.000 đồng, áo thun thời trang khoảng 5.000 đồng, đôi dép cũng trên dưới 5.000 đồng,…
Trong những ngày lang thang ở Manila, tôi thường bắt gặp trên đường phố, trong quán ăn, tiệm cà phê,… những người đàn ông Âu Mỹ cặp tay với những cô gái bản xứ vóc người nhỏ nhắn. Điều chạnh lòng không chỉ ở cái tuổi tác so le tầm cha – con hay chú – cháu mà còn nơi những khuôn mặt cô gái hằn nét dân hải đảo (nói theo ngôn ngữ của ta là “quê mùa”). Lúc đó, tôi lại nhớ về Saigon những năm trước 1975 còn nhan nhản người Mỹ hay tại đây đó ở Thái Lan bây giờ.
Từng đến và sống một số ngày ở quần đảo này để rồi cho tới nay tôi vẫn không dứt ra được trong óc mình những hình ảnh cuộc sống nghèo khổ của người dân ở đây. Thiệt là mình đã rách, họ còn tơi tả hơn. Cũng giống như khá nhiều nước đang phát triển khác, sự hào nhoáng và thịnh vượng của Philippines chỉ tập trung ở thủ đô Manila và những thành phố lớn. Còn thì đa số người dân phải sống trong cảnh nghèo khó. Dân sống trên các hòn đảo còn thê thảm hơn. Ngay tại thủ đô Manila, những mảnh đời cơ cực bày ra nhan nhản trước mắt khách nước ngoài. Sự phân hóa giàu nghèo ở đây rất rõ với khoảng cách biệt sâu và xa. Mấy người bạn bản xứ mới quen ở khách sạn nói với tôi rằng dân nhà giàu tập trung hết ở Quezon City, thành phố lớn nhất và giàu nhất của Metro Manila, và ở khu trung tâm thương mại Makati. Còn người nghèo thì cứ ra đường là gặp thôi, nhưng cái khu cùng khổ là Tondo, gần nhà ga xe lửa Tayuman.
Nói chung là người xứ chưa giàu tới chơi xứ còn nghèo thường có nhiều đồng cảm và lắm nghĩ ngợi, chạnh lòng.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 11-11-2013)
H1
H2
H3
H4
H5