Thăm chùa Linh Ứng trên Ngũ Hành Sơn

Ngày đăng: 20/10/2013 09:43:18 Chiều/ ý kiến phản hồi (1)

Ngũ Hành Sơn nằm ở quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) cách trung tâm thành phố khoảng 7km về hướng đông nam trên đường đi Hội An, gồm có 5 quả núi được đặt tên theo ngũ hành: Thủy Sơn và Mộc Sơn ở phía đông, Thổ Sơn, Kim Sơn, Hỏa Sơn ở phía tây. Có người ví von Ngũ Hành Sơn là một hòn non bộ thiên nhiên khổng lồ mà Tạo hóa ban tặng cho người dân Đà Nẵng.

Có nguồn tư liệu nói rằng cái tên Ngũ Hành Sơn thật ra mới xuất hiện từ đầu thế kỷ 19. Trước đó, cụm núi này có tên là núi Non Nước (Non Nước Sơn) và từng đi vào ca dao Việt. Mãi tới năm Minh Mạng thứ 18 (1837), vua Minh Mạng – người tới đây chơi lần đầu hồi năm 1825 – mới ra sắc chỉ ban cho các ngọn núi ở đây các tên theo Ngũ hành, duy trì tới ngày nay.

Thông tin giới thiệu cho biết: Ngũ Hành Sơn nằm trên một dải cát vàng dài khoảng 2km, rộng khoảng 800m. Các quả núi ở đây không cao, sườn núi dốc đứng cheo leo, cây cỏ lơ thơ. Đá ở Ngũ Hành Sơn là loại đá cẩm thạch có nhiều màu: sáng đục, trắng sữa, hồng phấn, xám vân đỏ, nâu đen, xanh đậm…, không cứng lắm và là chất liệu rất tốt cho tạc tượng và đồ mỹ nghệ trang trí.

Từ thành phố Đà Nẵng ra theo đường Trường Sa cặp theo bờ biển, rẽ tay phải vào đường Huyền Trân Công Chúa để vào núi Thủy Sơn, ngọn cao nhất trong Ngũ Hành Sơn.

Hai bên đường là những tiệm bán các sản vật làm bằng đá. Có đủ món, từ hàng lưu niệm 5.000 hay 10.000 đồng một cái tới những pho tượng to đùng, giá cả trăm triệu đồng. Một cô bạn làm du lịch ở đây cho biết: dân Việt chỉ mua tượng chừng vài ba chục triệu đổ lại, còn khách nước ngoài mới mua những pho tượng lớn cả trăm triệu đồng và ship tàu về nước. Người ta nói rằng do bị cấm khai thác đá ở Ngũ Hành Sơn để bảo tồn di thắng thiên nhiên nên các thợ thủ công mỹ nghệ Ngũ Hành Sơn chủ yếu chế tác bằng đá mua từ các nơi khác về. Có những món nho nhỏ, kể cả một số loại vòng và tượng rẻ tiền, nghe nói được đúc khuôn bằng bột đá rồi “tút” lại cho giống đá nguyên khối thiệt. Chẳng rõ thực hư, mấy bà bán đồ đá nói rằng chỉ có ngọn Thủy Sơn là nằm bên ngoài, lộ mặt ra trước bá tánh, nên mới không bị khai thác đá; còn các ngọn núi khác ở bên trong thì vẫn bị khai thác ì xèo. Tôi nghe mà trong bụng lo rằng một ngày nào đó, Ngũ Hành Sơn chỉ còn trong hình ảnh và tâm tưởng, có khi chỉ còn là Nhất Hành Sơn hay Nhị Hành Sơn.

Thủy Sơn nằm trên một dải đất rộng chừng 15 hecta. Đỉnh núi có 3 ngọn nằm ở 3 tầng, giống 3 ngôi sao Tam Thái ở đuôi chòm Đại Hùng tinh nên còn có tên là núi Tam Thái. Ngọn cao nhất ở phía tây bắc gọi là Thượng Thái, ngọn phía nam thấp hơn gọi là Trung Thái và ngọn phía đông thấp nhất gọi là Hạ Thái.

Ngoại trừ ngọn Mộc Sơn nằm sát biển chưa có chùa chiền, còn 4 ngọn khác trong Ngũ Hành Sơn đều có chùa. Các chùa chiền và hang động tập trung chủ yếu ở Thủy Sơn. Trên ngọn Thượng Thái có Vọng Giang Đài, tháp Phổ Đồng, chùa Từ Tâm, chùa Tam Tâm, chùa Tam Thái, Hành Cung, động Hỏa Nghiêm, động Huyền Không, động Linh Nham và động Lăng Hư. Ở ngọn Trung Thái có hai cổng động Thiên Phước Địa, Văn Căn Nguyệt và các động Vân Thông, Thiên Long, hang Vân Nguyệt. Trên ngọn Hạ Thái có Vọng Hải Đài, chùa Linh Ứng, động Ngũ Cốc, Tàng Chân, và phía dưới núi là Giếng Tiên và động Âm Phủ.

Bữa nay chúng tôi lên thăm chùa Linh Ứng trên ngọn Hạ Thái của núi Thủy Sơn. Có thang máy dẫn từ chân núi lên, giá cước 15.000 đồng/người/ lượt, nhưng do bị bão nên tạm ngưng hoạt động. Đường dẫn lên núi Linh Ứng là những bậc thang đục vào đá với 108 bậc. Thang dốc đứng, các bậc cao và hẹp, gặp bữa mưa dầm ướt dễ trơn trợt, phải đặt bàn chân nằm ngang cho nó chắc hơn.

Bên phải cổng chùa, mé bên ngoài là một pho tượng Phật lớn sơn màu trắng. Qua cổng là tới sân chùa. Chùa kiểu cổ, mái ngói xanh hai tầng uốn cong với những con rồng chầu ở các góc mái. Trong chùa đang có một buổi tụng niệm, có hơn chục tín nữ mặc áo xám ngồi nghe nhà sư lần lượt xướng danh từng người nào đó.

Vòng qua bên trái chùa dẫn ra phía sau là một ngọn tháp ở bên trái. Đi qua bên phải là tới động Tàng Chơn. Lách qua một khe cửa hẹp thông qua núi đá là hang Tam Thanh thờ Phật Thích ca nhập diệt. Có hang Chiêm Thành thờ các vị thần được khắc theo phong cách Chămpa của người Chàm. Phía sau lưng tượng Phật Thích ca có một pho tượng Phật nằm được giới thiệu là thế đá tự nhiên và người ta chỉ cần gia công chút đỉnh mà thành. Tôi tò mò bám theo các gờ đá trơn trợt để leo lên tới pho tượng Phật nằm. Phía sau lưng tượng là hang sâu hun hút. Đứng chông chênh một lát là run cẳng. Do đi giày “ăn nói” dễ trợt, tôi phải nhét máy ảnh và điện thoại vào balô rồi ngồi xuống trượt dần xuống theo từng gờ đá nhỏ. Vì thế, tôi xuống tới dưới với chiếc quần ướt nhẹp và dính đầy cát bụi.
Ở bên trái chùa có đường dẫn lên một khu bằng phẳng hình như gọi là Vọng Hải Đài, nơi ta có thể phóng tầm mắt nhìn nhà cửa bên dưới và nhìn ra biển đang gầm gừ dồn dập sóng bạc đầu. Tại đây có tháp Xá Lợi.

Chùa Linh Ứng trên núi Thủy Sơn có cái thế đắc địa. Dựa lưng vào núi đá và hướng mắt ra biển Đông. Không chỉ sơn thủy hữu tình, mà còn hội tụ khí trời, khí núi, khí biển tạo cho khách lãng tử giang hồ cảm giác lâng lâng nửa thoát tục, nửa hồng trần.

        PHẠM HỒNG PHƯỚC
       (Đà Nẵng 18-10-2013
)

                                                    H1

                                                           H2

                                           H3

 

                                           H4

 

Có 1 bình luận về Thăm chùa Linh Ứng trên Ngũ Hành Sơn

  1. Nguyễntuyết nói:

    NT đọc bài này , cái tưạ và câu cuối rất là thu hút , NT định đánh vô , sao thiếu 1 tấm hình , làm mất vui khi thưởng thức , ai dè , cái máy hôm nay sao mà chậm chạp ,  từ từ nó mới lú hình ra , may thôi bị hố rồi …có phải NT dấu đầu lòi đuôi rùi hong , hi hi , cám ơn huynh PHP cung cấp tin về cái chùa linh ứng huyền bí này .Hỏi nhỏ huynh PHP nha , đã tới chuà này rồi , huynh có cảm nhận hay cảm thấy cái linh nghiệm cuả nó cho cá nhân huynh hong!!? hihi .NTSNOW.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác