Chuyện ghi từ một chuyến bay

Ngày đăng: 11/06/2013 09:01:26 Chiều/ ý kiến phản hồi (1)

Sáng 11-6-2013, trời Hà Nội vẫn còn dịu mát. Trưa qua tôi từ Saigon ra Hà Nội được nhiệt liệt chào mừng bởi một trận mưa hoành tráng, lênh láng đường sá. Nhờ vậy mà trời dịu mát. Nghe kể là ngày hôm trước, trời… oi bức khổ sở. Vậy là hay không bằng hên, tôi vốn là kẻ chịu lạnh giỏi mà chịu nóng dở ẹt.

Hơn 6 giờ 30 sáng một chút, trong khi chờ taxi tới đón ra sân bay, tôi rời khách sạn ở khu vực Cầu Giấy đi lòng vòng kiếm cái gì ém cái bao tử đang dậy sóng Hồng Hà. Hàng quán chưa mở cửa, hình như người Hà Thành ngủ sớm dậy muộn, không giống như dân Saigon thức khuya dậy sớm. Thôi thì đành ém bụng ra sân bay ăn luôn.

Nhờ đi sớm, tránh được kẹt xe vào giờ cao điểm sáng (khoảng 7 giờ), taxi chạy từ Cầu Giấy ra tới sân bay Nội Bài mất 40 phút. Taxi của hãng Airport Taxi (Vietnam Airlines) đón khách từ thành phố ra với 3 mức giá: 230.000, 250.000 và 270.000 đồng; trong khi giá chính thức chiều vào từ sân bay tới nội đô là 350.000 đồng/người (lúc ế có thể rẻ hơn – chủ yếu do tài xế nhận định mức khoán theo ngày nên họ có thể linh động mà kiếm khách). Tôi nói với anh chàng lái taxi là sao mà Hà Nội có nhiều hãng taxi quá, hoa cả mắt. Anh chàng cho biết Hà Nội hiện có tới 117 thương hiệu taxi. Chỉ cần 2-3 chiếc xe cũng có thể lập một thương hiệu rồi. Đúng là loạn cào cào. Điều đáng nói là chỉ có một số ít hãng taxi chính danh, còn phần lớn là “taxi đểu”. Gọi là “taxi đểu” là những chiếc xe nho nhỏ (kiểu Matiz, Morning…) với những thương hiệu là lạ mà tài xế hầu hết là dân tỉnh khác, nhiều khi không rành đường, báo hại khách phải hỏi đường mà chỉ cho họ lái. Loại taxi này cũng lấy cước “đểu” lắm. Có cô bạn leo lên xe taxi “đểu”, tài xế báo giá “20”, cô tưởng 20.000 đồng, ai dè lát hắn đòi 20 USD.

Tôi đã 2 lần nếm mùi taxi Hà Nội như vậy. Một lần đi taxi “hàng hiệu” từ sân bay Nội Bài vào khu phố cổ, tôi hỏi anh chàng tài xế trẻ măng có biết đường không và nhận được lời khẳng định “rành đường mà”. Ai dè, anh chàng chở tôi đi vòng vòng cả tiếng đồng hồ, không biết đường nào vào phố Hàng Mành, báo hại tôi phải xuống xe, kêu một taxi khác. Lần khác từ phố Hàng Mành đi taxi tới gặp người bạn ở một khách sạn cũng ở khu phố cổ, tài xế vừa lái vừa hỏi đường tứ tung, chạy hơn 30 phút lòng vòng mới tới. Khi về, tôi đón xe ôm, chỉ băng qua 2 con phố, mất chừng 5 phút là trở lại nơi tôi ở. Hai nơi gần tới mức tôi có thể đi bộ chỉ khoảng 15 phút.

Nhờ sáng sớm hôm qua đã mở Internet vào website của VNA mà check-in qua mạng, chọn được ghế ngồi và in boarding-pass tạm, tôi hoàn thành thủ tục check-in ở sân bay nhanh chóng. Chỉ việc đưa tờ boarding-pass đó kèm chứng minh nhân dân cho quầy dành riêng cho hành khách check-in qua mạng, khách có thể gửi hành lý và nhận được tờ boarding-pass chính thức.

Cái bao tử liên tục gọi điện thôi thúc khiến tôi phải vội vã ghé vào nơi bán đồ ăn, thức uống trong sân bay. Một gói mì Vifon kèm thêm 4-5 lát thịt heo xắt mỏng giá 50.000 đồng và 1 ly trà Lipton nóng giá 25.000 đồng. Giá trên trời (sky-price) vì của sân bay mà, hầu như nước nào cũng vậy thôi, chỉ khác nhau ở “độ cao”.

Tôi leo lên chiếc máy bay Airbus A 321 chuyến VN231 của hãng Vietnam Airlines từ Hà Nội về lại Saigon.

Khi máy bay lăn ra đường băng chuẩn bị cất cánh, cô tiếp viên đã 2-3 lần nhắc nhở ông khách cán bộ công ty nào đó từ Hà Nội vào Saigon công tác ngồi ở ghế 16F hãy tắt điện thoại. Nhưng ông ta tỉnh bơ, cứ cà kê cho hết cuộc nói chuyện mới thôi. Vậy mà cô tiếp viên vẫn “chịu đựng”. Hay thiệt à nghen.

Tới chừng máy bay chuẩn bị hạ cánh, cô tiếp viên yêu cầu ông khách ngồi ghế 14D trước đó bỏ ghế của mình ra ngồi ở hàng ghế trống cho thoải mái hãy trở lại ghế của mình, ông ta tỉnh bơ, ngồi đọc cho xong tờ báo mới chịu trở về chỗ cũ lúc máy bay đã thả càng. Vậy mà cô tiếp viên vẫn “chịu đựng”. Hay thiệt à nghen.

Hai anh chàng ngồi ghế 16B và 16C mới thiệt là quái chiêu. Cô tiếp viên năm lần bảy lượt yêu cầu tắt điện thoại để máy bay hạ cánh an toàn, nhưng cả hai đều tỉnh bơ, mê mải chơi game trên chiếc smartphone cho tới tận khi máy bay đã hạ cánh. Thậm chí anh chàng 16C sau khi đưa smartphone cho bạn chơi tiếp đã lấy chiếc điện thoại thứ hai ra hí hoáy chơi. Vậy mà cô tiếp viên vẫn “chịu đựng”. Hay thiệt à nghen.

Thú thiệt, tôi rất ngạc nhiên khi thấy cô tiếp viên VNA nói giọng miền Bắc quá “hiền”. Lẽ ra, cô phải cứng rắn yêu cầu hành khách phải chấp hành quy định của hàng không quốc tế là không được sử dụng bất cứ thiết bị điện tử nào khi máy bay cất cánh và hạ cánh. Bởi sóng điện từ có thể gậy nhiễu hệ thống điện tử của máy bay trong những thời điểm quan trọng đó. Phải chăng cô tiếp viên đã quá quen với những hành khách như vậy? Phải chăng cô “ưu đãi” (hay “sợ”) những hành khách cùng miền với mình? Phải chăng cô chẳng quan tâm tới an toàn sinh mạng của cả chuyến bay? Phải chăng sự lo ngại của ngành hàng không thế giới như vậy là không có cơ sở? Phải chăng máy bay của hãng hàng không ở Việt Nam có “bí quyết” để khử nhiễu sóng điện tử?

Có lẽ có bạn sẽ thắc mắc vì sao tôi thấy chuyện như vậy mà không có ý kiến ngay tại chỗ? Thú thiệt, mấy hành khách này có vẻ mặt ngầu quá, cho dù biết chắc họ đều là dân “white-collar”. Nhưng cái chính là trên chuyến bay có không ít hành khách chẳng màng gì tới các lời nhắc nhở của tiếp viên như vậy. Tôi đành bó tay thôi!

Tôi từng ra Hà Nội trên dưới 20 lần và có nhận xét như vầy: dường như khá đông người ở đó ít quan tâm tới chuyện chấp hành những quy định chung. Phải chăng do ở gần “mặt trời” nên riết rồi quen, họ không còn biết sợ nóng? Hay là vốn dĩ như vậy? Hy vọng là tôi bị lầm!

    PHẠM HỒNG PHƯỚC
   (Saigon 11-6-2013)

   H1:  Hai tay hai điện thoại vô tư xài khi máy bay đang hạ cánh

 

Có 1 bình luận về Chuyện ghi từ một chuyến bay

  1. Đinh Kim Phúc nói:

    Tự nhiên như người Hà Lội mà anh Phước. Có một nghiên cứu nhỏ về người Hà Lội nhưng không dám công bố: tại sao họ có những hành vi như anh Phước kể, tại sao họ dễ sử dụng bạo lực với nhau khi có những va chạm không đáng…Mọi người hãy đặt câu hỏi, có thể tự mình  tìm được câu  trả lời.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác