Già làng năm cũ

Ngày đăng: 30/10/2013 08:20:22 Chiều/ ý kiến phản hồi (4)

Năm đầu tiên Lúa tui cất nhà định cư trên một phần miếng ruộng của mình ở cánh đồng Chó Ngáp hiu quạnh nầy, mình nhận ra cảnh vật ở đây buồn gần như không chịu nỗi. Ý là có gia đình thằng Tí cắm dùi ở đây hơn hai mùa mưa ếch nhái. Và cũng đở là mình dọn đến khoảng tháng Hai âm lịch, được thằng Tí truyền cho kinh nghiệm sinh tồn. Tháng khô nầy ráng chặt gốc rạ thật nhiều rồi trải phơi ngay trên mặt ruộng, khi thấy rạ thật khô dùng dây lạt dừa cột từng bó bề vòng chừng hai gang tay, rồi đem về nhà vựa chỗ khô ráo để làm chất đốt trong mùa mưa. Nếu không dự bị như vậy thì khổ trong mùa nước nổi nầy, vợ chồng tui ngồi bó gối trên chiếc chõng tre trong căn nhà gần như cái đảo trôi trên biển nước. Lúc đó làm sao mà kiếm ra cây củi cho bà xã nấu cơm, làm thế nào đun sôi ấm nước để pha cà phê, nhâm nhi những giọt đắng mà nhớ về một thời đông vui nơi thành thị.

        Ông Năm Trà năm đó đã ngoài bảy mươi mà vẫn còn tráng kiện. Ông chỉ mới vừa nghĩ làm ruộng chừng vài năm nay. Ông không rượu và thuốc lá nhưng uống trà rất “quạu”. Hồi mới nghe thằng Tí nói ông già vợ nó uống trà  quạu, mình nghe ớn ớn. Tới chừng gặp ổng hiền khô và hiểu ra trà quạu là tiếng lóng nói ly trà đậm đen chát đắng, dân trà dão như mình chỉ hớp một tí, tưởng chừng như có ai bó miệng. Ông Năm Trà có mười ba người con, kêu thứ tự theo kiểu dân miền Nam thì vợ anh chàng Tí là cô Út Mười Bốn, nhưng nghe bà con hay gọi một cách tiết kiệm là Út Bốn.

        Nước đồng tháng Chín nổi lênh đênh mà ông Năm Trà cũng siêng chống xuồng từ nhà ông trong ấp Năm, nhắm hướng tắt đường lướt xuồng qua những bờ đê vô thăm Út Bốn và thằng rể. Mỗi lần như vậy, thằng con rể bơi xuồng đưa  ông già vợ từ nhà nó sang nhà mình, khoảng cách chừng hai chục mét. Hình như họ tới lui là muốn an ủi gia đình mình đừng nản lòng mà rút lui bỏ cuộc. Nghĩ cũng lạ nhưng cũng thật quen mắt, ông Năm Trà đi đến nhà ai cũng mang theo chiếc túi vải nhỏ miệng luồn dây thắt, may bằng ka-ki nhà binh dùng đựng bộ đồ nghề uống trà của ông. Ông Năm chỉ yêu cầu mình nấu cho ổng một ấm nước sôi để ông tráng chiếc bình trà lớn bằng trứng ngỗng và hai chiếc ly hột mít. Ông Năm mở nắp chiếc hộp trà, đổ một vốc trà khô vào phân nửa chiếc bình rồi mới châm nước. Còn thằng Tí bày đặt bắt chước ông già vợ, nó chê trà nhà mình lạt như nước ốc, nên cũng xách theo chiếc bình trà bằng sành lớn như cái tượng, không biết chứa thứ gì trong đó.

        – Bác Năm à, dân Tam Bình là phải uống ba bình trà như vầy hả bác.

        – Thằng Lúa nói cũng có lý à nghen, quận Tam Bình khi xưa đất đai rộng lớn do ba Tổng hợp lại. Tổng Bình Phú ví như cái  bình kiểu của tao đây nè, tuy nhỏ nhưng trù phú dân cư đông đúc, chợ quận sung túc chỗ Ba Kè bây giờ. Hồi thành lập có tên là quận Chợ Mới để phân biệt với Chợ Cũ là địa danh gần Ba Phố. Sau khi sát nhập thêm hai Bình nữa là Tổng Bình Chánh và Bình Thới bị giải thể từ hai quận Cái Nhum và Vũng Liêm. Quận Chợ Mới được cải danh  thành Tam Bình. Con sông Mang Thít là chiếc ống thông nhau của hai nhánh sông Tiền và Hậu Giang, bắt đầu từ Vàm Cái Nhum và Trà Ôn, không có hình dáng trởi sanh như vậy. Đoạn sông cũ từ ngả ba Giáp Nước cạnh xã Hòa Hiệp chảy vô Ba Kè rồi quanh quẹo bò ngang Rạch Sấu, Cái Sơn, chảy ngang Mỷ Thạnh Trung, Ông Đốc, vòng ra cầu Hàn mới chảy thẳng về Trà Ôn. Sau đó thì người Pháp dùng xáng đào sông từ Giáp Nước phóng thẳng Cầu Hàn, đi ngang chợ Tam Bình “mới” bây giờ, giúp  cho dòng nước chảy suông sẽ mạnh hơn. Lúc đó sông Mang Thít còn có tên là kênh Nicholais trên mặt hành chánh, kỷ niệm tên của vị kỷ sư trên những chiếc xáng nạo vét và đào sông.

Ông Năm Trà chiêu một ngụm trà đặc sánh lấy hơi kể tiếp:

– Tao cũng thường nghe ông bà kể chuyện nầy, nhưng sợ lâu ngày thành tam sao thất bổn.

       “Vùng Tam Bình ngày xưa rất ít bô lão nào thọ trên 70. Do đó mà hàng năm hương thân chức việc Tổng Bình Phú tổ chức lễ mừng Thượng Thọ cho quý lão làng từ lục tuần trở lên nhân dịp với ngày lễ Kỳ Yên. Dịp nầy, dân các làng tề tựu sân đình cúng bái Thành Hoàng để chuẩn bị xuống đồng và gặp lại những khuôn mặt lão làng cũ, mà mỗi năm mỗi bèo nhèo và lần lượt vắng bóng. Năm đó người ta chú ý đến một vị chưa từng có mặt trong lễ hội nầy bao giờ. Dáng dấp tạng người trong bộ đồ tây lịch sự của ông ta cũng giống như những vị trên lục tuần đang mặc áo thụng đỏ ngồi trên chiếu danh dự trải giữa sân đình. Đặc biệt hơn những vị thượng thọ cũ có vẻ ho hen và khề khà nhấp rượu lễ nghĩa như thằn lằn uống rượu cúng. Vị già làng tân tuyển nầy ngoài giọng nói sang sảng, tướng đi nhanh lẹ, ông ta hút thuốc phì phà như ống bể, uống rượu như ba tây, ngay cả mấy thằng trai làng có tiếng là hũ chìm cũng phải nể phục. Trong số trai làng có thằng Tèo, nó kết vị già làng mặc đồ tây nầy từ khi mới gặp. Nó theo dõi ông nầy lúc đi ra phía sau, nó lẽn theo hỏi chuyện:

-Bác có bí quyết gì mà từng tuổi nầy vẫn còn khỏe mạnh.

-Thì tao vẫn ăn hút như mầy thấy đó. Ủa, mà sao mầy cứ kêu tao bằng bác hoài vậy. Tao là thằng Ba Đực nè.

-Bác là thằng Ba Đực thiệt hong? Sao mầy chưa tới 40 như tao mà lọt được vô mâm dành riêng cho già làng?

-Tao đâu biết, hồi sáng tao đi ngang đây, hương chức hỏi tao ở đâu rồi kéo vô ngồi. Lâu quá tao mới về thăm nhà, làng mình bây giờ lịch sự với thằng Ba Đực nầy quá hả Tèo”

           Một Lúa

       h: ảnh minh họa

Có 4 bình luận về Già làng năm cũ

  1. Trí Giải nói:

    Đọc truyện này mới thấy cái tài của  tác giả, cải biên từ truyện cười, nhưng ngắt đoạn rất đúng lúc, thậm chí có vẻ trí tuệ, nếu không biết truyện tiếu lâm thì đọc truyện này không chừng không hiểu nhanh. Cái hay nữa là trong truyện có chêm vô một đoạn sử địa phương mà giới trẻ ngày nay ở Tam Bình ít được biết. Ông rời VN đã lâu mà sao văn phong không có gì lai căng, kể cũng lạ.

  2. Nguyễn Văn Lần nói:

    Một Lúa phải như vậy chứ ! Xa VN mới hơn 30 năm chứ mấy, về VN còn khoái “nhậu” rượu đế. Vậy mà có cô giáo ở Tam Bình mới sang Mỹ 7 năm mà về than : tôi quên tiếng Việt bộn bộn,…. Tui “khè” luôn : Vậy là cô hay lắm, chứ thằng bạn tui rời VN hơn 30 năm, mà bi giờ nó còn ” chửi thề” được đó cô ! Đọc truyện của ông tôi khoài từng chi tiết, vậy là ông nhớ như in những kỹ niệm ở quê nhà, nên tui chỉ dám ” khè” với ông thôi. Nhưng người sung sướng nhất trong truyện là Ba Đực, nếu bi giờ mà có tổ chức mừng thọ cho các cụ 70 trở lên ở tổng khác ( ngoài Tam Bình ) mà có chổ ở của Một Lúa và thằng Tèo, chắc các cụ mời cả Lần vào ngồi bàn giữa, kêu thằng Một Lúa và thằng Tèo bưng trà kính cẩn mời là cái chắc !

  3. Nguyễntuyết nói:

    Đọc qua bài  này, NT cũng đồng tình với anh trí Giải. Anh Một Luá ơi , anh có tài viết văn kể chuyên nhà , chuyện quê hương cuả người xa xứ , đọc nghe hấp dẫn lắm , anh còn chuyện vui nào nưã  hong, kể tiếp nhe, NT và các bạn sẽ đón đọc …chuyện trên , chuyện dưới , chuyện thấp chuyện cao , chuyện trước , chuyện sau , chuyện trong , chuyện ngoài , anh rán mà tranh thủ uống trà xanh gạo lức ran ,hay nhâm nhi cà phê ca cao,   nhả văn ra  viết nhe, rồi gởi Lương huynh đăng cho NT và các bạn thưởng thức , hi hi Wow ! nhìn cái hình minh hoạ cuả anh mà NT không nhịn được cười , ông  đờn ông tóc bạc này mà còn đi trượt ” BA TE ” , thật là xứng hợp với cái tưạ ” G.L.N.C”

  4. Một Lúa nói:

    Chào Nguyễn Tuyết, anh Lần, Trí Giải và các bạn,

    Cám ơn thì giờ của quý bạn.

    Cảm tác bài văn <Về một hoa mai nở sớm>, Lúa cũng mần thơ:

     

    Hoa nở muộn

    Thân tằm thì phải nhả tơ

    Dứt nguồn tơ tưởng, xác khô chiên xù

    Trăng rằm rồi đến trăng lu

    Mùa xuân hoa nở, chiều thu lá vàng

    Sinh ra đã nợ thế gian

    Những gì đóng góp, khó ngang hưởng phần

    Một tấc đất, một nghĩa nhân

    Vun trồng một ít, trả ân cho đời

    Tuy rằng có lúc tả tơi..

    (ai thêm vô giúp)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác