“ĐONG ĐẦY KỶ NIỆM” VỚI PHẠM ĐỨC MẠNH *
Làm báo, lại làm trong lĩnh vực chuyên về tài chính kinh tế, tưởng như trong môi trường khô khan ấy khó có thể nảy nòi ra một nhà thơ như Phạm Đức Mạnh. Thế nhưng, anh thảng thốt khi nhận ra nhờ có thơ mà “những khổ đau băm vằm” anh xơ xác cũng dần nguôi đi, những con chữ đúc anh thành người nghị lực và khát vọng.
Nhà thơ Hồ Trường(BT) và Phạm Đức Mạnh
“Đong đầy kỷ niệm” (NXB Hội Nhà Văn) là tập thơ thứ hai ra đời trong cùng một năm với tập thơ “Đừng theo trăng em nhé”. Cùng một hương vị của những bài thơ tình, gợi lên hồi ức của một thời trai trẻ, song đến tập thơ thứ hai này, người đọc có được những giây phút lắng đọng hơn. “Tuổi thơ tôi/Ngủ trên làn bom/Chiếc mũ rơm ngăn bầu trời rạn vỡ/Hút tiếng máy bay gầm rú”, một tuổi thơ “cái chết treo lơ lửng trên đầu”, “Mùi loạn lạc khét trong hơi thở” và cái con người “lớn lên cũng vội ấy” mang cái tuổi thơ khao khát bình yên vào đời không bình yên: “Tôi trầm lặng bước vào giông tố/Mài cuộc đời gian nan”. Thế nhưng, anh vẫn không thể quên được “Một thời thơ ấu nhặt đầy tiếng ve”, “Dong ước mơ gầy bên bầu sữa quê hương”…
Ký ức tuổi thơ được thổi bùng lên mạnh mẽ trong những năm tác giả đi lính ở chiến trường Campuchia. “Trên thảm đau buốt màu im lặng/Những chàng trai chớm lớn cũng ra đi/ Người đi đi mãi không về/Nước mắt cuộn tròn nhang khói”, với những cảm xúc khó quên: “Khi đã quen làm người lính già/Mỗi chiến hào mang thêm nỗi nhớ/ Mỗi cơn sóng xa là bầu tâm sự/Với quê hương, đồng đội và em”. Hình ảnh người lính xa quê khi trở về đau đớn hay tin mẹ cha tịnh độ trong chùa, “Ngõ hồn rơm rạ buồn khê ngóng chờ”, “Ta về luộc cả vườn đau/ Dọn mâm tiệc nhớ đặc màu hương quê”…
Những câu thơ rất thật, thật như đời lính, cũng chẳng nhuộm chút màu mè, đôi khi lại vướng chút suy tư: “Cuộc đời là kiếp đi vay/Trăm năm phải trả tháng ngày trần gian/Giành nhau son thếp, lộc vàng/Cũng về nơi ấy- nào mang được gì”. “Thà làm vua chẳng có ngai/ Còn hơn áo mão, cân đai ác lòng”.
Có thể nói, những bài thơ lục bát là thế mạnh của Phạm Đức Mạnh. “Trở về từ chốn hư không/ Thời gian hết đục lại trong kiếp người/ Thỏa thuê uống cả đất trời/Cho tan cơn khát một thời nhớ quê”. Bài thơ “Cha” là một trong những bài thơ cảm động trong tập thơ. “Tuổi thơ tôi với dáng cha cõng nghèo/Hồn tôi xơ xác quăn queo/Nỗi buồn mẩn ngứa lăn theo kiếp người”, và người con thấu hiểu được tình cha: “Cha gom khổ hạnh tước màu thời gian”. Nhớ về mẹ cũng có những phút giây ngập tràn cảm xúc: “Cái ngày mẹ vội đi xa/Tháng năm dồn nén vỡ òa nỗi đau”, “Nắng mưa sao cũng đỏ ngầu chia ly”…Hay “Nỗi đau ai nhốt vào tù/ Cô đơn chảy máu, ngàn thu không lành”. “Chị ngồi giã tủi, nhặt đau/Bát cơm nhợt nhạt trộn rau thắt nghèo”. Và người em gái hay người thương làm buốt nhói người đọc: “Em hong những giọt lệ gầy/Khô ráo trong mắt cười buổi sáng/Ép đắng cay vào đức tin đạm bạc/Để người thân thanh thản mỗi ngày”. “Đã qua cái thuở xuân thì/ Đường quê mộc mạc bước đi chẻ hồn/ Sóng đời va đập hoàng hôn/ Để khi tóc bạc bồn chồn nhớ quê/ Trong mơ lại rủ gió về/ Nghe Chầu ai bỏ thuốc mê ngọt ngào?”
Cũng con người ấy, khi đối diện với chính mình, với thực tại ở thành thị mới thấu hết “Nỗi cô đơn vây hãm như tội phạm”, “Người nhân hậu- trái tim đau đớn/Kẻ lạnh lùng cứ dẫm đạp lên nhau”. “Điểm tâm mặt trời mỗi sáng chờ mong/Tôi sợ vuột thời gian trong vắt/Sợ tình người giữa dòng đời tất bật/Dẫm đạp lên nhau khi đói khổ cùng đường”. Nhưng cũng con người đó có đủ sự mẫn cảm trước thời đại: “Không thể im lặng mãi/Để kẻ mạnh xông vào nhà quậy phá/Biến thế giới phẳng thành điểm chết/Bằng những trò trí tuệ đảo điên” (Trường Sa và bài học 4.000 năm).
Tập thơ có không ít câu thơ hay, từ chiêm nghiệm đời lính, đời quê, đời cha mẹ nghèo, đời đất nước đầy giông bão. Hơn bao giờ hết, nói thật, nói khẽ, nói bằng những cảm xúc chan chứa trong lòng, có thể làm cho thơ đi vào lòng người dễ hơn. Một đời làm thơ, nhưng khi đã già rồi mới nghĩ chuyện in thơ, để “Đong đầy kỷ niệm”, để suy ngẫm, phải chăng đó cũng là một cái thú thanh tao?
Nhà thơ Phạm Đức Mạnh từng cộng tác và làm báo Quân đội Nhân dân, Thời báo Kinh tế Việt Nam, Báo Pháp luật Việt Nam; hiện là Phó trưởng chi nhánh Thời báo Tài chính Việt Nam tại TP.HCM.
Minh Thi
(Báo Lao Động)
—————————————-
* Lao Động cuối tuần, số 48 (từ 29/11 – 1/12/2013).
Tôi vừa nhận được tập thơ ĐONG ĐẦY KỶ NIỆM với chữ ký tặng của tác giã,được Lương Minh chuyển đến tôi.
Trước hết tôi rất cảm kích và xin cám ơn tác giã đã có nhả ý trong tình văn nghệ tặng quyển thơ thứ 2 của anh từ một nửa vòng tái đất đến với tôi.
Em rất vui vì đã góp một phần nhỏ chia sẻ cùng anh, chị và mọi người xa quê hương dịu vơi bớt nỗi nhớ cồn cào, khắc khoải. Chúc anh có thêm nhiều bài thơ hay anh nhé.
Nhà thơ PĐM đã tặng TNhi tập thơ: “ĐONG ĐẦY KỶ NIỆM” vào ngày 8.3 ( theo yêu cầu của tôi), Tôi ngại gợi ý , vì PĐM đã gửi tặng tôi lâu rồi, nhưng chị Ngọc Thu gửi nhầm 02 tập :”ĐỪNG THEO TRĂNG EM NHÉ”, mấy lần có tiệc cà phê, Kim Khánh-Công Bình luôn đọc thơ PĐM, còn nói rất thân thương : tối nào em cũng ôm nhà thơ Đức Mạnh, vì cả ngày đâu có rảnh mà đọc. Mấy tuần nay tôi gần giống như KK, ngày 19.3 Quách Đào rủ về Quê họp bạn già, nhìn cây cầu cũ, con sông quê… lòng tôi bồi hồi xúc động, tôi đã về quê nhiều lần, cũng buâng khuâng nhớ nhớ, nhưng lần nầy thì… có lẻ do ảnh hưởng của ĐĐKN, lại đọc bài của Dũng Tiến:MỘT BẬN VỀ QUÊ GẶP LẠI BẠN BÈ (trunghoccholach.com).
Không gì để có cái ăn / Mà lo cả mảnh trăng rằm cho con ( Lời Mẹ ).
Mong con như thép đã tôi / Tự con lựa chọn khoảng trời con yêu ( ĐĐKN ).
Xin chân thành cảm ơn tác giả, nhớ PĐM nhiều!
Chị Thanh Nhi