Lấy thơ cột giữ mong đời bình yên
Phạm Đức Mạnh không e dè khi nói ra quan niệm thơ của mình: “Dập dềnh – phiêu bạt – nổi trôi/ Lấy thơ cột giữ mong đời bình yên”, và: “Không viết được, lòng biến thành giông bão/ Cứ quay cuồng cảm xúc ở nơi em”. Với anh, thơ là điểm tựa, là sự giải tỏa, cũng có thể nói là “giải pháp tối ưu” cho những cung bậc, những dạng thức tình cảm của mình giữa cuộc đời nhiều bất trắc, lo âu mà cũng nhiều niềm hoan lạc, nhiều yêu thương này.
Vì vậy, thật dễ hiểu khi một nhà báo chuyên về kinh tế-tài chính, bận bịu với tiền tệ, với chứng khoán, với giá cả thị trường… lại có thể làm nhiều thơ đến thế. Thơ giống như một thứ hàn thử biểu tình cảm của anh. Được biết, anh đang có dự định in 3 tập thơ cho những đề tài khác nhau, trong đó Đừng theo trăng em nhé là một tập thơ tình với số lượng 100 bài thơ.
Có thể nói, trong tất cả các thể loại văn chương, thơ là thể loại bộc lộ trực tiếp tình cảm của người viết. Trong đó, thơ tình yêu bộc lộ rõ nhất, chính xác nhất tâm tính, thị hiếu, cốt cách của người làm thơ. Đọc thơ tình của một người, ta có thể hiểu rất nhiều về họ. Đọc Đừng theo trăng em nhé của Phạm Đức Mạnh, tôi nhận ra anh là một người đa cảm, đắm say, chân thành. Không ít lần: “Trái tim anh đi lạc mất đường về”, không ít lần: “Mắt vừa chạm mắt đã tê cả lòng”, không ít lần: “Tình đã thắm gì đâu/ Sao lòng đầy nhung nhớ”, và: “Bao lần định nói yêu em/ Trái tim thổn thức càng thêm ngập ngừng”… Nhưng con người dễ bị hớp hồn bởi một đôi mắt “như có lửa”, một nụ cười “như có men say”này không phải là kẻ nông nổi, tham đó bỏ đăng. Đối với anh, tình yêu là một thiên đường: “Mặc cho mưa gió thất thường/ Tình yêu là chốn thiên đường tạnh khô”. Trên thiên đường này, anh ao ước có thể “xâu từng hạt nắng vàng”thành chuỗi ngọc, anh muốn “…đóng con tàu thời gian/ Chở đầy tiếng dế mèn rúc rích/ Hoa bưởi trắng tinh ngủ vùi trên sách/ Ngạt ngào theo giấc mơ bay’’; anh còn muốn làm cả những việc dường như bất khả như “hái tiếng chuông chùa”, như “cởi mùa thu cất trong tim”, như làm một ngọn gió, như muốn có cả trăm mùa xuân, thậm chí, muốn thời gian trôi chậm lại… để có thể xứng đáng với người yêu, với tình yêu. Tất nhiên, cũng như hầu hết chúng ta, để đến được thiên đường, mỗi người đã có biết bao lần trượt ngã, vấp váp, đau đớn, buồn khổ. Có lúc Phạm Đức Mạnh đã phải thốt lên: “Còn ta sống trọn kiếp người/ Cớ sao tiếng khóc, tiếng cười chênh vênh/ Đắng cay lên thác xuống ghềnh/ Trăm năm ngắn ngủi lênh đênh biển đời”. Có lúc anh băn khoăn, day dứt: “Vắng trăng, trời vẫn có sao/ Trần gian sáng tối còn bao thăng trầm/ Còn bao nhiêu dải sóng ngầm/ Vì sao gió cạo tím bầm thời gian”. Có lúc anh trách giận: “Sao em nỡ để mình anh hoài niệm/ Không cùng nhau sánh bước đời thường”, có lúc anh thốt lên chua xót: “Em ơi trong thế giới này/ Sướng vui thì ít đắng cay thì nhiều”… Đó là những câu hỏi, những băn khoăn lo nghĩ không ai có thể trả lời, không ai có thể giải thích, ngoài ta. Phạm Đức Mạnh đã tìm ra cách giải bằng những lời chân thật dành cho người con gái anh yêu: “Dù cuộc sống có dội thêm muôn ngàn trắc trở/ Bao câu hỏi hằn lên nét già nua/ Anh vẫn bằng lòng bữa cơm rau hạnh phúc/ Không biến ta thành kẻ sống dư thừa”. Anh hiểu cái giá của hạnh phúc: “Để đến với em/ Anh phải qua những ngọn núi trùng trùng/ Biển giận hờn sóng dữ/ Để có được em/ Anh phải dệt tỷ tỷ những giấc mơ/ Bằng máu trong cơ thể”, và cái cách anh giữ gìn hạnh phúc cũng lạ thay: “Để bên em mãi mãi/ Anh giữ trong lâu đài hạnh phúc/ Ánh mắt cười rạng rỡ pha lê”. Hơi khoa trương, hơi ồn ào một chút nhưng đâu có sao. Lời nói khi yêu mà! Tưởng qua chừng ấy câu thơ, người đọc đã phần nào nhìn thấy tâm cảm của người làm thơ. Các bài Hỏi trăng, Nếu, Chén mơ, Đừng theo trăng em nhé, Vườn thương, Con tàu thời gian, Gió ơi, Nợ tình, Cởi mùa thu nhớ, Lỡ bến, Sao em lại đến cửa chùa, Chẳng ai đẹp mãi, Ngắm em, Đời qua hai lần đò,… là những bài hay, nổi trội trong tập. Đặc biệt, Phạm Đức Mạnh làm thơ lục bát rất thành thục, nhuần nhuyễn. Sao em lại đến cửa chùa là một ví dụ cho nhận xét này:
Sao em lại đến cửa chùa
Không vui với gió không đùa với trăng
Sao em bỏ mặc chị Hằng
Cô đơn trong giải sao băng Ngân hà
Em buồn chi chuyện đã qua
Mà đem nhan sắc phủ nhòa khói hương
Về đi em với đời thường
Biết vui – biết giận – biết thương chính mình
Hãy về cùng anh cầu kinh
Nhớ câu muôn thưở trọn tình bên nhau
Thời gian sẽ hóa phép mầu
Cho em quên hết nỗi đau trên đời.
Tiếc rằng, thơ lục bát chiếm một tỷ lệ hơi ít trong một trăm bài thơ của Đừng theo trăng em nhé. Nhân đây tôi cũng muốn dành một phần bài viết cho bài thơ mà Phạm Đức Mạnh chọn làm tựa cho cả tập thơ tình yêu này.
Khi yêu, người ta ghen tuông, âu cũng là sự thường. Nhưng ghen với trăng như Phạm Đức Mạnh thì quả thật hơi hiếm. Anh nhìn trăng mà lo âu: “Em ơi trăng sáng quá/ Đừng thả hồn đi đâu/ Nhỡ mềm lòng vương vấn/ Khiến tim anh rỉ sầu”. Anh nhìn trăng mà ngần ngại: “Dù thoáng vô tình thôi/ Trăng liếc nhìn khêu gợi/ Xin em đừng mở lối/ Đau nhói lòng người yêu”.
Anh dặn dò: “Em ơi trăng sáng quá/ Đừng một mình rong chơi/ Lỡ mủi lòng vấp ngã/ Em giết anh mất rồi”. Anh còn tạo ra cho mình một vầng trăng có tên là “Trăng lứa đôi”: “Hãy cùng trăng lứa đôi/ Tát bể sầu ngăn lối/ Phía yêu thương em đợi/ Phía đợi chờ anh mong”.
Tưởng chừng ấy câu thơ, chừng ấy ý tứ cũng đã đủ lý do để chọn bài thơ Đừng theo trăng em nhé làm tên chung cho cả tập thơ. Ai cũng hiểu, người ta làm thơ là để nói lên những tình cảm chất chứa trong lòng mình.
Làm thơ, trước hết là làm cho mình, viết cho mình. Nhưng chẳng mấy ai làm thơ xong lại đem cất trong ngăn kéo. Nhu cầu chia sẻ là một nhu cầu tự nhiên, đôi khi rất bức thiết của người viết. Ngày nay, cách chia sẻ hữu hiệu, nhanh chóng nhất là đưa thơ lên một trang mạng văn chương nào đó. Phạm Đức Mạnh là một nhà báo, anh đã chọn cách “tác nghiệp” này. Các bài thơ của anh như Đừng theo trăng em nhé, Quà ghen, Anh đến vườn thơ, Sợ, Ghẹo mưa, Yêu nàng, Đôi mắt tròn xoe, Gió ơi, Nợ tình, Hoài tưởng, Bùa xuân, Vương vấn tóc thề, Nếu em tàng hình, Đi buôn… đã lập tức nhận được nhiều phản hồi. Những comment của bạn thơ xa gần là những bài “phê bình” văn học chân tình, hồn nhiên, là sự chia sẻ đằm thắm, ấm áp với người làm th ơ.Đã đành, người ta có rất nhiều phương cách để được hạnh phúc, để giữ cho cuộc đời mình được bình yên. Phạm Đức Mạnh đã chọn thơ. Vậy thì, lời cầu chúc cho anh chính là: mong anh giữ mãi được tình yêu với thơ và cùng với ngày tháng, sẽ có thêm thơ hay.
Sài Gòn 5/2013
Ý Nhi
Đã hiểu phần nào thơ của Phạm Đức Mạnh qua một số bài thơ trên trang Web này tôi đã rất ái mộ. Nay qua bài viết trên được hiểu thêm nhiều, tôi càng ái mộ hơn nữa. Xin cảm ơn chị Ý Nhi.
Chúc buổi ra mắt tập thơ của PĐM thành công và chúc anh vui/khoẻ/sáng tác…mạnh.
Thân mến,
Cửu Long