Nhật ký: Tết bánh trôi

Ngày đăng: 12/04/2013 06:50:19 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

 

Người miền Nam rặt chắc ít ai biết tới cái ngày gọi là “tết Hàn Thực” vào ngày mùng 3-3 âm lịch (năm nay là ngày thứ Sáu 12-4-2013). Người miền Bắc (chủ yếu ở vùng Hà Nội và lân cận) thì ăn cái tết này có phần rôm rả hơn, nhưng thường Việt hóa thành tên gọi “tết bánh trôi – bánh chay”. Nhưng họ cũng chỉ coi đây là một ngày đặc biệt hơn ngày thường để lễ Phật và cúng gia tiên của mình. 


Người Việt mình ăn cái tết này chẳng theo cái tên nguyên thủy của nó là tết Hàn Thực (đồ ăn lạnh), mà làm bánh trôi, bánh chay, nấu xôi chè để trước cúng cho tổ tiên “thượng hưởng”, sau là cho cả nhà cùng “hạ hưởng”. Họ cũng chẳng cần quan tâm tới chuyện đây là một sự kiện gắn với một điển tích của Trung Hoa cổ. Lẽ giản đơn thôi, có biết bao lễ tết của dân Việt mình có xuất xứ không gần thì xa từ Trung Hoa. Lạc Long Quân vốn là cháu năm đời của vua Thần Nông – tổ tiên của người Trung Hoa (buồn quá, con cháu cùng một ông tổ mà luôn kẻ mạnh hiếp người yếu, uýnh nhau chí chóe, hận thù truyền kiếp chất ngất). Sau này, nước Việt còn bị Trung Hoa đô hộ cả ngàn năm, việc chịu ảnh hưởng bởi văn hóa phương Bắc là không thể tránh khỏi. Điều đáng tự hào là tổ tiên người Việt ta chỉ chịu ảnh hưởng, nhưng không để bị đồng hóa với người Trung Hoa. 


Theo sách cổ “Đông Chu Liệt Quốc”, vào đời Xuân Thu, vua nhà Tấn là Tấn Văn Công gặp loạn phải lưu vong, lúc ở nước Tề, khi ở nước Sở. Vua có hiền sĩ Giới Tử Thôi theo phò giúp. Có lần cạn lương thực. Tử Thôi lén cắt thịt đùi mình nấu cho vua Tấn ăn, khiến vua rất cảm kích. Hiền sĩ này đã theo phò vua Tấn suốt 19 năm trời. Sau khi giành lại được ngôi vua, Tấn Văn Công trọng thưởng cho những người có công lao phò tá mình trong những năm lưu vong gian truân, nguy hiểm. Ngặt một điều là nhà vua lại quên béng mất công lao của Tử Thôi. Ông này bèn đưa mẹ vào núi ẩn dật. Mãi sau này vua Tấn mới nhớ ra Tử Thôi nên sai người đi tìm, nhưng hiền sĩ không muốn về kinh lãnh thưởng. Vua Tấn ra lệnh đốt rừng với ý muốn Tử Thôi phải ra, nhưng ông này kiên quyết cùng mẹ chịu chết cháy. Vua Tấn thương tiếc mới ban chiếu chỉ cho dân hàng năm từ ngày mùng 3 tới mùng 5 tháng 3 âm lịch phải kiêng đốt lửa 3 ngày, chỉ ăn đồ ăn nguội đã nấu sẵn từ trước. Và từ đó, ngày tết Hàn Thực ra đời ở… Trung Hoa.

Người Việt ta chỉ ăn tết Hàn Thực đã được Việt hóa thành tết bánh trôi – bánh chay vào ngày mùng 3 tháng 3 và cũng chỉ coi đó là một dịp để thờ cúng gia tiên, chẳng liên quan gì tới điển tích Giới Tử Thôi mà cũng vẫn nổi lửa nấu ăn như mọi ngày.
Theo tập tục, vào ngày này, người ta dâng lên bàn thờ mâm cúng gồm: nhang, hoa, trầu cau, 5 (hoặc 3) chén bánh trôi, 5 (hoặc 3) chén bánh chay. Bánh trôi và bánh chay có hình thức và cách làm na ná nhau, đều có vỏ là bột gạo nếp pha bột gạo tẻ (tỷ lệ 9:1 hay 8:2) và được thả vào nồi nước sôi luộc chín. Bánh trôi nhỏ hơn và có nhân là đường phèn đỏ cứng. Bánh chay lớn hơn và có nhân là đậu xanh bỏ vỏ hấp nghiền nhuyễn. Nói chung, bánh trôi giống chè xôi nước nhân đường tán và bánh chay giống chè xôi nước nhân đậu ở trong Nam. 
Tôi thì chỉ coi tết bánh trôi – bánh chay là một trong những phong tục của người Việt miền Bắc với ý nghĩa lễ Phật và thờ cúng gia tiên. Đó là một tập tục tốt đẹp có tính đạo lý mà không nhuốm màu sắc mê tín. Và tôi khoái gọi ngày 3-3 âm lịch là tết bánh trôi – bánh chay thay vì cái tên tết Hàn Thực đầy xa lạ và chẳng mang tính dân tộc chi ráo.

PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 12-4-2013)

Hình 1:  Cảnh mua bán bánh trôi và bánh chay cúng trong ngày 3-3 âm lịch năm nay ở Hà Nội.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác