VỢT DƠI

Ngày đăng: 4/06/2013 08:35:44 Sáng/ ý kiến phản hồi (0)

Người bạn ở chung kí túc xá Trần Hưng Đạo với tôi vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước vô tình về làm rể xứ Chợ Lách, gần nhà tôi. Dân Bình Dương và ở chợ nên vừa đặt chân tới vùng nước ngọt trù phú như Chợ Lách anh cứ tấm tắc khen lấy khen để. Một năm vài lần anh về quê vợ chơi và biệt phái tôi làm… hướng dân viên du lịch cho anh! Được thôi, gì chứ chơi mà không tốn tiền thì anh chọn tôi là không sai lầm, nhất là chơi trên sông nước miệt vườn. Nhiều lần tôi dẫn anh đi giở chà tôm, đi cào hến, đi mò ốc đắng, đi soi cóc… nhưng “món” anh khoái nhất là đi vợt dơi.

Mỗi năm vào khoảng tháng năm âm lịch, bận gì anh cũng tranh thủ sắp xếp về chơi vài ngày để cùng bọn tôi đi vợt dơi. Thời điểm này chôm chôm và nhãn đang mùa chín rộ và là lúc bọn dơi sen, dơi chó, dơi quạ… lùng sục kiếm ăn ở những mảnh vườn có trái cây chín. Thời trước, khi trái cây ở Chợ Lách chưa được trồng đại trà như bây giờ, lũ dơi hoành hành kinh khủng lắm và nhà vườn đã tìm đủ cách để đuổi dơi nhưng ít có kết quả. Rồi, không biết từ sáng kiến của ai mà người ta bắt đầu biết bắt dơi bằng cách vợt chúng với chiếc vợt tự chế, đơn giản mà hiệu quả vô cùng. “Đồ nghề” để bắt dơi chỉ cần hai cây trúc thẳng, một tấm lưới (loại lưới cá lòng tong) ngang 1m, dài 2m, là được. Kết lưới thật chặt vào hai đoạn trúc là có thể sử dụng cho một mùa bắt dơi đấy hào hứng.

Vợt dơi phải lựa đêm tối trời vì dơi rất nhạy ánh sáng và tuyệt đối giữ im lặng khi đang “hành nghề”! Trong cuộc chơi này, khâu quan trọng nhất là người giả tiếng dơi kêu. Muốn giả cho giống thì người thể hiện nó phải rèn luyện công phu mới đạt tới tiêu chuẩn cần thiết để “dụ” được đàn dơi. Tiếng dơi phải phải dồn dập, nức nở như kêu cứu, như sắp chết tới nơi để đàn dơi “tưởng” một con đang mắc nạn mà bay tới “cứu” đồng loại của mình!

Lần đầu tiên tôi dẫn anh bạn ở Bình Dương đi vợt dơi, anh lo lắng vì đêm vùng quê đen kịt (bởi chúng tôi phải lựa những đêm không trăng hoặc những lúc trời chuyển mưa để… “tác nghiệp”!) và vì phải len lách trong những khu vườn rậm rạp mà không được bật đèn pin cũng như hút thuốc. Đêm, nhất là đêm ở những khu vườn vắng luôn tiềm ẩn một sự đe dọa mơ hồ nào đó từ những cơn gió lửng thửng qua người, từ tiếng côn trùng rả rít, từ tiếng cú âm vọng xa xa hay những ngôi mộ hoang nhiều giai thoại. Nhưng, có một sự mời gọi níu kéo khác lấn áp nỗi sợ hãi vốn là bản năng con người, đó là miếng thịt dơi khìa vàng ươm, béo ngậy; miếng dơi luộc trắng tươi thơm lừng hay miếng dơi chiên phưng phứt mùi sả ướp. Chỉ nghĩ đã thèm, đã muốn nâng ly dưới bàn bạc trời đêm châu thổ để tha hồ buồn vui cùng thế sự mà không sợ người đời dòm ngó.

Địa điểm để vợt dơi phải được chọn bởi những người có kinh nghiệm, vì nếu không thì có ngồi trắng đêm thì cũng… ngáp ruồi! Nơi được chọn thường là khoảng trống giữa hai mảnh vườn (người trong nghề gọi là “luồng”) hoặc dọc những con đường mòn mà hai bên là vườn nhãn chín. Khi đã định vị, người cầm vợt (phải có đôi tay khỏe và chắt vì phải giữ tư thế căng vợt khá lâu và ít dao động). Lúc này, người giả tiếng dơi kêu bắt đầu phần việc của mình. Anh ta sẽ đút ngón tay cái và tay trỏ vào môi lấy hơi nút một cách điệu nghệ. Âm thanh phát ra từ miệng anh ta được điều chỉnh sao cho càng lúc càng giống tiếng dơi kêu rồi bắt đầu nức nở, thảm thiết. Anh bạn ở Bình Dương cực kỳ ngạc nhiên về năng khiếu này của người thể hiện khi lần đầu tiên được nghe và anh so sánh anh này với một nghệ sỹ nháy giọng bật thầy của Việt Nam. Đợi chừng 15 phút thì âm thanh ảo kia sẽ bắt đầu phát huy tác dụng. Từng con dơi mang trong mình “tinh thần đoàn kết” từ từ lâm nạn bởi chiếc lưới bén của đám người tiến hóa bậc cao nhiều thủ đoạn! Kết thúc một đêm vợt dơi bao giờ tôi cũng mang tâm trạng buồn buồn ra về nhưng không dám lòi ra trước sự hứng khởi của đám bạn và vì sợ bạn cười sự “vô lý” của mình. Sau này, có người còn đề nghị thu âm tiếng dơi kêu như người ta thu âm tiếng cu, tiếng quốc rồi phát ra loa để gài bẫy. Họ đã thử nhưng không thành công vì dơi nhạy cảm hơn những động vật khác nhiều. Vã lại, điều chỉnh cho âm thanh nghẹn ngào, thảm thiết của kẻ mắc nạn để đánh lừa được giác quan của loài dơi thì không máy móc nào thể hiện khéo léo bằng con người.

Vợt dơi ngoài việc bảo vệ trái cây cho nhà vườn nó còn là một thú tiêu khiển mang chút lãng mạn của người thích khám phá, thích thử thách sự chịu đựng của mình vì có khi nằm im lặng chờ đợi suốt mấy tiếng đồng hồ trong đêm vắng chỉ để “thưởng thức” tiếng muỗi vo ve bên tai, tiếng chó sủa hoang, tiếng vạc sành não nuột hay chỉ là bản trầm ca của đám ễnh ương gọi mùa. Có khi, đó cũng là chút thời gian hiếm hoi để lắng đọng, để nghĩ đến một điều gì đó trong sáng, hối cải (và có cả vị tha) của kẻ có quá nhiều tục lụy ở cõi người “bao la sầu” này!

Như đã giới thiệu, dơi dễ chế biến, dễ ăn và nhất là dễ làm món… nhậu! Bạn bè xa tới chơi ở lại một hai ngày thì nhất định phải cho thưởng thức cái “món” vợt dơi một lần cho biết. Sau sự lãng mạn của cái thú tiêu khiển miệt vườn ấy thì ngồi nhấm nháp miếng thịt dơi ngọt ngây cùng chút rượu đế trên chiếc bàn con bên dòng sông đầy gió trong đêm thanh tịnh để rỉ rả về tình đời, tình người thì có gì bằng? Bây giờ mùa nào trong năm ở Chợ Lách cũng có nhãn chín vì vậy mà đi vợt dơi lúc nào cũng được. Bạn có thèm miếng thịt dơi khìa vàng ươm, béo ngậy; miếng dơi luộc trắng tươi thơm lừng hay miếng dơi chiên phưng phức mùi sả ướp rồi nâng ly dưới bàn bạc trời đêm vùng châu thổ? Mời!

                                                                                  Bút ký của Ngọc Vinh

 

                  thịt dơi khìa vàng ươm, béo ngậy;

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác